Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết vẫn là Tết, nhưng cần nhẹ nhàng hơn

Tết vẫn là Tết, nhưng cần nhẹ nhàng hơn

86

Tết là phải mới

"Tết Nguyên đán, còn gọi Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong một năm, là nét văn hoá cổ truyền của người Việt Nam.

Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà Tổ tiên. Dù đi làm ăn ở đâu, Tết cũng về sum họp với gia đình, anh em đoàn tụ, thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất.

Ngày Tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay của năm cũ, nên mọi người đều cố gắng vui vẻ, độ lượng với nhau, bỏ qua mọi hiềm khích. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Chính vì thế, người Việt Nam tin rằng, Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người. Vì vậy, khoảng mươi ngày trước Tết thường sơn, quét vôi lại nhà cửa.

Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Họ tắm rửa sạch sẽ, kiêng không nóng giận, cãi cọ, khóc lóc. Họ hàng, xóm giềng đến chúc nhau những lời đầy ý nghĩa. Trẻ em vui sướng vì được mừng tuổi.

Với những ý nghĩa đó, Tết chỉ mấy ngày, nhưng là một tập tục rất đẹp trong truyền thống văn hoá của người Việt thật đáng để chúng ta kế thừa như một di sản văn hoá phi vật thể quý báu của cha ông.

Tuy nhiên, nếu lợi dụng dịp Tết để cờ bạc, rượu say tuý luý, tiêu xài hoang phí, hoặc ăn chơi ngông nghênh là làm hỏng ý nghĩa đẹp của ngày Tết truyền thống, thật đáng tiếc vô cùng".

Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa – Trung tâm tư vấn Linh Tâm

Nhiều người sợ và trốn Tết

"Tết là dịp nghỉ ngơi, nhưng với nhiều phụ nữ đã lập gia đình đó lại là thời gian phải lo toan bộn bề đủ thứ việc, từ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, nấu nướng… Nhiều nhà cúng đủ mọi lễ: ông Công, ông Táo, Tất niên, Giao thừa, Hoá vàng… khiến người phụ nữ tất bật suốt thời gian Tết. Chưa kể, anh em, bạn bè tụ tập ăn uống buộc họ phải liên tục vào bếp, nên không ít người sợ Tết.

Nhiều người tuổi ngoài băm chưa lập gia đình cũng thường ngại Tết. Họ sợ Tết đến về quê đi đâu anh em, họ hàng cũng hỏi thăm "Khi nào thì cho ăn cỗ đấy?", hay "Không lấy vợ đi để bọn trẻ nó gọi bằng chú à". Tránh sự "săm soi" của họ hàng, bạn bè, họ thường xung phong ở lại cơ quan trực Tết, hay "cố thủ" trong nhà xem phim, đọc truyện. Có người có điều kiện kinh tế một tý thường chọn đi du lịch tới các nước láng giềng để "trốn Tết".

Tết cổ truyền đi vào tâm linh người Việt bao đời nay. Tết cũng là dịp để giáo dục con cháu biết đến truyền thống gia đình, gia tộc. Nhưng theo tôi, Tết nay vẫn còn những phiền toái, bị biến dạng ở nhiều góc độ. Trong một số quan hệ người ta buộc phải đi chúc Tết, mà bản thân trong lòng không hề mong muốn. Bởi xã hội vẫn còn những người mong đợi Tết đến để mưu lợi cá nhân. Theo tôi, nên giữ giá trị đích thực của Tết: "Mồng một Tết Cha, mồng hai Tết Mẹ, mồng ba Tết Thầy".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý gia đình An Việt Sơn

Hồn cốt phải giữ, nhưng cần gọn nhẹ hơn

"Cuộc sống bận bịu, nhiều áp lực, cũng như nhiều thú vui, nhiều lựa chọn đang dần thay đổi hồn cốt của Tết cổ truyền, nhất là ở những thành phố lớn.

Những lễ nghi theo thông lệ cho Tết đang tiêu tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian và sức lực của nhiều thành viên trong gia đình. Cứ sau Tết là nhiều người lại bải hoải ra.

Theo tôi, thời nay kế thừa Tết truyền thống, nhưng không nhất thiết hưởng Tết dài ngày, lãng phí trong việc ăn uống. Những lễ hội, tục đi chùa đều là những nét văn hóa, nhưng không nên kéo dài đến ra giêng. Cần phải tiết kiệm, tránh phung phí quá trong các ngày Tết, vì thực tế nhiều gia đình người Việt vẫn còn khó khăn.

Xã hội thời nay không tĩnh như trước, nên đòi hỏi chúng ta phải năng động hơn để đáp ứng trong sự hội nhập và phát triển.

Cả năm làm ăn vất vả, có mấy ngày Tết để nghỉ ngơi, trang trí lại nhà mới, tảo mộ Tổ tiên, hội ngộ anh em họ hàng, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ – đó là hồn cốt Tết phải giữ. Nhưng đã đến lúc nên thay đổi, ăn Tết cần nhẹ nhàng, bớt rình rang, cần gọn nhẹ hơn".

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy