Trang chủ Thời đại Xã hội Nữ giới Phật giáo và sự lãnh đạo (*)

Nữ giới Phật giáo và sự lãnh đạo (*)

93

Ðiều này ngụ ý, nữ giới có thể phát triển và thanh tịnh tâm mình như nam giới, và đạt hạnh phúc Niết-bàn như nam giới.

Các bài kệ chứng đạo của các Trưởng lão Ni thời đức Phật đã chứng minh rõ ràng như thế. Lời dạy của Ðức Phật đã có tác động lớn quét sạch những niềm tin dị đoan và những nghi thức, nghi lễ vô nghĩa gồm cả sự hiến tế súc vật khỏi tâm của nhiều con người. Khi đức Phật khám phá ra bản chất thực sự của đời sống và cái chết, giải thích về hiện tượng tự nhiên vận hành vũ trụ cho những người này, họ bắt đầu hiểu. Kết quả là chấm dứt và sửa chữa những bất công, thành kiến đang lan tràn trong xã hội. Như vậy, khiến người phụ nữ sống cuộc đời theo đường lối riêng của mình. Sự thiết lập đoàn Tỳ-kheo Ni vào năm hoằng pháp thứ năm của Ðức Phật, dọn đường hoàn toàn tự do Tôn giáo cho phụ nữ. Sự thành công với nhiều Sư Ni xuất sắc rất lẫy lừng trong việc nghiên cứu và tu tập giáo pháp. Ðứng về mặt thế giới, Phật giáo vươn cao, bài thánh ca của các Trưởng lão Ni (Therigatha) gồm có 77 bài thơ, tác giả là các Ni giới đó cũng là niềm tự hào của nền văn hóa Phật giáo. Xin lượt trích đôi điều trong tập 2 Trưởng lão Ni kệ, hai đoạn ðầu.

Trưởng lão Ni Città, Therigatha trang 126, nghe bậc Ðạo sư thuyết pháp trở thành tín nữ, được Mahàpajàpatì cho xuất gia, khi đến tuổi cao với thiền quán được phát triển, nàng chứng quả A-la-hán và nói lên bài kệ:

Dầu ta có mệt mỏi,

Bệnh hoạn có yếu đuối,

Dựa trên gậy ta đi,

Ta leo lên đỉnh núi,

Với Ðại y vắt ngang,

Với bình bát lộn ngược,

Ta dựa mình tảng đá,

Phá tan khối si ám.

Trưởng lão Ni SoMà, Therigatha trang 129, ở tại Savatthi ác ma đến và muốn phá sự an tịnh của nàng, nàng chống cự lại với ác ma:

Nữ tánh chướng ngại gì ?

Khi tâm khéo thiền định,

Khi trí tuệ triển khai,

Chuyển pháp môn vi diệu,

Ở tất cả mọi nơi ,

Hỷ lạc được toàn tâm,

Khối tăm tối mù mịt,

Ðã bị làm tan nát,

Hỡi này kẻ ma kia,

Người đã biết như vậy,

Người chính là ác ma,

Người đã bị bại trận.

Trưởng lão Ni Vàsitthi, Therigatha trang 136, thời Ðức Phật hiện tại, sanh trong gia đình quyền quý, được gả với một người chồng tương xứng, tại đây nàng cảm nhận cảnh khổ, khi đến Mitthila thấy bậc Ðạo sư thuyết pháp và Nàng xin được xuất gia, với trí tuệ chín mùi, nàng chứng quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nàng sung sướng nói lên niềm hoan hỷ:

Lang thang đường đống rác

Nghĩa địa đường xe đi,

Ba năm ta đã sống,

Kham khổ chịu đói khát,

Nghe Ngài thuyết pháp xong,

Ta xuất gia không nhà,

Ta lãnh lời Ðạo Sư,

Ta chứng đạo an ổn,

Mọi sầu muộn chặt đứt,

Ta liểu tri nguồn gốc,

Từ đấy sầu muộn sanh.

Tỳ-kheo Ni đoàn sản sinh một số các nhà dẫn giải giáo pháp và thuyết pháp lẫy lừng như Sukha, Patacara, Khema, Dhammadinna và Mahàpajàpatì. Theo Phật giáo, con trai không phải là cần thiết để được lên thiên đàng, con gái cũng tốt như con trai, nếu thực hành tốt đẹp đời sống của mình. Cho phụ nữ được tích cực chia sẻ hoạt động vào đời sống tôn giáo, Ðức Phật đã giúp đỡ nâng cao địa vị phụ nữ với công tác lãnh đạo giáo đoàn, vai trò của người nữ Phật giáo cũng không kém phần quan trọng.

Vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, từ xã hội cho đến tôn giáo, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát huy. Chỉ thị 37/CT-TW ngày 16/5/1194 khẳng định: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội là một yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ cho phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ”. Vai trò của nữ giới trong công tác lãnh đạo về mặt tôn giáo đã được khẳng định rõ ràng, từ những khi đất nước Việt Nam còn bị chiến tranh, các nữ tu sĩ Phật giáo đã có những đóng góp đáng kể. Vào thế kỷ I. Ở miền Bắc Việt Nam rất nhiều nữ tướng của triều đại Hai Bà Trưng (40-43) như công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung…, sau khi tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà “Họ đã xem công danh như đôi dép bỏ”, và trở về chùa tiếp tục nếp sống tu hành cao quý. Vào thời Lý Thánh Tông, Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) được đánh giá như là một tấm gương mẫu mực nhất của hàng Ni chúng thời bấy giờ. Thế danh của Ni sư là Ngọc Kiều, xuất thân từ hoàng gia, xuất gia học đạo với thiền sư Chân Không và thuộc thế hệ thứ 17 của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Sau khi đắc pháp, Ni sư đã được thiền sư Chân Không bổ nhiệm giữ chức viện chủ Ni viện Hương Hải. Tại đây trước khi viên tịch, Ni sư gọi các đệ tử đến và đọc bài kệ thị tịch. Qua tư tưởng bài kệ này đã chứng tỏ Ni sư Diệu Nhân là một bậc tu hành chứng đạo.

Ở miền Nam đến đầu thế kỷ XX, nhiều Ni sư đã có nhiều công lao đóng góp cho sự hưng khởi phong trào tu tập của Ni giới như Ni sý Diệu Ngọc (1885-1952), Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942). Các bậc trưởng lão của Ni giới Việt Nam do tu hành cẩn trọng, trì giới nghiêm mật, nên xứng đáng là những người con gái gương mẫu của Ðức Phật. Ðiển hình như Ni trưởng Như Thanh (1911-1999). Sau một đời hành Bồ tát đạo xây dựng Ni giới Việt Nam, trong những giây phút cuối đời, Ni trưởng Như Thanh đã khẳng định: “Tôi sẽ trở lại cõi Ta-bà để tiếp tục công việc còn lại bởi vì tôi thương Ni giới nhiều lắm…. Họ cần có người dạy bảo trong đời sống tu tập của họ”. Ni trưởng Giác Nhẫn (1919-2003), sau khi viên tịch cũng lưu lại xá lợi như một bằng chứng sống động của một đời phạm hạnh thanh cao và công đức viên mãn. Trong hệ phái Khất sĩ những vị Ni giới nổi danh trong công tác độ sanh, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như Ni trưởng Huỳnh Liên. Xin được trích dẫn bài: Quyền Sống Và Hòa Bình (viết cho những người mẹ Việt Nam, nhân ngày thành lập phong trào Phụ nữ Việt Nam đòi quyền sống).

Ðòi hòa bình mà chết,

Liên Tập với Chi Mai,

Ðòi hòa bình quyền sống,

Phụ nữ chị em nay,

Hỡi ! chị em tất cả,

Hăm năm chiến tranh,

Hăm năm đày đoạ,

Hăm năm điêu linh,

Còn gì cho hôm nay ?

Còn gì cho ngày mai ?

Con chúng ta chết mất,

Con chúng ta tù đày !

Chúng ta phải đồng thanh,

Ðòi chấm dứt chiến tranh,

Trả dân Việt quyền sống,

Trả nước Việt hòa bình!

Trong sự sống còn của những người con dân tộc, Ni trưởng hô hào để đòi lại quyền dân chủ.

MÁU AI THẤM THỊT NẤY

Phụ nữ dựng cuộc đời,

Sanh sản rồi dưỡng nuôi,

Thiêng liêng tình mẫu tử,

Lai láng như nước trời,

Ai gây nghiệp chiến tranh?

Ai bắt giết dân lành?

Thịt xương con rời rã,

Gan ruột Mẹ tan tành,

Chiến tranh, chiến tranh ơi!

Mau hoàn lại cuộc đời,

Mau trả đây quyền sống,

Con tôi, con chúng tôi!!!

Như thế đủ thấy, vai trò lãnh đạo của phụ nữ đóng góp một phần đáng kể vào sự thành công của nước nhà, vào sự ổn định của đất nước. Ðóng góp trong thời bình chưa đủ, trong giai đoạn hiện nay khi mà đất nước đang đà phát triển thì vai trò của người phụ nữ Phật giáo ngày càng được khẳng định, đã có nhiều và nhiều những vị Ni trẻ làm tốt công tác lãnh đạo, họ chính là những người khai nguồn cho Phật giáo càng phát triển.

* Ðiểm nhận định:

Thông qua sự thảo luận về vai trò của người phụ nữ lãnh đạo, chúng ta có thể rút ra một bài học kinh nghiệm quý báu sau đây:

Người nữ cần phát huy vai trò của mình, khẳng định mình trong công tác lãnh đạo, dám đương đầu với những khó khăn, đồng thời cần phải có những sáng kiến cụ thể, sáng tạo và thiết thực trong công tác của mình, và thể hiện nét đẹp của người phụ nữ mềm mại nhưng không yếu đuối. Chính những nổ lực này sẽ làm cho vai trò của người nữ trong các hoạt động tôn giáo, đặc biệt là hoạt động lãnh đạo ngày càng đi đúng hướng, và tạo tiền đề cho các hoạt động tôn giáo sau này, góp một phần không nhỏ vào việc đưa giáo pháp Ðức Thế Tôn ngày càng được phổ biến, để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho muôn loài./.

(*) Tham luận Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam