Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ký sự du xuân: Non thiêng Yên Tử, kỳ 1

Ký sự du xuân: Non thiêng Yên Tử, kỳ 1

112



Đường lên Yên Tử (chụp từ trên xuống)


Xuất phát

Xe chúng tôi bắt đầu rời khỏi Hà Nội từ 12h trưa lên đường hành hương về chốn tổ Phật giáo. Vì nghe các vị tiền bối đi trước có nói rằng đi đêm cho đỡ tắc đường nên chúng tôi quyết định chọn giờ khởi hành khá oái oăm như thế này.

Qua hơn 3 tiếng đồng hồ xe chạy liên tục, chúng tôi cũng đến được thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đến đây, chỉ cần nhìn qua cửa kính ô tô ra đằng xa bạn đã có thể thấy trùng trùng điệp điệp những núi non hùng vĩ, những rừng già lâu năm, mây và núi quyện vào nhau tạo nên một vẻ đẹp có một không hai trên đất nước này.

Thêm khoảng vài chục km đường núi nữa, và kia chính là núi Yên Tử, ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi… Đứng ở độ cao 1068m, trên đỉnh núi, ta có thể bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa xa là dòng xông Bạch Đằng cuộn sóng. Dọc con đường hành hương, đến chân núi là suối Giải Oan ngoằn ngoèo lượn khúc, nước trong vắt chảy róc rách qua những viên đá bóng nhẵn.


Con suối Giải Oan trước đây


Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn. Ngay từ thời Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân và đạo sĩ An Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo ở đây, ông đặt tên cho nơi này là “An tử”.

Nhưng Yên Tử thật sự trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam đó là phái Thiền Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), ông đã cho đổi tên nơi đây thành “Yên tử” và xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Cầu dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Tục truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con trai là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung gấm, nhưng không được nên họ lao mình xuống suối tự vẫn . Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó chùa và con suối mang tên là Giải Oan.

Không chỉ vậy, “Yên Tử” là một quần thể di tích có nhiều chùa, tháp, am. Tiếng tụng kinh, gõ mõ và chuông chùa khiến tâm hồn thư thái, hết mỏi mệt. Chùa Hoa Yên, am Ngọa Vân, chùa Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiên… là những mốc quan trọng, đánh dấu một phần thành công của du khách thập phương trong hành trình gian nan lên đỉnh núi cao 1.068 m.


Và suối Giải Oan sau này (Sau khi tu sửa và xây thêm cầu)


Trời chuyển về chiều nên đoàn chúng tôi đã thấm mệt, mọi người quyết định chọn phương thức đi cáp treo để nhanh chóng lên đến chùa Hoa Yên và dừng lại nghỉ ngơi. Bản thân tôi thì có hơi tiếc một chút, vì nghe nói rằng nếu đi cáp treo bạn sẽ bị bỏ qua một số (thậm chí là nhiều) địa danh trên đường lên đỉnh núi, nhưng thôi vì lỡ đi theo đoàn rồi, nên tôi đành mua vé cáp treo khứ hồi 2 chặng cho đỡ “lạc đoàn”.



Tăng tốc

Trước khi lên cáp treo, chúng tôi còn kịp đi qua dốc Voi phục, chuyện xưa kể lại rằng khi vua Trần Anh Tông lên thăm chùa Hoa Yên – nơi tu hành của Trần Nhân Tông, ngài đều phải xuống kiệu leo bộ lên chùa nên đàn voi thường phục lại chờ vua ở nơi đây.

Bên cạnh dốc Voi phục là Hòn Ngọc, trên đỉnh có nhiều tháp và mộ, vôi lở gạch rêu. Đó là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vị sư trụ trì chùa Yên Tử.

Tiếp đó là ngôi tháp Huệ Quang, là tháp của Ngự Giác hoàng Trúc Lâm – Trần Nhân Tông. Tháp có 6 tầng, cao 10m làm bằng đá. Tầng thứ 2 của tháp đặt tượng thờ Trần Nhân Tông được coi là tác phẩm điêu khắc có giá trị nhất ngày nay, được làm bằng đá cẩm thạch, chạm trổ những đường nét mềm mại.

Pho tượng đạt trình độ điêu khắc cao, toát lên những nét điềm đạm phúc hậu của những bậc siêu phàm giải thoát. Sự kết hợp hài hòa của cụm tháp với cây cối xung quanh, đặt biệt là những cây tùng cổ to lớn toả bóng xuống Tháp vị tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm u trầm, đồ sộ, tạo cho du khách có một tấm lòng thành kính.


Cổng vào tháp Huệ Quang


Sau đó chúng tôi lên cáp treo để tiếp tục hành trình tìm nơi trọ lại qua đêm giữa chốn sơn cước này. Hệ thống cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1,2 km lên tới độ cao 450 m gần chùa Hoa Yên. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn gần 200m đường núi nữa mới có thể tiếp cận ngôi chùa Hoa Yên.


Bia chú thích lịch sử tháp Huệ Quang


Chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 543 m với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Trước chùa là cây đa già cỗi, khẳng khiu. Phía sau chùa Hoa Yên du khách có thể ghé thăm vết tích của chùa Phổ Đà. Thêm vào thì có những ngọn tháp được xây bằng gạch men xanh nhưng đã bị sụp đổ nay chỉ còn một hòn gạch hình đầu sư tử làm di tích cho vẻ đẹp của tháp khi xưa.

Từ chùa Hoa Yên men theo sườn núi tới Am Thiền Định được coi là nơi vua Nhân Tông ngồi thiền khi xưa. Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Sau điểm này sẽ là đích của chuyến đi: chùa Đồng, ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m.

Với sự phát triển của các loại hình dịch vụ thời nay, đoàn chúng tôi có thể dễ dàng tìm thấy được một nhà trọ bình dân khá ổn với giá cả phải chăng để tạm trú chân qua đêm tại nơi này.


Tháp Huệ Quang




Sân chùa Hoa Yên



Hoàng hôn trên núi (chụp từ cửa nhà trọ)

Còn tiếp