Tại chùa Phúc Khánh, trong ngôi điện thờ Phật tổ, dòng người chen nhau nhích từng bước. Khói hương nghi ngút. Những tờ tiền mới được bày trên bàn, giắt trên cành cây, bỏ vào hòm công đức.
Nhiều người cho rằng chùa Phúc Khánh khá thiêng và nổi tiếng nên ngay từ ngày mùng 1 Tết, nhiều xe biển ngoại tỉnh cũng đổ về đây để thắp hương cầu may. Sau những lời cầu khấn cho một năm mới làm ăn sung túc, nhiều người đến ban thờ Đức ông để rút quẻ đầu năm.
Phủ Tây Hồ cũng là nơi được khách thập phương đổ về rất đông. Dọc lối đi dẫn vào Phủ, các hàng bán đồ lễ, đổi tiền mới, viết sớ hoạt động tấp nập. Ô tô, xe máy đậu kín trong bãi, tận dụng từng mảnh đất trống.
Dịch vụ sắp lễ xung quanh Phủ năm nay rất đa dạng. Nhiều khách du xuân đến Phủ cho hay họ không dâng lễ mặn, ngọt… như mọi năm mà đặt lễ đen (tiền) và sớ, rồi công đức cho Phủ. Nhờ vậy, các bàn viết sớ, đổi tiền mới, bán cành vàng lá ngọc ven đường đắt khách.
Chùa Quán Sứ, cũng là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hầu như lúc nào cũng nhộn nhịp đón khách. Lư hương ở sảnh trước sân chùa nghi ngút khói tạo nên một màn sương mù dày đặc làm cho chốn thiền càng thêm linh thiêng, huyền bí.
Trong chùa đầy ắp người cùng những tiếng thì thầm cầu khấn. Tất cả đều rất trang nghiêm, trật tự. Hoà thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì chùa, cho biết: “Lễ ở nhà cũng được, lễ tổ tiên ở nhà là tốt rồi nhưng người ta muốn đến chùa để lễ, đến nơi thờ tự thiêng liêng cầu phúc, cầu tài…”.
Chùa Hà, quận Cầu Giấy, cũng khá nhộn nhịp bởi giới trẻ Hà Thành coi đây là nơi cầu duyên rất linh nghiệm. Hàng nghìn người đã đến thắp hương rút quẻ, người già thì cầu sức khỏe, người trẻ cầu duyên, cầu tiền bạc.
Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để cầu may mắn, mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày vất vả trong cuộc mưu sinh.
Hòa vào dòng người tấp nập đi lễ đầu xuân, trong tiết trời lạnh, tiếng chuông chùa ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ. Nhiều người đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về và gìn giữ một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc từ bao đời./