Có thể những chuyến trở về như thế gặp phải không ít vất vả, gian nan nhưng được đặt chân lên quê cũ, gặp lại người thân là một niềm vui khó nói thành lời. Khó nói, vì đó là sự tuân theo tiếng gọi âm u vẫn hằng thao thức ở trong muôn loài.
Loài chim hải yến, bị đem khỏi tổ cả ngàn cây số, vẫn dễ dàng tìm về lại quê xưa. Những con xí nga, sống trên băng tuyết mênh mông, phủ trắng một màu, dù bị mang đi ngàn dặm vẫn quay được về chốn cũ. Đến lòai chàng hiu, ở xứ Brazil, sống trên ngọn thông vẫn lấy nhựa của cây này đắp thành hốc nhỏvà đợi mưa xuống chứa đầy được nước mới đẻ trứng vào. Cái thói quen ấy, từ đời thuở nào ở chốn bể khơi vẫn cứ tiếp tục tồn tại như một tập quán và nỗi ám ảnh ở trong sinh hoạt.
Chúng ta được biết sự sống bắt nguồn từ biển và tế bào sống đầu tiên từ chốn biển khơi lên tới đất liền đã tùy theo các điều kiện thích nghi mà biến hóa muôn loài. Không chỉ trong các sinh vật mà trong thảo mộc vẫn còn những loài vẫn nhớ về nguồn. Người ta nói đến cây ngân hạnh tức là Ginkgo Biloba – được chế ra thuốc bồi bổ trí nhớ như Tanakan, Opcan phổ biến ở trên thị trường, là một loài cây đã có trí nhớ tuyệt vời, vì dầu rời xa quê cũ đại dương mấy trăm triệu năm vẫn còn hoài niệm quê xưa trong sự truyền giống. Khác với nhiều thứ cây tùng, bách mà nó cùng loài, ngân hạnh có cây đực, cái riêng biệt và chỉ khi nào cây cái tiết ra chất nước thì phấn cây đực rơi vào mới được thụ tinh.
Có lẽ, cây chuyện về nguồn của lòai cá voi là bài học lớn đối với con người. Các nhà khoa học cho biết cá voi tiền thân ở chốn bể khơi, đã lên đất liền từ thời nguyên đại đệ nhất, và trải qua cuộc tiến hóa đã có điều kiện biến thành động vật có vú như nhiều giống loại hiện nay còn sống trên mặt đất liền. Thế rồi, một lúc nào đó vẳng nghe tiếng gọi âm thầm từ chốn quê xưa, loài động vật này đã quay lại về bể khơi và không còn tìm được lối trở lại đất liền. Với thể tích kềnh càng của loài thú lớn, lại với buồng phổi, bộ vú của mình cá voi không sao thích ứng được với sóng nước trùng dương nên khi gặp phải sóng to, gió lớn tấp vào đất liền, tự mình đè lên buồng phổi của mình mà chịu cái chết thương tâm. Cá voi, đó là hai chàng thư sinh Lưu, Nguyễn ngày nào lạc vào chốn Thiên Thai đã không ngăn được nỗi nhớ trần gian, để khi tìm về chốn cũ thì bao thế hệ trôi qua, chỉ còn đối diện với sự cô đơn và lúc quay lại non tiên lại không tìm thấy đường vào:
Cửa động
Sườn non
Đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
(Tản Đà)
Con người cũng là sinh vật nên không thoát khỏi cái thứ định luật chi phối muôn loài. Tuy nhiên, người là sinh vật có ý thức, và ý thức được hình thành từ tổ chức xã hội, cơ sở để con người có thể vươn cao không ngừng. Vì thế, sự kiện về nguồn ở nơi con người cũng phong phú hơn và mang tính cách cao hơn muôn loài. Nếu nhiều loài sinh vật quay quắt về nguồn như một thôi thúc từ trong sâu thẳm bản năng, thì người về nguồn là biết đi quanh về nẻo tương lai, bởi với con người không chỉ có mỗi nhu cầu tìm về quá khứ như nhiều loài vật, mà quay về ấy là tìm những chất liệu bồi dưỡng cho những chặng đường dài đi tới. Nói một cách khác, loài vật về nguồn như một tái tạo, loài người về nguồn là một sự sáng tạo. Và chỉ có sự sáng tạo, để hướng về nẻo đường tương lai, mới mang đậm được tính người.
Những năm gần đây, chúng ta có nhiều nỗ lực về nguồn với các tổ chức, phong trào đầy tính sáng tạo. Nhiều truyền thống tốt đẹp được phát huy, nhiều giá trị cổ được khôi phục, nhưng trong sinh hoạt hiện tượng cá voi về nguồn vẫn còn rõ nét. Đó là những trò mê tín dị đoan, những sự lãng phí ở trong cưới hỏi, ma chay, và nhiều thứ nữa nhân danh cổ tục, trong khi đất nước đang còn nỗ lực xóa đói, giảm nghèo.