Trang chủ Quốc tế Nhân dịp đức Dalai Lama sắp gặp Obama: Bàn về sự chuyển...

Nhân dịp đức Dalai Lama sắp gặp Obama: Bàn về sự chuyển đổi tư duy của PG Tây Tạng nửa sau thế kỷ XX

83

Đức Dalai Lama là nhà lãnh đạo Phật giáo có hoạt động ngoại giao và hoằng pháp mạnh mẽ. Ngài liên tục đến thăm nhiều nước, chủ trì nhiều buổi thuyết giảng khắp toàn cầu, liên tục viết nhiều sách…

Đây phải chăng là hệ quả tất yếu của những biến cố xảy ra cho Tây Tạng vào giữa thế kỷ XX, khiến những nhà sư Tây Tạng buộc phải có mặt trên khắp thế giới.

Trong bi kịch của Phật giáo Tây Tạng, có sự thành công. Đây là điều Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo quốc tế và toàn thế giới không thể ngờ đến chỉ hơn 50 năm trước.

Lưu lạc toàn thế giới, những nhà sư Tây Tạng không thể làm gì khác đi, là hoằng pháp. Sống giữa những người châu Âu, chư tăng Tây Tạng buộc phải hoằng pháp cho những người châu Âu. Nhờ thế, hàng trăm ngàn Phật tử Âu Mỹ đã được nếm pháp vị vi diệu của đạo Phật

Chúng ta ghi nhận sự chuyển đổi tư duy của Phật giáo Tây Tạng. Trước đó, Tây Tạng là một quốc gia khép kín, cô lập, tách biệt. Phật giáo Tây Tạng ẩn mình trong các tu viện sâu thẳm sau các dãy núi cao và chống lại việc quan hệ với thế giới.

Ghi nhận sự chuyển đổi tư duy ở Phật giáo Tây Tạng là điều dễ dàng. Nhưng trả lời câu hỏi liệu tự kép kín, tự cô lập như Tây Tạng trước đây có phải là việc sai lầm, đưa đến biến cố bị chiếm đóng hay không, là điều không dễ dàng. Ở điểm này chúng ta có thể bàn luận.

Thế  kỷ XIX, mọi cố gắng của phương Tây để tiếp xúc với Lhasa đều bị triều đình Tây Tạng, cũng là Giáo hội Phật giáo Tây Tạng phản ứng tiêu cực.

Lúc đó  ở Tây Tạng chỉ có người của triều đình nhà Thanh

Điều này có giống nước Đại Nam vào cuối thế kỷ XIX?

Hầu như  tất cả các đoàn thám hiểm đều bị  xua đuổi, nữa chi là các phái bộ ngoại giao.

Lhasa cảnh giác với người Anh đang cai trị Ấn Độ ở  phía Nam cũng phải, nhưng đàng này, lại từ khước quan hệ với tất cả các nước phương Tây, bỏ qua cơ hội tranh thủ quan hệ quốc tế để bảo vệ xứ sở.

Như thế, thì còn nghĩ gì đến việc hoằng pháp ra khỏi biên giới, hướng về Âu Mỹ như hiện nay?

Trong những cố gắng để phá thế cô lập của Tây Tạng nhưng không thành công, đáng kể nhất là hoạt động của Lạc ma Agva Dorzhiev, một nhà lãnh đạo sáng suốt của Phật giáo Nga.

Là một nhà sư dân tộc Kalmyk thuộc nước Nga đế chế, Lạc ma A.Dorzhiev đã theo học tại Lhasa, trở thành một trong những vị Lạc ma là thầy dạy của Dalai Lama XIII, với học vị cao nhất Tây Tạng lúc đó.

Việc học tập tại Tây Tạng cũng không dễ đối với một người Nga, dù là thuộc dân tộc châu Á. Lạc ma A.Dorzhiev đã từng bị buộc rời khỏi Lhasa trong cố gắng  đầu tiên theo học tại Tây Tạng.

Tuy nhiên, một người Nga giữ chức vụ cố vấn cho Dalai Lama đã là một sự kiện phi thường lúc bấy giờ  (cuối thế kỷ XIX).

Với học vấn rộng, tầm nhìn xa, đã tiếp xúc với văn minh châu  Âu, Lạc ma A.Dorzhiev có thể nói là vị Lạc ma đầu tiên mong muốn phá thế cô lập của Tây Tạng, mở rộng quan hệ ngoại giao của Tây Tạng, đồng thời truyền bá Phật giáo Tây Tạng sang châu Âu. Tư duy đó chính là tư duy của Phật giáo Tây Tạng, của Dalai Lama hiện nay.

Là một tăng sĩ Phật giáo Nga, Lạc ma A.Dorzhiev hiểu rất rõ  chính sách tôn trọng Phật giáo của nhà nước Nga Sa Hoàng và muốn khai thác điều đó đem lại lợi ích cho Phật giáo Tây Tạng.

Nhà lãnh đạo Phật giáo Nga, đồng thời cũng là người tham gia hoạch định chính sách Phật giáo Tây Tạng này, cũng nhận thấy rằng phụ thuộc duy nhất vào nhà Thanh là điều không có lợi cho Tây Tạng.

Trong hồi ký của mình, Lạc ma A.Dorzhiev nhắc lại lời khuyên  đối với nhà lãnh đạo Tây Tạng là Dalai Lama XIII.:

Bởi vì Nga sẽ là kẻ thù của Anh Quốc, nó sẽ giúp cho vùng đất tuyết khỏi bị nuốt sống” (1)

Và,

Dưới sự cai trị nhân hậu của vị Sa hoàng Nga, Phật giáo sẽ được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng người Torgut (Kalmyk) và Buriat” (2)

Và,

Một Sa hoàng Bồ tát như thế có thể hỗ trợ cho Tây Tạng” (3)…

Trong những nỗ lực lớn lao để chuyển đổi tư duy của Phật giáo Tây Tạng, chứng minh cho quan điểm của mình, Lạc ma A.Dorzhiev đã nhiều lần đi lại giữa Lhasa và  Saint Petersburg (thủ đô nước Nga lúc bấy giờ), diện kiến Sa hoàng với tư cách người được Dalai Lama ủy nhiệm, xúc tiến thiết lập tự viện Phật giáo Lạc ma đầu tiên tại Saint Petersburg, cũng là tự viện Phật giáo đầu tiên tại phương Tây.

Chiến lược lấy Nga để làm đối trọng với nước Anh ở phía phía Nam và Trung Quốc ở phía Đông để bảo vệ và phát triển Tây Tạng, phát triển Phật giáo, quả là chiến lược khôn ngoan, sắc sảo. Ông tác động mạnh đối với nhà nước Tây Tạng “nói rõ chi tiết sự vĩ đại của dân tộc Nga, tình hình nguy cấp của Trung Quốc và cho rằng nếu liên minh với Nga thì Tây Tạng sẽ có một tương lai rất tươi sáng”.

Thực ra, đây không phải là  việc lựa chọn liên kết chỉ  với cường quốc khác, mà đơn giản chỉ vì  Nga là thế lực mới duy nhất lúc đó ở Trung Á, ngoài Anh và Mãn Thanh.

Trưởng đoàn thám hiểm người Pháp, hoàng thân Henry Orlean, người đã đến được Bắc Lhasa, cũng khuyên triều đình Tây Tạng liên minh với Nga, tất nhiên là cũng với Pháp. Nhưng Pháp không có thực lực để có mặt ở Trung Á.

Nhưng tầm nhìn của những vị tăng sĩ quanh Dalai Lama tại Lhasa đã không như Lạc ma A.Dorzhiev. Họ vẫn còn giữ tư duy cũ, đóng cửa, khép kín và chỉ quan hệ với nhà Thanh của Thái hậu Từ Hi:

Có người nghĩ rằng “vì lòng tốt của hoàng đế Mãn Thanh quá lớn, ông ta không hề không hề quên chúng ta ngay trong lúc này. Do đó, chúng ta không thể nào bỏ Trung quốc” (4).

Vì vậy, Tây Tạng tiếp tục đóng cửa, chỉ quan hệ  với Trung Quốc, mối quan hệ với các nước phương Tây khác (ngoài Anh đang cai trị Ấn Độ phía Nam, trực tiếp đe dọa Tây Tạng) không tiến triển bao nhiêu. Đặc biệt là quan hệ với nước Nga, được Lạc ma A.Dorzhiev chuẩn bị sẵn, đã không đi vào thực chất, không làm lợi ích một cách thiết thực cho Tây Tạng.

Những năm sau đó, tư duy đóng cửa, khép kín, tự cô  lập, tự tách biệt, quan hệ duy nhất với nhà Thanh đã dẫn đến hệ quả như thế nào cho đất nước Tây Tạng nói chung, Phật giáo Tây Tạng nói riêng, thì chúng ta đều đã rõ.

MT

(1), (2), (3) Karl E. Meyer và Shareen Blacr Brysac: Canh bạc lớn của các đại cường quốc tại Trung Á. NXB Tổng hợp TPHCM, 2005, trang 303, 311

(4) Sách dẫn trên, trang 311, 312