Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Thánh Chúa – Chứng tích văn hóa Thăng Long

Chùa Thánh Chúa – Chứng tích văn hóa Thăng Long

405

Đầu thế XVII một bộ phận thôn Hậu tách ra thành lập xã Mai Dịch. Từ đó đến nay chùa là chung của nhân dân hai xã Dịch Vọng và Mai Dịch. Bởi vậy mà nhân dân trong vùng còn lưu lại câu ca:

      Mai Hậu cùng chung một ngôi chùa

      Qua bao thế kỷ vẫn như xưa

      Chùa chính bảy gian hai nhà tổ

      Bảy mươi pho tượng mấy lần tô

Đây là một trong những di tích quý hiếm từ thời Lý còn lại, một chứng tích văn hóa Thăng Long. Hiện nay, do quy hoạch mới chùa Thánh Chúa nằm trong khu vực trường Đại học sư phạm Hà Nội I (Cây số 8 đường Hà Nội – Sơn Tây).

Một học giả người nước ngoài khi đến thăm chùa đã có lời bình luận ngôi chùa là: “Một hòm ngọc nằm giữa trung tâm văn hóa”.

 Ảnh minh họa
Chùa Thánh Chúa  – Chứng tích văn hóa Thăng Long

Chùa Thánh Chúa là một ngôi chùa cổ thờ Phật và Nguyên phi Ỷ Lan. Trong chùa còn một số bút tích và hiện vật quý hiếm nói đến lịch sử ngôi chùa như: câu đối treo ở tiền đường, chuông làm bằng đồng thau niên hiệu Minh Mạng thứ chín (1828), Khánh làm bằng đồng, kiểu cánh dơi, nặng 125 cân, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). Chùa gồm nhiều hạng mục công trình như: Cổng Tam quan, gác chuông, tòa Tam Bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, điện thờ nguyên phi Ỷ Lan.

Sách Đại Viêt sử ký toàn thư, tập một kỷ nhà Lý có chép: “Quí Mão, chương Thánh gia Khánh năm thứ 5 (1064) Tống Gia Hựu năm thứ 8. Bấy giờ vua Xuân Thu đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, sai tri hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh hoàng tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông  (1066 – 1128)”.

Chùa Thánh Chúa là một trong số 100 chùa chiền được Ỷ Lan thái phi tu sửa, nơi đây nguyên phi và các vị vua nhà Lý thường lui tới để nghiên cứu Phật pháp.

Ngôi chùa còn gắn bó với tuổi thơ của vua  Lê Thánh Tông, một vị minh quân, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn trong lịch sử của dân tộc. Sử cũ chép lại rằng: đầu thế kỷ XV Nghi Vân có tội với triều đình không được nối ngôi, nên kết bè đảng làm phản, đang đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cung điện, vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ còn nhỏ, phải chạy lánh nạn đổi áo ở lẫn với Tăng Tiểu tại Chùa Thánh Chúa, sau đó hai tôi trung của triều đình là Nguyễn Xí và Đinh Liệt – danh tiếng từ thời Lê Lợi trừ khử Nghi Vân và đón vua về cung cũ. Điều đáng lưu ý là ở Hà Nội, ngày nay chỉ còn vài nơi in dấu vết vua Lê Thánh Tông đó là: chùa Huy Văn, chùa Ngọc Hồ và chùa Thánh Chúa. Vì thế mà tương truyền trong dân gian xưa kia cũng có câu ca:

“Ngàn năm nay có mấy chùa

Có chùa Thánh Chúa hai vua tôn thờ”

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp chùa Thánh Chúa là nơi tập kết dân quân du kích và bộ đội địa phương tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi. Trong vườn chùa còn có hầm bí mật, lối thoát sau đi Cổ Nhuế. Chùa là trạm giao liên, là trụ sở của Quận ủy Trấn Tây, thường xuyên liên lạc giữa Quận Ủy với Thành ủy Hà Nội ngoài vùng tự do.

Năm 1959 khi Bác Hồ về thăm trường đại học sư phạm Hà Nội thấy hội trường xây trước cửa Tam quan  của chùa Thánh Chúa, Bác đã đề nghị dở bỏ. Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và giữ gìn di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Ngày 21/11/1989 Bộ Văn hóa đã có quyết định số 100/QĐ công nhận chùa Thánh Chúa  là di tích lịch sử – văn hóa. Chuẩn bị chào đón thủ đô 1000 năm tuổi từ năm 2006 đến nay chùa vẫn đang được các cấp ủy, Đảng, chính quyền, nhân dân địa trong vùng trùng tu và mở rộng. Vì vậy mà cảnh quan chùa ngày càng khang trang thu hút đông đảo quý khách thập phương tới hành lễ. Đặc biệt là dịp lễ hội truyền thống của chùa được tổ chức vào ngày 25 tháng 1 âm lịch hàng năm.