Ông cụ khoát tay cười và nói: “Tôi chẳng là vua gì cả. Tôi chỉ là một người ưa Nhớ mà thôi”.
Bà Nụ và hành trình năm giờ đi cho thỏa nỗi Nhớ nghề bán đào tết – Ảnh: Quang Phùng |
Vâng, Nhớ một Hà Nội trong trẻo nên ông quay quắt bỏ ra mấy năm ròng để thực hiện bộ ảnh về ma túy lộng hành giữa thủ đô. Bộ ảnh được triển lãm vào năm 2004, làm rúng động không chỉ làng nhiếp ảnh. Một vị tướng công an đi xem triển lãm về đã chỉ đạo ngay cho thuộc cấp phải xắn tay áo vào cuộc chiến với nạn ma túy khẩn trương hơn, quyết liệt hơn.
Cũng vì Nhớ những hàng rong của Hà Nội xưa mà ông bỏ công hàng năm trời để săn những tấm ảnh về đời sống của những bà cụ, những bà chị bán hàng rong bươn chải giữa bộn bề hôm nay.
Cũng vì Nhớ những bãi bồi ven sông Hồng ngày xửa ngày xưa khi vào mùa nước cạn, chỉ thuần cảnh đá banh đá bóng mà ông bỏ ra hơn năm trời để săn ảnh những đứa trẻ lông bông của hôm nay và đặt ra câu hỏi làm nặng lòng mọi người: Tương lai của chúng đi về đâu?
Trong những bộ ảnh ông kỳ công thực hiện nhằm thỏa một chữ Nhớ, có một câu chuyện liên quan đến tết, đến hoa đào và nghe xong thì thấy lòng man mác cứ như vừa đọc bài Ông đồ của Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Ông cụ kể ấy là vào thời điểm chuẩn bị đón Tết Kỷ Sửu. Chỉ một ngày nữa thôi là đưa ông Táo về trời. Hôm ấy, trời Hà Nội rét buốt, mưa phùn bay bay ướt át. Ông lại ôm máy ảnh lên đường. Vô định.
Không có chủ đích tìm một đề tài nào cả. Đi ngang qua phố Hàng Bạc, mắt ông chợt dừng lại nơi một bà cụ dáng vẻ lam lũ, khoác chiếc áo mưa mỏng màu tím nhạt, gánh hai cành đào. Một cành đào phai và một cành đào thắm. Ông bảo: “Hình dáng của bà cụ hút ngay mắt tôi, bởi cái cách xỏ cây sào vào hai cành đào và gánh trên vai trông rất chuyên nghiệp, đúng như cái kiểu những cô gái Nhật Tân ngày xưa mang đào vào Hà Nội bán tết”.
Thế rồi đôi chân ông rảo theo bà cụ. Bà bên này đường thì ông bên kia. Cả hai cứ lầm lũi đi từ Hàng Bạc, qua Hàng Đường, rồi Hàng Mắm… Thi thoảng có người chặn bà cụ lại hỏi mua đào, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Bà tiếp tục đi. Còn ông thì bên kia đường mải miết chụp.
Ông kể tiếp: “Sau khoảng hai giờ rong ruổi, tôi băng qua đường mời bà cụ chén nước và bắt chuyện. Và tôi sững sờ. Hóa ra đây cũng là một con người đi để Nhớ”.
Bà cụ tên Nụ. Ngày xưa, nhà cụ có mấy sào đất ở Nhật Tân chuyên trồng đào. Từ năm 15 tuổi, Nụ đã phụ bố mẹ gánh đào về Hà Nội bán tết. Năm 2003, đất trồng đào nhà cụ nằm trong khu giải tỏa, mất đến 70%. 30% còn lại, con cháu thúc ép cụ bán đi. Và giờ thì cụ về ở với con cháu cũng ven Hà Nội, nhưng đào thì không còn nữa.
Bà Nụ kể rằng cứ đến sát ngày đưa ông Táo là bà lại nhớ đến cồn cào, quay quắt tiếng những con ong vè vè bên các cành đào. Nó là tín hiệu cho biết đào đã sắp bung nụ, đã đến lúc chặt đưa ra chợ. Năm nay (trước Tết Kỷ Sửu), nỗi nhớ đã thôi thúc bà Nụ phải lên đường. Bà vào các vườn đào, mua lấy một cành đào phai và một cành đào thắm để gánh về thủ đô. Đi không cốt để bán kiếm lời. Mà đi để thỏa nỗi Nhớ.
Chén trà cạn cũng là lúc xong câu chuyện về Nhớ, bà Nụ chia tay lão nghệ sĩ Quang Phùng. Họ lại tiếp tục cuộc hành trình cho thỏa nỗi Nhớ. Bà thì đi để nhớ về cái nghề từ thời con gái. Còn ông thì chụp để ghi lại những hình ảnh đã in vào trí nhớ từ ngày xưa.
Ông Phùng kể rằng cuộc hành trình của họ kéo dài đúng năm giờ. Bà Nụ thì hai cành đào vẫn còn trên vai, còn ông thì thẻ nhớ đầy ăm ắp những hình là hình.
Năm nay, Tết Canh Dần, ông Phùng bảo đến ngày đưa ông Táo về trời, dù mới khỏe lại sau cơn tai biến nhưng ông cũng cố đi ra Hàng Bạc với hi vọng được thấy bà Nụ, năm nay cũng đã 76 tuổi, sẽ lại gánh đào đi cho thỏa nỗi Nhớ.