Ba mươi tết với tôi, dù là một đứa trẻ con hay một cô bé mười tám, vẫn cứ bận rộn như ngày nào và những bận bịu ấy cũng hệ trọng dần theo năm tháng. Hồi còn bé, ngày cuối năm tôi lo tắm rửa cho thật sạch sẽ, thơm tho bằng nồi nước thơm lừng nấu từ đủ thứ lá của bà, cố gắng ngoan ngoãn và không làm vướng chân mẹ, người luôn có đủ thứ việc bận rộn mà ngày này lại càng như bận hơn.
Và quan trọng nhất với chị em tôi ngày ấy là sáp lại bên chiếc nong tròn đựng gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và những tàu lá dong xanh mướt. Mỗi đứa sẽ là tay phải, tay trái mỗi khi bố cần thứ này thứ kia, và mong chờ đến giây phút bố làm riêng cho hai đứa những cái bánh chưng nhỏ xinh.
Lớn lên thành thiếu nữ, theo cách nói của mẹ, tôi được nhận sứ mệnh cao cả và đầy hấp dẫn là hộ tống mẹ đi chợ tết. Những phiên chợ cuối năm tấp nập người mua kẻ bán những thứ hàng như là có hương vị của tết dưới con mắt trẻ thơ ngày nào vẫn luôn ám ảnh tôi. Ở nhà, tôi cũng có dịp trổ tài cắm những lọ hoa kiểu cách, treo những tấm thiệp, phong bao đỏ trên cành mai vàng hay bày biện bàn tiếp khách, đĩa bánh kẹo… Thế mà thấy vui hơn cả được nhận lì xì.
Và điều mong đợi nhất là giây phút đại gia đình cùng quây quần bên mâm cơm cuối năm. Ông nội tươm tất trong bộ lễ phục chỉ dành cho những ngày hệ trọng, kính cẩn thắp những nén hương thơm cắm lên bàn thờ gia tiên và khấn những lời văn cổ kính mà tôi chưa bao giờ hiểu hết. Những ồn ã của một năm lắng lại, những lo toan của một năm gác lại, những công việc của một năm cất đi… mọi người chan hòa trong những lời chúc tụng và những mong ước tốt đẹp nhất.
Trong khoảnh khắc ấy dường như 364 ngày đã qua không còn quan trọng nữa, mọi người đã dành ngày 365 này để trả hết nợ với thời gian và đón nhận một năm mới nhiều hứa hẹn. Và giây phút kim đồng hồ lệch sang giới hạn của 0 giờ, tôi đã có một lời hứa với mùa xuân.