Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Bản đồ hành trình tâm linh: Chương 2 (Phần 1)

Bản đồ hành trình tâm linh: Chương 2 (Phần 1)

83

 

 

 

Các kỹ năng và hiểu biết cơ bản 

Tôi muốn nhắc lại một chút những điều chúng ta thảo luận tuần trước, có thể có một số bạn có trí nhớ tốt và còn nhớ được khá nhiều. Trí nhớ chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, có người nói rằng nếu bạn nghe một điều gì đó một lần, sau một ngày, bạn còn nhớ được 10%, ngày thứ hai còn nhớ được 5% và sau đó một tuần bạn chỉ còn nhớ từ 1 đến 2%. Vì vậy, để tăng cường khả năng ghi nhớ, bạn phải ôn đi ôn lại nhiều lần; khi bạn lớn tuổi thì thường khó nhớ, nhất là đối với loại trí nhớ ngắn hạn. Do đó tôi muốn nhắc lại đôi chút về những điều đã giảng tuần trước.  

Các bạn còn nhớ ví dụ lần trước về làm ruộng không? Các bạn nên ghi nhớ ví dụ đó, nên nhớ rằng thiền là sự tập luyện… bhavana có nghĩa là trau dồi, nuôi dưỡng, làm cho cái gì đó trưởng thành. Để gieo trồng hoa màu bạn cần phải làm đất, nhổ cỏ, dọn sạch sỏi đá, rác rưởi cho đến khi đất mềm xốp, rồi mới bón phân, tưới nước, làm ruộng cho tốt để khi gieo hạt, nó sẽ dễ dàng nẩy mầm, bén rễ. Ngay cả sau đó, bạn cũng không được bỏ quên, mà phải thường xuyên thăm nom, xem cỏ có mọc lại không, bởi vì điều tự nhiên là cỏ rất dễ mọc, trồng hoa, rau quả hoặc mùa màng thì mới khó, chứ trồng cỏ thì rất dễ. Cỏ dại thường mọc tràn lan tự nhiên, rất khó diệt trừ và nhổ tận gốc chúng. Vì vậy, nhà nông thường phải dành rất nhiều thời gian làm cỏ ruộng, làm đi làm lại nhiều lần. 

Hành thiền là việc chúng ta làm trong mọi lúc. Trong mọi lúc chúng ta luôn phải làm cỏ và bón phân cho ruộng tươi tốt. 
 
Chúng ta phải làm gì cho nội tâm mình tươi tốt? Chúng ta hãy nuôi dưỡng tâm từ (metta), tâm bi (karuna), hãy tinh tế hơn, nhân hậu hơn và biết quan tâm hơn đến bản thân mình và người khác. Chúng ta không có quyền tàn nhẫn, ngay cả với chính mình. Một số người thường nói: “Tôi chịu khổ thay cho người khác”, tôi nghĩ đó không phải là thái độ đúng, không ai cần phải đau khổ cả. Hãy có một tấm lòng từ bi, nhân hậu đối với bản thân mình và với người, điều đó cũng có nghĩa là bạn cần giữ giới. Nếu thật sự bạn nhân hậu với chính mình và người, thì bạn phải giữ ngữ giới, bởi vì khi phá giới bạn không thể không có ác ý với chính mình và người khác. Một người nói: “ Tôi không sát sanh, tôi không ăn cắp, tôi không tà dâm, tôi không lừa đảo, nhưng tôi có uống rượu… tôi chẳng làm hại đến ai cả. Tôi chỉ thích uống một chút thôi…” Nhưng thực ra, uống rượu là bạn đã tự hại mình, và một cách gián tiếp, khi tự hại mình là ta đã hại đến cả người khác. Tất cả chúng ta đều có mối liên quan, ràng buộc lẫn nhau, bạn không thể tự hại mình mà không gây hại đến người, không gây hại đến cha mẹ, đến vợ chồng, đến con cái và đến bạn bè được. 
 
Tất cả chúng ta đều có mối liên quan, ràng buộc lẫn nhau. Chúng ta không thể hại người mà không tự hại đến mình hay người khác.  Không bao giờ làm hại một ai, đó là điều rất quan trọng. 
 
Đây là một bài thơ rất hay thể hiện những gì tôi muốn nói: 
 
“ Sức mạnh nào, con người làm hoa hồng vươn đứng dậy?” 
 
Đây là câu hỏi: “Sức mạnh nào, con người làm hoa hồng vươn đứng dậy?”“Hãy chuẩn bị đất trồng” đó là điều tôi đang nói đến. 
 
“Rồi bụi hồng kia sẽ tự lớn lên, bởi nhựa sống bên trong chính bản thân mình.”
 
Hãy chuẩn bị đất trồng cho mình đi các bạn! 
 
Để có được sự bình an trong tâm hồn, bạn cần phải có sức mạnh tự tin, chúng ta phải có đủ can đảm để xác định cái gì là thực sự có ý nghĩa và quí giá đối với mình… Vậy, đối với chúng ta cái gì là giá trị đích thực đây? Là những người hành thiền, chúng ta đặt giá trị ở chánh niệm, ở sự bình an và tĩnh lặng của tâm hồn, chúng ta đặt giá trị ở sự tri túc, biết đủ, đặt giá trị ở tuệ giác thâm sâu, ở sự giải thoát, và dùng một từ Pali, chúng ta đặt giá trị ở Niết Bàn, nơi an lạc tối thượng, tự do tối thượng. 
 
Vậy để đạt được hạnh phúc, đòi hỏi chúng ta phải có sự cam đảm của đức tin, thì nó cũng đòi hỏi một sự kiên trì, nhẫn nại không lay chuyển, điều này rất quan trọng… kiên trì, nhẫn nại không hề lay chuyển.   Nếu thực sự quí trọng chánh niệm, thì chúng ta phải cố gắng hết mình để luôn luôn chánh niệm. Điều đó rất quan trọng, kiên trì, nhẫn nại không lay chuyển… chúng ta không thể nói rằng: được rồi… bây giờ, từ 4 đến 5 giờ chiều tôi sẽ giữ chánh niệm, còn sau 5 giờ thì thôi. Chúng ta không thể nói thế được.
 
Người nào đã thực sự hiểu được thiền và chánh niệm có ý nghĩa như thế nào đối với mình, người đó sẽ không còn ấn định thời khoá biểu cho thiền nữa. 
 
Điều đó nghĩa là gì? Một người đã thực sự hiểu được ý nghĩa của thiền, hiểu rõ điều gì diễn ra trong tâm mỗi khi có chánh niệm và mỗi khi thất niệm, nếu đã hiểu được sự khác biệt đó, người đó sẽ không bao giờ nói rằng: ” Giờ này tôi dành riêng để chánh niệm còn giờ kia sẽ thôi không chánh niệm nữa.” Ở đây không hề có lựa chọn. 
 
Thất niệm nghĩa là bạn đang tự cho phép tư tưởng mình tạo ra đủ thứ tiêu cực, bởi vì môi trường xung quanh có quá nhiều thứ tiếp sức cho tiêu cực, tiếp sức cho lòng tham, tiếp sức cho thói ích kỷ có sẵng trong ta. Chúng ta đang làm cho chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ hơn,ngày càng bất mãn hơn, và ngày càng không biết đủ. Khi nói chuyện về sự biết đủ ở Mỹ, tôi nói: “Nếu tri túc. Bạn có thể giảm được một nửa chi phí sinh hoạt bởi vì hàng ngày bạn tiêu pha quá nhiều vào những việc không cần thiết.” Một người nói: “Nhưng nếu giảm một nửa chi tiêu thì nền kinh tế xuống dốc, không nên làm như vậy, anh phải chi tiêu nhiều hơn nữa.” Họ chỉ nghĩ mỗi đến việc chi tiêu cho nền kinh tế, họ không nghĩ đến phần tinh thần của chính mình. Ở đây bạn phải có sự lựa chọn lớn lao, bạn đặt giá trị vào điều gì? Rèn luyện các phẩm chất nội tâm, phát triển tâm linh hay chỉ chạy theo chỉ số Down Jones? 
 
Để thực sự trau dồi các phẩm chất tâm linh thì không hề có đường tắt, không có con đường nào là bằng phẳng, dễ dàng cả.
 
Ở Mỹ, họ quảng cáo cho một khoá thiền như thế này: Chỉ với 1.000 đô la, bạn sẽ đắc đạo trong vòng ba ngày, chỉ mất ba ngày thôi… Không có con đường tắt nào như thế cả đâu, bạn không thể mua sự giác ngộ được. Bạn phải phát triển các phẩm chất nội tâm một cách dần dần, dần dần thấu hiểu sâu sắc về tất cả những phẩm chất tốt đẹp và cả những điều xấu xa trong chính mình. 
 
Thậm chí, ngay cả khi thấy những điều xấu xa của mình, bạn cũng phải thật cởi mở và có lòng bi mẫn. Với sự chấp nhận, bạn sẽ nhìn nó như một cái gì đó không thuộc cá nhân một người nào. Hãy nhìn tất cả tham lam, sân hận, cáu giận, ngã mạn, ghen tỵ như là những điều rất tự nhiên. Nếu cảm thấy có lỗi với mình và hối hận vì đã có những tư tưởng đó, thì bạn chỉ cũng cố thêm cái ngã cũa mình mà thôi. Nếu có thể nhìm tâm tham lam, sân hận, ghen tức, tỵ hiềm và ngã mạn như là những điều hết sức tự nhiên, khi đó là bạn đã biết nhìn với tâm xả. Không việc gì phải buồn bực, chẳng việc gì phải hạnh phúc hay đau khổ về những điều đó cả. 
 
Bằng chánh niệm và với tâm xả, nếu bạn thấy được mọi sự đều có đến và đi, cái sau thay cái trước, khi đó bản ngã sẽ hết đường dưỡng nuôi phiền não. Phiền não không sợ bị ăn đòn, dù bạn có vùi dập nó đến đâu, nó cũng không bao giờ chịu thua, mà thậm chí sẽ còn trở nên mạnh hơn.  
 
Phiền não, đó là những tham lam, sân hận, tỵ hiềm, ganh ghét, ngã mạn trong tâm ta, chúng rất sợ bị nhìn “chiếu tướng” trực diện, nhìn với một tâm xả bình thản, với trí tuệ, và nhìn như một cái gì đó rất tự nhiên, không phải là ai, không phải tôi, không phải của tôi, không phải tự ngã của tôi. Chúng ta phải luôn luôn có chánh niệm trong mọi lúc, và luôn luôn hành động chân chánh, thích hợp. 
 
Là một thiền sinh, ngay cả khi không thực sự chú tâm vào một đối tượng nào, thì ít nhất chúng ta cũng thường xuyên duy trì chánh niệm ở một mức độ chánh niệm nào đó. Mỗi khi có một suy nghĩ sanh khởi, chúng ta phải biết rõ chúng là loại nào và chỉ cần quan sát, sau một lúc chúng sẽ đi khỏi; nếu chúng vẫn không chịu đi,thì ta có thể chuyển hướng tâm vào một việc thiện nào đó. 
 
Trong kinh điển nói rằng chúng ta nên học hiểu, nghiên cứu sách vở Phật Pháp. Có những lúc các cảm xúc và phiền não trong ta nổi lên quá mạnh mà ta không biết làm gì. Trong những lúc khó khăn như vậy, thì việc tìm đọc, nghiên cứu kinh điển, Phật Pháp sẽ giúp chuyển hướng tâm bạn đến những tư tưởng thiện. Nếu không thể làm được điều đó hoặc bạn không muốn làm, thì có thể trao đổi, chuyện trò với một người nào đó thật chánh niệm và bình an. 
 
Gần gũi với người chánh niệm và bình an sẽ giúp bạn chánh niệm và bình an hơn. Điều này rất quan trọng.
  
Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều về thiện tri thức (người bạn tinh thần), về lợi ích gần gũi với người chánh niệm và bình an. 
 
Đây cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi, ấn tượng đầu tiên của tôi với thầy tôi là thấy thầy rất chánh niệm và bình an trong mọi lúc, ngay cả khi thầy làm việc. Tôi thường kể với các bạn về người thầy đầu tiên của tôi là một nhạc sỹ, một nghệ nhân chế tác dụng cụ âm nhạc. Tôi vẫn thường nghĩ nhiều về thầy, thật là một con người chánh niệm. Tôi chưa bao giờ thấy thầy buồn bực chuyện gì cả. Chưa bao giờ thấy thầy vội vàng, luôn luôn khoan thai, ung dung, tự tại,làm mọi việc một cách rất chánh niệm, hoàn hảo và thong thả. Trong bất cứ việc gì thầy làm, thầy luôn luôn làm thật hoàn hảo. Tôi chưa bao giờ nghe thấy thầy ba hoa về bất cứ cái gì, về những thành công hay những phẩm chất , tài năng nào của mình.   Thầy cũng là một người rất có tài, nhưng thầy không bao giờ nói về bản thân mình hay tài năng của mình. Thầy chẳng bao giời nói chuyện tiền bạc. 
 
Mỗi ngày hãy chọn và làm một việc nho nhỏ nào đó trong khả năng của mình, để làm tăng trưởng thêm lòng tự tin. Sự tự tin, tự trọng và cảm giác xứng đáng là rất quan trọng. Nếu không cảm thấy xứng đáng, thì làm bất cứ việc gì, bạn cũng không thể đạt kết quả tốt đẹp, nhất là trong thiền, và cả trong các lĩnh vực khác cũng vậy. 
 
Nếu bạn không tự tin, không tôn trọng chính mình, nếu bạn không cảm thấy mình xứng đáng với một cái gì đó, bạn sẽ không bao giờ có được nó. 
 
Đừng quên điều đó, khi đã bắt đầu khởi sự là bạn đã làm được một nửa công việc và đã chiến thắng được một nửa rồi, hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. 
 
Bản chất của trí tuệ, của tuệ giác là: Thấy việc tốt mà không chịu làm là đã tự đánh mất đi trí tuệ của chính mình. 
 
Điều này rất sâu sắc; bạn phải hiểu thật rõ, nếu biết việc nào tốt, chẳng hạn: tập hành thiền, bố thí, giới hạnh, từ tâm hay: 
 
Bất cứ việc gì bạn biết là tốt, hãy làm ngay lập tức. 
 
Khi biết là việc tốt mà không làm, tâm bạn sẽ bỏ qua ngay. Có thể một lúc nào đó có hứng làm, bạn nghĩ: “Được rồi, nhất định một ngày nào đó tôi sẽ làm việc đó”, nhưng rồi bạn sẽ không làm gì hết cả. Bản chất của trí tuệ là như thế. Tất cả chúng ta, theo một cách nào đó, đều rất thông minh và khôn ngoan. Nhiều lúc, ta biết rõ mình cần phải làm gì, nhưng rồi lại bị xao lãng vào việc khác và cuối cùng cũng chẳng làm được cái việc tốt cần làm ngay đó. Vì vậy, hãy làm ngay những điều bạn thấy là tốt đẹp, dù chỉ là một việc rất nhỏ nào đó, rồi bạn sẽ đào luyện được một trí tuệ thâm sâu, uyên áo. 
 
Đặc biệt là những điều chợt loé lên trong tâm khi bạn hành thiền. Bạn đang ngồi thiền, tâm rất an bình, tĩnh lặng. Bất chợt một tia sáng trí tuệ loé lên trong tâm, hãy nắm bắt nó, lấy ngay một mẫu giấy và ghi lại. Rồi sau đó hãy cố gắng thực hiện càng sớm càng tốt. Trong quá trình hành thiền, khi nhận ra mình đã làm hay nói điều gì sai, không hoàn toàn đúng sự thật; bạn phải sửa chữa sai lầm ấy, càng sớm càng tốt. 
 
Muốn đào luyện một trí tuệ uyên thâm, hãy thực hành ngay những gì bạn thấy là đúng đắn. Chỉ một việc này, nếu làm được, chắc chắn bạn sẽ trau dồi được những phẩm chất tâm linh thật sâu sắc.
  
Đây là điều sư phụ đã dạy tôi từ nhiều năm trước và tôi thấy nó rất đúng trong quá trình tu tập của bản thân. 
 
Có rất nhiều người đến gặp sư phụ , hỏi thầy vô số thứ, mỗi ngày người phải trả lời cả trăm câu hỏi. Thậm chí, một số người còn hỏi những câu rất vụn vặt như: “Tôi đau đầu gối, không biết có nên đi khám không?” Đại loại như vậy, họ đến hỏi vì không thể tự quyết định được. Nhưng sư phụ vẫn luôn luôn rất từ bi, luôn cho họ những câu trả lời họ cần. Nhiều lần sư phụ tôi nói: 
 
“Hãy chánh niệm nhiều hơn nữa, tâm sẽ nói cho bạn biết cái gì đúng đắn nên làm.” 
 
Nghe có vẻ rất đơn giản, đơn giản đến mức không thể tin được, nhưng nếu bạn làm những việc đúng đắn mà tâm mách bảo, nó sẽ nói cho bạn nhiều hơn nữa. Tôi gọi tâm là “nó”, như một cái không thuộc về người nào; tâm bạn không phải là cá nhân một con người nào cả. Nó sẽ nói cho bạn biết điều nào đúng đắn, nên làm, bởi vì, từ trong bản chất mỗi người, chúng ta đều biết cái gì là đúng, cái gì là sai, hầu hết trong mọi trường hợp, chúng ta biết được điều đó. 
 
Không chỉ con người mới thế. Tôi có đọc một cuốn sách tên là Dạy học cho Coco, kể chuyện huấn luyện một con tinh tinh. Họ còn làm một bộ phim về nó nữa. Tôi biết người huấn luyện con tinh tinh đó. Họ có rất nhiều người dạy thú, nhưng chỉ có một người huấn luyện viên chính, một nhà nhân chủng học, tôi nghĩ vậy. Một người dạy thú hết ca làm việc đã bàn giao cho người tới thay mình rằng con tinh tinh bữa nay dở chứng, quậy phá lung tung, nó rất bướng bỉnh và khó dạy đại loại như vậy. Con tinh tinh này rất thông minh, nó có thể hiểu được tiếng người. Nó giận lắm, nó nhảy tưng lên vì có kẻ đang nói xấu nó. Rồi nó gào lên, “ Không phải… nói dối…nói dối,” nghĩa là người dạy thú đó nói dối đấy. Sau khi người dạy thú ấy đi khỏi (nó không thích người này), người thay ca sau hiểu tính tình con vật hơn, cô ấy gần gũi và hiểu nó hơn người kia. Vì vậy, cô vỗ về cho nó bình tĩnh lại và hỏi nó điều gì đã xảy ra, Coco trả lời, “Tôi xấu”, nó thú nhận như vậy. Ngay cả con tinh tinh cũng biết là nó xấu và biết là nó tự gây rắc rối cho mình. Thế thì một con người còn hiểu biết hơn đến chừng nào! Mặc dù biết rõ tốt xấu, nhưng chúng ta có luôn làm điều tốt, tránh điều xấu bao giờ đâu. Nếu biết mà không chịu làm, vậy thì cố biết nhiều nữa phỏng có ích gì! 
 
Dù có biết thật nhiều mà không chịu làm, thì cái biết đó cũng vô ích mà thôi! 
 
Một hôm khác, khi người dạy thú đến, con tinh tinh lại tỏ ra rất bực bội. Người dạy thú hỏi có điều gì vậy, nó nói, “Con mèo xấu” (nó có thể nói bằng cách ra hiệu, dùng ngôn ngữ cử chỉ), người dạy thú hỏi tại sao? Nó nói, “ Con mèo cắn chết con chim”. Nó có thể nói bằng cách ra hiệu, thậm chí cả với một câu dài như vậy. Bạn thấy không, một con tinh tinh còn biết rằng làm hại chúng sanh khác là điều không tốt, nó rất bực về chuyện đó, bởi vì nó thương xót con chim nhỏ kia. Ngày nọ, có nhiều khách tới thăm Coco, bởi vì giờ đây Coco đã trở nên nổi tiếng nên có rất nhiều người tới xem. Một vị khác ngó Coco và khen nó, “Đẹp lắm!” (bằng ngôn ngữ cử chỉ) và khi được khen đẹp, bạn biết nó nói gì không? Có đoán được không? Nó dùng hệ ngôn ngữ cử chỉ Mỹ để nói rằng, “ Đồ nói dối.” Nó gãi gãi vào mũi, thế là họ hiểu nó muốn nói “Nói dối”, và nó không thích điều đó, bởi vì ngay cả một con tinh tinh, là một giống vật rất gần với người, cũng có thể hiểu được rằng nói dối là điều không tốt, giết hại là điều không tốt.  
 
Chúng ta hiểu biết, nhưng nếu không chịu làm theo thì cố để tìm kiếm thêm hiểu biết cũng nào có ích lợi gì. Nếu thực hành ngay những điều bạn biết là đúng đắn, thì tâm sẽ cho bạn biết nhiều hơn nữa,điều này sẽ khích lệ ta thật nhiều. Lần đầu phát hiện ra sự thật này, tôi đã cảm thấy rất vui. Tôi có đầy đủ phẩm chất và khả năng để hiểu biết. Mỗi khi có người đến hỏi sư phụ rất nhiều câu hỏi, ngài thường nói, “ Hãy cố gắng chánh niệm nhiều hơn nữa, rồi chánh niệm sẽ cho bạn biết điều nào là đúng đắn, nên làm.” 
 
Nếu mỗi ngày bạn không làm được điều gì để thấy mình đang trở thành một con người tốt đẹp hơn, từ bi hơn, chia sẻ và quan tâm tới người khác hơn, chánh niệm hơn, hiểu biết hơn, thì chắc chắn một cảm giác thất bại sẽ đến với bạn. Trừ phi bạn làm được điều đó, bằng không bạn sẽ cảm thấy cuộc đời đã thất bại. “Tôi đang làm gì đây… không lẽ chỉ suốt đời quanh quẩn thế này thôi sao?” Khi càng lớn tuổi, bạn sẽ cảm thấy sự thất bại này ngày càng rõ hơn. Còn nếu mỗi ngày chúng ta đều vun đắp đức tính tốt đẹp trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân mình ngày một tốt hơn. “Ồ! Một ngày nữa đã trôi qua và tôi đã rèn luyện thêm được vài đức tính tốt đẹp nữa. Tôi đang trở nên hiểu biết hơn, từ ái hơn, quan tâm hơn, chia sẻ hơn, có tình thương và tấm lòng bi mẫn hơn”, và điều đó sẽ làm cho bạn thật hạnh phúc. 
 
Bước từng bước nhỏ mỗi ngày để tự hoàn thiện mình. Phải thật kiên nhẫn và quyết tâm. Khi bạn tiếp tục tiến lên, thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần đi đúng hướng và không bao giờ dừng lại, chắc chắn bạn sẽ tới đích. 
 
Thực ra, cái chúng ta biết cũng khá nhiều chứ không ít, nhưng nhiều người lại thích trì hoãn: “Việc đó sau này mình sẽ làm.” Nhiều người thường hay trì hoãn như vậy, hy vọng này để sau này mới làm thì sẽ chuẩn bị được tốt hơn. Chúng ta cứ nghĩ rằng phải học thêm nữa, thêm nữa thì mới làm được… chúng ta cứ cho rằng có hiểu biết thêm nữa thì sẽ dễ dàng hơn, nhưng đó không phải là sự thực. Nếu thực hiện ngay điều bạn biết, nó sẽ giúp bạn học hỏi nhanh hơn. Vì vậy, biết và làm cần phải đi đôi với nhau. Cứ làm việc nào mà bạn biết cách làm đi đã, chỉ cần tiến một bước về phía trước thì sẽ có một việc khác xảy đến trợ giúp cho bước thứ hao thuận tiện, dễ dàng hơn. 
 
Ẩn chứa bên trong bạn là một nguồn năng lực còn to lớn hơn cái bạn thấy được. Nó còn đang chờ đợi bạn khai phá. Ngay bây giờ! 
 
Hãy làm ngay những gì bạn biết, rồi nó sẽ giúp bạn làm việc tiếp theo một cách dễ dàng hơn. 
 
Nếu chúng ta sử dụng ngay những gì đang có trong tay, thì những cơ hội lớn hơn sẽ tiếp tục đến. Hãy sử dụng ngay những hiểu biết của mình ngay từ bây giờ. Bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết mới, từ chính bản thân mình và từ những người thầy của mình. Thầy sẽ đến với bạn hoặc bạn sẽ được đến nơi có người thầy của mình. Vậy hôm nay, động cơ, hiểu biết, khả năng… Những nguồn lực của ngày hôm nay là đủ dùng cho nhiệm vụ của ngày hôm nay, cái bạn cần cho ngày mai rồi tự nó sẽ đến. Điều đó nghĩa là: 
 
Đừng đợi đến ngày mai. Đã biết hôm nay cần phải làm những gì, hãy làm ngay lập tức! 
 
Đây là điều quan trọng nhất.
 
Tôi chỉ có được những hướng dẫn đơn giản nhất từ thầy, chỉ ngồi thật thoải mái, hít vào thở ra thật sâu… cảm thấy thư giãn thoải mái hơn, giữ tâm trên hơi thở, rất đơn giản vậy thôi. Sau đó, thầy dạy cách rà quét (scan) khắp toàn bộ thân thể từ đầu đến các ngón chân, ghi nhận tất cả các cảm giác đang có trong thân. Với những chỉ dẫn đơn giản đó, tôi đã thực hành trong sáu năm, không có thêm một hướng dẫn nào khác, thế đã là quá đủ. Chỉ ngồi hít vào, thở ra, cảm giác thư giãn hơn nữa, sau đó rà quét khắp toàn thân, nhận biết bất cứ cảm giác nào đang có mặt. Có thể đó là cảm giác nóng hay lạnh, đau, căng,nhức mỏi hay cảm giác dễ chịu. Đôi khi có cảm giác rất dễ chịu, và tôi chánh niệm hay biết nó, thật thư giãn thoải mái… rất bình an… đôi khi các ý nghĩ xuất hiện… chỉ cần quan sát chúng… nhận chân bản chất của chúng rồi chúng sẽ đi mất. 
 
Mọi thứ đều có đến và đi, chúng ta không cần phải xua đuổi, rồi tự nó sẽ biến mất. 
 
Tôi thực hành như vậy trong sáu năm trời, không vội vàng, rồi về sau một người thầy khác nói với tôi bạn có thể hành thiền cả trong lúc đi nữa! Tôi chưa bao giờ biết điều đó. Lúc đầu tôi cứ nghĩ hành thiền là phải ngồi bắt chéo hai chân, vì vậy tôi cố tập ngồi như vậy, thực ra điều đó cũng không khó đối với tôi. Điều đầu tiên tôi được nghe dạy về thiền là … bạn ngồi như thế này… để hai tay như thế này và thiền, tôi cứ tưởng đó là tư thế duy nhất đề hành thiền. Rồi sau đó, có người nói với tôi là bạn có thể hành thiền trong khi đi, điều đó quả là một sự ngạc nhiên đối với tôi… Tôi hỏi: “Thật sao?” Làm như thế nào?” Người đó thực ra cũng là một người bạn của tôi, chúng tôi cùng sống trong ký túc xá của trường đại học. Anh ở kế bên cạnh tôi, đôi khi chúng tôi cùng bạn chuyện Phật pháp với nhau và anh ấy nói: “Bạn có thể hành thiền trong lúc đi bộ”… “Anh làm thế nào?” Anh ta nói, “Bạn có thể chánh niệm theo dõi hơi thở trong khi đi… rất đơn giản… không cần phải đổi đề mục thiền, cố gắng chánh niệm theo dõi hơi thở trong khi đi”, hoặc  “Bạn có thể chánh niệm theo dõi từng bước chân đi cũng được…” Khi mọi người đã lên giường đi ngủ, tôi đi bộ quanh khu ký túc xá để thử nghiệm cách hành thiền kiểu mới này và cảm thấy rất thích thú. Tôi rất thích thú với kiểu hành thiền như thế. Thật tuyệt vời, tĩnh lặng và thật mát mẽ. Tôi nghĩ lúc đó là vào tháng 12 và ở bắc bán cầu đang là mùa lạnh. Đi kinh hành xung quanh khu ký túc xá thật là thích… “Ô, mình làm được, đúng là làm được như thế thật!”
 
Sau đó khi chúng tôi trao đổi với nhau về thiền, anh ấy nói bạn có thể hành thiền bất cứ ở đâu.
 
Không cần phải có một nơi riêng biệt để hành thiền, nếu có được một chỗ như vậy thì cũng tốt, nhưng nếu không thì cũng chẳng sao, bạn có thể hành thiền ở bất cứ chỗ nào. 
 
Ở phía đông của trường đại học, có một nghĩa trang lớn của người Hoa, một nghĩa trang rất lớn, chúng tôi leo qua đồi tới đó. Chỗ ấy thật là thích, cứ như là một công viên, thậm chí rất sạch sẽ. Chúng tôi ngồi hành thiền ở đó một lúc rồi trở về. Đôi khi, vào đêm khuya không thể ra nghĩa trang được nữa thì tôi tới sân tennis, ở đó có mấy hàng ghế ngồi và ban đêm chẳng có ai đến đó cả. Tôi ngồi hành thiền ở đấy, rất yên tĩnh. 
 
Hãy học hỏi thêm một số điều mới mẻ chỗ này chỗ nọ, và áp dụng ngay lập tức. Đó là điều quan trọng nhất phải làm, đừng đợi phải có thêm hiểu biết nữa. Hãy làm những gì bạn thấy là đúng ngay bây giờ. Nó sẽ giúp bạn hiểu thêm nhiều hơn nữa. 
 
Khi bạn thực sự bắt tay vào làm, nếu có ai cho một lời khuyên, bạn sẽ hiểu được giá trị của lời khuyên đó, bởi vì bạn đã từng trải nghiệm qua điều đó rồi. Nếu bạn đang làm việc gì đó và bị vướng mắc, có người đến bảo bạn…”Nếu anh làm thế này thì sẽ giải quyết được vấn đề”, ngay lập tức bạn ứng dụng lời mách nước đó và vượt được qua khó khăn. Bạn hiểu được giá trị của lời khuyên. Tuy nhiên, nếu bạn không làm gì, người khác cứ chỉ bảo cách làm cho bạn nhiều lần, bạn sẽ chẳng học được cái gì cả. Bạn không hiểu được giá trị của lời khuyên. 
 
Điều này cực kỳ quan trọng, bạn phải chuẩn bị. Có rất nhiều việc chúng ta cần phải nghĩ đến. Loại thực phẩm bạn dùng cũng có ảnh hưởng đến thân và tâm. Một thiền sinh cần phải ý thức được và nhạy cảm với điều đó. Mới đây, có một người nói với tôi là anh ta hành thiền rất tốt. Anh cảm thấy rất tĩnh lặng và bình an và anh ta hỏi tôi tại sao như thế? Thực ra anh ta phải tự hỏi chính mình: “Tôi đã làm đúng chỗ nào?” và nếu thiền không tốt, bạn cần phải tự hỏi mình, “Tôi đã làm sai chỗ nào?” Bạn cần phải nghĩ đến lượng thức ăn bạn ăn. Nếu ăn một bữa quá no trước khi ngồi thiền thì tôi đảm bảo với bạn rằng thời thiền đó không thể tốt được. Ngay cả loại thức ăn bạn dùng cũng vậy, chẳng hạn nếu bạn ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, nó sẽ ảnh hưởng đến tâm bạn, làm bạn đờ đẫn, mệt mỏi. Nếu uống quá nhiều cà phê, nó sẽ làm tâm bạn bứt rứt, không yên. Điều đó còn phụ thuộc vào mức cân bằng thích hợp. Nếu bạn thích uống cà phê, chỉ nên uống một lượng vừa đủ để giữ tỉnh táo, nhưng đừng uống quá nhiều, nó sẽ làm bạn trạo cử. 
 
Những chuyện bạn hay nói cũng rất quan trọng. Nếu bạn hay nói những chuyện khiến tâm trạo cử, không yên thì ngồi thiền cũng không thể tốt đẹp. Câu chuyện bạn nói có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm bạn, đó là điều hết sức tự nhiên. Đó là lý do tại sao ở các thiền viện ở Miến Điện, và ở đây cũng vậy, thiền sư thường nhắc nhỡ thiền sinh không nên nói chuyện.   Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta không thể không nói chuyện, nên bạn nên cẩn trọng về những điều mình nói và mức độ nói nhiều hay ít. Nếu có chánh niệm trong lúc nói chuyện, thì đối với những câu chuyện tầm phào vô bổ, chúng ta có thể cắt bớt đi. 
 
Tôi không yêu cầu các bạn phải sống một cuộc sống lý tưởng, điều đó là không thể. Tôi hiểu những khó khăn thường nhật cũa một người cư sĩ tại gia. Tuy nhiên, nếu có chánh niệm bạn sẽ hiểu được cách nói chuyện và câu chuyện mình nói có ảnh hưởng đến tâm và sự hành thiền của mình như thế nào.
 
Nếu nói những chuyện bất thiện, những câu chuyện kích động lòng tham lam, sân hận, buồn phiền hoặc thất vọng, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến thiền tập của bạn. Nếu có thể, hãy nói những chuyện tích cực, những điều khích lệ, sách tấn mình và ngay cả khi chuyện đó không có gì là vui, thì bạn vẫn nhìn nhận nó từ một góc độ tích cực và học hỏi điều gì từ nó… “Đây là một bài học tôi cần phải học…nó đang dạy tôi phải nhẫn nại hơn, phải biết sống tri túc, biết đủ hơn nữa.” Ngay cả khi có người nói xấu bạn nữa…:”Ồ phải, người này đang thử thách tấm lòng vị tha, đại lượng của mình đây. Mình có thể tha thứ cho người ta được đến đâu, có thể giữ tâm xả được không”. Nhìn sự việc với cách nhìn như vậy sẽ giúp ích cho thiền tập của bạn rất nhiều.
 
 Sự bình an trong tâm bạn cũng phụ thuộc vào loại người bạn thường quan hệ. Gần gũi với những người từ bi, nhân hậu, hào phóng, chánh niệm và bình an sẽ rất lợi ích cho thiền tập. 
 
Nhưng nếu tiếp xúc với những người thất niệm, tháo động, mồm mép liến thoắng hoặc kẻ xấu tính xấu nết, hay cáu kỉnh, sân hận, những kẻ tham lam, ngã mạn, bọn họ sẽ ảnh hưởng xấu đến bạn. Mọi việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đều có tác động đến tâm chúng ta và ảnh hưởng đến thiền tập của ta. 
 
Trong thiền, điều quan trọng là phải hiểu được thức ăn có tác động đến tâm như thế nào. 
 
Hãy luôn để ý quan sát điều đó. Tôi thường đề ý xem mình ăn cái gì và ăn bao nhiêu là vừa; đôi khi tôi phải ăn quá nhiều bởi vì không muốn đổ bỏ thức ăn thừa. Khi mọi người đổ thức ăn đi, tồi cảm thấy đó là điều không tốt. Nhưng tôi cố gắng thật cẩn thận, chỉ lấy vừa đủ và lấy loại thức ăn thích hợp với bụng dạ mình. Khi ăn phải loại đồ ăn không hợp, dạ dày tôi không tiêu hoá được. Thức ăn tồn lưu trong dạ dày rất lâu, khiến tôi không có đủ năng lượng, tâm đờ đẫn, mệt mỏi. Nếu bạn ăn phải loại thức ăn không hợp, nó sẽ trở thành thuốc độc với cơ thể. Chẳng hạn, tôi không ăn được bất cứ loại chế phẩm sữa nào bởi vì bụng tôi không tiêu hoá được chất lactose có trong sữa. Khi uống sữa hoặc dùng các sản phẩm làm từ sữa, dạ dày tôi như bị đầu độc vậy. 
 
Không chỉ thức ăn, mà cả những thứ ta thấy độc hại cho tâm mình cũng thế. Chúng ta chỉ chú trọng cái thân, nhưng lại nghĩ ít đến cái tâm. Chúng ta thận trọng không để cơ thể bị đầu độc, thế nhưng nhiều người vẫn tự đầu độc mình, ăn uống những thứ không thích hợp, ăn uống những thứ không thích hợp, đủ thứ tạp nham. Cũng vậy, những gì chúng ta xem, những điều chúng ta nghe có thể đầu độc tâm trí, bởi vì đủ loại ý tưởng sẽ thâm nhập tâm; ý tưởng là thuốc độc của tâm hồn. Chúng ta phải thật thận trọng đối với tác động của các loại ý tưởng lên tâm mình, nhất là đối với trẻ em. Hãy cẩn thận về những gì chúng xem trên TV, những điều chúng nghe từ bạn bè, những loại ý tưởng chúng đang tiếp thu. Cần thận trọng về cách những điều thấy, nghe ảnh hưởng đến lên tâm bạn như thế nào. Một hành giả tốt cần phải cẩn thận về những điều đó. 
 
Ăn mặc cũng quan trọng; Khi hành thiền, tốt nhất là mặc loại quần áo rộng và giản dị, đừng ăn mặc quá sang. 
 
Thức ăn có ảnh hưởng đến bạn, chuyện bạn nói, điều bạn nghe, cái bạn nhìn, quần áo bạn mặc, môi trường xung quanh đều có ảnh hưởng đến bạn. Tốt nhất là nên hành thiền ở một nơi thật thanh bình và sạch sẽ. Nơi hành thiền phải thật sạch sẽ, giống như ở đây, rất sạch, với một không khí yên tĩnh và thanh bình, vì nơi đây có nhiều người đang tinh tấn phát triển tâm linh, điều này sẽ có ảnh hưởng tốt đến môi trường xung quanh. 
 
Nhưng có lúc chúng ta cũng không có điều kiện lựa chọn, chỗ có được thì lại không thích hợp để hành thiền. Trong trường hợp đó, thì chúng ta phải làm gì? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe tôi đã làm thế nào. Điều này rất có ích. Tôi thực hành nó trong mọi lúc, mọi ngày. Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện, qua đó bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của nó. Một lần, khi tôi đang ở Mỹ, sống trong một ngôi chùa gồm 7 hay 8 vị sư cùng khoảng 20 người khác. Chỗ đó trước kia là một trường học, rồi nhóm thiền sinh này mua lại và cải tạo thành một ngôi chùa, thực ra thành một trung thiền. Ở đó, tôi là một vị sư duy nhất nói được tiếng Anh và vì vậy phải nói chuyện rất nhiều, nói suốt ngày, từ 5 giờ sáng đến 11, 12 giờ đêm. Nhiều lúc tôi rất mệt mõi và khổ sở, đôi khi có rất đông người lại gây ồn ào kinh khủng, điều đó gây khuấy động tâm trí tôi. Tôi nói với một người bạn rằng thật là khó hành thiền và nghĩ ngơi ở đây. Có lúc tôi cũng muốn nghĩ ngơi đôi chút, nhưng cũng không thể bịt tai lại trước tiếng ồn. Vì vậy, mỗi khi muốn nghĩ ngơi, tôi viết một mảnh giấy “Xin đừng quấy rầy” và dán trước cửa phòng. Nhưng có rất nhiều người cần nói chuyện với tôi và gõ cửa phòng. Họ còn lấy mảnh giấy xuống đưa cho tôi và nói: “Có lẽ ông quên không gỡ nó xuống.” 
 
Tôi không có thời gian để nghĩ ngơi nữa… suốt cả ngày… nói… nói suốt… tôi chỉ muốn chạy trốn, đi khỏi chỗ đó, không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi nói với ông bạn: “Làm thế nào bây giờ? Tôi không thể chịu đựng như thế này mãi được.” Bạn tôi nói: “Tôi rất thông cảm! Hay là ta đi vào rừng tùng đi.” Ngôi chùa ở trong một rừng tùng, chúng tôi leo lên đồi, đó là một nơi thật tuyệt, chỉ cần ra khỏi chùa là đến rừng ngay, không có ngôi nhà nào xung quanh cả. Trong khu vực đó họ không cho phép xây dựng nhiều nhà cửa. Từ chỗ này phải đi tiếp một dặm mới gặp được một ngôi nhà nữa. Chúng tôi ra khỏi chùa, con đường rất đơn giản, chỉ có đá và sỏi dọc lên đỉnh đồi. Chúng tôi đi xuống rồi leo qua một quả đồi nữa và tìm thấy một chỗ rất đẹp. Người ta đã đốn hết cây, sau đó các nhánh cây con mọc lên từ các rễ cây, trông như những chiếc vòng, và trong cái vòng đó các mầm non đang nhú lên phủ đầy các khoảng trống, giống như một cái giường mềm mại. Chúng tôi trải toạ cụ trên đó và ngồi thiền. Ngồi thiền trong rừng tùng thật là thú vị, rất an bình và tĩnh lặng. Có khi chúng tôi nằm xuống đó, đánh một giấc ngon lành rồi quay về chùa.
 
Theo:  Bản đồ hành trình tâm linh
Tác giả: Thiền sư Sayadaw U Jotika
 
Mời bạn đọc đón xem tiếp Chương II, phần 2: Các kỹ năng và hiểu biết cơ bản