Sáng mồng một Tết, quần áo nai nịt chỉnh tề, bày biện mâm cỗ, tôi cúng tổ tiên…
Ăn sáng xong, tôi ngồi chờ tiếp vị khách đầu tiên. Đầu năm mới tinh khôi, phải trịnh trọng gọi là "vị khách" cho dù đó là thằng cu Cườm nhà hàng xóm chạy ào sang chơi, để được tôi xoa đầu và lì xì tiền. Nói cho vui vậy, chứ thật tình trong tầng sâu tâm hồn tôi, tôi mong thằng cu Cườm chạy sang để "xông đất" nhà tôi. Trẻ nhỏ luôn trong sáng từ trong chí ngoài. Đầu năm trẻ nhỏ vào nhà không gì tốt bằng. Chúng mang đến lòng tin vào sự chân thật và trong sáng của con người, những thứ mà người lớn đã làm mất.
Tôi vẫn ngồi chờ… Miệng uống cốc trà ngon, đầu óc thảnh thơi, bên cạnh gốc lão mai nở hoa vàng rực không gian phòng khách. Năm nào cũng gốc lão mai ấy, đến Tết lại nở hoa vàng rực. Một khung cảnh Tết đơn sơ của gia đình tôi ngày Tết.
Ngắm hoa mai, thả tâm trí chập chờn trên những đóa hoa vàng rực… Những lúc như thế, tôi thật yên bình và tĩnh tại. Nhìn ngoài sân, lại cũng hoa mai. Hai gốc lão mai trồng vào đất, ngay bờ sân cũng vàng rực một khoảng không gian bên lối đi vào cửa.
Từ thời ông nội, đến thời ba tôi đều thích hoa mai. Bây giờ, thời tôi cũng thế. Có lẽ sở thích cũng di truyền. Mà thật ra, nói chung, người ở quê tôi đa số đều thích hoa mai cả. Lại cũng có thể đó là sở thích di truyền vùng miền cũng nên. Hoa mai quả thật sáng ngời sang trọng.
Không biết ai sao, riêng tôi khi nhắc đến hoa mai, hai câu thơ của Chu thần Cao Bá Quát cứ chạy ùa vào tâm trí, không ngăn cản được. Sức khỏe của hai câu thơ ấy luôn mạnh mẽ như nhà vô địch:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Đi khắp mười năm tìm kiếm báu
Một đời chỉ lạy có hoa mai)
Tôi lẩn thẩn nghĩ rằng hai câu thơ ấy đã hóa thành hoa mai rồi, không còn là thân phận của thơ ca nữa. Chúng đã là hoa mai từ lâu, một loại hoa mai vĩnh viễn không tàn.
Chẳng thấy khách khứa tới. Thằng cu Cườm cũng không chạy sang. Tại sao nó không chạy đến nhỉ? Năm ngoái nó chạy vào líu lo rất sớm kia mà? Tất cả đều vắng lặng. Vậy hãy ngắm hoa mai tiếp, biết làm gì bây giờ. Ngắm hoa mai một chặp, thấy có thơ Tô Đông Pha phảng phất bay vào:
Phân phân sơ nghi nguyệt quảng thụ
Liên liên độc dữ tham hoàng hôn
(Mai lả tả cánh vàng vương cây lá
Hoa với người là một giữa hoàng hôn)
Chập chờn trên gốc lão mai nơi phòng khách là cảnh hoa mai rơi lả tả của Tô Đông Pha. Lập tức, hoa mai nay vẫy gọi hoa mai xưa, rồi hoa mai vẫy gọi con người mờ mờ nhân ảnh. Thời gian và không gian không còn nữa. Một ảo giác tỏa rộng như tấm lưới chài mênh mông của một ngư phủ vô danh vừa quăng vào không trung…
Lập tức, thiền sư Hư Đường Trí Ngu chống gậy trúc lãng đãng tiến vào luẩn quẩn nơi khóm mai. Ngài sáng ngời khắc khổ và tĩnh tâm. Thơ của ngài bay ra, lan tỏa:
Thường ức Tây Hồ xử sĩ gia
Sở chi linh nhụy tự hoành tà
Tinh minh nhất phiến đương thời sự
Chỉ khiếm thanh hương bất khiếm hoa
(Thường nhớ Tây Hồ nhà ẩn dật
Chuộng vẽ mai vàng với cành trơ
Một đóa linh khôi vừa mới hé
Chỉ thiếu hương thơm chẳng thiếu hoa)
Cũng chẳng có thấy khách nào tới cả. Vắng hoe, chỉ có thơ lại tới, chỉ có người xưa lại về. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông như một tấm phướn cũng bay vào, bay vào:
Vườn xuân dòm dõ đã chầy ngày
Dễ có Lâm Bô biết được hay
Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết
Chồi xanh êu ếu lạt hơi may
Tỏ tường phòng khách khi đầm ấm
Lau chuốt lòng xuân đoạc đắng cay
Kham hạ điều canh còn để đợi
Kẻo còn đào mận những lay thay
Bài thơ của vua Lê Thánh Tông quả là đẹp đẽ đến rối ren. Một vẻ đẹp cẩn thận và cổ kính. Đó là một quang cảnh chất chứa thời gian, có bóng dáng Lâm Bô. Ngài Lâm Bô người đời Tống, không vợ con, tính điềm đạm, hằng ngày thích ngắm hoa mai và chim hạc. Người đời bảo rằng, mai là vợ, hạc là con của Lâm Bô. Bảo sao mà chẳng được, ngài đâu quan tâm.
Còn nhớ, có lần con tôi đọc bài này, nó chả hiểu gì cả. Ừ, cũng phải, chữ hồi xưa mà, nhiều chữ nhà vua dùng đã lùi vào hoàng hôn của văn tự hôm nay. Tôi mới nói cho nó nghe. Đây này: "hay" là rõ, "êu ểu" là mơn mởn, "kham hạ” là hèn nào, "điều canh" là pha chế canh, "lay thay" là lôi thôi, còn "đào mận" là nhân tài đấy. Nghe xong, nó đọc lại bài thơ, liền nói: "Giờ hiểu rồi, bài thơ lại hay quá… Nhưng nếu thay những chữ ba đã giải nghĩa vào, bài thơ lại hết hay". Ồ, cái thằng này hay nhỉ!
Lại cũng hoang vu, chẳng thấy khách nào đến cả. Lại hớp trà, lại ngắm hoa mai. Đột ngột, dường như có tiếng nói văng vẳng bí ẩn trong không gian vang vọng: "Con quên ông rồi à? Ông mà con quên sao?". Ối chao! Ngài Mãn Giác Thiền Sư…Một tay chống thiền trượng, một tay cầm bài "Cáo tật thị chúng". Ngài khoan thai tiến vào, áo La Hán nâu sồng bạc phếch gió mưa:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai)
"Ồ, con xin lỗi, con lỡ quên bẵng thầy, nên con phải nhớ sau cùng. Xin thầy Mãn Giác đừng buồn". Nghe thế, thầy cười: "Quên trước, nhớ sau thì cũng như quên sau, nhớ trước. Nhưng thầy đến con mới nhớ, đó là tốt nhất".
Thầy lại hỏi: "Nay, hoa mai có nở rầm rộ không?". Tôi thưa: "Dạ, có”. Thầy vui hẳn: "Đọc một bài về hoa mai hiện nay cho thầy thưởng thức nào?". Tôi thưa: "Dạ, không có”. Thầy ngạc nhiên: "Thế sao bảo có hoa mai rầm rộ?".
Tôi thưa: "Người ta trồng mai rất nhiều nhưng lo bán lấy tiền, không có thời gian làm thơ. Dân có tiền mua hết mai, không còn hoa mai để vào thơ. Còn con có hoa mai nhưng không biết làm thơ”.
Ngài Mãn Giác nín thinh và biến mất… Tôi ân hận mình đã ngu khờ vì quá thật thà.
Ảo giác đã qua, tôi trở về thực tại nơi phòng khách vắng lặng. Tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ vị khách đầu năm. Lòng băn khoăn lại nhảy múa trên khóm mai vàng: "Ai sẽ "xông đất" đầu năm đây? Hả, hoa mai yêu quí?".
Thật bất ngờ, lập tức có tiếng nói không lời của hoa mai vang vọng trong không gian: "Người đời xưa đã ra vào tấp nập ngôi nhà này rồi, còn chờ "xông đất" cái gì nữa, hả ông kia? Còn cứ nằng nặc đòi "xông đất", chốc nữa ta bảo thằng cu Cườm nó đến".