Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Giải đáp thêm một số thắc mắc về thiền Tứ Niệm Xứ...

Giải đáp thêm một số thắc mắc về thiền Tứ Niệm Xứ (Phần 2)

246

Không phải! Niết bàn là trạng thái vô tham, chứ không phải là một trạng thái của tâm. Niết bàn là đối tượng của tâm đạo, tâm quả siêu thế, vì vậy không thể diễn tả được trạng thái Niết bàn bằng ngôn ngữ thông thường. Ngay cả Đức Phật, Ngài cũng chỉ nói rằng Niết bàn là điều không thể nghĩ bàn.

Lấy một ví dụ trong pháp hành để bất cứ một hành giả hành thiền Vipassana có thể hình dung được. Đó là trong những lần trình pháp, hành giả thường cảm thấy rất khó hoặc hầu như bất lực trong việc dùng lời để diễn tả những pháp sanh diệt mà mình kinh nghiệm được trong quá trình hành thiền cho thiền sư của mình nghe, mặc dù nhiều lúc phải dùng cả ngôn ngữ cơ thể để phụ trợ. Lý do là dù cố gắng cách mấy đi nữa, hành giả vẫn không tìm được ngôn từ thích hợp để mô tả chính xác những gì mình muốn nói. Tại sao vậy? Vì những gì mà hành giả kinh nghiệm được trong pháp hành thuộc về chân đế hữu vi, do đó không thể dùng các khái niệm tục đế để mà diễn tả được nó. Ngay cả cái nóng, lạnh là cái rất bình thường vì ai cũng biết, nhưng cái nóng, cái lạnh mà hành giả trực nhận trong pháp hành cũng rất khác với cái nóng, cái lạnh trong đời thường. Rất may là các thiền sư đều là những người đã từng trải qua những kinh nghiệm này nên các ngài có thể nắm bắt được ngay những gì thiền sinh muốn trình bày. Điều đó cho chúng ta thấy rằng dùng các khái niệm tục đế để diễn tả các pháp thuộc về chân đế hữu vi còn khó như vậy, huống chi là để diễn tả Niết bàn, một pháp siêu thế thuộc về chân đế vô vi! 

Lấy một ví dụ ở ngoài đời để những ai chưa thực hành Vipassana có thể hình dung được. Chẳng hạn có một người nước ngoài chưa hề biết trái sầu riêng và chưa hề ăn loại trái này, chúng ta mô tả làm sao đây để cho ông ta có thể hình dung được trái sầu riêng và mùi vị đặc trưng của nó? Chúng ta có thể nói nó là một loại trái có vỏ cứng và dày, có gai nhọn và dài, hình bầu dục, đường kính chừng khoảng 15- 20 cm, có mùi thơm rất nồng, khi tách ra có cơm màu vàng, có hạt bên trong, cơm của nó ăn rất béo và có vị ngọt dịu. Sau đó một thời gian, chúng ta đem trái sầu riêng thực sự đến để trước mặt ông ta, nhưng không cho ông ta biết đó là trái sầu riêng, liệu ông ta có nhận ra được đó là trái sầu riêng và mùi vị đặc trưng của nó nhờ vào sự mô tả của chúng ta trước đó hay không? Hay là dựa vào mô tả của chúng ta, ông ấy đã hình dung ra trái sầu riêng ở một dạng khác, có một mùi vị khác nên khi chúng ta đem trái sầu riêng thực lại để trước mặt ông ta, ông ấy vẫn không thể nhận ra? Cách tốt nhất để cho ông ta biết trái sầu riêng hình dạng ra sao, mùi vị như thế nào là đưa nguyên trái sầu riêng ra cho ông ta xem tận mắt và mời ông ta nếm mùi vị của nó.
 
Đó là lý do các thiền sư không cố gắng giải thích Niết bàn, vì sợ rằng việc dùng các khái niệm tục đế để giải thích Niết bàn một cách gượng ép chẳng những không giúp cho những người chưa qua kinh nghiệm hình dung được trạng thái Niết bàn thực sự là như thế nào mà còn   tạo ra những định kiến lệch lạc trong trong tâm trí họ, khiến họ có thể bị lầm đường lạc lối khi nghĩ về nó. 
 
Xin Sư nói rõ về các tầng đạo quả. 
 
          Bậc thánh Tu Đà Hườn đắc tầng thánh đầu tiên (sơ đạo, sơ quả). Vị này đoạn trừ được 30% phiền não gồm ba kiết sử đầu tiên là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ.
 
  • Thân kiến: Hành giả không còn chấp cái thân này là của ta
  • Hoài nghi: Đây không phải là hoài nghi những chuyện linh tinh ngoài đời mà hoài nghi về Phật , Pháp, Tăng, Tam Bảo. Chẳng hạn như có Phật hay không có Phật, có Giáo Pháp hay không có Giáo Pháp, có Tăng Già hay không có Tăng Già, có nhân quả hay không có nhân quả, có luân hồi tái sanh hay không có luân hồi tái sanh.
  • Giới cấm thủ: Vị này không còn chấp vào lễ nghi, cúng kiếng và những gì mà không do Đức Phật cấm chế hoặc chế đinh mà chúng ta bo bo giữ mãi. Năm giới trong sạch một cách tự nhiên. Có nghĩa là với bậc thánh Tu Đà Hườn, ý muốn sát sanh không còn khởi sanh, ý muốn trộm cắp không còn khởi sanh, ý muốn tà dâm với chồng, vợ, con cái người không còn khởi sanh, ý muốn nói dối không còn khởi sanh, ý muốn dễ duôi uống rượu và các chất say không còn khởi sanh. 
          Bậc thánh Tư Đà Hàm đắc tầng thánh thứ hai. Vị này đoạn trừ được 35% phiền não. Tương tự như bậc thánh Tu Đà Hườn, bậc thánh Tư Đà Hàm đoạn trừ hoàn toàn ba kiết sử đầu tiên là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Riêng hai kiết sử tiếp theo  dục ái và sân thì chỉ mới giảm nhẹ.
 
          Bậc thánh A Na Hàm đắc tầng thánh thứ ba đoạn trừ hoàn toàn năm kết  sử đầu tiên thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân.
 
Đến đây hành giả tiếp tục phát triển thiền quán để đoạn trừ thêm năm kiết sử sau cùng là ái sắc, ái vô sắc , ngã mạn, phóng dật và vô minh để chứng đắc A La Hán, tầng thánh thứ tư. Đến đây hành giả hoàn toàn giác ngộ. 
 
Nhiều người nói rằng việc tu tập đạt đến Giác ngộ- Niết bàn quá khó khăn, hầu như không thể đạt tới được. Sư nghĩ sao về vấn đề này? 
 
Việc tu tập đạt đến Giác ngộ – Niết bàn, nói khó thì cũng không phải khó, mà dễ cũng không phải dễ, còn tuỳ vào Ba la mật và sự tinh tấn của mỗi người, nhưng nếu kiên trì thì sẽ có ngày đạt được, nếu không thể ngay trong kiếp sống này, thì nhất định sẽ đạt được  trong những kiếp sống sau.
 
Đức Phật có dạy có bốn hạng người:  “có người hành nan, đắc nan; hành dị, đắc dị; hành nan, đắc dị;  hành dị, đắc nan” tuỳ theo căn cơ của chúng sanh.
 
Tuy nhiên, nếu cho rằng Giác ngộ – Niết bàn là cái đích quá xa, gần như không thể với tới được thì hành giả có thể tu tập Vipassana cho một mục đích ngắn hơn, có thể đạt được ngay trong kiếp sống này,  vì nó nằm trong tầm tay: Đó là hành tập Vipassana cho tới khi thấy được các tuệ sanh diệt của danh sắc vận hành trong thân và tâm (tuệ 4). Theo hoà thượng Kim Triệu, một bậc chứng đắc của Việt Nam, hiện đang trụ trì Thích Ca Thiền Viện tại Hoa Kỳ, thì tu tập đạt tới trình độ này, nếu hành giả tiếp tục đi tới, thì hành giả sẽ đắc đạo quả trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Thích Ca. Nếu vì một lý do nào đó, hành giả không tu nữa, hành giả sẽ đắc đạo quả trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Di Lặc. Điều này có nghĩa là, hành giả đã nắm được chiếc  vé cho chuyến tàu giải thoát cuối, vì Đức Phật Di Lặc là vị Phật cuối cùng của quả địa cầu. 
 
Gần đây, con xem cuốn “Từ Chánh niệm đến Giác ngộ” của  thiền sư Ajhan Brahm, trong đó ngài có nói rằng tu tập Tứ Niệm Xứ, muốn đạt được giải thoát thì phải nhập định, vì nhập định phát sinh chánh niệm “cực mạnh” mới có thể hạ gục được năm triền cái. Nếu không qua nhập định mà hành tập Vipassana, thì hành giả chỉ đến tuệ xả (tuệ 11)  và đến gần với nhập định, nhưng không đưa đến giác ngộ.  Là một người hành tập Tứ Niệm Xứ trên nền tảng cận định, con rất hoang mang.  Xin sư cho biết ý kiến của sư về vấn đề này?
 
Tuỳ theo căn cơ của chúng sanh, Đức Phật đã dạy hai đạo lộ. Đạo lộ đầu được gọi là đạo quả có thiền. Theo đạo lộ này, hành giả tu định trước, rồi sau đó xả định để phát triển qua quán. Đạo lộ thứ hai là đạo quả không thiền hay còn gọi là thiền khô. Theo đạo lộ này, hành giả chỉ cần tu đạt tới cận định và sau đó phát triển qua quán trên nền tảng của cận định và sát na định. Đạo lộ nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Hành giả chọn đạo lộ nào tu là tuỳ theo căn tánh của mình. 
 
1/ Đạo lộ đạo quả có thiền:
 
Ưu điểm: Hành giả phải nhập định để chứng đắc các tầng thiền (từ sơ thiền đến tứ thiền) rồi xả thiền định ra để chuyển sang phát triển quán. Do lúc này hành giả đã có một năng lực định rất mạnh mẽ nên hành giả có thể hạ gục năm triền cái một cách dễ dàng bằng cách lấy danh, sắc và ngũ uẩn làm đối tượng để phát triển 16 tầng tuệ Minh Sát. Chính vì vậy, các hành giả đã nhập định khi chuyển qua tu quán đắc đạo đắc quả rất nhanh. Tu định rồi phát triển sang quán ví như phiền não là một cái cây, hành giả là  một người có đủ sức mạnh nên nhổ bật được nó, gồm cả rể chính lẫn các rễ phụ.
 
Nhược điểm:
 
          Không phải ai cũng có khả năng nhập định. Nhiều hành giả tu tập thiền định rất lâu năm nhưng vẫn dừng lại ở mức giữ cho tâm mình được vắng lặng mà thôi.
 
          Muốn nhập định phải có môi trường yên tĩnh thích hợp. Thường thì phải vào sâu trong rừng nơi không có tiếng máy bay và cưa máy. Ngay cả thiền viện Phước Sơn rộng như vậy, mỗi người ở một cốc, nhưng cũng không phải là nơi thích hợp để nhập định vì vẫn còn nghe thấy tiếng còi xe, tiếng máy bay và tiếng động chung quanh. 
 
2/ Đạo lộ đạo quả không thiền:
 
Ưu điểm: Hành giả không cần nhập định. Do đạo lộ này chỉ cần hành giả có cận định và sát na định nên hầu như ai cũng có thể thực hành được và hầu như ở đâu cũng có thể thực hành được.
 
Nhược điểm: Hành giả phải đối mặt với năm triền cái hàng ngày, hàng giờ trong lúc sinh hoạt khi chánh niệm còn yếu ớt nên thỉnh thoảng hành giả sẽ bị những cú shock về thân và tâm. Để đối phó với năm triền cái, hành giả quán sát chúng theo lời của Đức Phật dạy:
 
“Nội tâm vị ấy có tham dục cái, vị ấy biết nội tâm có tham dục cái. Nội tâm vị ấy không có tham dục cái, vị ấy biết nội tâm của vị ấy không có tham dục cái;tham dục cái chưa sanh nay đã sanh, vị ấy biết rõ; tham dục cái đã sanh đang được đoạn trừ, vị ấy biết rõ;    tham dục cái đã đoạn trừ, tương lai không khởi sanh, vị ấy biết rõ.”
 
Hành giả quán sát tương tự như vậy với sân độc cái, thuỵ miên cái, trạo hối cái và hoài nghi cái. Đức Phật dạy đây là Pháp Quán Niệm Xứ.
 
Nhờ quán sát như vậy, chánh niệm dần dần vững mạnh và hành giả sẽ trưởng thành trong giáo pháp; lúc đó  hành giả cũng sẽ đủ sức bứng được tận gốc rễ năm triền cái. Tu quán không cần nhập định ví như phiền não là một cái cây, hành giả là người không đủ sức mạnh nên không thể nhổ bật cây lên, mà phải từ từ dùng chánh niệm cắt dần dần các rễ phụ trước cho đến khi cây chỉ còn rễ chính, lúc đó chỉ cần một cái đẩy nhẹ là cây bị đổ. 
 
Vào thời Đức Phật còn tại thế, chính nhờ Ngài đưa ra hai đạo lộ như vậy, mà có rất nhiều cư sĩ, ngay cả tu sĩ đã hành tập Tứ Niệm Xứ và chứng đắc đạo quả qua đạo lộ thứ hai này.
 
Nếu cho rằng vấn đề này không thể lý luận suông mà phải đưa ra bằng chứng rõ ràng thì  bản thân Sư đây là một người tu quán trên nền tảng cận định, không qua nhập định, nhưng vẫn được kết quả. Ngay tại Việt Nam, sư biết hiện nay có trên dưới 10 cư sĩ cũng hành tập Tứ Niệm Xứ không qua nhập định cũng đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên đó chỉ là những người sư biết, con số thực tế chắc chắn phải nhiều hơn…. Nói đây không phải là mục đích khoe pháp, mà cốt để cho hành giả có lòng tin để ngày càng tinh tấn trong pháp hành.  Nhìn ra thế giới bên ngoài ta thấy hiện nay ở Thái Lan có ngài Ajahn Suphan, viện trưởng tu viện Rampoen (Tapataram), Ấn Độ có ngài S.N Goenka là một cư sĩ, Việt Nam có hoà thượng Kim Triệu, ở Miến Điện có ngài U Pandita, viện trưởng thiền viện Panditarama, ngài Utejanjya trụ trì thiền viện Shwe Oo Min… đều là những bậc chứng đắc không qua nhập định. Đây là những vị còn hiện tiền và chúng ta có thể dùng các ngài  làm niềm tin để tinh tấn tu tập. 
 
Điều này cũng chứng minh rằng Giác ngộ – Niết bàn là con đường có thật và Giáo Pháp của Đức Phật để lại cho chúng ta chưa hề bị mai một, vẫn còn nguyên vẹn như thời còn tinh khôi của nó. Nếu còn có người dựa vào Bát Chánh Đạo để tu tập thì vẫn còn có người đắc đạo đắc quả vì Bát Chánh Đạo không nằm trong Kinh điển mà nằm ngay trong mỗi chúng ta. 
 
Xin Sư nói cho chúng con rõ lộ trình đắc đạo, đắc quả của Đức Phật 
 
Căn cứ vào Kinh điển thì sau khi Đức Phật nhập, xuất đủ bát thiền, Ngài xả định và phát triển qua thiền quán. Đức Phật quán vòng Thập nhị nhân duyên (vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập,lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên cho lão tử, lão tử duyên cho sầu bi, khổ não, sầu bi duyên vòng lại cho vô minh). Đức Phật quán xuôi rồi quán ngược và đắc Lậu tận minh. Bậc Đại Trí Tuệ đã đắc Giác ngộ qua đề mục Pháp Quán Niệm Xứ. 
 
Như vậy nếu chúng ta ngày nay nhập định và muốn kinh nghiệm Niết bàn cũng phải thực hành y như Đức Phật, có nghĩa cũng phải xả định để phát triển qua quán. Mọi hình thức tu tập không  qua phát triển các tầng tuệ Minh sát , nếu cho là có kinh nghiệm Niết bàn, thì kinh nghiệm đó không có cơ sở. 
 
Điểm ưu việt của hành giả có năng lực nhập định là khi xả định chuyển qua phát triển quán thì họ có khả năng kinh nghiệm Niết bàn rất nhanh, so với các hành giả tu theo đạo lộ thiền khô. Người đắc đạo, đắc quả qua đạo lộ đạo quả có thiền cũng thù thắng hơn người tu theo đạo lộ thiền khô vì ngoài đạo quả đạt được họ còn có thêm các "sản phẩm phụ" là thần thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông và túc mạng thông.
 
Một điểm quan trọng cần phải nhấn mạnh trong hành tập Vipassana là tu tập nhằm đạt được một cái tâm thuần tịnh, trong sáng không phải là mục đích chính, đưa đến cứu cánh–vì điều này không đủ; cái quan trọng mà hành giả cần phải đạt được là thấy được sự sanh diệt của danh, sắc và ngũ uẩn nhằm kinh nghiệm tam tướng vô thường, khổ và vô ngã ngõ hầu giác ngộ Tứ Diệu Đế. Bất cứ một pháp một tu tập nào nhằm đạt được một cái tâm thuần tịnh, trong sáng mà không thấy được sự sanh diệt của danh, sắc và thì kinh nghiệm đạt được đó chắc chắn không phải là Niết bàn. 
 
Với những đọc giả PTVN đang hành tập Tứ Niệm Xứ hay những người chưa thực hành nhưng đang quan tâm, nghiên cứu pháp môn này, Sư có muốn nhắn nhủ gì nhân dịp đầu năm mới? 
 
Thiền Vipassana là một phương pháp thanh lọc thân và tâm đặc biệt do Đức Phật khám phá ra. Ngài đã bỏ ra 20 A tăng kỳ và 100 ngan đại kiếp trong vòng sinh tử luân hồi để kiện toàn đầy đủ 30 pháp Ba la mật nhằm có đủ trí tuệ để khám phá pháp môn này. Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ thực chứng những lời dạy của Đức Phật là cụ thể, rõ ràng, không hư dối, toàn hảo đoạn đầu (pháp học), toàn hảo đoạn giữa (pháp hành) và toàn hảo đoạn cuối (pháp thành). 
 
Con xin cảm ơn Sư. Nhân dịp năm mới, con xin thay mặt đọc giả PTVN chúc Sư được dồi dào sức khoẻ, có chánh niệm và  trí tuệ hiểu biết ngày càng phát triển thâm sâu. 
 
Cám ơn cô. Sư cũng xin chúc cô và quí đọc giả dồi dào sức khoẻ và hưởng một năm mới an lành, luôn luôn có trí nhớ chánh niệm tỉnh giác để luôn luôn thấy rõ thực tướng, thực tánh của  sự sanh diệt của các pháp là vô thường, khổ và vô ngã trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi để sớm đắcTứ thánh đạo, Tứ thánh quả và Niết bàn. Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.