Quả thật, Vòng tay học trò là một tác phẩm đáng bị phê phán. Sau Nguyễn Thị Hoàng, đến nay đã gần nửa thế kỷ, theo chỗ chúng tôi biết, vẫn chưa có một tác giả nào trở lại vấn đề gai góc, nhức nhối này ở cấp độ như Nguyễn Thị Hoàng.
Tuy nhiên, khoa lý luận phê bình văn học hiện đại, từ lý thuyết tiếp nhận, cho phép khảo sát sự tồn tại của tác phẩm văn học nghệ thuật từ nhiều góc nhìn khác nhau, trong các loại người đọc khác nhau, từ những thế giới quan, nhân sinh quan khác nhau. Tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ có độc nhất một sự cảm nhận, mà nhiều và rất nhiều.
Riêng đối với người viết, sau 20 năm, khi đã có một trình độ Phật học nhất định, đọc lại Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, người viết đã có một cảm nhận hoàn toàn khác trước.
Theo trục thời gian, có thể chia câu chuyện làm ba phần: phần một là phần cô giáo Trâm an ổn trong cuộc sống mới cô độc ở Đà Lạt và quan hệ với học trò với tâm từ: cô giáo với học trò, người chị với các em và có thể người mẹ với các con. Tâm từ và tình yêu trong Phật giáo được phân biệt rất rõ. Một đàng là vị tha, là ban bố, là chan hòa và hệ quả là an lạc. Còn một đàng là vị kỷ, là thu vén, là chiếm đoạt, và hệ quả là đau khổ, là nghiệt ngã…
Chương một của tác phẩm là phần thể hiện tâm từ và hệ quả của tâm từ. Cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm từ bỏ cuộc đời ngụp lặn trong những cơn hoan lạc thâu đêm suốt sáng ở Sài Gòn và bắt đầu cuộc sống mới trong vai trò cô giáo ở Đà Lạt, như một nạn nhân của ái dục.
Trâm bắt qua một nhịp đời khác không tìm chuyển tiếp. Đà Lạt như một nơi ngơi nghỉ vùi chôn đời đời. Cuộc sống đang sôi trào bỗng dưng lắng đọng lại như những thước không gian câm nín dày đặc sương mù. Lẽ ra sau khi giã từ Sài Gòn ồ ạt, Trâm phải tập dần quen với cuộc đời yên ổn trầm lặng đã, rồi mới lên đây. Mà không. Hai nhịp sống tương phản nối liền nhau, và tâm hồn nàng đột ngột chịu dựng sự dao động mãnh liệt của hai thế giới, hai nhịp đàn khác điệu. Như giữa khí hậu nóng bức khô khan của Sài Gòn và lạnh lẽo ẩm ướt của Đà Lạt không có miền trung gian.
Nhưng lần đầu tiên lên đây, Trâm tưởng mình có thể nguôi quên. Vì lúc đó, cái gì cũng mới lạ tốt đẹp. Những bài làm đầu tiên của học trò, nàng chấm đêm đêm. Như con đường viền quanh lũng thấp đồi cao dẫn đến trường học, như vầng mặt trời sáng chói xé nát màn sương mai, tưng bừng nhuộm hồng hoa cỏ. Như những bạn đồng nghiệp mới quen, những khuôn mặt học trò còn xa lạ nhìn lên ngơ ngác. Cho nên, Trâm đã nguôi quên chặng đường đua cũ, dừng lại bằng lòng chính mình, bằng lòng xung quanh và định tâm sửa đổi lại đời mình hàn gắn những đổ vỡ, nối tiếp những dự định chưa thành. Trâm ngầm giao ước với cuộc đời là nàng sẽ phải sống xứng đáng, từ lúc bước vào ngưỡng cửa mới còn lạnh lùng và xa lạ của nghề dạy học.”
Trong tác phẩm, Nguyễn Thị Hoàng cho nhân vật cô giáo Trâm đến ở tại một biệt thự hoang vắng, chìm đắm trong nỗi buồn cô đơn. Nhưng trong sự cô đơn ấy, Trâm dần dần có được đôi chút nào đó bình an. Tâm đi dần đến tâm từ trong quan hệ với học trò. Trong tác phẩm, Nguyễn Thị Hoàng xây dựng chi tiết Trâm cho những đứa học trò lỡ đường đói khát vì mưa gió ngủ đêm lại trong nhà mình và hồi tưởng lại một sự kiện khác, Trâm săn sóc đứa học trò bất thường đến xin cô thuốc.
“Thế nó xin mình thuốc có lẽ vì cảm tình, vì thấy mình thân thuộc hơn những người khác và có thể làm dịu cơn đau của nó. Nó cầm chai thuốc và bông băng, định vào phòng thằng Tuân băng bó lấy một mình. Trâm thấy máu thấm ra ngoài vải quần áo kaki màu xanh đã bạc của thằng học trò, tự nhiên thấy thương xót thế nào. Nàng bảo, em xăng quần lên một tí, cô buộc thuốc cho. Nó e dè nhìn Trâm, thưa cô, em làm lấy được, phiền cô quá. Trâm nghiêm giọng, không được, ngồi xuống ghế kia, đưa chân ra. Rồi nàng gối cong xuống sàn nhà, lấy alcoll Iodee chấm vết thương và xức thuốc, băng bó cho nó. Nó ra về, Trâm thấy vừa băn khoăn vừa lâng lâng sung sướng trong lòng. Dù việc làm nhỏ nhặt không đáng kể, nhưng ý nghĩa lại đẹp. Trâm có cảm tưởng như không phải chút thuốc miếng bông đó ngày kia sẽ làm lành vết thương đứa học trò tội nghiệp, nhưng sự săn sóc ân cần và dịu dàng của nàng làm lành những vết thương đau. Như thế, nàng vẫn có ích, vẫn có thể sống cho sống vì kẻ khác và vẫn sung sướng được quên mình để đem cuộc sống góp đời. Ngày xưa thì không thế, Trâm ích kỷ, chỉ tận hưởng, chỉ cầu hạnh phúc cho mình, chỉ muốn chiếm cho bằng được những gì mê thích, muốn được mà chẳng hề cho đi. Nhưng sự sung sướng được thỏa mãn đó mong manh và ngắn ngủi vô cùng. Trong sự chiếm đoạt, không phải người khác mà chính mình là kẻ bị tàn phá. May là đời Trâm chuyển về một nhịp khác, nàng đã sáng suốt nhận định ra sự việc, một mình tiến tới, tìm ra một thái độ hợp lý hơn để tồn tại trong tương quan cá nhân và quần chúng. Dù những cái vui do lòng hi sinh mang lại có khi biến thành tủi buồn xót xa, vì kẻ khác, còn thân phận mình, ai thương, nhưng vẫn còn âm vang mãi mãi trong lòng như một nguồn an ủi lớn. Vậy mình tìm ra một con đường tốt, cứ việc đi, để ý làm gì những lời đàm tiếu quanh co của thiên hạ. Trâm đã thắc mắc nhiều về việc nhỏ mọn là săn sóc đứa học trò bị thương. Dù sao mình cũng là con gái, nó là con trai, mình là cô giáo nó, hơn nó rất nhiều tuổi, nhưng mình cúi người xuống nâng lấy cái chân đau của nó, săn sóc thật âu yếm, thật dịu dàng yêu thương. Sự đối xử đó, cử chỉ mình lúc đó có thể bị người ngoài xuyên tạc. Nhưng chỉ mình biết đó là lòng thương giữa con người với con người. Nó hay mình, hay kẻ khác mang vết thương đều đau đớn như nhau. Kẻ lành phải san sẻ cái đau của người đau, bằng cách này hay cách khác. Mọi sự xấu hay tốt do ý nghĩ sâu kín của mình thôi, đâu phải trong hành vi.
Bây giờ đến lượt bốn đứa học trò trong đêm mưa gió đến xin ở lại nhà một cô giáo trẻ độc thân. Bọn nó trẻ con, nhỏ tuổi. Trâm là người lớn “già đời” rồi. Nhưng đôi bên khác phái. Ai biết đâu là đâu. Một ngày nào đó, người ta sẽ dóng lên một hồi chuông, cô giáo đó à, ở một mình mà ban đêm để học trò trai đến ở lại. Phải cứ chìu theo thứ dư luận ngu xuẩn hẹp hòi như thế đó, rồi lắc đầu xua đuổi cả bốn đứa học trò nghèo rách nát, xác xơ, đói khát ra ngoài đêm mưa gió thế này, để được tiếng là nề nếp, đứng đắn, khuôn khổ. Không thể có nhân đạo trong thứ luân lý giả tạo đó được…” (chương một, Vòng tay học trò)
Đó không gì khác hơn là tâm từ của đạo Phật. Không chút vướng bận ích kỷ, không đòi hỏi ân nghĩa, tư lợi, tình yêu đó không phải là ái dục. Khi ấy, nhân vật Trâm tràn trề niềm an lạc, hoan hỷ, thảnh thơi.
Những giữa tâm từ và ái dục chỉ là một khoảng cách mong manh. Đối với đạo Phật, tu chính là giữ được cái khoảng cách mong manh đó. Nếu không, tâm từ sẽ biến dạng thành ái dục một cách dễ dàng và nhanh chóng. Từ chỗ đứng của đạo Phật, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sự chuyển hóa đó khi soi vào tác phẩm. Cuộc đời không thể tách khỏi đạo, vì chính từ cuộc đời mà đạo được sinh. Vòng tay học trò là một câu chuyện đời, nhưng diễn biến qui luật mà đạo đã chỉ ra. Cô giáo Trâm đi tới ngả rẽ giữa địa ngục với “thiên đường” sau những ngày tháng cho Minh ở trọ:
“Lên hết thang lầu, Trâm đứng lặng nhìn xuống vùng bóng tối dưới kia, khuôn mặt Minh thoắt buồn thoắt vui hiện lên ở đó. Phiền rồi đây. Thật cây muốn lặng, gió chẳng dừng. Hay là mình nói Minh dọn đi. Vô lý, nó có làm gì, có lỗi gì đâu nào,… Một thoáng, Trâm vụt nghĩ đến gia đình, đến những người quen biết, đến công việc, đến những dự định tương lai, đến vòng vây tù đày eo hẹp khe khắt của cuộc đời. Rồi Trâm nhìn xuống những nấc thang lầu đen thẫm trong đêm khuya như một chiếc cầu giao nối địa ngục với thiên đường. MÌnh xuống hay lên. Bây giờ chiếc cầu thang vô tri ngủ yên ở đó. Và Trâm bỗng nghe vang vọng tiếng giày thoăn thoắt của Minh qua từng nấc thang và tiếng reo của nó mỗi lần bãi học” (Chương 3, Vòng tay học trò).
Cuối cùng là tình yêu và cũng là địa ngục. Nói Vòng tay học trò là một tác phẩm đồi trụy thì không hẳn, vì hầu như những xúc cảm nhục dục không phải là âm hưởng chính. Tác phẩm khá trong sạch về mặt này. Nhưng điều chính yếu là cả hai bên đều muốn sở hữu cho riêng mình (điểm cơ bản phân biệt tâm từ và tâm ái) cái mà mình không thể sở hữu.
Và từ đó trở đi, là vực sâu, là địa ngục. Một ca điển hình minh chứng cho lời Phật dạy: ái dục tất sẽ đưa đến đau khổ. Bằng lời văn sáng tạo giàu hình ảnh và độc đáo, Nguyễn Thị Hoàng đã miêu tả chi tiết thứ địa ngục đó trong đoạn sau của tác phẩm: “mắt Trâm bỗng nhức buốt trước một vùng tuyết băng trắng xóa không còn cây cỏ xanh tươi. Không còn màu trời mờ đục thủy ngân gần gũi trên đầu. Không còn dấu vết của những sinh vật thoáng qua. Tôi rơi vào khoảng không. Tôi bị ném vào một vực sâu không đáy. Lạnh buốt khắp xương da cho đến phút giây bị đập nát xuống một bờ đá âm u nào đó. Mảnh vỡ những hành tinh ngập lụt thi hài tôi. Tôi quằn quại với những vết thương soi thấy bóng mình một lần cuối lờ mờ trong hồ nước băng giá như gương” (Chương bảy, Vòng tay học trò).
Hay trong một đoạn khác:
“… còn tôi ở lại, quằn quại ngày đêm trên sân khấu vắng ngắt này, dở sống dở chết, mang án tử hình xử trảm suốt đời như thế. Giờ em đi rồi. Một phần đời tôi cũng bỏ đi theo. Còn gì không trong căn phòng nhỏ bé đó? Tất cả lần lượt lách mình ra khỏi cửa đời tôi. Hoặc âm thầm lẫn trốn. Hoặc vang động ồn ào. Ồn ào như em đang bỏ đi. Tiếng động chạm của ghế bàn đồ đạc. Tiếng ầm ầm của một góc địa cầu này sụp đổ lên tôi. Tiếng đá rơi và đất đổ, sóng thét và gió gào giờ nguyệt tận. Tôi biến thành dã thú bị thương quay cuồng điên dại trong cõi đời rộng lớn không còn lối thoát. Hai mắt mở to sâu hút dại khờ trong khoảng trống không này. Bóng tối xiêu đổ gục xuống như thân cây xét đánh. Đầu tôi chỉ còn là xương sọ rạn nứt điên mê. Mái tóc hoang biến thành rừng cây chằng chịt. Mỗi cành cây biến thành con trăn lớn, trườn mình khắp mặt đất bốc cháy này quấn lấy chân em…” (Chương tám)
“Em nói dối một lần, cô giết em một đời, cô biết không?”
Đã từng được nghe Thiền sư Nhất Hạnh phân tích thơ tình của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, … từ góc nhìn Phật giáo, chúng tôi vẫn ôm ấp trong lòng ý tưởng phê bình tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Thị Hoàng từ nền tảng nhân sinh quan Phật học.
Bài viết này là một cố gắng góp phần vào việc thẩm định đó đối với tác phẩm Vòng tay học trò nổi tiếng với những vấn đề.
1. Giáo sư tiến sĩ khoa học N.I.Nikulin: Lịch sử văn học Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2007, tr.10.