Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Vì sao nắng mùng Một khác nắng ngày thường?

Vì sao nắng mùng Một khác nắng ngày thường?

95

Sáng mùng Một nào cũng vậy, cũng thắc mắc vì sao nắng khác, gió khác, người cũng khác…

Vì một sự gì đó thiêng liêng trong trời đất? Chắc không phải…

Vì kiêng cữ, vì lễ nghĩa phải giữ cho thong thả? Lại càng không phải. Nếu thế hẳn đã phải nặng nề…

**

Cái lý do khiến mùng Một khác ngày thường, phải mấy chục năm rồi, giờ mới hiểu ra.

Đó là cảm giác lâng lâng của người mới lập được kỳ tích, mới hoàn tất được một nhiệm vụ.

Chẳng phải là kỳ tích sao, khi trong có một khoảng cập rập trước Tết, không khoan nhượng về mặt thời gian, ai nấy giải quyết gọn gàng mọi việc, từ thấp đến cao: Dọn dẹp cho sạch văn phòng. Lau nhà cho đến long lanh. Gửi quà cho người cần gửi. Thanh toán hết các nợ nần. Gửi đi bằng hết báo cáo. Thanh toán bằng hết nhuận bút…

**

Đã nhiều năm đi làm, tôi nhận thấy một cá tính chưa hay ở người Việt ta, ấy là ít khi hoàn tất, dù việc nhỏ việc to. Việc gì thường lúc đầu cũng hăng hái, sau thì bôi ra, phải đi theo thúc giục đến mệt.

Đã ít hoàn tất thì cũng hiếm khi hưởng niềm vui lập kỳ tích.

Cho nên Tết là một dịp để người Việt nào, dù lười nhất, cũng được hưởng niềm vui mà ngày thường ít khi có được: niềm vui hoàn tất.

Nhìn phòng làm việc, nhà cửa gọn gàng, chúng ta vui vì đã vượt qua cái bừa bãi của chính ta.

Gửi hết một danh sách thiệp xuân, quà tặng, chúng ta vui vì vượt qua cái tính lần lữa cảm ơn của mình.

Nộp lên bàn những bản báo cáo, nhìn danh sách nợ đã trả xong… ta vui vì những việc tưởng không bao giờ làm được nay đã làm xong, mà làm tốt, đáng gọi là kỳ tích.

Vậy là sáng mùng Một Tết, mỗi người Việt chúng ta là một con người thong dong, sảng khoái vì mới vượt được chính mình. Hệt như một vận động viên tối qua mới đoạt huy chương, và sẵn sàng cho những kỳ tích mới.

**

Thế nhưng rồi năm nào cũng thế, mùng Một Tết nào cũng sảng khoái thong dong vì mới làm xong cả núi việc cho kịp giao thừa.

Thế chẳng hóa ra suốt một năm, mọi việc vẫn là nếp cũ lề mề sao?

**

Cho nên sáng nay, tôi tự nhủ, từ nay mình sẽ cố để không phải đợi đến mùng Một mới có được cảm giác sảng khoái này.

Sẽ tập sao mỗi tuần, mỗi tháng đều có những “ngày Tết của hoàn tất”.

“Không biết lấy hoàn tất làm niềm vui sẽ không bao giờ trưởng thành nổi.” Có người đã nói.

Dù đường đến niềm vui đó sẽ rất vất vả, bền chí, không cho phép mình được nghỉ những khi mình (luôn) muốn nghỉ.

Nhưng đến tuổi này, tôi không muốn chất quanh mình những thứ luôn dang dở nữa: những báo cáo chỉ cần vài dòng là xong. Những món nợ cố lên một tí là hết. Những bản thảo bền bỉ mà đánh vật hơn nữa là kết thúc…

**

Sáng nay, nhìn ra vườn mà buồn cười. Nếu như còn trẻ như ngày trước, hẳn thể nào cũng đã cặm cụi kẻ một khẩu hiệu thật to, treo lên tường, đi góc nào cũng thấy.

Cái khẩu hiệu đó ghi: “Sống và làm việc như những ngày trước Tết”.

Làm cho bằng hết việc.

Hối hả mà thật vui…

Để được hưởng trọn vẹn ngày mùng Một.

Ngày của trưởng thành.