Trang chủ Người thời nay Ajahn Sumedho nói về lòng biết ơn

Ajahn Sumedho nói về lòng biết ơn

82

Lòng biết ơn dường như là một phẩm hạnh chẳng mấy khi được coi trọng. Lòng nhớ ơn quan trọng như thế nào trong việc thực hành giáo pháp của chúng ta? 

Trong quá trình chúng tôi được huấn luyện để trở thành những tu sĩ, chúng tôi được dạy quán chiếu về tứ vật dụng. Là những sa môn (samanas ) hay du sĩ khất thực, chúng tôi tự nguyện sống như thế nào để có thể bằng lòng với cuộc sống tri túc thiểu dục. Điều này có nghĩa là chúng tôi từ bỏ quyền làm những gì mà chúng tôi muốn, từ bỏ những mối quan hệ và ước muốn được sống một cuộc sống bình thường. Đặc biệt nhất là khi chúng tôi đang tu tập tại miền đông bắc Thái Lan vào những thập niên 70, sự “tri túc thiểu dục” này thực sự hạ xuống chỉ còn ở mức độ đáp ứng những điều kiện vật chất rất thấp.
 
Cuộc sống tại Luang Poh Mun và Luan Poh Chah rất tuân thủ theo truyền thống. Các điều kiện sinh hoạt không lý tưởng. Người dân rất nghèo. Đôi khi chúng tôi phải đi bộ hàng dặm và cuối cùng chúng tôi chỉ được dân làng cúng dường cho một ít thức ăn đạm bạc. Tuy vậy, sống với Luang Poh Cha theo những giới luật nghiêm ngặt là một cách huấn luyện rất tốt. 
 
Luang Poh Chah luôn luôn chỉ  cho chúng tôi thấy vạn pháp là vô ngã, không thường còn – pháp tánh. Và khi các điều kiện sống thấp hơn mức lý tưởng, chúng tôi được dạy để quan sát và chánh niệm về sự ngã mạn, cũng như quan sát phản ứng của tâm trước những điều kiện sống “thấp hơn mức lý tưởng”.  
 
Là người Hoa Kỳ, chúng tôi vốn thường không suy nghĩ như vậy trong nền văn hoá của chúng tôi, đặc biệt hơn nữa khi tôi là một người miền nam Cali, được nuôi dạy trong môi trường tự do theo truyền thống Cơ đốc giáo. Dĩ nhiên, môi trường nào cũng có xu hướng quy định  sự phát triển của nền văn hoá mà nền văn hoá thì lại làm cơ sở  cho việc xây dựng các quan điểm và những giả định ẩn tàng trong tâm ý của chúng ta. Những quan điểm này vi tế đến mức chúng ta, bằng nhận thức của mình,  khó có thể nhận biết được sự hiện diện của chúng, đặc biệt là với một “đầu óc đang suy nghĩ.”  
 
Là một người phương tây, chúng tôi có xu hướng cảm thấy mình tiến bộ hơn những người khác. Không phải là chúng tôi khinh thường mọi người, đó chỉ là một khuynh hướng tự nhiên khi cảm thấy rằng có lẽ chúng tôi có những phương cách tốt hơn để làm xong công việc.
 
Và mặc dầu vậy, bất chấp các lợi thế này, tôi vẫn cảm thấy rằng tôi đang vận dụng cuộc đời mình nhằm đạt những mục tiêu mà tôi cho là đáng ao ước. Đứng về mặt cá nhân tôi mà nói, tôi thấy mình là người có ý chí mạnh mẽ, và điều này đã giúp cho tôi đạt được nhiều thứ.   Nhưng tôi không thấy rằng đây là một cách đặc biệt hữu ích để sống. Nó dường như không đem lại sự thanh thản và dĩ nhiên cũng không cho cuộc sống của tôi sự tự do.
 
Khi tôi mới đến sống ở Wat (chùa) Pah Pong, một trong những điều đầu tiên mà tôi từ bỏ là những quan điểm được xây dựng trên nền tảng của nền văn hoá mà tôi đã trưởng thành trong đó – những quan điểm dựa trên nền văn hoá của phương tây. Sống trong những quận nghèo như vùng đông bắc Thái Lan buộc tâm của chúng tôi phải trở nên vững chải hơn, bắt nó liên tục phải hướng về một cuộc sống biết đủ.
 
Luang Poh Chah thường luôn nói về việc quan sát tâm trong những tình huống mà điều kiện sống “thấp hơn mức lý tưởng” như vậy.
 
Ngược lại, khi chúng tôi đến những vùng giàu có hơn như Chonburi, nơi những người mộ đạo giàu có hơn thường cúng dường cho chúng tôi những món ăn rất ngon, chúng tôi lại được dạy phải quan sát tâm để thấy bản chất của sự tham ái, quan sát cảm giác tội lỗi phát sinh từ việc thọ dụng những bữa ăn xa xỉ như vậy.
 
Phương thức huấn luyện này thực sự là các bài học tốt cho tâm lý. Trong những khoảng khắc khi sân hận nổi lên, chúng tôi có thể nhìn vào tâm của mình, và nhận ra được đâu là cảm xúc (cảm thọ khổ) đâu là ý nghĩ. Có một cái tâm được huấn luyện để nhìn sự vật “ y như nó là” ( đúng như thực tánh của nó) thì rất hữu ích để cải thiện sự việc. Là một vị thầy giàu kinh nghiệm , sức mạnh lớn lao của Luang Poh Chah nằm trong khả năng có thể nhận biết  những hạn chế của con người, chứ không đánh giá, phê phán chúng.
 
Vì danh tiếng của Poh Chah lớn mạnh theo năm tháng, càng ngày càng có nhiều đệ tử người phương tây đến Wat Pah Pong để xin xuất gia làm tu sĩ. Là một nhà sư lão làng người phương tây không phải chỉ sống tại Thái Lan trong nhiều năm mà còn tự mình điều chỉnh để hoà nhập với đời sống tại Thái, lẽ dĩ nhiên là tôi trở thành một người phiên dịch. Nhưng đây là điều mà tôi thực sự không hề muốn làm.
 
Sau ngày thứ sáu của mùa mưa (lễ an cư kiết hạ) thì tôi quyết định rời Wat Pah Pong để đi Ấn Độ để xem thử tôi có thể sống ở đó được hay không. Tôi luôn luôn quan tâm nhiều đến châu Á và đã hoàn tất bằng cử nhân nghiên cứu về Trung Quốc và bằng thạc sĩ nghiên cứu về Đông Nam Á, vì vậy Ấn Độ là một sự lựa chọn tự nhiện, chứ không phải vì đó là nơi sản sinh ra Phật giáo.
 
Tôi đến Calculta khi đang xảy ra biến cố tách rời Đông Pakistan ( sau này là Bangladesh) ra khỏi Tây Pakistan. Có rất nhiều người tỵ nạn đổ vào trong thành phố, và nơi đâu cũng thấy kẻ ăn xin. Rồi một ý nghĩ chợt đến với tôi: Tôi chỉ là một người trong bọn họ. Một nhà sư đang đi khất thực thì có khác gì một người ăn xin trên đường phố.
 
Nhưng ngay cả trên mảnh đất nơi Đức Phật đản sanh cũng không có nhiều cơ hội cho những người dân địa phương cấp dưỡng cho một nhà sư, lấy đâu ra để mà cúng dường cho một vị sư theo truyền thống tu tập ở trong rừng. Để có  sự chu cấp thích hợp hơn, tôi phải di chuyển từ Calculta sang Bồ Đề Đạo Tràng, và những người mộ đạo tại ngôi chùa Mahabodhi ở đó đã thu xếp để cúng dường thực phẩm cho tôi, đó là lần đầu tiên tôi đến Ấn Độ.
 
Sau năm hoặc sáu tháng ở tại Ấn Độ, trong tôi đột nhiên có một sự nhận thức rõ rệt, gợi nhớ về những gì mà Luang Poh Chah đã trao truyền cho tôi, về người Thái và những nhân viên ở sở Di Trú của Thái (những người đã cấp cho tôi chiếu khán thường trú vĩnh viễn). Trong tôi có một sự biết ơn tràn ngập về tất cả những món tứ vật dụng, sự động viên và sự kính trọng mà người dân Thái đã cúng dường và dành cho tôi. Đó là một sự nhận thức rõ rằng tôi đã trở thành ai, và rồi nhận biết rõ những kết quả có được đó là nhờ vào của sự rộng lượng và lòng tốt của những người khác. Vì vậy theo một cách nào đó, đây không hẳn đơn thuần là một sự nhận thức, mà còn là một sự mở rộng trái tim, một sự từ bỏ sự tự cho mình là trung tâm. 

Đây là có thể coi là một chút gì đột phá  bởi vì lúc đó tôi vẫn đang hành thiền  và tâm tôi đang ở trong trạng thái tĩnh lặng, nhưng thực sự tôi vẫn chưa đạt được sự giải thoát. Bởi vì trong tôi vẫn có sự tiếp tục suy nghĩ về “cái tôi”, “cái ta”, về cái sự tự cho mình là trung tâm này – mặc dù tôi đã dành nhiều mùa an cư kiết hạ để hành thiền thật miệt mài.
Từ Phật giáo “lòng biết ơn” bằng tiếng Pali làKataññuta. Hiểu một cách sâu sắc về nó không đơn thuần chỉ có nghĩa là báo ơn mà còn cho, ban phát với tâm hoan hỷ, không có ý niệm “tôi, ta” trong đó. Đây là nền tảng mà tôi dựa vào đó để vận dụng kể từ đó.
 
Sau đó tôi quyết định quay lại Thái Lan để giúp Luang Poh Chah hoàn thành niềm ước muốn của ngài là giúp cho những tu sĩ người phương tây. Đây cũng chính là lúc Wat Pah Nanachat được thành lập, một thiền viện được thiết lập chủ yếu là để giúp huấn luyện cho những tu sĩ tây phương.
 
Ngày nay có hơn 300 thiền viện tu tập theo truyền thống ở trong rừng trên toàn thế giới. Tất cả những sự phát triển này có được là nhờ vào sự hổ trợ của Luang Poh Chah, người đầu tiên được mời sang Anh quốc vào năm 1977 để gặp tăng đoàn Anh.
 
Tăng đoàn Thái Mahatherasamakom cũng hết sức hào phóng và đắc lực trong việc giúp thiết lập những thiền viện này.  Sự hào phóng đó tạo cơ hội cho việc hình thành những mối quan hệ vững mạnh được thắt chặc bởi lòng biết ơn và kính trọng giữa những môn đồ của Luang Poh Chah. Mối quan hệ ngày đã đặt nền móng cho truyền thống tu tập trong rừng của tăng đoàn phương tây và giúp cho nó được như ngày hôm nay.
 
Việc tu tập theo truyền thống sống ở trong rừng là nhằm đạt được sự giải thoát cá nhân ( khỏi vòng luân hồi). Nếu có một sự xung đột giữa việc hành tập của một cá nhân với những quy ước xã hội, chẳng hạn như như việc truyền giới tỷ kheo ni cho nữ giới), lời khuyên của Luang Poh sẽ như thế nào?
 
Trong truyền thống tu tập ở trong rừng của Thái, có rất nhiều quan điểm khác nhau về sự truyền đại giới cho phái nữ. Không phải ai cũng đồng ý với nhau. Đứng trên quan điểm của tôi là một người đến từ phương tây mà nói thì hầu hết các phật tử phương tây thực sự không hiểu truyền thống của tăng đoàn Thái. Nhiều người đã lên tiếng hỏi rằng giúp cho các phụ nữ trở thành tu sĩ thì có gì sai trái chứ?.
 
Nhưng đây thực sự chính là sự phân hai giữa truyền thống và những quy ước xã hội. Quan điểm của người tây phương bám chặt vào các khái niệm về quyền tự do cá nhân, bình đẳng giới và công bằng xã hội. Nhưng trong truyền thống tăng đoàn thì người tu tập hướng về sự từ bỏ các quyền tự do cá nhân, là sự thực hiện những bổn phận đã được định rõ trong Luật tạng. Việc này chẳng có gì mới, vì Luật đã trụ tại thế 2.552 năm trải qua những đổi thay và thử thách, đó là những biến cố chính trị, kinh tế và các điều kiện xã hội.
 
Đức Phật để lại cho chúng ta hai tài sản kế thừa là Pháp và Luật. Pháp thì dạy về sự buông xả, về sự giải thoát cá nhân. Luật thì lại dạy về các phép tắc và cách thức mà chúng ta, những người đã ly gia cắt ái, phải theo khi tiếp xúc với cuộc sống đời thường. Nhiều người tây phương xem Luật như là một sự hạn chế, và luôn luôn tìm cách thay Luật để nó có thể phù hợp với những thay đổi của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, các bổn phận ( như tăng đoàn tiếp xúc với cuộc sống đời thường) thì không luôn luôn được đề cập thích đáng. 
 
Cơ cấu tăng đoàn ban sơ mà chúng ta được kế thừa từ Đức Phật dựa trên tăng đoàn của tỳ khưu. Nhưng theo quan niệm của người tây phương, đây là một cơ cấu được kiểm soát bởi nam giới. Một cơ cấu gia trưởng thì cho thấy giống như là một hệ thống thứ bậc, nó không tốt, vì nó đi ngược với quy tắc bình đẳng xã hội, vốn được coi như một quy tắc tốt.
 
Khi chúng ta tự làm cho chúng ta nguôi ngoai với các lý tưởng này thì chúng còn tiếp đấu tranh với đời. Đây không phải là mục đích của Luật, vốn dạy chúng ta hãy từ bỏ quyền của chúng ta và thực hiện những bổn phận như là các thành viên của tăng đoàn.
 
Nếu nói rằng mọi sự đều phải công bằng thì đây là một điều không đúng lẽ thật, vì không phải mọi thứ trên đời đều như vậy. Các điều kiện luôn đi đôi với những sự dị biệt . Cấu trúc ngôn ngữ, suy nghĩ, quy định xã hội là những điều kiện đối đãi. Các điều kiện đối đãi thì kém công bằng hơn và bất bình đẳng hơn.
 
Trong việc hành tập của chúng tôi, chúng tôi huấn luyện tâm vượt lên những suy nghĩ đối đãi. Bởi vì chúng tôi không được nền văn hoá tạo cho chúng tôi nếp suy nghĩ như vậy, chúng tôi phải tập luyện, đi sâu vào thiền quán để chuyển hoá tâm thức để chúng tôi có thể trở nên chánh niệm trước khi chúng tôi suy nghĩ và hành động và trước khi chúng tôi bị cảm xúc lôi kéo đi.
 
Đây là con đường đi đến sự giải thoát. Con đường này không phải là làm cho mọi thứ trở nên bình đẳng. Việc dạy dỗ này không bị giới hạn bởi bất kỳ quan điểm nào và sẵn sàng để cho mọi người học tập.
 
Không may, những quan điểm theo đời thường – giữa những gì gọi là truyền thống và những gì là hiện đại- là những cái mà mọi người tranh cãi suốt. Chúng tôi thường xuyên đối mặt với sức ép phải thay đổi truyền thống để cho nó có thể phù hợp với xã hội hiện đại.
 
Vì vậy, theo nghĩa này, bản thân tôi thực sự không thể tham dự vào việc truyền đại giới tỷ khưu ni. Nó vượt quá khả năng của tôi cho dẫu là tôi muốn làm như vậy. Ví như tôi là một người chơi vĩ cầm và được yêu cầu dạy cho một người khác chơi dương cầm. Tôi không thể làm điều đó được.
 
Vì vậy điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm có lẽ là chơi nhạc cụ của chính chúng ta theo cách riêng của chúng ta và chơi hoà điệu cùng nhau.   Việc tốt nhất mà tôi có thể làm được là thành lập ni đoàn Siladhara *. Với ni đoàn này, những phụ nữ ly gia cắt ái có thể sống dựa vào sự khất thực và nhận được cùng một sự giáo huấn (như các tỷ khưu) bởi sự giáo huấn này luôn luôn sẵn sàng cho tất cả những ai muốn đi theo con đường giác ngộ.
 
Việc này đưa chúng ta trở về với vấn đề truyền đại giới cho tỷ khưu ni. Quan điểm của Thái Lan là phụ nữ có thể trở thành tỷ khưu ni, nhưng nếu họ muốn được làm như vậy thì họ sẽ làm điều đó theo truyền thống Đại thừa.
 
Trong sự kiện thiền viện ở Perth (tây Úc) truyền đại giới tỷ khưu ni cho hai phụ nữ, và sự chống đối của tăng đoàn Thái đối với vụ việc này, Luang Poh có thể cho các cư sĩ những lời khuyên như thế nào để tình huồng không trở nên trầm trọng hơn?
 
Chúng ta cần phải nhìn và quán sát suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta cần sự tỉnh giác và chánh niệm để không tạo sự chia rẽ, chẳng hạn chia phe. Đây là những hành động đối đãi dựa trên sự vô minh.
 
Một phần của tiến trình học hỏi và hiểu biết của chúng ta là mở rộng tầm nhìn và lắng nghe. Đây là những việc quan trọng, vì vậy chúng ta không nên tiếp tục tạo thêm những quan điểm đối đãi.
 
Chú thích:
 
1-      Ni đoàn Siladhara: Mặc dù vẫn chính thức còn là những sa di ni trong mắt của hệ thống cấp bậc của tăng đoàn Thái, không gây tranh cãi như việc truyền đại giới tỷ khưu ni, hình thức ni đoàn này bao gồm sự huấn luyện và thọ trì hơn 100 giới. Cộng đồng tu nữ tại Anh đã áp dụng hình thức ni đoàn này.
 
2-      Ajahn Sumedho đã ở hai tuần trong tháng giêng tại Malyasia và sẽ tham dự sự kiện “ngày tưởng nhớ Ajahn Chah” vào ngày 16/01/2010
 
Người dịch: Quảng Hiền
Theo: The Buddhist Channel