Trang chủ Diễn đàn Cải đạo tín đồ Phật giáo: nói rõ hơn về...

Cải đạo tín đồ Phật giáo: nói rõ hơn về những cái bẫy

91

Một số  bạn đọc có ít nhiều ngộ nhận xung quanh bài Kỹ thuật cải đạo tín đồ Phật giáo: Khuếch đại một đạo Phật phiến diện trên các phương tiện truyền thông. Mối quan hệ tinh vi giữa những vấn đề tưởng chừng như không liên quan gì với cải đạo chưa được làm sáng tỏ ở mức cần thiết. Hậu ý của những hành động như vậy chưa được nhận thức đầy đủ.

Vì thế, đào sâu vấn đề là cần thiết.

Một trong những điều mà những người muốn cải đạo tín đồ Phật giáo sang tôn giáo khác là muốn chứng minh tôn giáo của họ là tôn giáo của sự văn minh, sang trọng, Tây phương, hiện đại, tôn giáo dành cho trí thức, cho tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, bác sĩ, kỹ sư… Còn đạo Phật, thì họ luôn muốn thể hiện như một tôn giáo quê mùa, bình dân, lạc hậu, bùa chú, cúng quẩy…, tôn giáo của những thế kỷ trước ở làng quê, chỉ thích hợp với tầng lớp bình dân, tiểu thương, nông dân, phụ nữ buôn gánh bán bưng…

Yếu tố  cải đạo ở đây nằm ở chỗ nó  xác định nhóm đối tượng rõ ràng: đó là giới trí thức. Xác định phương thức rõ ràng: làm sao để đối tượng muốn tác động đến thấy đạo Phật không dành cho họ.

Vậy thì  đạo nào dành cho họ? Chúng ta đã bắt đầu đi vào vấn đề.

Trong kỹ  thuật tâm lý, thì muốn tác động tạo ra một thái độ tiêu cực đối với một đối tượng nào đó, thì ghét không phải là mục tiêu hàng đầu, mà khinh mới là điều quan trọng. Tạo được cảm giác khinh một đối tượng nào đó, là đã phá được mối quan hệ đối với đối tượng đó đến mức không còn hàn gắn được.

Làm cho người trí thức khinh một đạo Phật quê mùa, mê tín, lạc hậu đó là bước đầu của việc cải đạo. Đó là giai đoạn phá hoại mối quan hệ của họ đối với đạo Phật, bứt rời họ ra khỏi đạo Phật trước cái đã.

Đó là mục tiêu.

Còn về  phương tiện, để thực hiện mục tiêu đó, là kỹ thuật so sánh.

Đặt hai bức ảnh tối và sáng bên cạnh nhau thì ảnh tối có vẻ tối hơn và ảnh sáng có vẻ sáng hơn.

Thực ra hai bức ảnh đều y như vậy, không đổi thay gì nhưng sự hiện hữu song hành tạo ra ảo giác, mà đó là điều không tránh khỏi, bất cứ sự cảm nhận của ai cũng có sai lệch tất yếu như vậy.

Người ta không chỉ tạo một tình huống so sánh, mà cả những gì đem ra so sánh cũng được tính toán tinh vi.

Chúng tôi lấy một ví dụ gần gũi để bạn đọc dễ hình dung: Phía Thiên Chúa giáo có sở trường về âm nhạc. Họ thường tác động để tổ chức và khá nhiệt tình tham gia những buổi văn nghệ quần chúng giao lưu và mời phía Phật giáo tham gia.

Nói là  “quần chúng” thì cũng đúng, vì đâu có phải dùng lời ca điệu nhạc để thu tiền đâu? Nhưng ai cũng biết âm nhạc nhà thờ thì chuyên nghiệp đến mức nào.

Đến buổi văn nghệ “quần chúng” giao lưu ở địa phương, nhà thờ mang đến một dàn nhạc thính phòng, có piano, violin, organ…

Ban nhạc và đồng ca nhà thờ trình bày những bài nhạc phong trào địa phương, tất nhiên không dở, vì đàn hát đúng theo bản ký âm. Còn phía nhà chùa, thì tham gia phong trào văn nghệ “quần chúng” giao lưu ở địa phương bằng… vọng cổ, với đàn ghitar.

Trong chương trình văn nghệ quần chúng do địa phương tổ chức tất nhiên không thể có tính cách tôn giáo. Nhưng nhà thờ hòa tấu cả những bài nhạc thờ phụng (liturgical) và không dùng để thờ phụng (non-liturgical), mà dùng để nghe tạo hứng khởi cảm xúc tôn giáo như nhạc Phật giáo của ta, của các tác giả nhạc cổ điển hàng đầu như Bach, Schutz, Becthoven, Verdi, Mozart, Schubert… Hòa tấu nhạc cổ điển Tây phương… “quần chúng” thì ai nói được, phiền được. Nhưng nghe ra thì là… Ave Maria!

Đem nhạc cổ điển Tây phương ra trình bày song song với vọng cổ, thì chúng ta có thể đoán hiệu quả thế nào rồi. Khán giả là những ông già, bà lão nghe không được nhạc cổ điển Tây phương là điều tất nhiên. Còn giới trẻ, nhất là giới trẻ có học? Chắc chắn là có sự so sánh giữa 2 bên.

Cải  đạo không chỉ là hành động trong một thời điểm. Cải đạo là một quá trình và có thể kéo rất dài.

Mối quan hệ giữa việc cố ý thúc đẩy, trình bày hay khuyến khích thể hiện một đạo Phật phiến diện với hoạt động cải đạo là như vậy đó. Tinh ý lắm mới nhìn ra, sau nhiều tầng nghĩa.

Có thể  những tín đồ tôn giáo khác tham dự buổi diễn văn nghệ quần chúng đó được bảo trước là  phải vỗ tay thật kêu sau bài vọng cổ do phía nhà chùa trình bày. Phật tử hát càng nhiều bài vọng cổ nữa thì càng hay, càng dễ cho sự đối chiếu ở giới trẻ.

Nói buổi văn nghệ “quần chúng” giao lưu như trên là một hoạt động cải đạo, thì chắc có một số người không nhất trí, cũng như đối với bài Kỹ thuật cải đạo tín đồ Phật giáo: Khuếch đại một đạo Phật phiến diện trên các phương tiện truyền thông cũng sẽ có bạn đọc không chia sẻ.

Cũng xin quý  bạn đọc chú ý, một số tựa đề bài viết của chúng tôi không phải là câu xác định, mà là câu nghi vấn, luôn có dấu hỏi. Điều này hàm ý vấn đề có tính  chất tham khảo, cần được nghiên cứu, thảo luận, không phải là một xác quyết. Vì thế, nếu bạn  đọc có những bài viết mang tính thảo luận, thì  đó là điều rất tốt.

Việc mổ  xẻ các tầng ý nghĩa của một hoạt động không bao giờ là điều có thể kết luận ngay được, vì tầng ý nghĩa thứ ba, thứ  tư của một sự kiện có thể mâu thuẫn với tầng nghĩa thứ nhất, thứ hai.

Xin nhắc lại, cải đạo là một hoạt động do các chuyên gia người Âu Mỹ hàng đầu của các tôn giáo phương Tây nghiên cứu trong hàng nhiều thế kỷ, và  rút ra từ một thực tế hoạt động phong phú, với những đúc kết công phu về mặt khoa học. Đó không thể là điều lý giải ngay khi nhìn thoáng qua. Nhưng ghi nhận, đặt vấn đề và lưu tâm tìm hiểu luôn luôn không phải là thừa.

Nếu cho rằng cải đạo tín đồ Phật giáo chỉ giới hạn trong việc bảo rõ người theo đạo Phật hãy bỏ đạo Phật đi, là điều, có thể nói, là một sự ngây thơ. Nhiều “biện pháp tu từ” có thể được dùng để trình bày và tác động.

Mùa Giáng sinh, một Phật tử có thể được một người bạn tôn giáo khác tặng một bức tranh vẽ nhà thờ Đức Bà, một thắng cảnh ở Sài Gòn, vậy thôi. Bức tranh rất đẹp, nên treo trên tường thì tuyệt, nhất là từ dịp lễ Noel. Trong khung ảnh, trước nhà thờ, là tượng Đức Mẹ. Vậy thì xéo góc bàn thờ Phật và tổ tiên đã có ảnh Đức Mẹ. Không lâu sau, con của người Phật tử ấy, đang học chơi đàn organ, được tặng đến mấy tập Thánh nhạc.

Trong một dĩa video quay vào dịp tết, ghi hình đứa bé đánh đàn các bài trong tập Thánh nhạc được tặng, trên có hình Đức Mẹ. Đây có thể hiểu là một hành động không liên quan gì đến việc cải đạo hay không? Hay chỉ vô tình, ngẫu nhiên?

Mẹ của một người bạn tôi (bạn là bác sĩ) than thở  rằng bạn tôi được bệnh nhân Tin Lành cố gắng cải đạo nhiều lần. Nhưng dù không thành, thì  theo mẹ của bạn tôi, việc cải đạo cũng “thành công” trong ít ra một tháng trong năm. Tôi không hiểu thì được giải thích, một cây thông Noel rất đẹp, chắc chắn là rất đắt tiền và đặc biệt cao hơn đầu người, đã được tặng. Đầu tháng 12 đến qua tết dương lịch, nó được đặt ở phòng khách và trong suốt thời gian đó, treo cao nhất ngôi sao dẫn đường đến với Chúa và Thánh giá cách điệu. Nó che hết cả bàn thờ Phật và ông bà, từ ngoài cửa nhìn vào như y như nhà con chiên. Nghe nói Noel mới đây, bệnh nhân mãn tính Thiên Chúa giáo lại tiếp tục tri ân bác sĩ Phật tử bằng cách lại tặng bác sĩ hang đá, dĩ nhiên, rất đẹp, để khó mà bỏ đi. Cây thông, hang đá, ảnh đức mẹ, đủ bộ!

Trường hộp thư của chúng ta thỉnh thoảng có nhận được những câu danh ngôn không ghi rõ xuất xứ, tác giả và được đề nghị gởi tiếp đến 5,10 hay nhiều hơn những địa chỉ email khác càng tốt. Thấy cũng hay hay, nhiều người cũng gởi đi chia sẻ với bạn bè. Rồi đến một lúc nào đó, bất ngờ, chúng ta đọc thấy tên tác giả của các danh ngôn đó là thánh này, giáo hoàng kia, hay mục sư nọ…

Chúng tôi nghĩ rằng, nhìn nhận mọi vấn đề với tinh thần hộ pháp không bao giờ thừa. Nếu quá chủ quan, có thể bị người khác dẫn dụ lúc nào không biết.

Nhưng đã nói, thì cũng cẩn trọng ngược lại, tức luôn luôn là câu nghi vấn, cũng có thể là bẫy, nhưng cũng có thể không phải là bẫy.

Điều trước hết là mọi Phật tử chúng ta không nên chủ quan bỏ qua, khi đã phát nguyện tu hạnh hộ pháp.