Nhà ở trên cao, một gợn gió nhẹ cũng có thể gây nên một tiếng động đủ để giật mình. Nhất là vào cứ cuối đông đầu xuân, gió mùa Đông Bắc liên tục viếng thăm, tiếng gõ ấy thường gấp gáp như tiếng những bàn chân lữ thứ vừa từ phương nào ghé tới. Chưa kịp bực mình vì người khách không mời, đã nghe vang trên đầu khóm cây ngoài ban công tiếng hót hồn nhiên tự tại của chú chim chuyền đầu tiên vừa thức giấc.
Biết không sao ngủ tiếp, liền ngồi dậy, khẽ mở khung cửa nhỏ nhìn ra, và lần này thì không còn là tiếng gõ cửa dịu dàng của gió, mà là một chùm hoa gioi, hoa mận bên nhà hàng xóm mới qua một đêm mà đã kịp nở tung trắng xóa đến sững sờ. Cái tiếng gõ cửa lặng im này của mùa xuân mới quyết liệt làm sao, nó như bức thông điệp của Trời Đất gửi đến cho con người, báo tin về một cái gì đó đã vĩnh viễn ra đi và một cái gì đó lại đang đợi chờ phía trước.
Với người này, tiếng gõ cửa ấy là một tiếng mời gọi, rủ rê. Với người khác, tiếng gõ ấy có thể là một câu nhắc nhở nhẹ nhàng. Và với người khác nữa, tiếng gõ ấy chắc chắn là một lời giục giã gấp gáp. Còn với tôi, cầm trên tay tờ lịch cuối cùng của năm cũ, ý nghĩ đầu tiên ập đến trong buổi sáng hôm nay là vì sao thời gian lại có thể trôi nhanh đến thế. Mới đó, cũng ngày này năm ngoái, trận rét đậm dai dẳng hơn một tháng ròng đã quét sạch những chiếc lá vàng cuối cùng của mùa đông, vun chúng thành từng đống để cho các bà các chị quán cóc hàng rong có dịp nhen lên những đống lửa giữa hè phố Hà Nội, một cảnh quan hiếm thấy và không thể nói là không thú vị. Có một chiều như thế, tôi lang thang một mình trên phố.
Mưa phùn đầu xuân như những ngón tay tinh nghịch cứ lùa vào trong cổ. Gió từ mạn bên kia sông Cái vẫn hun hút lùa về. Đi giữa phố phường mà chợt nhớ da diết cái không khí đồng không mông quạnh trong bài thơ tứ tuyệt lừng danh của thi nhân Đỗ Mục đời Đường:
Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu là
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.
Một nỗi buồn ấm áp của cõi người. Không có rượu thì ghé vào đống lửa bập bùng của bà cụ bán nước vắng khách, làm tạm chén trà Thái cũng được chứ sao. Trên đời này dễ có cái thú nào sánh kịp khi giữa cơn rét buốt tái tê được nâng niu trong tay một chén trà nóng, nghe hơi ấm từ những ngón tay tỏa dần khắp cả châu thân, để vị trà đậm đà, ngon ngọt và chan chát ngấm tê tê nơi đầu lưỡi. Giây phút ấy chẳng còn biết là mình đang sống ở đời nào thuở nào, ba mươi sáu phố phường Hà Nội như trở về thời Lý thời Trần, và bà cụ đang luôn tay chuyên nước kia bỗng như hiện lên từ tích chèo Tấm Cám ngày xưa. Ôi, lâu lắm rồi, giữa cái Hà Thành cao ốc đèn điện bếp núc sạch bóng, ơn Trời cho trận rét hy hữu (!) mới lại được ngồi bên bếp lửa than hồng quê kiểng của tuổi thơ, hong những ngón tay giá lạnh trên đám tàn lửa đang tí tách nở hoa cà hoa cải mà mơ về nơi xa lắm. Một năm đến lắm là ngày, Nguyễn Bính từng nói thế, ấy vậy mà rồi ra một năm cũng ngắn chẳng tày gang.