Đồng thời, qua đó nêu lên những điểm có thể áp dụng cho những lễ hội Phật giáo mà chúng ta mong muốn hình thành trong tương lai.
Một ngày hội Phật giáo mới
Lễ Phật Thành đạo ngày mùng tám tháng chạp Âm lịch là một cuộc lễ truyền thống của Phật giáo Bắc Tông. Các chùa thường tổ chức lễ vào sáng sớm ngày này, nên khóa lễ chỉ giới hạn người tham dự là tăng ni Phật tử, nếu có, cũng rất ít, thường chỉ là những Phật tử công quả.
Trước năm 1981, tại miền Nam, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã cố gắng mở rộng lễ Phật Thành đạo, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Khóa lễ được tổ chức vào buổi chiều tại chùa Ấn Quang với các chức sắc trong Hội đồng Lưỡng viện lãnh đạo Giáo hội bấy giờ và tăng ni các Ban đại diện Giáo hội tại Sài Gòn, sau đó là TPHCM. Có năm, cuộc lễ thêm phần trang nghiêm bằng một thông bạch của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo, coi như là lá thư chúc xuân.
Tuy nhiên, cuộc lễ vẫn là một lễ, chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ. Dù là triệu tập tăng ni, nhưng số người tham dự cũng chỉ vừa đủ chánh điện của chùa Ấn Quang, trụ sở tạm của giáo hội bấy giờ. Số Phật tử đến chùa lễ chùa không vượt được số lượng vào các rằm lớn. Không thể mở rộng cuộc lễ hơn nữa, vì thiếu yếu tố quần chúng.
Như vậy, quan điểm mong muốn cử hành lễ Phật đản như một cuộc lễ lớn hàng năm đã có, nhưng vì không xây dựng được hoạt động quần chúng rộng rãi, với yếu tố “hội”, nên kết quả lễ vẫn hoàn lễ, không thành được hội.
Đến nay, lễ Phật Thành Đạo được tổ chức thành công ở chùa Phật Quang, núi Dinh, vì cuộc lễ đã trở thành một ngày hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng chục ngàn người tham dự, kéo dài trong 3 ngày, với nhiều tiết mục phong phú.
Theo lời mời trong ý kiến phản hồi một bài viết của chúng tôi đăng tải trước đây trên Phattuvietnam.net, chúng tôi quan tâm đến cuộc lễ và đến dự.
Điều nhận thấy trước tiên là số lượng xe khách đậu kín một đoạn dài dọc theo con đường lên núi hàng ngày vắng vẻ. Tuy nhiên, quang cảnh như vậy không phải là chuyện lạ ở các cuộc lễ Phật giáo. Xe khách cũng đậu nối đuôi nhau trong các dịp lễ Phật đản, vía Phật A Di Đà…
Điều mà chúng tôi lưu tâm là các xe đẩy, các chiếu hàng bán đồ lưu niệm…Một dạng chợ của lễ hội. Hiện tượng này phổ biến ở những ngày lễ hội tín ngưỡng tại Nam bộ, Nam Trung bộ, nhưng thường không phải là lễ Phật giáo (như lễ hội Dinh Cô, Long Hải; lễ hội Miễu bà Chúa xứ, Châu Đốc; Lễ hội Trùng Cửu, Long Sơn; lễ hội Nghinh ông, Cần Giờ…).
Các xe bán đồ lưu niệm không đóng góp gì cho nội dung lễ hội. Nhưng từ điểm nhìn truyền thông, sự xuất hiện của nó đánh dấu sự hình thành của hoạt động thương mại đi kèm lễ hội, mà người ta thường gọi là hoạt động “ăn theo”. Khi lễ hội thực sự hình thành, thu hút đông đảo người đến tham dự, thì mới có những hoạt động “ăn theo” như vậy.
Ý nghĩa của dạng chợ xép, chợ xe đẩy đồ lưu niệm này nằm ở tính tự phát, ngoài nội dung tổ chức lễ hội, nhưng quy mô của nó lại là một đại lượng đo lường quy mô lễ hội. Nó báo hiệu lễ hội, không phải chỉ về mặt thời gian, mà còn về mặt không gian. Đó là không gian vòng ngoài lễ hội, góp phần tạo không khí rộn ràng, nhộn nhịp cho lễ hội. Ở lễ hội Phật Thành đạo, chùa Phật Quang, núi Dinh, số lượng xe đẩy, chiếu hàng bán đồ lưu niệm chưa nhiều lắm so với những lễ hội khác, nhưng sự xuất hiện của nó đánh dấu đây đã là một lễ hội định kỳ đã hình thành và đang phát triển.
Chỉ dấu lễ hội ở vùng Nam bộ, Nam Trung bộ còn nằm ở chỗ số người lưu lại ban đêm theo dạng… “ngủ bụi”.
Nếu mật độ người tăng vọt tại một địa điểm trong thời gian ngắn, đó mới chỉ là một cuộc lễ. Nhưng nếu mật độ người đó được duy trì qua đêm, cộng với những hoạt động nối tiếp nhau, thì đó đã là hội.
Những dãy người nối tiếp nhau nằm ngủ qua đêm chật cả vườn chùa Phật Quang làm chúng tôi liên tưởng đến bãi biển Long Hải đêm trước ngày hội Dinh Cô, Miễu bà chúa xứ trong cao điểm hành hương tháng 3, tháng 4 âm lịch, bãi biển Cần Giờ đêm rằm tháng 8….
Thực ra, không phải tất cả những người ngủ bụi đó không có tiền để thuê khách sạn. Nhưng ngủ tập thể ngoài trời dưới trăng sao một đêm sau 364 ngày ngủ trong nhà là một cái thú lễ hội. Đó là một cuộc cắm trại lễ hội dã ngoại. Với lễ hội Phật Thành đạo chùa Phật Quang, Nam bộ đã có thể ghi nhận một lễ hội mới, từ lễ tôn giáo đã chuyển sang hội dân gian hóa.
Công tác truyền thông chuẩn bị lễ hội rất được coi trọng
Các cuộc lễ hội tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ, Nam Trung bộ đều có bề dày truyền thống lịch sử từ năm chục năm, đến có thể cả trăm năm hơn. Chính truyền thống đã tạo nên số lượng khách tham dự đông đảo.
Lễ hội Phật Thành đạo chùa Phật Quang núi Dinh mới được tổ chức gần đây. Thế nhưng, số người tham dự lễ hội đã khá đông. Nếu so với khả năng dung chứa của sân chùa Phật Quang, thì số người tham dự đã đạt mức xấp xỉ “tải đỉnh” (nghĩa là chỉ hơn một chút nữa là…quá tải).
Do đâu mà chùa Phật Quang đạt được kết quả như vậy chỉ trong một thời gian không dài?
Có thể coi sự chú trọng đến hoạt động quảng bá lễ hội là một nguyên nhân của thành công. Trước khi lễ hội diễn ra chương trình đã được phổ biến trên trang web của chùa Phật Quang.
Tuy nhiên, việc phổ biến hết sức rộng rãi các dĩa video về lễ hội Phật Thành đạo tổ chức những năm về trước có vai trò quan trọng trong việc quảng bá lễ hội. Phật Thành đạo trong tâm người Phật tử đã là một cuộc lễ. Nay, khi yếu tố hội được giới thiệu cụ thể và đầy thu hút bằng các chương trình video sinh động, thì tất nhiên sẽ có nhiều Phật tử lưu tâm và tham dự.
Việc đầu tư khá chu đáo và công phu cho một đêm văn nghệ chào mừng lễ Thành đạo cũng là một yếu tố thu hút người tham dự.
Sân khấu đẹp mắt, hoành tráng, tính chất chuyên nghiệp của các tiết mục trình diễn, sự phong phú của chương trình, âm thanh ánh sáng hiện đại, không khí xem văn nghệ ngoài trời giữa rừng núi khá độc đáo…, tất cả đã làm một số Phật tử không thể bỏ qua ngày hội vui ở Phật Quang. Chương trình văn nghệ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc “hội hóa” cuộc lễ.
Cũng cần phải kể đến công tác phục vụ khách khá chu đáo của chùa Phật Quang. Nếu ở các lễ hội tín ngưỡng dân gian khác, khách nghỉ lại qua đêm phải tranh nhau tìm chỗ ngủ và tự túc mền chiếu, hay đơn vị tổ chức chỉ lo được những tấm đệm cũ, thì ở chùa Phật Quang, khách được những tấm simili mới, sạch sẽ và mền cũng rất mới. Còn đi lễ chùa thì được chiêu đãi các bữa chay là đương nhiên. Đối với một số khách “chuyên nghiệp” dự lễ hội tín ngưỡng thì việc được phục vụ chu đáo, tận tình là một yếu tố để họ trở lại nhiều lần.
Chùa xa thành phố, lại nằm trên núi cao, việc đi lại khó khăn, tốn kém là một trở ngại cho khách thành phố muốn tham dự. Như chúng tôi đã phân tích trong bài viết, khoảng cách là một trở ngại để triệu tập số đông. Nhưng số đông được nói đến đó là số đông thường xuyên. Còn số đông chỉ trong một cuộc lễ hội định kỳ thì khác.
Chùa Phật Quang có thuận lợi là gắn với thắng cảnh Suối Tiên, Núi Dinh. Bên cạnh đó là rất nhiều cảnh chùa đẹp trong khu vực Bà Rịa Vũng Tàu. Bãi biển Vũng Tàu, Long Hải chỉ cách đó 20km. Do vậy, có thể kết hợp tổ chức chuyến đi dự lễ hội thành một chuyến du lịch núi biển và một chuyến hành hương nhiều chùa. Điều này cũng góp phần thu hút người dự lễ hội, xem lễ hội Phật Thành đạo là hoạt động chính bên cạnh các điểm dừng du lịch và hành hương khác.
Phật tử chùa Phật Quang rất tích cực trong việc chào mời mọi người cùng đến tham dự lễ hội. Tranh thủ được lời mời trong ý kiến phản hồi bài viết là một ví dụ.
Cử chỉ cởi mở, vui vẻ, tận tình của chủ làm khách đã đi dự hội một lần đều không ngại việc trở lại.
Tất nhiên, nhờ đó mà khách tham dự đông đảo hơn. Mà việc có được nhiều người tham dự là yếu tố để xác định hội tạo nên thành công của lễ hội.
Ghi nhận những thành công trong việc tổ chức lễ hội của chùa Phật Quang, Núi Dinh, Bà Rịa Vũng Tàu, chúng tôi, ngoài mục tiêu tán thán công đức của thượng tọa trụ trì, chư vị tăng ni Phật tử của chùa, đã đóng góp cho sinh hoạt Phật giáo miền Đông Nam bộ nói riêng, toàn khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ nói chung, một lễ hội Phật giáo nghiêm trang, vui tươi, nhiều ý nghĩa, mà còn nhằm tới mục tiêu xác định đây là một hình mẫu trong việc tổ chức lễ hội Phật giáo, mà các chùa, đặc biệt là chùa ở nơi có phong cảnh đẹp, thuận tiện kết hợp với hoạt động du lịch có thể áp dụng.
Lễ hội từng chùa không nhất thiết là lễ hội Phật Thành đạo, mà có thể là các lễ và ngày Vía Phật khác, các dịp rằm lớn và như lễ Phật xuất gia, vía Bồ tát Quán Thế Âm, vía Phật A Di Đà, rằm nguyên tiêu, các ngày kỵ tổ…chẳng hạn. Làm sao để những ngôi chùa lớn mỗi chùa có một ngày lễ hội truyền thống để Phật tử khắp nơi tề tựu về gặp gỡ, an lạc và hoan hỷ trong lễ hội.
Qua thành công của chùa Phật Quang, chúng ta thấy việc “hội hóa” các ngày lễ Phật giáo không có gì là khó cả. Chỉ cần chú trọng đúng mức đến việc quảng bá lễ hội, đặc biệt là hoạt động truyền thông trước khi diễn ra lễ hội. Các chùa không có trang web riêng thì có thể gửi thông tin đến các trang web chung của Phật giáo, như Phattuvietnam.net chẳng hạn, thậm chí đăng báo, phổ biến trên sóng phát thanh truyền hình thư mời tham dự lễ hội.
Năm nay, chùa Phật Quang núi Dinh liên kết với kênh truyền hình VTC – HD3 thu hình đêm văn nghệ, phát sóng trên truyền hình vào dịp tết Nguyên đán, là một bước mở rộng tích cực hoạt động truyền thông, chuẩn bị cho lễ hội Phật Thành đạo những năm sau quy mô hơn, hoành tráng hơn, đông đảo hơn.
Lễ hội cũng là dịp thu hút thanh niên đến với Phật giáo. Trong lễ hội Phật Thành đạo ở chùa Phật Quang, người đến dự là thanh niên chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đến 23 giờ, trong sân chùa, vẫn còn nhiều nhóm bạn trẻ sinh hoạt tập thể. Điều này cũng dễ hiểu. Nếu việc tham dự các buổi lễ nghiêm trang là điều các bạn trẻ phải cố gắng, nhưng dự các cuộc hội, đặc biệt hội tổ chức dã ngoại, thì lại là điều thu hút thanh niên, tạo sự thoải mái cho họ.
Trước nhu cầu thu hút giới trẻ đến với Phật giáo hiện nay, thì việc “hội hóa”, bổ sung phần hội vào các dịp lễ Phật giáo, là việc hết sức cần thiết. Phần hội không loại trừ phần lễ, mà chỉ làm phong phú hơn chương trình các cuộc lễ. Hội cũng không nhất thiết là văn nghệ. Hội có thể là hoa đăng, thắp nến, rước Phật, phóng sinh, luận đạo…tùy điều kiện cụ thể từng chùa.
MT