Hỗn loạn chùa Đồng, rác ngập Yên Tử
Hàng vạn lượt khách lên đỉnh Yên Tử để thắp hương, lễ Phật và tạo ra cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn người chen chúc nhau cạnh ngôi chùa chỉ cao 3m rộng hơn 10 m2.
Ai cũng cố chen vào dòng người đông nghẹt để thắp hương và đặt lễ và tạo ra cảnh hỗn loạn xô đẩy nguy hiểm do gần như ai cũng đứng trên những hòn đá cao chênh vênh.
Chiếc khánh đồng đặt cạnh chùa được hàng ngàn phật tử chen nhau đến để lau khánh bằng tiền cầu tài cầu lộc. Ai cũng cố chen để chà xát khánh đồng với mong muốn gặp nhiều may mắn và tạo ra cảnh xô đẩy rất phản cảm. Trong đám đông lộn xộn nhiều người bị mất ví, mất điện thoại…
Một trong những vấn đề gây phản cảm nhất tại Yên Tử đó là rác. Mặc dù tại đường lên Yên Tử cứ vài chục mét lại có một thùng rác nhưng rác xuất hiện khắp mọi nơi, từ chân núi lên tới tận chùa Đồng.
Trên đường hành hương mặc dù có nhiều người dọn rác nhưng không xuể do người hành hương vừa đi vừa ăn uống.
Tan hoang
Theo ước tính, lượng khách tới Yên Tử đông nhất trong các ngày 18-19/2 tức ngày 5-6 Tết. Chỉ trong hai ngày này lượng người đến Yên Tử đã bằng lượng khách từ đầu năm cộng lại.
Mặc dù lượng khách lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) được tuyến cáp treo san sẻ nhưng mọi con đường lên núi đều đông nghẹt khách.
Tình trạng tắc đường nghiêm trọng nhất diễn ra vào ngày mùng 5 Tết đoạn An Kỳ Sinh – chùa Vân Tiêu. Đoàn người ùn ùn kéo xuống núi trên con đường hẹp, dốc trong khi khách lên núi cũng bằng đường này khiến đoàn người kẹt cứng nghiêm trọng.
Theo nhiều người từng đến Yên Tử, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng như thế này chưa từng xảy ra tại đây. Nhiều đoạn dốc thẳng đứng và phía dưới là vực nhưng rất nhiều người muốn thoát cảnh tắc đường đã bất chấp nguy hiểm trèo, đu lan can để xuống.
Điều đáng nói là không hề có bất kỳ lực lượng chức năng nào làm nhiệm vụ nhắc nhở ngăn người từ dưới đi lên. Tại nhiều đoạn, hàng trăm du khách bấu víu những cành trúc để lên xuống dù phía dưới là vực sâu đá lởm chởm.
Hàng ngàn cây trúc Yên Tử được dùng để kéo người lên hoặc hãm người xuống dốc khiến trúc Yên Tử đoạn này bị bẻ gãy, giẫm nát tan hoang.