Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 25, 26 &27 tháng giêng)

Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 25, 26 &27 tháng giêng)

74

Tháng giêng 

Ngày 25 tháng giêng

 

25. AI 150

 

Người có lòng tin

 

Tăng Bộ Chi Kinh, Chương Ba Pháp, Phẩm Nhỏ, Cây 42 – Sự Kiện

 

Do ba sự kiện, này các tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin. Thế nào là ba?

 

Ưa thấy người có giới hạnh, ưa nghe diệu pháp, với tâm ly cấu uế của xan tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí.

 

Ngày 26 tháng giêng

 

26. D II 222

 

Tám Pháp như thật của Thế Tôn

 

Trường Bô Kinh 19, Kinh Đại Điền Tôn, Câu 5-12  

 

5. “ Này chư thiện hữu ở tam thập tam thiên các vị nghĩ thế nào? Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài trời và loài người. Một vị Đại sư dấn thân  vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài trời và loài người như vậy, một vị Đại sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.”

 

6. “Chánh Pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, một Chánh Pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ người có trí tự mình giác hiểu. Một vị giảng sư thuyết pháp hướng thượng như vậy, một vị Đạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.

 

7. “Đây là thiện”, “đây là bất thiện” đã được Thế Tôn khéo giải thích. “Đây là tội”, “đây không tội”, “đây cần phải tuân theo”, “đây cần phải tránh né”, “đây là hạ liệt”,”đây là cao thượng”, “đây là đen trắng đồng đẳng” được Thế Tôn khéo léo giải thích. Một vị khéo giải thích các pháp thiện, bất thiện, có tội, không có tội, cần phải thuận theo, cần phải né tránh, hạ liệt, cao thượng, đen trắng đồng đẳng, một vị Đạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn. 

 

8. “Con đường đưa đến Niết Bàn cho các đệ tử, Niết Bàn và con đường phối hợp thành một, đã được Thế Tôn khéo léo giải thích như nước sông Hằng phối hợp và cùng chảy với nước sông Yamuna (Diệm –Mâu- Na). Cũng vậy, con đường đưa đến Niết bàn cho các đệ tử, Niết Bàn và con đường phối hợp thành một, đã được Thế Tôn khéo giải thích. Một vị khéo giải thích con đường hướng đến Niết Bàn như vậy, một vị Đạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn. 

 

9. “Thế Tôn cũng đã đào tạo được chúng thiện hữu Hữu học đang đi trên nẻo đạo và các vị Lậu tận đã hoàn tất thánh đạo. Ngài không di tản chúng nhưng sống cùng chung một niềm hoà hợp lạc trú, một vị Đạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn. 

 

10. “ Lợi dưỡng cúng dường cho Thế Tôn đã được an bài chắc chắn, danh tiếng cũng đã được an bài chắc chắn, và con nghĩ rằng các vị Sát- đế- lỵ  (Khattiya) sống với gương mặt rất quý mến Ngài. Nhưng Thế Tôn sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn. Một vị sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn như vậy, một vị Đạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.

 

11. “Thế Tôn nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tuỳ pháp như vậy. Một vị Đạo sư  đã đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn. 

 

12. “Thê Tôn đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư đã được thoả mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh. Một vị đã vượt khỏi khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư đã được thoả mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh, một bậc Đạo sư  đã đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn. 

 

Ngày 27 tháng giêng 

 

26. S V 396  

 

Phước đức của vị Thánh đệ tử có lòng tin bất tịnh tín bất động đối với Tam Bảo

 

Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V, Thiên Đại Phẩm, Chương Tương Ưng Dự Lưu (b), Phẩm Phước Đức Sung Mãn, câu 38. VIII. Mưa (S.v. 396)

 

2) Ví như, này các tỷ kheo, khi trên đầu núi có cơn mưa to lớn, nước mưa ấy chảy theo hướng xuôi của nó, tràn đầy các hang núi, khe núi; sau khi tràn đầy các hang núi, khe núi, nó tràn đầy hồ nhỏ, nó tràn đầy hồ lớn; sau khi nó tràn đầy hồ lớn, nó tràn đầy sông nhỏ; sau khi tràn đầy sông nhỏ, nó tràn đầy sông lớn; sau khi tràn đầy sông lớn, nó tràn đầy biển, đại dương.

 

3) Cũng vậy này các tỳ kheo, đối với vị Thánh đệ tử, lòng tịnh tín bất động đối với Đức Phật, lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, và các giới được các bậc Thành ái kính, những pháp này trôi chảy đến bờ bên kia, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc.  

 

Nguyên tác: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika