Câu chuyện ghi trên tấm biển do vị giám đốc bảo tàng này kể lại: Tôi thường viếng thăm bảo tàng cùng với du khách. Lần này, khách của tôi là Cheng, một cô gái Trung Hoa. Chúng tôi dừng chân trước tượng Phật. Một khối điêu khắc trầm tư, sâu lắng, hiện hữu đơn độc trên chiếc bệ trắng toát. Cheng bắt đầu khóc. Tôi nghĩ, có lẽ, cô ấy khóc do bất ngờ bắt gặp một kiệt tác Trung Hoa trong một bảo tàng ngoại quốc. Tôi đã sai. Cheng đã nhìn thấy những gì tôi không thấy được: đầu tượng Phật này đã bị những lát cắt tàn bạo lấy khỏi một ngôi chùa cổ; bị đâm xuyên bởi một chiếc cọc để trưng bày ở một nơi xa xứ.
Tấm biển cũng cho biết thêm về xuất xứ của tượng Phật này: Đầu thế kỷ XX, một nhà ngoại giao người Đức đến Trung Hoa công cán. Ông ta sống nhiều năm ở Bắc Kinh, nơi đang bị chia xẻ và trở thành nhượng địa của nhiều nước phương Tây và Nhật Bản. Cũng như nhiều kẻ thực dân khác, nhà ngoại giao người Đức này bị mê hoặc bởi văn hóa và cổ vật Trung Hoa. Ông đã cất công sưu tầm nhiều cổ vật gồm tượng đồng, đồ gốm và đồ sơn mài. Khi mãn nhiệm, những cổ vật Trung Hoa ấy đã theo nhà ngoại giao lên tàu về Đức, trong đó có đầu tượng Phật này. Để rồi, bằng một con đường nào đó, có thể là mua bán, chuyển nhượng hay được hiến tặng, đầu tượng Phật này đã xuất hiện trong phòng trưng bày của Bảo tàng Thực hành Frankfurt.
Bao nhiêu du khách đã đến đây để chiêm ngưỡng kiệt tác điêu khắc ấy nhưng không ai trong số họ hiểu được nét ưu tư hiển hiện trên nét mặt của tượng Phật. Cho đến một ngày, có một cô gái Trung Hoa đã rơi lệ vì cái đầu tượng tưởng như vô tri, vô giác ấy.
2. Gallery đồ cổ Asiatica Georg L. Hartle tọa lạc trên một đại lộ ở trung tâm thành phố Muenchen. Đồ cổ bày bán nơi đây đến từ Ba Tư, ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Hàng chục chiếc đĩa gốm Chu Đậu được trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An), được rao bán với giá từ dăm bảy trăm đến cả chục ngàn euro; bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn khoảng mươi món, tất thảy đều toàn bích, được định giá 10.000 euro; chiếc trống đồng Đông Sơn còn nguyên vẹn, hoàn hảo như vừa đưa ra từ phòng trưng bày của một bảo tàng, có giá 6.400 euro; một cặp độc bình pháp lam Huế thuộc vào hàng quý hiếm bậc nhất, mà tôi, dù đã có gần 10 năm nghiên cứu pháp lam, tiếp xúc cả hàng ngàn món pháp lam Huế, vẫn chưa bao giờ thấy món nào đẹp và quý hơn thế, được đề giá 7.900 euro…
Tôi hỏi Mathias Spanaus, người phụ trách gallery: Tất cả những cổ vật được bày bán trong gallery này đều có nguồn gốc hợp pháp?. Các cổ vật này có thể có nguồn gốc bất hợp pháp trước khi chúng đến châu Âu. Tuy nhiên, khi đã được rao bán trong các gallery hay trong các cuộc đấu giá ở châu Âu thì chúng đều trở nên hợp pháp. Mathias Spanaus thản nhiên trả lời tôi.
3. Trong cuốn catalogue A Divine Art của hãng bán đấu giá đồ cổ Spink xuất bản vào mùa hè năm 2004 có rao bán 32 món cổ vật Việt Nam, phần lớn là cổ vật Đông Sơn và cổ vật Chămpa. Đặc biệt, có 3 đầu tượng kosalinga, 2 bằng vàng và 1 bằng đồng, được đặt giá từ 200.000 đến 400.000 euro. Kosalinga là báu vật thiêng liêng nhất của người Chăm. Đó là những đầu tượng thần Siva, thường được làm bằng vàng, gắn lên những linga bằng bạc. Những báu vật này được thờ phụng trong những ngôi tháp Chăm linh thiêng, huyền bí và rất ít người được phép tiếp xúc. Phần lớn cổ vật Chămpa còn lưu giữ trong các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay đều là những tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch, rất hiếm có cổ vật bằng vàng và bạc. Đặc biệt, không một bảo tàng nào ở Việt Nam còn giữ được một kosalinga bằng vàng, thậm chí bằng đồng.
Vậy nhưng, trong một bài viết của John Guy, quản thủ Bảo tàng Victoria & Albert ở London, tựa đề Những Kosa của Champa: Chứng cứ mới, in trên tạp chí Khảo cổ học Đông Nam á năm 1998, đã giới thiệu đến 10 kosalinga khác nhau, từng được phát hiện ở Việt Nam, nhưng hiện đang là vật sở hữu của các bảo tàng lớn trên thế giới. Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng 3 trong 10 kosalinga ấy: 2 chiếc ở Bảo tàng Guimet (Pháp) và chiếc kia là báu vật của Bảo tàng Nghệ thuật Đông á Berlin (Đức). Ai đã mang chúng ra nước ngoài? Và tự bao giờ? Đó là những câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp chính xác. Chỉ biết rằng, một người có trách nhiệm ở Bảo tàng Nghệ thuật Đông á Berlin cho hay bảo tàng này đã mua kosalinga bằng vàng ấy trong một phiên bán đấu giá ở London cách nay 3 năm.
4. Tôi sang Phnom Penh tham dự hội nghị Bảo vệ di sản văn hóa trong trường hợp có xung đột vũ trang do Hội chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và UNESCO đồng tổ chức. Samdech Norodom Ranariddh, Chủ tịch quốc hội Vương quốc Campuchia, đã đến dự và có bài phát biểu rất xúc động.
Ông nói: Hiện nay, di sản văn hóa của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng, không chỉ trong trường hợp có xung đột vũ trang, mà ngay trong thời bình. Nhiều cổ vật của Campuchia, và của nhiều nước châu á khác, đang được trưng bày trong các bảo tàng sang trọng ở London, Paris, New York… Nếu có một đạo luật quốc tế nào đó cho phép hồi hương tất cả những cổ vật này trở về tổ quốc của chúng, tôi e rằng những bảo tàng sang trọng đó sẽ trở nên trống rỗng.
Đó là một thực tế. Chính vị giám đốc Bảo tàng Thực hành Frankfurt đã viết trong tấm biển thuyết minh cho pho tượng Phật Trung Hoa nói trên, rằng: Đây chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện tương tự. Dù cho bây giờ nó không còn phổ biến như những ngày đầu của chế độ thực dân, nhưng nó vẫn tiếp diễn trong thế kỷ XXI này. Việc trộm cắp (cổ vật), nạn buôn bán trái phép và sự quản lý lỏng lẻo đã đóng vai trò (chính) trong việc mang các tác phẩm nghệ thuật (của các quốc gia khác) đến châu Âu. Dù cho đang có sự gia tăng các luật lệ, nhưng những bảo vật của Trung Hoa và của các nước khác trên thế giới vẫn tiếp tục được mua bởi các nhà sưu tập (ở các nước phát triển), kể cả những bảo tàng – những kẻ đã giả đui giả điếc về nguồn gốc và chủ nhân thực thụ của những báu vật ấy.
Và bây giờ chắc chúng ta đã hiểu vì sao cô gái Trung Hoa ấy khóc? Còn trong một nỗi cảm thông sâu sắc với cô gái Trung Hoa mà tôi chưa hề biết mặt bỗng dưng hiện hữu. Bởi lẽ, cũng như đất nước Trung Hoa của cô ấy, đất nước Việt Nam của tôi và đất nước Campuchia của Samdech Norodom Ranariddh và nhiều đất nước khác nữa, cùng có chung một nỗi niềm: Bao giờ thì dòng máu cổ vật ngưng chảy ra ngoài? Và khi nào thì những cổ vật ấy có dịp quy cố hương?