Ngày ấy, vào trung tuần tháng chạp, cả làng tôi cùng nô nức vặt lá mai chờ tết đang thấp thoáng bên thềm, nhất là đám trẻ. Tết đến, cũng là lúc vụ mùa thu hoạch đã xong, bước vào giai đoạn nông nhàn, nên mọi nhà có dư giả thời gian để chuẩn bị hoa trái, làm bánh mứt hưởng xuân.
Dù là năm được hay mất mùa với nông dân quê tôi, tết bao giờ cũng là ngày hội lớn thể hiện sự no đủ và thảnh thơi thăm viếng nhau, bởi thúng nếp, vài ký đậu, vài ký thịt heo để gói bánh chưng, chẳng hề là mối bận tâm. Nhà nào không có thì cứ vay tạm nhà hàng xóm, mùa thu hoạch sau mang trả lại, không ai từ chối nhau bao giờ. Tình người chốn quê gắn bó, thiết thân là vậy đó!
Trong các công việc chuẩn bị đón tết, nồi bánh chưng là quan trọng nhất, cũng là việc để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm tư người trẻ như tôi. Trước tết vài tuần, anh em tôi đánh xe bò vào rừng lấy củi về để dành cho nồi bánh. Phải là loại củi chắc thớ như bằng lăng, căm xe, trâm bầu… thì sau khi cháy mới đượm than hồng. Sáng ngày hai chín, bọn trẻ mỗi đứa vai vác cái cù nèo cán dài, một giỏ cói lớn đi vào các vườn chuối xin lá. Lá chuối sau khi mang về được phơi qua ngoài nắng cho dai, chiều đến gom lại lau sạch xếp vào thúng.
Trưa ba mươi, cả nhà bắt đầu xúm nhau dưới nền bếp, cùng hỉ hả với việc gói bánh chưng. Bánh gói xong, được xếp đầy cái nồi thật lớn rồi khiêng ra ngoài bờ giếng, nơi đã chuẩn bị sẵn ông táo và hai nữa tấm tôn xếp thành chữ V che gió. Khi mặt trời khuất sau đỉnh núi, là lúc ba tôi châm mồi lửa dưới đáy nồi. Mọi thành viên trong nhà có mặt đầy đủ, để chứng kiến sự kiện chỉ diễn ra chỉ một lần mỗi năm.
Tôi thường chọn phiên canh nồi bánh từ khoảng mười giờ đêm cho đến sáng, để thú vị nhấm nháp củ khoai lang, mớ hột mít thơm lừng lôi ra từ đống tro nóng, để thấm thía cái lạnh se sắt, để được hơ tay trên bếp lửa đỏ rực than hồng và nhất là để được chứng kiến thời khắc linh thiêng khi đất trời giao hòa trong rền vang tiếng pháo.
Tờ mờ sáng mồng một tết, việc đầu tiên cả nhà cùng làm là chung tay dỡ nồi bánh chưng. Bao giờ cũng vậy, khi cái bánh đầu tiên được cắt ra trong bữa cơm đầu năm, con bò nhà tôi cũng nhận được một phần như mọi người. Đây là cử chỉ biểu lộ lòng biết ơn của chúng tôi đối với nó đã khó nhọc cày bừa trong năm qua.
Về sau, rừng không còn, nên chẳng ai đi lấy củi về nấu bánh; những vườn chuối bị chặt bỏ để nhường đất cho trang trại, ao cá, khu công nghiệp… Bánh chưng rày được bày bán quanh năm, chẳng cứ gì phải đến tết mới có nên không còn cảm giác thèm. Thời gian thì trở nên quý giá, người người hối hả chạy đua với nó để làm giàu, để thích nghi với cuộc sống mới, nên mấy ai còn cái thú tự gói bánh chưng ngày tết nữa!
Nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm bổ dưỡng tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm vào dịp tết, hấp dẫn khẩu vị người ăn nên miếng bánh chưng xanh không còn là sản vật quý giá trong những ngày xuân như trước đây. Với nhiều gia đình, bánh chưng chỉ là loại thực phẩm thứ yếu trong ba ngày tết mà thôi! Có cũng được, mà không có cũng không sao, vì đã có thứ khác thế vào.
Cuộc sống là thế nên phải chấp nhận như thế! Song tết đến, nghe bài hát: “…trông bánh chưng chờ trời sáng đỏ hây hây những đôi má đào…” tôi lại nhớ về nồi bánh chưng ngày thơ ấu, thấy hình ảnh của chính mình trong đó, nhớ lắm!