Trang chủ Tết Việt Phong tục Đầu năm xông đất

Đầu năm xông đất

43

Nếu chữ Tết bắt nguồn từ chữ “tiết” tức thời tiết của đất trời thì tuy trong năm có nhiều "lễ tiết" nhưng cái Tết quan trọng nhất được xem như quốc lễ của chúng ta chính là Tết Nguyên đán.

Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, lúc mọi thứ đều được bắt đầu, mới mẻ tinh khôi. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa lúc 12 giờ đêm cuối năm (âm lịch), bước vào những giờ phút đầu tiên của năm mới người Việt Nam từ xưa rất coi trọng tục “xông đất đầu năm”.

Người “xông đất”, gọi theo miền Bắc hay “đạp đất” theo miền Trung tức người khách đầu tiên bước vào cửa nhà ta sau giờ khắc giao thừa. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới. Người ta có thể nhìn người khách đầu năm này mà đoán công việc làm ăn, sự rủi may trong cuộc sống của gia đình. Thế nên các cụ ngày xưa rất vui mừng khi được những người có tên hay, đẹp như Cát, Lộc, Kim, Ngân, Phúc, Thọ, An Khang… xông đất nhà mình trong ngày đầu năm mới. Tốt hơn nữa là những người có số phận hanh thông, thành đạt, viên mãn trong cuộc sống.

Có thể nói qua tục “xông đất” đầu năm này ta có thể thấy được khát vọng về sự thịnh vượng, an khang của người xưa khi bước sang năm mới. Từ mơ ước đó nên có nhiều gia đình cứ đóng chặt cửa buổi sáng mồng một Tết, đợi đến khi có người được xem là có thể đem may mắn đến mới chịu mở cửa nhà. Thậm chí có nhà còn nhờ những bạn bè có tên tốt hay có danh phận, sự nghiệp "ngon lành", gia đình hạnh phúc đến “xông đất” sớm cho nhà mình. Sướng nhất mấy ngày này là các vị tên Tài, Phúc, Lộc… đi đến đâu cũng được chào mời rôm rả, ai cũng muốn kéo vào nhà mình để “lấy hên”! Và, dĩ nhiên cũng không ít trường hợp bi hài ngày đầu năm bởi những vị khách không mời mà đến khiến cả nhà cứ nơm nớp sợ “xui” cả năm.

Theo cùng thời gian, những phong tục tập quán xưa có nhiều thứ mất đi hoặc mờ dần cùng những thay đổi phát triển của cuộc sống hôm nay. Tục “xông đất” cũng vậy. Dĩ nhiên chúng ta vẫn còn nói về nó, vẫn đi xông đất nhà bà con, bạn bè. Nhưng đa phần như một niềm vui nho nhỏ ngày Tết chứ không nặng chuyện may rủi, hậu vận như trước đây. Vì vậy cả người xông đất và nhà được xông đất đều thoải mái, nhẹ nhàng. Dẫu sao thì những người có tên Hỉ Lạc, Cát Tường hay Phúc, Lộc, Thọ gì đó chắc sẽ được hoan nghênh hơn phải không?

Ngày Tết Nguyên đán, nghĩ về tục xông đất  đầu năm để càng cảm thông cho khát vọng muôn đời của nhân dân ta khi trời đất vào xuân: Khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc!