Trang chủ Văn hóa Du lịch Thăm nơi Đức Phật tu hành và đắc đạo (kỳ 2)

Thăm nơi Đức Phật tu hành và đắc đạo (kỳ 2)

65

Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật

Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều ngôi chùa của các quốc gia đại diện cho các châu lục trên toàn thế giới. Nhiều nhất là chùa của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Bu-tan. Mỗi chùa có một nét kiến trúc đặc trưng riêng theo phong cách của từng nước. Việt Nam đã xây dựng 4 chùa tại đây. Ngôi chùa đầu tiên mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Ngôi chùa này được các  bạn Ấn Độ đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất, cao nhất và có khuôn viên rộng nhất trong số  hàng trăm ngôi chùa của các nước tại đây.

Chính điện chùa Việt Nam Phật Quốc Tự.

Trên đường đi từ sân bay Bốt Ga-y-a về Bồ Đề Đạo Tràng – nơi có cây bồ đề linh thiêng mà Phật Thích Ca đã tu hành đắc đạo – Thiền sư Thích Huyền Diệu đã chỉ cho chúng tôi ngôi chùa Việt Nam mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Ngôi chùa rất dễ phân biệt với các ngôi chùa khác bởi từ xa đã trông thấy một ngọn tháp có kiến trúc rất đẹp với mái ngói cong cong đặc trưng của kiến trúc đình chùa Việt Nam cao vút lên trời xanh. Chùa cũng tọa lạc ở vị trí đất khá cao nên Việt Nam Phật Quốc Tự càng nổi bật so với hàng trăm ngôi chùa khác.

Sau khi dẫn chúng tôi thăm cây bồ đề linh thiêng và chùa Bồ Đề Đạo Tràng, Thiền sư Thích Huyền Diệu đưa chúng tôi về thăm và làm lễ tại Việt Nam Phật Quốc Tự. Lý giải về tên của chùa, Thiền sư Thích Huyền Diệu cho biết: "Tên chùa là Việt Nam Phật Quốc Tự do tôi đặt, là đặt Tổ quốc lên trên hết”. Cùng với tên này, tại vùng  Lâm-tì-ni (Lumbini) của nước Nê-pan (Nepal), nơi Phật giáng trần, cũng có một ngôi chùa Việt Nam do Thiền sư Thích Huyền Diệu xây dựng. Ông là người xây dựng và  trụ trì của cả hai chùa mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Trong đó Việt Nam Phật Quốc Tự tại Nê-pan là ngôi chùa quốc tế đầu tiên tại nơi Phật giáng trần, Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt-ga-y-a (Ấn Độ) là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi Đức Phật tu hành và đắc đạo.

Trong khu vực Bồ Đề Đạo Tràng còn có 3 ngôi chùa khác của Việt Nam được xây dựng sau Việt Nam Phật Quốc Tự là chùa Độ Sanh do một nhà tu hành người Mỹ gốc Việt đầu tư xây dựng, chùa Viên Giác do một nhà tu hành  người Đức gốc Việt tên là Thích Như Điền đầu tư xây dựng, tịnh xá Kỳ Hoàn do thầy Thích Giác Viên, đến từ Vũng Tàu đầu tư xây dựng.

Việt Nam Phật Quốc Tự được khởi công xây dựng từ năm 1987 trong khuôn viên rộng 3,4ha. Đến nay chùa  đã hoàn thành được cổng tam quan, tháp chuông và  chính điện. Tháp chín tầng (cao nhất trong các tháp chùa ở xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng) cũng vừa mới hoàn thành phần xây lắp, chưa hoàn thiện phần nội thất bên trong. Đứng trên tầng thứ 9 của tháp có thể nhìn thấy hầu hết các ngôi chùa xung quanh. Hiện nay nhà chùa còn đang xây dựng nhà khách ba tầng (đã xây dựng được hai tầng) với kiến trúc khá đẹp mắt. Khi hoàn thành, nhà khách này có thể đón tiếp và bố trí nơi ăn, nghỉ cho  500 khách.

Cổng tam quan, tháp chuông và chính điện của Việt Nam Phật Quốc Tự đều có mái cong mềm mại theo như mô-tuýp của các ngôi chùa Việt Nam. Chúng tôi để ý thấy các câu đối, trướng và các chữ viết trong chùa đều dùng chữ Việt Nam (chữ Quốc ngữ). Theo Thiền sư Thích Huyền Diệu, phải dùng chữ Việt Nam để mọi người Việt Nam đến đây đều đọc được và nhắc nhở họ phải nhớ về Tổ quốc. Trong chính điện, ngoài các bức tượng Phật, còn có hai bàn thờ lớn là: Bàn thờ Tổ quốc thờ những người đã có công dựng nước Việt Nam và Bàn thờ các Anh hùng liệt sĩ-những người đã có công gìn giữ đất nước Việt Nam. Nói chuyện với chúng tôi, Thiền sư Thích Huyền Diệu luôn tỏ lòng tri ân đất nước Việt Nam và rất thích lời của bài hát “Quê hương”: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

Vườn trong khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự rất rộng. Thiền sư Thích Huyền Diệu cho trồng đầy những cây xanh. Trong vườn có nhiều cây liên quan đến đạo Phật, nhiều cây thuốc rất quý. Trong vườn cũng có khá nhiều cây được đem từ Việt Nam trồng tại đây như bụi tre Đằng Ngà gắn với truyền thuyết Thánh Gióng, cây mai vàng quê hương của Thiền sư Thích Huyền Diệu… Trong vườn của Việt Nam Phật Quốc Tự còn có cây bồ đề được ươm từ cây bồ đề linh thiêng nơi  Phật Thích Ca tu hành và đắc đạo. Vườn còn có nơi ươm giống cây bồ đề từ hạt cây bồ đề linh thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng. Thiền sư Thích Huyền Diệu cho biết: Trong năm Canh Dần này, ông sẽ gửi về Việt Nam 40 cây bồ đề nảy mầm từ hạt cây bồ đề nơi Phật Thích Ca ngồi dưới bóng cây thiêng.  Tôn trọng quy luật của tự nhiên, Thiền sư Thích Huyền Diệu cho cây cối trong vườn mọc… tự nhiên. Những con đường trong khuôn viên nhà chùa  được thiền sư cho xây dựng quanh co, khúc khuỷu, không thẳng tắp, như đường đời vốn quanh co vậy.

Trong vườn của chùa còn có một số tượng gợi nhớ Việt Nam và đạo Phật như tượng cậu bé cưỡi trâu, nhóm tượng “Tôn Ngộ Không”… Có một điều lạ, khác với các chùa ở Việt Nam là trong khuôn viên của Việt Nam Phật Quốc Tự, từ cổng lên chùa, dãy nhà ở của các nhân viên trong chùa, nhà ở của khách… chỗ nào cũng thấy có bản đồ Việt Nam. Trả lời thắc mắc của chúng tôi về vấn đề này, Thiền sư Thích Huyền Diệu, khẳng định: "Tôi cho đắp  và cho vẽ rất nhiều bản đồ Việt Nam là để gợi cho mọi người Việt Nam đến đây lúc nào cũng nhớ đến quê hương, đất nước. Ai quên đất nước Việt Nam thì phải tìm đường mà về. Khi nào tôi chết, nếu có ai đó  muốn xóa bản đồ Việt Nam ở đây  cũng không xóa hết được".

Lúc chúng tôi đến thăm, trong Việt Nam Phật Quốc Tự có khoảng hai chục người Việt Nam, chủ yếu là tăng ni, Phật tử  đến đây để học tập. Trong số học sinh của Thiền sư Thích Huyền Diệu tại đây có một số người Ấn Độ. Ngoài ra còn có một số người địa phương vùng Bốt Ga-y-a đến làm các công việc trong chùa như xây dựng nhà cửa, chăm sóc vườn cây, quét dọn vệ sinh…

Tháp 9 tầng trong khuôn viên chùa Việt Nam Phật Quốc Tự.

Thiền sư Thích Huyền Diệu kể lại quá trình xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt Ga-y-a khá gian nan. Tiền xây dựng chùa là do các học sinh của thiền sư từ nhiều quốc gia trên thế giới đóng góp là chủ yếu, lúc nhiều, lúc ít. Trong quá trình xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt Ga-y-a thì ông lại được Nhà nước Nê-pan cấp đất để xây cất ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần. Trong một lúc thiền sư phải chỉ đạo việc xây dựng chùa ở cả hai nơi… “Điều làm tôi rất vui là đồng bào Việt Nam khi sang thăm Bồ Đề Đạo Tràng đều ghé thăm Việt Nam Phật Quốc Tự” – Thiền sư Thích Huyền Diệu bộc bạch.

Thiền sư Thích Huyền Diệu là một nhà khoa học, đã và đang đi khắp năm châu bốn biển (mà thiền sư thường nói đùa là đi "làm thuê") để giảng dạy về mật pháp, lòng tri ân, tu tập chữa bệnh, thuyết trình về vấn đề quan hệ quốc tế… Ông nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ấn Độ, tiếng Nê-pan…, nhưng ông luôn khuyên bà con người Việt ở Ấn Độ nên dùng tiếng Việt Nam. Mấy năm trước, thiền sư đã từng một mình vào rừng Nê-pan thuyết phục các phe phái (đang đánh nhau) buông súng, ngồi vào bàn đàm phán, và ông đã thành công. Ông được giới chức Nê-pan nể trọng, đánh giá cao, và đề nghị tặng huân chương, thậm chí còn gợi ý đề nghị tặng giải Nobel, nhưng thiền sư đều từ chối… Năm 1993, ông đã được Nhà nước Nê-pan cấp phép xây dựng ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần. Từ ngôi chùa đầu tiên này, đến nay, vùng Lâm-tì-ni (Nê-pan), nơi Phật giáng trần đã mọc lên nhiều ngôi chùa của các quốc gia khác, góp phần làm hồi sinh vùng đất thiêng này. 

Tiếp xúc với Thiền sư Thích Huyền Diệu, chúng tôi vô cùng kính phục về sự hiểu biết của ông trong cả việc đạo và việc đời, cả các vấn đề trong nước và quốc tế. Tuổi đã cao, nhưng sức khỏe của ông vẫn dẻo dai như thanh niên. Có một điều khó tin, nhưng ông quả quyết với chúng tôi, đó là sự thật: Ở tuổi thiếu niên, ông là một cậu bé yếu ớt, có rất nhiều bệnh tật, học tập không giỏi lại hay bị gián đoạn. “Tôi vốn là  một đứa bé rất tầm thường, chỉ số thông minh thuộc loại thấp, trí nhớ khá yếu, có lẽ vì tôi bị nhiều chứng bệnh nan y ngay từ nhỏ. Nhiều bạn học cùng lớp cực kỳ thông minh và trí nhớ thật đặc biệt, thầy cô giảng điều gì là nhớ ngay và lặp lại đúng y hệt. Còn tôi thì học  rất chậm, và nhớ càng chậm hơn…” – Trong hồi ký của mình, Thiền sư Thích Huyền Diệu đã viết như vậy.

Từ một cậu bé như vậy, nhưng nhờ có các thầy chỉ bảo và quá trình tự học, tự rèn luyện, Thiền sư Thích Huyền Diệu đã chiến thắng được bệnh tật, thu nạp được nhiều kiến thức. Cuộc đời của Thiền sư Thích Huyền Diệu là tấm gương tốt cho nhiều người.

Thời gian đến thăm Việt Nam Phật Quốc Tự không nhiều, nhưng như có phép màu nhiệm nào đó, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi, sau khi thăm, ai cũng có cảm giác muốn được làm một việc gì đó để quê hương đất nước thêm giàu, thêm đẹp.