Trang chủ Văn học Tùy bút Trên cao gió bạt tiếng eo sèo

Trên cao gió bạt tiếng eo sèo

80

Nghe nói đoạn trên này ngắn hơn nhưng dốc hơn đoạn đã qua bên dưới. Nhưng rồi đến bốn giờ chiều, anh em lại quyết định leo tiếp lên chùa Bảo Sái. Đã hồi sức. Vả lại cũng muốn rút ngắn bớt đoạn đường sẽ phải leo tiếp sáng mai. Đoạn từ Hoa Yên lên Bảo Sái quả là có dốc hơn, gian nan hơn đoạn bên dưới. Lên đến chùa Bảo Sái thì núi rừng đã tối sầm không còn nhìn thấy gì nữa. Chùa chật ních người đến ngủ trọ. Chúng tôi may mắn còn có chỗ, được xếp vào trong căn bếp của nhà chùa. Đêm ấy, cả toán nằm thẳng cẳng như xếp cá bên cạnh mấy bà già hành hương, tất cả khoảng hơn chục người, trong căn bếp ám đen bồ hóng.

Sáng hôm sau, tiếp tục hành trình leo núi. Quả thật là cao. Quả thật là dốc. Quả thật là thở phì phò và không thể đeo khoác mang xách gì được nữa. Tất cả trút hết sang người gánh thuê. Có những đoạn gần như dốc đứng, mắt người leo dưới chạm gót chân người trèo bên trên. Bám vào đá mà leo. Bám vào rễ cây mà leo. Xuống thì có lúc phải nằm bò ra, bám vào rễ cây mà thả dần người xuống. Trước đấy tôi đã nhiều lần đi chùa Hương. Không so sánh được. Có lẽ chỉ bằng một phần mười Yên Tử. Đoạn đường núi từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích, người ta đi dần dà khoảng bốn mươi lăm phút, thời ấy tôi đi vùn vụt chỉ ba mươi phút. Còn lên Yên Tử thì phải cắt ra làm hai ngày. Có người chỉ leo một ngày, lên đến chùa Đồng buổi tối cùng ngày, nhưng mà phải dồn sức và kiệt sức. Có người bị tim mạch, không leo tiếp được, phải dừng lại lưng chừng. Có người lên được đến đỉnh, nhưng khi xuống phải thuê người võng. Hai người địa phương gánh cái võng đã được bó chặt, trèo xuống. Những chỗ dốc đứng, cái võng trông như tử thi bó chiếu lủng lẳng chiều thẳng đứng bên bờ vực. Hàng năm vẫn có người trượt chân rơi xuống vực.

Thế mà vẫn hân hoan đi. Tươi cười đi. Người trên xuống động viên người dưới lên: Sắp đến nơi rồi. Những bà già lưng còng, phải trên dưới tám mươi tuổi, chống gậy leo như không, gặp nhau chào A Di Đà Phật. Sức mạnh của tâm linh.

Thanh niên thì thở như kéo bễ, bò lê bò càng. Vẫn đi. Nhìn lại trên người mình, không còn mang vác một cái gì. Nhìn sang người gánh thuê, tất cả tư trang của mình đã chạy sang bên ấy. Túi xách, ba lô… tất tật. Mình đi giày thể thao bó chắc vào chân. Chị gánh thuê chỉ đi dép lê. Quãng đường mình phải chia làm hai ngày để leo, có khi chị ta chỉ leo từ sáng đến trưa. Nếu trên đỉnh không có ai thuê gánh xuống thì tất bật trở ngay xuống chân núi để làm chuyến nữa. Một người buột miệng: Từ giờ đến chết không quay lại Yên Tử nữa, nếu như không có cáp treo. Chị gánh thuê xuýt xoa: Có cáp treo thì chúng em chết, một năm chúng em chỉ nhờ vào mấy tháng gánh thuê này thôi.

Chính trên đỉnh núi Yên Tử hôm ấy, tôi nhớ đến cái cáp treo lên xuống núi Linh Thứu Gridakuta ở Ấn Độ, nơi còn in dấu chân Phật. Đi thăm suốt ngày thành Vương Xá Rajgir, đến chân núi Linh Thứu thì cũng đã khá mệt. Sáng mắt lên khi nhìn thấy hệ thống cáp treo đưa khách lên thiền viện Nhật Bản trên một sườn núi. Ai trèo núi thì cứ trèo. Ai đi cáp treo thì cứ đi. Được lựa chọn là một đời sống dân chủ. Loại cáp treo ở Linh Thứu Sơn là chair lift, tức là mỗi người một cái ghế, không có lớp vỏ bọc xung quanh, cũng không có mái che. Cứ thế du khách trôi trên những mỏm núi, những ngọn cây, trần ra giữa nắng gió. Chỉ có một thanh sắt chắn ngang trước bụng để khách không tuột ra khỏi ghế. Cứ thế mà lên đến thiền viện Nhật Bản, rồi lên đến đỉnh núi còn dấu tích Phật ngồi thiền. Đấy là nơi Người nhìn thấy vua Bimbisara bị con trai tiếm quyền, bắt giam trong một hang núi phía bên kia. Đấy là nơi Devadatta sai một người lính lên ám sát Phật. Anh lính được cảm hóa, việc ác không thành. Sau đó Devadatta còn cho người lăn một tảng đá to xuống nơi Phật ngồi đây, nơi hệ thống cáp treo bây giờ đang đưa du khách lên.

Hôm anh bạn buột một câu trên đỉnh núi Yên Tử về chuyện cáp treo, ai cũng nghĩ mơ tưởng hão huyền vậy thôi. Còn lâu. Thế mà chỉ ít năm sau, báo chí đưa tin về dự án xây dựng hệ thống cáp treo Yên Tử. Thôi thì bao nhiêu lời bàn vào bàn ra. Bao nhiêu tiếng kêu phản đối của nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học. Người ta còn viện đến yếu tố tâm linh. Đến với tâm linh là phải đổ mồ hôi nước mắt, là phải mỏi gối chồn chân mới bày tỏ được lòng thành kính và niềm tin. Người ta còn viện đến khả năng báng bổ đất Phật khi cho khách ngồi trên cáp treo mà bay trên đầu trên cổ Phật tích và người hành hương. Rồi lý do làm hỏng cảnh thiên nhiên, làm hỏng môi trường, làm mất mỹ quan…

Sao vậy nhỉ? Những tưởng giới văn nghệ sĩ, giới khoa học phải xử sự ngược lại. Họ đúng ra phải là những người háo hức cái mới, làm ra cái mới, và hân hoan đón chào cái mới. Không mới sao có sáng tạo, có phát minh? Không mới sao có sinh sắc cho đời sống, cho nghệ thuật, cho khoa học? Giá mà có một phản ứng tưng bừng phấn khởi với cáp treo Yên Tử, chùa Hương, Bà Nà, Nha Trang, Đà Lạt… Giá mà có một không khí tưng bừng reo vui với những công trình mới, phát minh mới, tác phẩm mới, sản phẩm mới… Động viên khích lệ nhau làm cái tốt cái hay cái đẹp cái mới. Người sáng tạo thế mà đơn độc lắm, họ rất cần sự cổ vũ, động viên. Người sáng tạo thế mà nhạy cảm lắm, họ rất cần được tránh cho những tổn thương.

Thì cứ coi những tiếng la ó kia là phản biện. Nhưng phản biện là để thận trọng hơn, lật qua lật lại vấn đề nhiều lần hơn, xem xét và đánh giá kỹ hơn, làm cho công trình hoàn chỉnh hơn. Phản biện đâu phải là nhằm mục đích xóa bỏ. Hoàn toàn. Không phải là chữa bệnh mà rạch thêm một nhát cho chết hẳn, chết đứ đừ. Không phải góp ý mà là rủa xả mạt sát. Phê bình cuốn tự truyện của một nghệ sĩ theo cách phát động quần chúng đấu tố, không phân biệt được rằng phê bình tự truyện (nhân vật trung tâm là một người có thật) phải khác với phê bình một tác phẩm hư cấu (với nhân vật hư cấu). Phê bình con đường gốm sứ bên sông Hồng, cũng đi đến mạt sát rằng người ta “đang bôi bẩn những bức tường”.

Vui nhỉ, khi tháp Eiffel vừa mới dựng lên ở thành Paris, cũng bao nhiêu tiếng gào thét phản đối “con quái vật bằng sắt” xấu xí.

Tôi thì lại thấy cuốn tự truyện kia thật đúng là tự truyện. Bởi lẽ hơn nửa thế kỷ qua ở ta hầu như không có tự truyện hoặc hồi ký đúng nghĩa. Hầu hết đều là những chiếc gương nịnh mặt, soi vào đấy, các nhân vật đều mịn màng, đẹp đẽ, không tì vết. Cuốn sách kia trở thành một tác phẩm hiếm hoi vì nó chân thật, từ một nhân vật mà nhìn thấy được thời đại, lại được chuyển tải bằng văn chương đúng nghĩa.

Tôi nhớ con đường gốm sứ ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Nơi trước kia có một con suối bùn rác, người ta phủ bê tông lên trên, làm một con đường, rồi xây một cái cầu vượt phía trên con đường ấy. Đấy là cái giá của sự phát triển đô thị thời kỳ đầu. Mấy chục năm sau, khi đã phát triển, người ta lại quyết định phá cái cầu vượt chắn mất tầm nhìn và thiếu mỹ quan, bóc con đường bê tông lên, khơi lại dòng suối. Như một con kênh. Nước chảy róc rách, hai bên kè bằng những tảng đá, trồng cỏ và lau sậy. Nó trở thành con đường đi bộ đẹp và tự nhiên. Hai bên suối là con đường gốm sứ, mới chỉ gần 200 mét. Bức tranh đức vua Jeongio viếng mồ phụ mẫu. 1700 nhân vật và 800 con ngựa. Một lễ rước tưng bừng, những nghi thức hoàng cung, những tập tục bình dân, trang phục của một thời đại được tái hiện. Đi hết bức tranh, dọc theo dòng suối mà đi tiếp, ta sẽ gặp những nghệ sĩ đường phố. Một cây ghi ta, một dàn trống, đôi ba nhạc cụ dân tộc, một người hoặc nhiều người, họ hát lên những bài ca của mình.

Con đường gốm sứ của ta chưa sánh được. Nhưng mà mấy chục cây số ven sông Hồng, thay cho những bức tường xám loang lổ, giờ là những hình ảnh vui mắt. Không cao siêu gì, thậm chí còn những hình ảnh đơn giản, thô sơ, những biểu trưng lồ lộ của nhà tài trợ. Phản biện là đúng, cần lắng nghe phản biện để điều chỉnh, sửa chữa. Nhưng phản biện hung hãn và cay nghiệt như chỉ nhằm mục đích hủy diệt thì có còn là phản biện? Những lúc ấy, lại cứ thầm nhủ trong lòng, như là đang hô to lên động viên những người thực hiện: Chớ dừng tay, chớ ngừng lại, tiếp đi, làm tiếp đi.

Nhìn ra rõ ràng trong những người phản đối, có cả những họa sĩ. Xin hãy phủ định tác phẩm này bằng một tác phẩm khác. Phân tích, bình luận, phê phán, chỉ bằng lời thôi thì dễ dàng quá. Sao nhỉ, sao mấy vị chê bai có chuyên môn ấy không tự nguyện đến nhập cuộc, tham gia vào, mỗi vị nhận lấy mấy mét tường, đây là cơ hội để bày tỏ khả năng sáng tạo và trách nhiệm công dân của họa sĩ? Và bắt tay vào làm cũng là cách phủ định những cái mà mình cho là chưa hay. Chắc là chính quyền và dân chúng sẽ nhìn các vị một cách khác.

Nhưng thực tế đã chứng tỏ người làm việc có nhiều, và người không làm việc nhiều hơn. Ngồi sẵn đâu đấy trong những công sở, những xa lông, những tiệm ăn, quán cà phê, bãi bia, thậm chí giữa đông đúc chợ người. Ai đi qua là bình phẩm. Ai làm ra một cái gì là chê bai. Một tinh thần nhàn rỗi không chịu làm việc. Một tinh thần tự ti ngược, ngược tức là không làm nổi, nhưng lại ra vẻ không có gì đáng làm. Một tinh thần ngoại đạo nhưng tự cho rằng mình có thể góp ý về mọi lĩnh vực. Một tinh thần đồng nghiệp, khi không làm được nữa thì chê những người đang làm. Một thực tế khá phổ biến: trong một cơ quan, ai cũng thao thao những ý tưởng hay ho, cứ như nếu mình thực hiện thì mọi thứ đều đỉnh. Nói nghe thì hay. Nhưng vấn đề là chỉ thiếu người làm. Bây giờ tìm cho ra người thực hiện mới khó. Tìm người nói hay thì không khó.

Vậy thì đứng lên nào, động chân động tay lên nào, hò dô ta. Ta xây nhà làm đường, xây cáp treo, tàu điện ngầm. Ta phát minh sáng chế. Ta làm kinh tế, làm nghệ thuật, làm văn chương. Thêm một cái mới là thêm một cái quý. Vừa phải thôi, khiêm nhường thôi thì cũng quý. Ta phê bình phản biện để cho nó mới hơn, tốt hơn, không phải để tiêu hủy, để đập bỏ, để chắn ngang đường.

Bây giờ Yên Tử đã có cáp treo. Đoạn đường từ chân núi lên lưng chừng Hoa Yên leo bộ mất ba bốn tiếng đồng hồ, giờ đây đi cáp treo chỉ mười lăm phút. Người già cả có cơ hội. Người bệnh khớp bệnh tim có cơ hội. Người tàn tật thiệt thòi có cơ hội. Ở những xứ phát triển, nếu xây cao ốc mà không xây đường dành riêng cho người ngồi xe lăn thì sẽ bị phạt. Từ Hoa Yên, cũng đã có cáp treo lên đến tận đỉnh. Ngồi trong cái lồng kính bao bọc, không ngại mưa gió. Cái cáp treo lên đất Phật là cơ hội cho mọi người.

Tôi thì vẫn trèo chín trăm mét còn lại lên đến chùa Đồng. Đi qua rừng trúc ướt đẫm sương, mù mịt sương. Gió lộng bạt cả tiếng người. Sương và mây đều bay. Không khí nghìn năm còn nguyên đấy. Không khí tâm linh còn nguyên đấy.