NHỮNG Ý KIẾN KHÁC NHAU MỚI ĐÂY VỀ VIỆC TỤNG KINH
Tụng kinh hàng ngày ở chùa và ở tư gia Phật tử, với các kinh truyền thống như Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, Pháp Hoa, Vu Lan, Địa Tạng…, là điều mà chúng ta vẫn thường thấy hiện nay.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược nhau về việc tụng kinh. Một luồng ý kiến đề xuất thu hẹp việc tụng kinh. Luồng ý kiến thứ hai đi theo quan điểm ngược lại. Dưới đây là nội dung chi tiết của 2 luồng ý kiến đó.
Ý kiến nên thu hẹp việc tụng kinh
Trong một băng giảng, một vị thầy có dẫn lại ý của đức Phật, đại để là nếu tụng nhiều kinh điển mà không hành trì, thì cũng là vô ích mà thôi. Vị sư nói trên đề xuất thu hẹp lại dần thời gian dành cho tụng kinh và lấy thời gian tiết kiệm được dành cho việc tu tập, tham thiền…
Theo vị thầy này, các khóa lễ nên bỏ thời gian dành cho tụng kinh, mà để thời gian đọc các bài “nguyện”. Vị thầy này cho biết chùa ông đã tiến hành việc này, với các khóa lễ ngắn, gọn, lời nguyện được phổ nhạc, tạo không khí dễ chịu cho người làm lễ.
Đi vào chi tiết, thầy cho rằng tụng kinh có tác dụng lưu thông, gìn giữ kinh điển, nhưng chỉ thích hợp vào thời kỳ kỹ thuật in ấn, truyền thông chưa phát triển, nhất là thời đức Phật, khi việc biên chép còn hết sức giới hạn.
Ngày nay, khi chỉ trong vài ngày, hàng chục ngàn bản kinh được in xong, cần tra cứu kinh điển thì chỉ cần nhấp chuột để vào internet hay truy xuất trên CD-R, thì việc lưu thông, tàng trữ kinh điển đã có các công nghệ mới đảm nhận, không nên mất thì giờ vào việc tụng đọc ê a nữa.
Ý kiến đề xuất mở rộng việc tụng kinh ra đến phạm vi toàn bộ đại tạng, trong các pháp hội
Ý kiến này được nêu trong bài viết của tác giả Chúc Phú: Tụng Địa Tạng kinh tiếng Việt, nên chăng? đăng trên báo Giác Ngộ số 426, 27/3/2008. Theo tác giả này thì: “Đi chùa tụng kinh, vốn dĩ là khẩu ngữ quen thuộc của nhiều tầng lớp Phật tử xưa nay. Từ rất lâu, trong truyền thống tâm linh của Phật giáo Việt Nam, tụng kinh tụng kinh được xem là biểu hiện “tu tập” phổ thông và rộng rãi nhất, tầng lớp nào cũng có thể thực hiện. Và, sẽ hết sức ý nghĩa nếu như được đọc tụng toàn bộ kinh điển Phật giáo bằng tiếng Việt, trước là để cúng dường ngày Đản sanh của Đức Thế Tôn, sau là ôn lại, để áp dụng những lời dạy của Đức Từ Phụ từ hơn 2000 năm trước vào thực tế cuộc sống”.
Trong phần tiếp theo, tác giả Chúc Phú đề nghị tổ chức một cuộc pháp hội tụng kinh tập thể với số lượng lên đến “500 – 1000 người tham dự”.
BÀN LUẬN VỀ VẤN ĐỀ TỤNG KINH
Chúng tôi thống nhất với ý kiến của tác giả Chúc Phú. Nhưng đi xa hơn, chúng tôi không chia sẻ với quan điểm “tụng kinh được xem là biểu hiện “tu tập””. Chúng tôi nghĩ rằng việc đặt từ tu tập trong ngoặc kép tiếp theo cụm từ “được xem là” là thận trọng quá mức cần thiết. Chúng tôi nghĩ rằng tụng kinh chính là tu tập.
Phương pháp tu này có từ thời đức Phật và được nói rõ khuyến khích trong các kinh điển. Tụng kinh chính là được gặp đức Phật, nghe và nhắc lại những lời Phật dạy.
Tại sao niệm danh hiệu Phật được xem là một pháp môn tu, còn niệm lời Phật lại không thể được coi là tu tập một cách trọn vẹn, mà phải “được xem là” và đặt trong ngoặc kép?
Người viết còn nhớ lời giảng của hòa thượng Thiện Hoa, tụng kinh là thân ngồi tĩnh tại đọc lời Phật, thân không làm điều ác, khẩu đọc lời Phật, khẩu không nói điều ác, ý nghĩ theo lời Phật dạy, ý không nghĩ điều ác.
Tụng kinh thân khẩu ý đều thanh tịnh, đều làm việc lành, không hề mảy may dính líu các việc ác, hoàn toàn trong sạch.
Nếu căn cứ với lời kinh:
“Không làm các điều ác
Hãy làm các việc lành
Giữ thân tâm thanh tịnh
Đó là lời chư Phật”
Thì tụng kinh chính là tu tập, với đủ các yếu tố nêu trên.
Tụng kinh là một phương pháp ưu việt của đạo Phật. Cơ đốc giáo ngày nay, đặc biệt là các giáo phái Tin Lành và cải cách, ngày càng chú ý đến việc trở về đọc thường xuyên (không khác gì tụng của Phật giáo chúng ta) Kinh Thánh. Họ phê phán những bài kinh cầu được viết thông qua ý kiến chủ quan của một con người, dù là con người đó đã được phong thánh đi nữa.
Người viết có một thầy học là một giáo sư mỹ học. Ông không theo đạo Phật, nhưng rất tán dương “phương thức” tụng kinh của đạo Phật, mà đúng ra phải gọi là “pháp môn” mới đúng!
Ông nói mỗi khi gặp những vấn đề trong cuộc sống, ông thường giải quyết theo phương thức “tụng kinh”, đọc lại Mác – Ănghen toàn tập và Lênin toàn tập, đối diện với chân dung các nhà cách mạng tiền bối này. Ông còn nói chi tiết rằng, đối với Lênin toàn tập, ông đọc bằng nguyên bản tiếng Nga để lãnh hội trọn vẹn tư tưởng của Lênin, không qua sự khúc xạ của bản dịch.
Trong đó, tác phẩm Bút ký triết học của Lênin là tác phẩm ông “tụng” nhiều nhất. Ông nói, sau mỗi lần đọc, ông đều lãnh hội được những tư tưởng mới, từ đó tìm ra những ý tưởng mới, giải pháp mới trên nền tảng triết học Mác – Lênin.
Xem thế, người Mác xít còn học tập và áp dụng phương pháp đọc tụng kinh điển từ đạo Phật, trong khi chính một số người trong đạo Phật lại chưa quan tâm đầy đủ tới pháp môn thực sự này, thậm chí còn coi nó là không cần thiết trong thời đại mới.
Nhưng thật ra chúng tôi cũng hết sức thông cảm với những ý kiến phủ nhận như vậy, vì nó cũng có những nguyên nhân của nó.
Trong một thời gian rất dài, việc tụng kinh đã bị biến dạng so với thời gian Phật còn tại thế và thời kỳ đầu sau khi Đức Phật nhập Niết bàn.
Càng về sau, việc tụng kinh đã đánh mất mục tiêu, ý nghĩa của nó, từ đó đương nhiên mất luôn tác dụng, dẫn đến những ý kiến như trên. Thay vì đọc tụng toàn bộ kinh điển của đức Phật, nhằm mục tiêu ghi nhớ, nhắc nhở, suy niệm lời Phật, thì chỉ một số ít kinh được trích tuyển ra để đọc tụng.
Và nguy hiểm hơn, nó phục vụ cho những yêu cầu chủ quan của con người, đó là cầu an, cầu siêu và tạo công đức. Người tụng kinh quan tâm đến số lần tụng hơn là nội dung kinh và tụng như trả bài để đổi lấy công đức (!).
Hoạt động tụng kinh đã bị méo mó, biến dạng. Người tụng không còn đọc toàn bộ Đại Tạng, mà nói theo một cách nói khác là “Thích Ca Mâu ni toàn tập”, mà chỉ tiếp xúc với một tuyển tập, mà tuyển tập đó hình thành theo nguyên tắc “gọt chân để vừa giày”, hoàn toàn theo ý muốn chủ quan của quyền lợi thực tế của con người.
Cầu siêu thì cứ mà tụng Kinh Địa Tạng để phá địa ngục, tụng Kinh A Di Đà để vãng sanh. Cầu an thì tụng Dược Sư như một thứ thuốc chữa bệnh, hay tụng Phổ Môn để cầu con trai thì sinh đuợc con trai, cầu con gái thì sinh được con gái. Còn để đổi lấy công đức thì tụng Kinh Pháp Hoa, kinh vua trong các kinh, để có công đức như trong kinh có nói.
Tụng kinh đã biến thành một cuộc “đổi chác” với Phật, trên cơ sở ý muốn của con người, phục vụ quyền lợi chủ quan riêng của từng con người. Có chùa, ngày ngày đang tụng Phổ Môn, đột xuất có Phật tử yêu cầu để “chữa bệnh” thì chuyển sang tụng Dược Sư.
Thiền môn nhật tụng 2000 do Thiền sư Nhất Hạnh chọn lọc và biên tập là bước phát hiện và khắc phục những vấn đề như trên. Những bài kinh được chọn giúp người tụng có một cái nhìn tổng quan về đạo Phật, rút ra được những nguyên tắc cơ bản của giáo lý về vô thường, vô ngã, khổ, không, luân hồi, sanh tử và an lạc.
Thiền môn nhật tụng 2000 là một bộ hợp tuyển mới đi sát với tinh thần của Đức Phật, là một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động đọc tụng kinh điển. Hiệu quả của nó tất nhiên là rõ ràng và thiết thực.
Nhưng tại sao chỉ tụng “tuyển tập” mà không nghĩ đến việc tụng “toàn tập” hay “tổng tập” như thời đức Phật tại thế và thời kỳ đầu của Phật giáo sau khi Phật Niết bàn? Tác giả Chúc Phú đã bước đầu nêu ra câu trả lời.
Nhưng xin đặt vấn đề tiếp. Tại sao chỉ đọc tụng Đại Tạng trong một pháp hội với tập thể người tham dự (xác định hình thức, số lượng) mà không khuyến khích việc đọc tụng toàn bộ Đại Tạng một cách thường xuyên (không cần đến pháp hội mới đọc tụng) ở mọi chùa và mọi nhà (không cứ phải ở chùa trong một thời gian xác định), ở mỗi cá nhân (không cần đến 500 – 1000 người và bất cứ lúc nào).
Chúng tôi đề xuất quý thầy chỉ dẫn Phật tử tụng thường xuyên Đại Tạng. Mỗi gia đình cần thỉnh một bộ. Tụng Đại Tạng vào khóa lễ tư gia hàng ngày. Lúc cần tĩnh tâm, giải tỏa phiền muộn, thực hành tu tập, chỉ cần thắp hương, khai kinh trì tụng toàn bộ Đại Tạng, tức là tiếp xúc với lời dạy của đức Phật ở cấp độ toàn diện nhất, đầy đủ nhất.
Việc đưa Đại Tạng vào khóa lễ hàng ngày ở các chùa càng bức thiết hơn nữa, vì tinh túy của đạo Phật không chỉ nằm ở một số kinh như Dược Sư, Địa Tạng, Di Đà… Người ngoài đạo đến chùa sẽ tất ngộ nhận Phật giáo chỉ có từng ấy kênh, trong khi toàn bộ Đại Tạng là một kho tàng tư tưởng. Đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh lần lượt tại chánh điện thực chất là được gặp lại Đức Phật với toàn bộ giáo pháp mà ngài đã thuyết giảng.
Nếu chỉ giới hạn việc đọc tụng một số ít kinh điển, chúng ta đã vô tình “xuyên tạc” Đức Phật (vì Đức Phật đâu có thuyết chỉ chừng đó), làm nghèo đi kho tàng giáo pháp của Phật giáo.
Người thiệt hại trước hết chính là những người con, nếu không biết khai thác trọn vẹn di sản mà cha mình để lại.
Kính đề xuất các vị tiền bối có trách nhiệm sớm tổ chức các nghi thức tụng kinh mới cho tăng ni Phật tử, theo đó toàn bộ Đại Tạng được đưa vào chương trình đọc tụng.
Riêng đối với cá nhân người viết, đọc tụng Đại Tạng là pháp môn tu hiệu quả nhất. Không niệm Phật định tâm được, không ngồi thiền được, nhưng mỗi khi giở Đại Tạng ra, là tâm ý tôi cuộn chảy theo lời Phật nói, an lạc sinh khởi, vì những tư tưởng của đức Phật phong phú quá, sinh động quá, siêu việt quá. Hạnh phúc thay cho người đọc tiếp xúc với nó.
Đạo Phật ở Việt Nam sẽ chuyển sang một giai đoạn mới khi mà việc đọc tụng Đại Tạng được phổ cập. Sự thống nhất Phật giáo được nâng lên một tầm cao mới, đạt được một thành quả mới, vì Đại Tạng gồm cả giáo lý của Bắc Tông và Nam Tông.
Việc tụng kinh được phong phú hóa, toàn diện hóa, đa dạng hóa. Từ việc chỉ tụng đọc một vài bộ kinh thì nay là toàn bộ Kinh Phật. Người đọc tụng cũng cảm thấy lạ, hấp dẫn hơn, kiến thức Phật học thu nhận nhiều hơn.
Giáo pháp được lưu thông có nghĩa là toàn bộ giáo pháp sống gắn bó với từng Phật tử ở mức độ toàn diện nhất, triệt để nhất. Nếu chỉ có một vài bộ kinh được chú tâm đọc tụng rất nhiều bộ kinh khác bị xếp lại một bên, thì chỉ có một phần giáo pháp lưu thông thôi. Và nói giáo pháp sống và gắn bó với đời sống Phật tử chỉ khi nó được nhắc nhở, áp dụng hàng ngày, mà tụng đọc là một phương tiện. Một giáo pháp chỉ được lưu giữ ở thư viện, đĩa CD-R hay internet là một giáo pháp “chết”. Nó chỉ “sống bộ phận” khi có người quan tâm tra cứu.
Sau khi Đức Phật Niết bàn, giáo pháp chính là thầy. Đọc tụng toàn bộ kinh điển là cách hiệu quả nhất để người thầy luôn có mặt trong mỗi chúng ta, hàng ngày và mọi nơi.
Cũng kính đề xuất chư tôn đức bổ sung, nâng cấp kinh phật tụng, trên cơ sở tạo nên một tuyển tập đa dạng hơn, phong phú hơn lời dạy của đức Phật, nhằm vào việc đọc tụng hàng ngày. Thiền môn nhật tụng 2000 do Thiền sư Nhất Hạnh biên soạn là một bước tiến, nhưng tất nhiên không thể hài lòng với thành quả đó.
Một tín đồ Cơ đốc giáo sau khi đọc Kinh Pháp Cú rồi đến chùa, có hỏi tôi tại sao những tư tưởng tuyệt diệu và siêu việt của Kinh Pháp Cú không được tụng đọc, mà đến chùa thì nghe tụng những bài kinh na ná với việc cầu xin về thiên đường, không khác với Cơ đốc giáo là mấy?
Thật sự, tôi đã không biết trả lời sao!
MT