Trang chủ Diễn đàn Vấn đề của lễ hội tháng giêng: Chùa thành chợ? Chợ “lễ...

Vấn đề của lễ hội tháng giêng: Chùa thành chợ? Chợ “lễ chùa”?

103

Việc hoạt  động thương mại dịch vụ  hình thành khi có hiện tượng đông người tụ tập tại một địa điểm là một việc bình thường, tất nhiên.

Do vậy, bài viết này không nhằm phê phán hiện tượng “chùa thành chợ” trong lễ hội tháng giêng, mà chỉ  nhằm ghi nhận, nhận định và đề ra hướng điều chỉnh sao cho có thể hạn chế mặt tiêu cực và khai thác mặt tích cực của hiện tượng này, sao cho thuận lợi hơn hết đối với hoạt động hoằng pháp.

Cách đây vài năm chúng tôi có dịp đi lễ hội chùa ở một ngôi chùa di tích lịch sử gần Hà Nội. Ngôi chùa không lớn, nhưng chúng tôi thật sự bất ngờ vì một hội chợ hình thành ngay trước cửa chùa, kéo dài theo lối vào chùa, đến tận chánh điện.

Người ta bán đủ thứ: nước uống, thức ăn, nhang đèn, đồ kỷ niệm, đồ trang sức, nón dép…và những dịch vụ có tính cờ bạc như …lô tô, bầu cua…

Người bán  đông, người mua cũng đông, chen chúc xô bồ, rác ruỡi hơn cả một chợ xép.

Một số  chùa lớn ở TPHCM cũng thế, trong dịp tết, rằm tháng giêng. Nhưng có điều, chợ ở chùa tại TPHCM và các tỉnh phía Nam có quy mô nhỏ hơn, sạp hàng thường là những chiếu trải trên đất, hay trên…tay người bán. Vì vậy, chợ “cơ động” hơn, di chuyển thường theo hướng vào trong sân chùa.

Cũng cần ghi nhận ý thức ngăn chận từ phía nhà chùa. Nhà chùa tất nhiên không thể chia sẻ với sự bát nháo, nhếch nhác của hình thức chợ chồm hổm, chợ tự phát này mang lại.

Hơn nữa, có chợ thì tất nhiên có ăn mày, có  móc túi, giật dọc, và là chợ trước cửa chùa, nên có cả sư…giả.

Tuy nhiên, cửa chùa là cửa từ bi, nên nhà chùa không thể phản ứng mạnh. Nơi nào chính quyền địa phương làm căng, thì cái chợ tự phát  đó lại có hướng chạy vào chùa ẩn náu. Tình trạng xô bồ cho cửa Phật lại có phần tệ  hại hơn.

Mặt tiêu cực thì đã rõ, nhưng cũng cần ghi nhận mặt tích cực để tìm hiểu, giải quyết vấn đề.

Chợ  là một thành tố của hội. Đã có hội thì  đã có yếu tố để hình thành chợ. Không thể  tách hội và chợ được.

Chợ  ngoài đời có những ưu điểm nhất nên khi nó vẫn tồn tại và hoạt động đến hôm nay, ngay cả ở những nước phát triển.

Đối với hội, chợ đáp ứng nhu cầu của đám đông đang có mặt. Đám đông cảm thấy tiện nghi hơn khi họ sử dụng những lợi ích mà chợ tự phát mang lại. Chính vì  đáp ứng được nhu cầu đám đông, nên chợ trước chùa, chợ trong chùa hình thành và ngày càng phát triển.

Bên cạnh yếu tố phục vụ đám đông, chợ còn có  vai trò hình thành đám đông.

Tự thân chợ là một đám đông. Đám đông chợ  tự nó trở thành một sự mời gọi tập hợp. Đông có nghĩa là vui. Vui trở thành sự  thu hút. Do đó, chợ trước cửa chùa cũng cần  được nhìn nhận với vai trò góp phần thu hút người đến hội chùa.

Chợ  cũng góp phần giữ chân khách lễ chùa, duy trì  thời gian có mặt tại chùa của khách. Đi chùa, nhất là thanh niên, có ai về ngay sau khi lễ Phật? Người vào quán nước, người đến các chiếu hàng…

Góp phần mời gọi đám đông, phục vụ đám đông, duy trì  đám đông, những yếu tố tích cực của “chợ  lễ chùa” khiến chúng ta không thể đặt vấn  đề xóa bỏ nó, hạn chế nó. Mà có muốn xóa bỏ hay hạn chế cũng không được. Thực tế  đã cho thấy điều đó. Nhà chùa thì không bao giờ có đủ khả năng và hiệu quả tác động. Còn địa phương ra tay thì chợ lại di chuyển vào chùa, để “nương náu” cửa Phật.

Như vậy, vấn đề còn lại là chúng ta tìm cách chuyển hóa những chợ lễ chùa tự phát đó theo hướng lễ chùa có lợi cho Phật giáo.

Nhiều  ý kiến phản đối tất nhiên sẽ có, và cũng rất hợp lý. Đem chợ vào chùa? Chấp nhận chợ lễ chùa?

Nếu không xóa bỏ được, loại trừ được, thì việc sống chung với chợ lễ chùa là điều tất nhiên. Chỉ còn chuyện sống chung như thế nào mà thôi.

Hạn chế  đầu tiên của tất cả mọi loại chợ là  mất vệ sinh. Mất vệ sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm và thanh tịnh của cửa Phật. Việc giải quyết vấn đề này nằm trong tay nhà chùa. Cần tổ chức hoạt động phục vụ vệ sinh đối với chợ lễ chùa như một chợ thật sự. Đã thế thì phải lo, vì nếu để chợ dơ bẩn, thì dơ bẩn cho không gian nhà chùa và chung quanh nhà chùa mà thôi.

Yêu cầu có các phương tiện phục vụ vệ sinh lưu  động là một yêu cầu rất chính đáng với cơ  quan chức năng. Nếu không được đáp ứng như  một dịch vụ công ích, nhà chùa có thể tự thuê những phương tiện phục vụ lưu động. Đặt vấn đề này ra có vẻ buồn cười và không tế nhị, nhưng không thể bỏ qua. Trên tầng đỉnh của Đền Thánh Phêrô ở Vatican, người ta vẫn đặt nhà vệ sinh cho khách tham quan. Điều đó không hề mâu thuẫn với nơi tôn nghiêm nhưng có đông người.

Chợ  lễ chùa, nếu tổ chức trật tự, ngăn nắp là  điều đáng mừng và khi đi đó thì quy mô của chợ không còn là vấn đề nữa. Chợ cứ phát triển thu số lượng khách lễ  chùa.

Vào những ngày tổ chức chiêm bái Phật ngọc, thì đoạn  đường trước cửa chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TPHCM) trở thành một đoạn đường chợ. Nhưng có điều là hàng hóa chỉ bày trước cửa căn nhà dọc theo đoạn đường, không lấn chiếm thô bạo lòng đường (vì có lấn chiếm cũng không thể trước lưu lượng người quá đông). Người ta bán gì: dĩa CD, VCD, Mp3 giảng pháp, ảnh tượng Phật, đồ lưu niệm có hình Phật, kinh sách, thức ăn chay… Đáng mừng quá đi chứ, tại sao không? Chợ tự phát ở đây đã góp phần tạo nên không khí lễ hội và duy trì nó trong suốt thời gian chiêm bái Phật ngọc.

Trước đó, một khu vực lớn trước cửa Bát Bửu Phật Đài, Bình Chánh, TPHCM (thường được gọi là “Phật Cô đơn”) cũng có một chợ. Chợ biệt lập với chùa dù khi vào chùa trong số nhiều cửa, phải đi qua chợ. Chợ có lẽ do địa phương tổ chức cho dân địa phương buôn bán, nên khá nề nếp, có sạp, có gian. Không biết bây giờ chợ này có còn không?

Như chúng tôi đã trình bày trong một bài viết trước, chợ  xép hình thành trên đường dẫn lên chùa Phật Quang (núi Dinh, Bà Rịa Vũng Tàu) trong lễ Phật Thành đạo là một chỉ dấu cho thấy đây là một lễ hội mới. Chợ lễ chùa nhóm ngoài đường, cách xa khuôn viên chùa, nên không ảnh hưởng tiêu cực đến chùa.

Những chợ  lễ chùa ngăn nắp, biệt lập, có tổ chức như vậy, đều là những trường hợp có thể  tham khảo. Địa phương có vai trò tích cực trong việc hình thành những chợ tổ chức, ngăn nắp, vệ sinh, phục vụ tốt cho lễ hội.

Trong những trường hợp đặc biệt, khi mặt bằng không cho phép hình thành những chợ lễ chùa tách biệt, thì  không nên tìm cách xóa bỏ chợ, loại trừ chợ, mà nên đưa chợ vào sân chùa một cách có tổ chức, trong sự đảm bảo về trật tự, an toàn, vệ sinh và tách biệt, không ảnh hưởng nặng nề đến sự trang nghiêm, thanh tịnh.

Nói không ảnh hưởng nặng nề vì khi chợ đã vào chùa thì hệ quả tiêu cực của nó không thể tránh khỏi. Nhưng dù sao vẫn còn hơn là việc mua bán trong sân chùa diễn ra xô bồ, không tổ chức.

Những tiêu chí theo thứ tự ưu tiên cho chợ lễ  chùa trong sân chùa có thể xác định trên cơ sở yêu cầu văn hóa của lễ hội. Những hoạt động sau đây có thể ưu tiên:

   * Thư pháp
    * Bán văn hóa phẩm
    * Bán kinh sách, băng giảng
    * Bán đồ lưu niệm, trang trí
    * Bán nhang đèn, đồ thờ cúng, pháp khí
    * Bán hoa trái để làm lễ cúng…

Mặt tiêu cực của chợ trong chùa đã rất rõ, nhưng những hình thức bán văn hóa phẩm và phẩm vật cúng như trên cũng góp phần vào không khí lễ hội và không chỉ là ở lễ hội tháng giêng.

Tất nhiên, những yêu cầu về tách biệt, trật tự, xác định rõ khu dành cho kinh doanh cho cá nhân, doanh nghiệp ngoài nhà chùa, yêu cầu kỷ luật và quy định kinh doanh, phải được tuân thủ, tôn trọng, cần được nhấn mạnh rõ ràng.

“Đưa chợ vào chùa” không phải là không có tiền lệ. Siêu thị ở chùa Phổ Quang là một ví dụ. Điều quan trọng là tổ chức “chợ”, chứ không còn ở chỗ có nên làm hay không?

Ở các tôn giáo khác, chợ trong khuôn viên cơ sở thờ tự không phải là chuyện mới. Ở TPHCM, trung tâm mục vụ trong nhà thờ Chúa Cứu thế, đường Kỳ Đồng, Quận 3, có hẳn một siêu thị, dưới bảng hiệu nhà sách Đức Mẹ. Hàng hóa trong siêu thị này hết sức phong phú, với sách kinh chiếm tỷ lệ diện tích mặt bằng lớn, và đều xoay quanh mục tiêu phục vụ hoạt động tôn giáo.

Có  thể đi quá xa nếu khuyến khích loại hình chợ “lễ chùa”, nhưng nếu trước lễ Phật Đản chẳng hạn, trước cửa chùa bày bán nhộn nhịp lồng đèn, cờ Phật giáo, tranh ảnh chào mừng Phật Đản, tương tự như đèn chớp, đèn sao, cây thông, hang đá …được giăng mắc bày bán trước nhà thờ mỗi dịp Noel, thì đó có phải là điều đáng mừng cho Phật giáo? Điều này chúng ta có thể thảo luận và bài viết này là một gợi ý, không phải là kết luận, hay một đề xuất.