“Quê tôi có gió bốn mùa
Có sông tắm mát, có chùa quanh năm……
Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa!…”
(Nguyễn Bính)
“Dầu trãi qua mấy phân ly tán
Nhưng vẫn còn núi, còn sông
Còn chót vót mãi ngôi chùa”
(Vũ Hoàng Chương)
Và còn nhiều, nhiều lắm, hình ảnh mái chùa và nếp sống thanh tao, bình dị ấy thấm nhuần vào đời sống, vào tận tâm hồn lớp lớp thế hệ người Việt Nam, đi ra văn chương, kết tụ lại thành một mạch nhựa sống âm thầm mà bền bỉ, quật cường mà vẫn hồn hậu với đời! Không ai có thể biết chắc chắn Đạo Phật đến với người Việt từ bao giờ nữa! Lịch sử có chăng cũng chỉ là sự phỏng đoán, vì đã quá xa xôi rồi! Từ ca dao, truyện cổ tích, người ta đã thấy thấp thoáng trong đó là ông bụt, bà tiên ban phép lành cứu khổ. Đến sử sách thì thậm chí ngay từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa và thất bại, Bát Nàng – một nữ tướng kiệt xuất đã không chịu luồn cúi đầu hàng nhục nhã, cắt tóc xuất gia, khởi đầu cho ni chúng nước nhà. Thì nói chi tới nam nhân, ẩn mật tu hành, đợi duyên hội tụ mới phát xuất hiển lộ đức tài, còn ngược mình lên phương bắc, thuyết giảng độ sanh cho đời đời lội lạc, ghi khắc công ơn!
Lịch sử của dân tộc Việt Nam không chảy theo một dòng êm đềm phẳng lặng, mà là một dòng thác sôi rào với đá ghềnh non cao hùng vĩ, có những chặng băng qua cao nguyên, luồn trong rừng già sâu thẳm đại ngàn, hay oằn mình trên sa mạc cháy bỏng để quyết ươm mình đổ ra biển cả của hạnh phúc, tự do, độc lập. Đạo Phật chạy theo dòng sinh mệnh lịch sử ấy, cùng nếm sương nằm lá, cùng thất bại đắng cay và cùng phất cao ngọn cờ chiến thắng oanh liệt.
Mà trong đó, chúng ta không thể nào không nhớ tới giai đoạn sau gần 1000 năm Bắc thuộc sống trong tối tăm bùn lầy đau khổ, đạo Phật cả dân tộc vùng đứng lên khởi nghĩa giành lại quyền tự chủ cho nước nhà, lại cùng nổi chìm theo thế thời vận cuộc rồi vẫn âm thầm sống kiên cường, cho đời sau, sau nữa đi lên.
Đó là Phật giáo thời Ngô – Đinh – Tiền – Lê và vai trò giá trị hết sức quan trọng đối với cả thời đại. Tại sao lại phải đặt Phật giáo và ý nghĩa vai trò trong một bối cảnh lịch sử sâu xa như vậy?
Vì đạo Phật và dòng sống của nó đã hòa nhập làm một, như nước với sữa, với dòng chạy của dân tộc! Thời đại nào cũng vậy!
Nhưng thời đại Ngô – Đinh – Tiền – Lê thì vẫn có sự khác biệt riêng trong cái chung. Ấy chính là thời kỳ khởi nguyên cho sự phát triển lớn, mạnh mẽ, vững chắc, khẳng định Phật giáo như là một quốc giáo với uy thế tuyệt đối về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, văn hóa và xã hội; không chỉ là sức mạnh tác động chuyển xoay vận cuộc, mà còn đánh mạnh, đi sâu vào đời sống tâm linh toàn thể dân tộc. Để từ đó, đời Lý – Trần kế thừa, phát huy, đẩy lên định cao rực rỡ nhất trong lịch sử bốn ngàn năm văn hiến đầy tự hào.
Trước hết, để hiểu rõ, chúng ta phải đi từ bối cảnh lịch sử.
Những truyền thuyết và kết luận suy đoán của các nhà nghiên cứu về nguồn gốc của dân tộc Việt có nhiều, song để có lịch sử xác đáng, có thể bắt đầu tính từ thế kỷ 3-B.C. Khi mà Thục Phán đánh được Văn Lang của các vua Hùng, hợp lại thành nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô tại Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh – Hà Nội). Nhằm vào lúc ấy tại Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng thống nhất đại lục sau thời chiến Quốc – Xuân Thu (418-221 B.C). Và dường như từ đó trở đi, sự bành trước về phương Nam trở thành quy luật tất yếu của Hán tộc. Hay nói đúng hơn là một chính sách không thể điều chỉnh và sửa đổi. Các cuộc xâm lăng ngày càng quy mô, tàn bạo hơn. Đầu tiên là Tần Thủy Hoàng sai 50 vạn quân đánh xuống phương nam. Rồi sau này các triều đại khác lên thay đều vây. Qua đời tham quốc thuộc nhà Ngô, Lương, Tùy, Đường… đều cai trị hà khắc tàn bạo, trong chế địch sách lược đô hộ của họ, bất di bất dịch.
Tuy nhiên, song song với sự đô hộ tàn bạo ấy là biết bao cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổi lên, cầm đầu là những vị anh tài thao lược, uy dũng như bà Trưng (đầu năm 40 A.C), Chu Đạt (157), bà Triệu (246), Triệu Chỉ, Triệu Ông Lý, Lý Trường Nhân (468), Lý Bôn (544), Triệu Việt Vương (548), Lý Phật Tử (571), Lý Tự Tiêm (687), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hoan (767), Khúc Thừa Dụ (906), Dương Đình Nghệ và kết thúc là Ngô Quyền (938) với trận chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng.
Xét về ý nghĩa lịch sử, sự kiện này (938) đánh dấu một bước ngoặt to lớn, vị đại trong lịch sử dân tộc. Nó chấm dứt thời kỳ tối tăm hơn ngàn năm phương Bắc đô hộ, chấm dứt cả một trường kỳ kháng chiến với biết bao nhiêu máu đã đổ, xương đã tan cho nền độc lập tự do, hạnh phúc.
Nhưng thật đáng tiếc khi Ngô Quyền trị vì lên ngôi quá ngắn ngủi (mất năm 944). Đất nước vẫn tự chủ nhưng giặc loạn đã nổi lên khắp nơi. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi, rồi lại mất sớm, chỉ trị vì 12 năm. Quân Tống xâm lược, Lê Hoàn đem quân đánh tan, lên ngôi vua lấy hiệu Lê Đại Hành. Nhà Tiền Lê tồn tại 29 năm thì mất, về nhà Lý. Ba đời, ba triều đại ngắn ngủi chưa đầy 70 năm, nhưng tồn tại trong sự tự chủ, độc lập thực sự.
Ngô Quyền lên ngôi và tồn tại quá ngắn, vì thế ông chưa làm gì kịp để xây dựng và phát triển đất nước, lại thêm hậu đài sau đó tranh giành vị quyền giữa Dương Tam Kha và hai Thái tử, cục loạn rối ren, sao có thể nói tới ổn định để mở mang về văn hóa. Nhưng không thể nói là không có sự tương quan gì với Phật giáo. Đạo Phật đã du nhập vào giao châu từ đầu thiên niên kỷ. Tới thế kỷ 5 đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú rồi thậm chí còn được đánh giá ngang với các trung tâm Phật giáo ở Trung Hoa. Các Tăng sĩ giảng kinh, tiếp tăng độ khắp nơi, các đoàn truyền giáo tự do phát triển. Tư tưởng của nhân dân vốn đã thấm nhuần tinh thần triết lý Đạo Phật được thể hiện trong đời sống yêu hòa bình, tự do, yêu cái đẹp và thiện, sống tương thân tương ái, đùm bọc nhau, che chở lẫn nhau. Như trong lời thi sách – lạc tướng Châu Diên – nói: “…Việc truyền bá đức tất phải lấy thương yêu dân làm đầu. Nay người cầm quyền chính làm điều trái ngược, những người nói thẳng, những người mưu lược tài trí thì bắt tội, những kẻ luồn cúi nịnh bợ thì khen thưởng cho bọn này, hầu vợ lẽ được nhúng tay vào chính sự. Cho bọn thuộc hạ tôi tớ được chuyên quyền, hống hách, người mở miệng lúc nào cũng nói tới thương yêu dân nhưng lòng độc ác, tàn hại của ngươi ngày càng khủng khiếp. Rán mở dân để vét của, vắt kiệt sức dân để thỏa lòng tham. Tự coi mình là thế mạnh như gương Thái A. Nào hay đương ở nguy cơ tan vỡ như sương rơi buổi sáng… Nếu không sửa đổi, nới sức cho dân thì nguy vong sẽ tới nguy.” (Trích “Lá thư gửi Thái thú Tô Định”). Và với tư tưởng:
“Nhiều điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Cả dân tộc ta đã đoàn kết lại, hết cuộc khởi nghĩa này tới cuộc nổi dậy khác, thất bại ngã xuống lại đứng lên, vùng dậy quật cường, dù máu đổ thành sông, xương chất thành núi, tinh thần ấy không bao giờ bị nhấn chìm được. Vì sao? Vì đó là cuộc đấu tranh cho chính nghĩa, vì chính nghĩa, cuộc đấu tranh để xóa bỏ áp bức bất công bạo tàn, đấu tranh để giành lại quyền sống đúng nghĩa con người. Con người ta sinh ra “ai cũng có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc” không có gì khác để phân biệt trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn. Đó là lý tưởng, triết lý bình dị mà thâm sâu của đạo Phật. Con người Việt Nam đã thẩm thấu nó, đã biến nó ra đời sống và cho nó vào trong hành động. Đạo Phật không phải là tôn giáo chỉ dắt cho con người ta đi vào yếm thế, tiêu cực, bi quan. Nó là đạo của hành động, sống động sinh sôi giữa cuộc đời này. Chính đạo Phật đánh gục sự độc tôn của tư tưởng văn hóa Trung Hoa, nhất là trong chính sách đồng hóa Hán tộc người Việt thời đô hộ. Thật đặc biệt, đạo Phật đi vào lòng người bình dân, trước khi lên ngôi vị chánh tôn sau này.
Một nhân duyên kỳ diệu mà Lý Khôi Việt trong tác phẩm “Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo” đã đề cập tới, đó là Phật Giáo đến với người Việt Nam trước khi tới Trung Hoa. Nó làm một cuộc chinh phục chánh pháp để giải phóng cả đất nước và con người. Bản chất và phong thái khai phóng của Phật giáo đại thừa “hùng tráng, dũng hoạt, tích cực nhập thế để cải tạo con người trong cuộc đời và xã hội”.
Con người Việt Nam được thừa hưởng và ươm mầm trong nguồn mạch tư tưởng ấy, từ bà Triệu “Người ta sống ở đời như mầm cây ngọn cỏ, tươi héo chỉ trong nháy mắt, từ thanh xuân đến già cỗi nhanh chóng như bay. Cho nên không thể là trai hay gái phải lập công to để tiếng thơm nghìn năm, việc gì lại cúi đầu khom lưng làm tôi tớ cho kẻ khác…” Tôi muốn đạp cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở ngoài biển động, quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi. Cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người…” Tinh thần ấy có ở đâu ra, nếu không bắt nguồn từ tư tưởng đạo Phật, từ Bồ-tát hạnh vĩ đại?
Và cho đến Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh của một thuở ấu niên biết lấy bông lau làm cờ trong trò trận giả trên cánh đồng làng; tới Lê Đại Hành cũng xuất thân từ cái cuốc lưỡi cày mà mưu trí hơn người nên nghiệp đế vương. Những con người trưởng thành từ gian nan, đói khổ, áp bức, đày ải trong chế độ cai trị bạo ngược phương Bắc, đã đứng lên thành những anh hùng.
Vì thế mà ngay khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đổi hiệu nước là Thái Bình, đã vời ngay các vị thiền sư vào dự việc nước. Không chỉ vì ở học vấn uyên thâm, mà các ngài còn là những bậc thầy khác sáng tâm linh, dẫn dắt tâm linh trong con đường tìm cầu đến một đời sống hạnh phúc. Năm 971, vua ban chức tăng thống, Khuông Việt Thái Sư cho thiền sư Ngô Chân Lưu là thầy của vua, trên cả vạn dân, đức ấy đâu dễ đạt. Vua Đinh rất tôn kính Tăng, chỉ dụ xây dựng tu bổ các chùa xưa đổ nát; đặc biệt với quốc sư của mình, vua rất mực trung tín, luôn học hỏi cho sự tu tập nội tâm và luận bàn về việc nước trong tinh thần đạo pháp, tất cả các mặt của xã hội, kể cả quốc phòng.
Nhà Đinh đã thừa hưởng nền độc lập tự chủ của Nhà Ngô để phát triển và xây dựng cơ đồ. Vì thế, dù nhà Ngô tồn tại ngắn ngủi, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nhà khai sáng kỷ nguyên thái bình thịnh trị cho dân tộc. Phật giáo đã phát triển trước đó, tới nhà Ngô Hưng Long lớn hơn lên nhờ được nâng đỡ và ưu ái, cũng là một tiền đề vững chắc cho Phật giáo nhà Đinh cũng như sau này.
Lê Hoàn là một vị tướng đại tài và là một người có tầm nhìn chính trị sâu xa, rộng lớn, được Đinh Bộ Lĩnh phong làm Thập đạo tướng quân năm 968 khi mới 27 tuổi. Vua Đinh và Thái tử lớn bị ám hại, thái tử nhỏ Đinh Tuệ mới 6 tuổi lên ngôi, quân Tống kéo sang, viết tối hậu thư khiêu khích hăm dọa, Lê Đại Hành lên ngôi vua, điều động binh lính và mưu đánh giặc sau đó ra trận, đúng như dự đoán của thiền sư Vạn Hạnh: “Nội trong bảy ngày giặc sẽ tan”. Và chính sử đã chép rằng, việc tôn xưng lên Hoàng đế của Lê Hoàn do Thiền sư Ngô Châu Lưu đứng ra chỉ đạo. Có thể nhiều người sẽ dùng từ hiện đại “đảo chính” cho việc làm này, nhưng dưới một góc độ khác, khách quan mà nói, trong tình thế gay go của vận nước khi ấy, không còn cách nào khác và không còn ai khác thay thế ngoài đại tướng quân Lê Hoàn. Mà thực tế ông là người sống rất có đức, được nhiều người mến phục, chứ không chỉ là tài năng và những chiến công hiển hách. Và trước khi ra trận, vua đã triệu thỉnh thiều sư Vạn Hạnh vào để hỏi về kế đánh giặc, cách bài binh bố trận ra sao để chắc chắn giành thắng lợi. Một sự hợp tác rất tuyệt vời, địa lợi. Vậy thì có triết lý và tư tưởng nào đánh giá và nhìn nhận cục diện, thời cuộc, vận nước, mệnh con người, sâu sắc tinh tế hơn thế nữa không? Người ta có thể dùng ngôn ngữ nào để dành cho hai vị thiền sư Ngô Chân Lưu và Vạn Hạnh không? Không thể! – “Vua Lê Đại Hành rất xứng đáng là người đại diện cho dân tộc ta đóng lại cánh cửa của quá khứ, quá khứ nô lệ, nhục nhã của 1000 năm… Nhưng chính các thiền sư, tiêu biểu là thiền sư Ngô Chấn Lưu và thiền sư Vạn Hạnh mới là người mở ra cánh cửa của tương lai hưng thịnh và vinh quang cho dân tộc ta trong suốt các thế kỷ 11, 12, 13, 14 (Lý Khôi Việt).
Thiền Uyển tập anh ghi: “Vua Lê Đại Hành rất kính trọng Ngài (Ngô Chân Lưu), phàm những việc quân quốc đều đưa cho ngài cả”. Còn thiền sư Pháp Thuận là người đã dùng nghệ thuật phù sấm giúp Lê Hoàn lên ngôi: “Là một nhà bác học giỏi về nghệ thuật và thi ca, cả tài năng phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu về tình hình thực tại của đất nước”… “Trong buổi đầu sáng nghiệp của nhà Lê, ông có công trù tính và quyết định chính sách kế hoạch, nhưng khi thiên hạ thái bình rồi thì không chịu phong thưởng. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không gọi tên, chỉ xưng tên là Đỗ Pháp Sư mà thôi!”
Đặc biết với tài vấn đáp thi phú, thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã khiến sứ Tống bái phục phải theo đó mà trọng vua Lê, tôn xưng ngang hàng với thiên tử Trung Hoa. Khi tiễn về rồi còn làm bài thơ tiễn mà Lê Quý Đôn coi là “Nổi danh một thuở”, khiến ông sứ bị chinh phục tận tâm khảm. Nhờ đó, nhà Tống buộc phải công nhận nền độc lập tự chủ của đất nước ta không dám nhận xét vội vàng nữa.
Như vậy, khép lại cho một thời đại tiền đề cho sự phát triển đất nước thịnh trị sau này: thời Lý, Trần, Hậu Lê…, dầu bị ảnh hưởng hình ảnh Lê Ngọc Triều hoàn toàn trái ngược, hoang dâm vô độ, bất tín, vô lễ nghĩa, bạc nhược, chúng ta vẫn có thể thấy và tự hào cho đất nước, dân tộc đã sang trang sử mới, kỷ nguyên của độc lập, tự chủ để từ đó xây dựng, phát triển về kinh tế, văn hóa và mọi mặt khác.
Và cũng có thể thấy, Phật giáo được thừa hưởng, có cơ hội đi lên, đạt được vị trí quan trọng trong lòng dân, lòng người, xứng đáng với giá trị, tôn chỉ của mình, dầu chưa biểu đạt hết khả năng và vai trò như thời Lý – Trần sau này. Âu cũng là nhân duyên chưa đủ để tạo thành vậy.
Con người Việt Nam sống ươm mầm từ suối nguồn thanh lương của triết lý từ bi mà trí tuệ uy dũng của đạo Phật. Dân tộc Việt Nam kết tinh tinh thần từ tính đại hùng, đại lực mà rộng mở thênh thang với đời của đạo Phật. Dân tộc và Đạo pháp đi song đôi với nhau, muôn đời hình ảnh ấy là bất diệt! Biến chuyển và hóa sinh nên những kỳ nữ và anh hùng “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”, đi vào văn chương, sử sách. Điều ấy âm thầm tồn tại và khơi dòng mạch chảy lộ thiên bắt đầu từ thời đại độc lập Ngô – Đinh – Triều Lê. Dầu cho có theo tôn giáo nào thì bất cứ người Việt Nam nào cũng không thể không công nhận. Lịch sử dựng nước, đấu tranh giữ nước là lịch sử của dòng mạch Phật đạo, được khai sáng từ thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, đó là điều không bao giờ có thể phủ nhận được.
Phật giáo là cả một hệ thống triết học uyên thâm, tư tưởng rộng lớn, lý luận phong phú… và bao thế hệ tu sĩ hoằng đạo, hành đạo – một nhân tố không thể thiếu được. Vì vậy, nói tới ý nghĩa Phật giáo thời Ngô – Đinh – Tiền Lê là phải nói đến một nền văn hóa Việt đã từng thấm đẫm tư tưởng bình đẳng, trí tuệ, từ bi, phải nói tới chân dung của những vị cao tăng, âm thầm hay hiển tượng hóa thên cứu độ đời. Và một đại nhân duyên lớn đã tạo nên dấu ấn mốc vàng son lịch sử: dân tộc Việt Nam đã đứng lên đánh đổ ách xiềng nô lệ cả nghìn năm để giàng lại tự do cho muôn nhà, khởi đầu cho đại công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của tất cả các triều đại sau này. Đặc biệt, lấy chính Phật giáo làm tư tưởng chỉ đạo cho hành động, làm căn bản để sống, chiến đấu, xây dựng, bảo vệ, phát triển, đi lên về mọi mặt.