Trang chủ Nghiên cứu Tín ngưỡng ĐÀN THIỆN – Khi các vị thần can thiệp vào...

Tín ngưỡng ĐÀN THIỆN – Khi các vị thần can thiệp vào công việc của người trần

540

Song vì nhiều lý do mà giới nghiên cứu đã coi đó là một vùng cấm và không dành cho nó một sự quan tâm thích đáng, ngoại trừ hai học giả là Nguyễn Văn Huyên (Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, 1944) và Đào Duy Anh (hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, 1989).

Suốt nửa cuối thế kỷ XIX, đã có nhiều Thiện đàn được mở ra ở hầu khắp các tỉnh ở Bắc Bộ: Hà Nội, Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên, Phúc Yên…

Kê đàn giáng bút là một hoạt động tín ngưỡng đặc biệt ngưng kết nhiều thành tố đặc sắc của văn hoá dân gian như: thơ ca dân gian, múa dân gian, nghi thức tín ngưỡng. Cũng chính vì vậy nên đã thoả mãn được nhiều tầng lớp trong nhân dân. Sức sống của giáng bút cũng là sức sống của việc tuyên truyền yêu nước đều ở đấy. Nó nương vào tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động và thúc giục quần chúng.

Thiện đàn với cuộc vận động ái quốc

Thực dân Pháp thực sự hoang mang và rối trí khi phải xử trí với tình hình nở rộ của các Thiện đàn ở khắp nơi. Không tìm được chứng cớ khả dĩ kết tội, đàn áp, thực dân Pháp đã mất ăn mất ngủ với các hoạt động nửa tôn giáo, nửa cách mạng đang lan tràn và phát huy tác dụng, thanh thế ở khắp nơi.

GS. Đào Duy Anh, trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, cho biết:

"Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh kể lại rằng trong thời gian giáng bút và ấn hành bản kinh này thì Lý trưởng và Phó lý xã Hạc Châu sợ liên lụy nên đã báo cáo cho quan lại sở tại. Chính quyền thực dân giao cho Bùi Bằng Đoàn bấy giờ làm Tri phủ Xuân Trường điều tra. Bùi Bằng Đoàn cho vợ có sai nha đi theo đến đàn để thử, viết một tờ sớ bỏ vào phong bì kín. Hàng ngày khách thập phương qua lại để lễ và xin kinh rất đông, nhiều người sang trọng, cho nên chẳng ai để ý đến đó là bà phủ Xuân Trường. Theo lệ thì người đến lễ đặt phong bì kín lên bàn thờ, Thánh phải giáng bút chỉ tên người ấy, có đúng thì người ta mới tin. Thánh bèn giáng bút cho ngay một câu thơ rằng:

Côn dược thiên trùng thương hải ngoại;
Bằng Đoàn vạn lý tử tiêu gian.

Thế là chỉ rõ tên Bùi Bằng Đoàn ra bằng một câu thơ, mà các nhà Nho học giỏi đều nhận là rất hay, bình thường khó có người tức tịch làm ra được, huống chi người cầm kê đây là người sức học cũng tầm thường.

Bùi Bằng Đoàn do đó tin là có tiên thánh giáng bút thực, báo cáo lên tỉnh rằng đó là việc tôn giáo thực chứ không phải là hoạt động chính trị như hương lý báo. Sau đó Án sát Nam Định là Mai Toàn Xuân cũng cho vợ đến lễ để đặt phong bì kín và thử như thế. Bùi Bằng Đoàn là người Nho học có tiếng cho nên được giáng bút một câu thơ chữ. Mai Toàn Xuân xuất thân là bồi Tây nên ít học, chỉ được giáng bút một câu thơ Nôm, nhưng cũng vạch rõ cả ba chữ họ tên như vẽ ra:

Đầu cành Mai mới điểm hoa;
Non sông bốn bể đâu mà chẳng Xuân?

Sau đó tỉnh báo cáo lên Thống sứ rằng đây chỉ là một hoạt động tôn giáo, không nên ngăn cấm. Vì thế mà bản kinh in xong vào mùa Đông năm 1923 được phát hành ở Bắc  Kỳ, rồi sau đó được phát hành bằng quốc ngữ ở Nam kỳ. Các mùa hè năm 1924, 1925, 1926 ông Nguyễn Ngọc Tỉnh đều được Đồng Lạc Khuyến Thiện đàn ở Nam Định mời đến giảng kinh Đạo Nam cho tín đồ của đàn ấy nghe. Nhưng đến năm 1929, trong cuộc đàn áp đối với các đảng bí mật tiến hành ở khắp Bắc kỳ, chính quyền mới soát nhà mà tịch thu tất cả bản kinh còn lại và các tấm ván in để huỷ đi và bắt đàn chủ là ông Nguyễn Đức Kinh và chủ bút là ông Nguyễn Ngọc Tỉnh làm án giám".(Sđd tr.200-224). Trích trong sách Technique du peuple của Henri Oger (1909).

Các Thiện đàn luôn gặp phải sự dò xét của thực dân Pháp và quan lại phong kiến Nam triều. Nhưng chính nhờ vào hình thức giáng bút, như một hoạt động "mê tín dị đoan", các bài hát bài thơ yêu nước thương nòi và nặng lòng với văn hoá dân tộc đã được lưu truyền. Các nhà yêu nước đấu tranh cách mạng cũng nhờ đó mà thoát khỏi sự rình rập và đàn áp của kẻ thù.

Trước tình hình bị giặc Pháp đàn áp nặng nề, một số cơ sở vận động yêu nước tại Hà Nội và các đô thị phải chuyển về vùng nông thôn phụ cận. Một trong những cơ sở có hoạt động mạnh là Văn Hiến đường ở làng Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội), nơi thờ Thái uý Tô Hiến Thành và các vị tiên hiền của làng. Tại đây đã khắc in bộ Cổ kim truyền lục gồm 4 tập với gần 400 bài thơ văn, bao gồm nhiều thể loại, viết bằng chữ Hán. Về cách phát hành thì phát cho mọi nhà, biếu tặng các nơi với mục đích: Thư lai địa địa, tuyên truyền vạn vũ (sách đến mọi nơi, tuyên truyền khắp chốn).    

Thiện đàn với công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc

Đóng góp của các thiện đàn trong công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc là một đóng góp quan trọng, thể hiện trên hai khía cạnh: Xây dựng, giữ gìn nếp sống văn hoá theo chuẩn mực của truyền thống và Tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử  văn hoá, in ấn các kinh sách.

Xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hoá theo chuẩn mực của truyền thống là một yêu cầu của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi mà người Pháp đã đặt xong nền đô hộ lên Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Luân lý cổ truyền cùng các giá trị đạo đức truyền thống rạn nứt trước sự xâm thực của văn minh phương Tây. Nhiều tỉnh lỵ, huyện lỵ được mọc lên bên cạnh những trục đường giao thông lớn nhỏ, kéo theo quá trình Âu hóa rất mãnh liệt.

Ở nông thôn bộ máy lý dịch đã trở nên tha hóa. Bức tranh nông thôn là một khoảng tối tăm với một đời sống khổ cực và những áp bức nặng nề của bộ máy cường hào, lý dịch.

Trong tình hình xã hội như vậy việc gióng lên tiếng trống thức tỉnh cách mạng, kêu gọi chấn chỉnh nếp sống theo mẫu mực truyền thống là một công việc có ý nghĩa.

Các thiện đàn đã mọc lên ở khắp mọi nơi và hoạt động khá sôi nổi. Các buổi giảng thiện được thực hiện đúng theo lịch đã định sẵn, có đông đảo nhân dân tham dự. Việc tu bổ và tôn tạo các di tích được nhiều người hưởng ứng và hiện còn nhiều văn bia trong các di tích nói rõ việc sửa chữa, tôn tạo này.

Đền Ngọc Sơn – trụ sở Hội Hướng Thiện, cơ sở in ấn tàng bản và công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc

Trong số các thiện đàn đã biết thì đền Ngọc Sơn là một cơ sở tiêu biểu nhất, được thành lập sớm nhất, có đóng góp toàn diện nhất, là một cơ sở in ấn và tàng bản lớn nhất, với vai trò như là một trung tâm có sức lan toả rất lớn, trong phạm vi khắp cả đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, thậm chí cả miền Bắc.

Chủ trương chấn hưng văn hoá của Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn được các nhà khoa bảng có uy tín trong hội và khắp Hà thành tán dương. Việc đầu tiên mà các nhà Nho hướng đến là hướng dẫn cho mọi người tu dưỡng chính bản thân mình, ngăn chặn những dục vọng xấu nảy sinh trong chính lòng mình.

Đền Ngọc Sơn chính là một đàn giảng thiện đều đặn vào các ngày 2 và 16 hàng tháng. Tại đây đã tiến hành các buổi giáng bút để xin những lời dạy của Thánh nhân. Những bài văn giáng bút không hề đưa lại một tinh thần lảng tránh cuộc đời thực mà ngược lại rất tích cực. Hội còn tiến hành tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử  văn hoá xung quanh Hồ Gươm. Khu vực Hồ Gươm có được khuôn mặt như ngày nay là do những lần tu bổ tôn tạo này.

Trong khoảng 100 năm (1845 – 1945), đền Ngọc Sơn đã in ấn 246 bộ sách thuộc nhiều môn loại khác nhau như tôn giáo, văn học, sử học… Nhiều thiện đàn ở các nơi đã mượn ván in kinh giáng bút của đền Ngọc Sơn về in và phát hành.

Cuối năm 1945, Hồ Chủ tịch đã đến thăm Hội Hướng Thiện, trò chuyện với các hội viên của hội và căn dặn: "Các cụ đã cao tuổi mà vẫn còn giảng Thiện cho bà con theo, thế là rất quý. Tôi xin phép gợi thêm vài ý. Tôi nghĩ điều Thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ, điều ác lớn nhất là xâm lược, áp bức. Tôi đề nghị các cụ khi giảng Thiện nên chú ý khuyên đồng bào bảo vệ độc lập, tự do và tăng gia sản xuất, xây dựng dân chủ" (Theo Nhân Dân, 22/8/1990). 

Nội dung thơ văn giáng bút

Nội dung thơ văn giáng bút cũng chính là nội dung, mục đích hoạt động của các thiện đàn: kêu gọi lòng yêu nước thương nòi và chấn hưng văn hoá dân tộc.

Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi là chủ đề lớn của thơ văn giáng bút nói riêng và thơ văn yêu nước cách mạng nói chung. Trong thơ văn giáng bút, điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau: Giáng bút lời của các vị anh hùng liệt nữ của dân tộc (Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, Bà Triệu); giáng bút lời của các vị thần tiên Việt Nam (Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Liễu Hạnh, Từ Đạo Hạnh), giáng bút lời các tiên Nho, các nhà văn hoá của Việt Nam (Tô Hiến Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan). Ngoài ra thơ văn giáng bút còn nhắc nhớ thúc giục lòng yêu nước, thương yêu giống nòi, thấy được nỗi nhục của dân mất nước.

Nội dung chấn hưng văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống mới được biểu hiện như sau: Đề cao việc nâng cao dân trí, bài bác hủ tục; đề cao phụ nữ, khuyên sống lương thiện, thương yêu đùm bọc nhau; in ấn kinh sách về tôn giáo, lịch sử, văn học, ngôn ngữ. Thơ ca giáng bút chủ yếu là chữ Nôm, nhằm đến nhiều đối tượng khác nhau, với mỗi loại đối tượng đã dùng các thể thơ khác nhau: Phú, thơ luật, lục bát, song thất lục bát, phong dao, hát xẩm, từ khúc, ca trù, ngụ ngôn, tiểu thuyết…

Với trên 100 thiện đàn từng là nơi có lưu truyền, sáng tác, in ấn, tàng bản kinh văn giáng bút cho thấy sự hoạt động sôi nổi của các hội Hướng Thiện, thiện đàn trong khoảng 100 năm từ 1845 đến 1945. Với 254 bộ sách giáng bút, được in nhiều vào các năm 1870 – 1898 và 1906  –  1911, cho thấy đây chính là một di sản quý mà cha ông để lại, giúp cho việc tìm hiểu về 100 năm đầy biến động trong lịch sử nước nhà.

Một giá trị đặc biệt của thơ văn giáng bút cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là dưới ảnh hưởng của các phong trào yêu nước, đã làm phát khởi những biểu tượng mới trong văn hóa Việt Nam mà trước đó ít khi được nhắc đến. Đó là những biểu tượng về Quốc Hồn, Quốc Túy, Quốc Dân, Nòi Giống, Giống Lạc Hồng, Con Rồng Cháu Tiên được nhắc đến rất nhiều, rất khẩn thiết và nhằm đến đối tượng là tất cả những con dân đất Việt (Theo CSTC số tết 2010)