Một phần đời sống của những người dân quê được phản ánh qua sinh hoạt của chợ quê. Ngoài ý nghĩa trao đổi, mua bán hàng hoá, chợ quê còn là nơi để người ta thăm hỏi, nói chuyện đồng áng, mời mọc đám tiệc, ăn uống, la cà vui chơi trong cái không gian đậm đà bản sắc, mang nặng tình làng, nghĩa xóm.
Chợ quê thường họp cố định ở nơi ngã ba sông, nơi có vị trí trên bến dưới thuyền, hoặc ven đường lộ lớn, nhỏ hay ở những ngã tư giao lộ. Nếu chợ sung túc thì sẽ có một, hai dải phố trệt, thi thoảng một vài nhà có gác, lầu nhưng ít khi có nhiều tầng. Nếu chợ quê nghèo thì chỉ có những mái trại lợp lá che mưa nắng và những sạp bán hàng bằng gỗ, tre, bỏ ngổn ngang ngoài trời. Có khi giống như chợ chồm hổm, chợ “mù sương”, sáng sớm nhóm, nắng lên tan, người bán và người mua đều rất vội vã!
Nếu bạn từng sống ở một miền quê nào đó, bạn sẽ có đôi lần hoặc rất nhiều lần đi chợ quê. Thủa bé, có thể ta sẽ đi chợ quê với mẹ, nhất là trong dịp lễ, tết. Ta sẽ thấy thích thú và thèm thuồng với mùi rêu cua bốc khói hay tiếng “xèo…xèo” của bột bánh chạm chảo ở một góc chợ quê, dưới bóng cây đa làng hay dưới một tán me cổ thụ. Khi lớn lên tuổi thiếu niên, ta thường túm năm, tụm ba với các bạn, đi chợ quê ăn sương sa, sương sáo hoặc uống đá me, đá đậu…
Đôi khi ta dừng lại khoảng sân trống, có nhiều người hiếu kỳ vây quanh, say mê xem những trò ảo thuật, mãi võ của những nghệ nhân bán “thuốc sơn đông” lưu lạc giang hồ. Khi trưởng thành, có bạn trai, bạn gái, ta lại cùng nhau đi dạo chợ quê mua đồ ăn, thức uống về nhà làm tiệc liên hoan, họp mặt… Đến khi có gia đình, ta lại dẫn con, cháu đi chợ quê.
Cứ thế, dòng đời lặng lẽ trôi qua, những đứa trẻ, những người lớn lần lượt đến, đi, về và có đôi khi không trở lại chợ quê nữa! Chợ quê thông thường bán khá đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày. Hàng nông sản thực phẩm tươi có: gạo, thịt, tôm cá, rau cải, trái cây… Hàng tạp hoá thường có: đường, muối, đậu, mì gói thuốc tây, thuốc tàu, rượu, bia, bánh, pin đèn, thúng, rổ, chiếu, đệm, lờ, lợp, kim, chỉ …Các loại hàng hoá trên, hồi ấy, thường chỉ bán lẻ với số lượng nhỏ, nếu muốn mua nhiều, người ta phải lên chợ huyện.
Ngày nay, ở nhiều chợ quê phát triển, đã có bán buôn hàng hoá với giá cả cũng phải chăng. Chợ quê cách đây vài mươi năm rất dễ phân biệt với các chợ huyện, thị tứ. Lúc ấy chợ quê có quy mô rất nhỏ, thường chỉ vài mươi hộ buôn bán cố định, chợ nhóm mau tan, chiều và tối vắng vẻ, đìu hiu; những ngày Tết người ta mua bán thưa thớt, nhà cửa đóng im ỉm tránh gió, cát. Lọt ra ngoài phạm vi chợ quê mươi thước, người ta sẽ gặp đồng ruộng mênh mông, sông rạch dài xa tít tắp, vườn tược xanh um sầm uất…
Nếu có dịp trở lại một chợ quê nào đó của thủa xa xưa, chắc hẳn bạn sẽ khó lòng nhận ra được cảnh cũ. Chợ quê ngày ấy, bây giờ nhà cửa san sát, xe cộ dập dìu, âm thanh ồn ào, huyên náo, cảnh mua bán diễn ra khá nhộn nhịp từ sáng đến chiều, tối. Và khi mùa xuân đến, hoặc những ngày lễ hội, ta khó phân biệt, đâu là các cô thôn nữ một nắng hai sương với con gái thị thành đài các! Mùa xuân về quê, đi chợ quê để hồi tưởng, tìm lại chút hình ảnh xa xưa thời thơ ấu sẽ cho ta nhiều bâng khâng, cảm xúc…