Tôi ấm ức vô kể. Nhưng thiệt tình là vậy, ở cái tuổi lên bốn, trí nhớ tôi chưa đủ sức lưu giữ những kỷ niệm lẫn hình ảnh sống động của mẹ. Khi mẹ mất, dù tôi từng đứng hàng giờ trước di ảnh, ở bên cạnh như thể mẹ còn sống nhưng nỗi buồn của tôi không quặn thắt như những người có trí khôn, hiểu biết – nỗi buồn của tôi chỉ là cảm giác bơ vơ, ngẩn ngơ vì không biết mẹ đã đi đâu? Ngày khâm liệm, tôi nghĩ là mẹ tôi ngủ trong cái tủ và kiên nhẫn đợi mẹ thức. Không thấy mẹ, tôi cứ quanh quẩn đứng xớ rớ gần bàn thờ, vậy là đủ ấm áp, hết bơ vơ. Và như thế tôi lớn lên, không có cái vuốt đầu, không có vòng tay bảo bọc và hơi ấm của mẹ.
Về sau, mỗi khi có ai kể về mẹ, tôi thường dỏng tai lên chăm chú lắng nghe, cố thu hết từng lời mô tả của họ, để chắp vá, phác họa chân dung mẹ. Chị Thủy thường kể: “Mỗi khi ngáp chị vươn vai há miệng thật to, mẹ bảo chị vô soi gương, lặp lại kiểu ngáp đó và lấy tay che miệng khi đang ngáp, rồi nhìn vào gương, thử so sánh hai kiểu ngáp này, xem hình ảnh nào đẹp hơn? Tất nhiên là chị thấy kiểu hả to họng ngáp xấu tệ. Thế là mẹ dạy chị: Vậy thì từ rày, cái gì xấu thì con đừng theo nhé!”.
Chị khắc ghi lời mẹ, ăn cơm không được khua bát, nhai không được vang tiếng chóc chách, đi không được kéo lê dép, phải giữ khuôn mặt tươi tắn thường xuyên thay vì nhăn nhó quạu quọ, phải nói lời dịu dàng và không được to tiếng cãi lẫy… Hồi mười sáu, mười bảy là mẹ đã tự mày mò học may và may áo tràng cho bạn bè đi chùa. Mẹ may khéo, nấu ăn ngon… Dì tôi còn kể mỗi khi chùa làng có đám, một tay mẹ nấu hết cỗ chay trong chùa để đãi khách thập phương khiến ai cũng nể phục.
Mỗi lần nghe chị Thủy nhắc về mẹ, tôi thường háo hức nghe, kèm theo lòng ganh tỵ thầm vì thấy chị sướng quá, được biết nhiều về mẹ quá. Còn tôi thì chẳng nhớ được chi.
Mẹ còn dạy gì nữa không chị? Tôi nôn nao hỏi. Mắt chị Thủy đăm chiêu một lúc, chị mỉm cười nói. Mẹ dặn nếu khách tới nhà gặp lúc mẹ đi vắng, thì phải nhắc ghế mời họ ngồi, hái bưởi đãi họ ăn và khoanh tay thưa thế này: Chẳng mấy khi cô (bác, anh, chị, chú, thím, cậu, mợ) tới nhà chơi mà mẹ con lại đi vắng, nếu có mẹ con ở nhà, mẹ con sẽ mừng lắm. Của ít lòng nhiều, mời cô (hoặc bác…) dùng bưởi lấy thảo.
Hồi đó vườn bưởi nhà tôi xanh tốt lắm, hai trái bưởi thôi đã nhét chật cái giỏ đi chợ rồi. Có lần mẹ sai chị Thủy mang bưởi lên tận thành phố biếu khách là ông bà kỹ sư T, họ thương mẹ như con ruột. Chị đến nhà, ông bà T đi vắng, chỉ có mấy cô con gái ra tiếp. Mấy cô cưng chị lắm, mời chị ăn cơm, tiếp đãi trọng hậu. Chị ăn no nê, ngủ một giấc dài, thức dậy chào họ rồi vô tư xách mấy trái bưởi trở về…
Tôi phá lên cười. Chị Thủy cũng bật cười. Rõ ràng là hai chị em đều vui và cảm thấy thích thú khi nhắc về mẹ.
Khi mẹ tôi bịnh nặng, biết mình khó qua khỏi, bà đã thu hết sức tàn, ráng làm thức ăn để lại cho chúng tôi có mà dùng. Tôi nhớ chuyện con chim mẹ bị trúng tên sắp chết, gắng gượng tha thức ăn để đầy quanh tổ cho chim con không bị đói. Mẹ tôi cũng vậy, lo làm muối sả, chất đầy chai thủy tinh sắp dài sát tường quanh nhà bếp. Muối sả mẹ tôi làm ngon lắm, sả được bào nhuyễn, giã nát, lá mỏng tanh và xanh ngắt, không biết rang hay trộn muối như thế nào mà mẹ nêm nếm chế biến rất vừa ăn, để bao lâu cũng không hư. Láng giềng đều thích món muối sả mẹ tôi làm. Tôi còn nhỏ quá không biết kỹ thuật làm bếp này của mẹ, các chị tôi cũng không biết nốt. Mẹ mất rồi, muối sả ăn ngót ba năm mới hết.
Sau đám tang mẹ, phân nửa bưởi trong vườn đều ngả sắc trắng, chết dần theo. Xem như huê lợi hoa trái bị thất thu, ba tôi càng thêm nhọc nhằn, vì phải nuôi năm đứa con và hai đứa cháu ông đem từ quê vào, chưa ai biết lao động, chỉ biết ăn rồi học. Nhà tôi nghèo nhất làng, nhưng cách sống cũng lạ nhất làng. Ba tôi nhất quyết nuôi đám con, cháu ăn học đàng hoàng. Vì vậy mà ông bận càng thêm bận, quanh năm ít thấy mặt ông ở nhà. Thức ăn chúng tôi độ nhật toàn là rau dại hái quanh vườn và muối sả. Nhà sát bờ sông nhưng anh chị tôi chẳng ai câu cá vì ba mẹ tôi cấm tuyệt việc sát sinh. Vô tình chúng tôi gần như ăn chay ngay từ nhỏ. Ăn uống vậy mà tôi mập ú tròn quay, đến độ cả nhà đều gọi vui là “heo ú”. Ai nhìn chúng tôi cũng tấm tắc: Con mồ côi dễ nuôi, ít bịnh…
Rồi ba tôi tục huyền, đi bước nữa. Đang ghiền mẹ, tôi đeo cứng mẹ kế và dì không ghét chị em tôi. Cả đám con, cháu… thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, xúm nhau mừng rỡ đón chào dì. Ngôi nhà ấm cúng hơn khi có bàn tay của dì. Về làm vợ ba tôi, dì chẳng được sung sướng gì mà cực nhọc nhiều hơn. Những khi ba tôi thất nghiệp, dì phải tảo tần buôn bán, dầm mưa dãi nắng.
Mẹ tôi lanh lợi, vén khéo và dì cũng hiền thục, đảm đang. Có một đức tính mà tôi mãi mãi ngưỡng mộ nơi dì là nhường nhịn và tốt bụng. Người ta thường nói “ba bà bốn chuyện, phụ nữ nặng khẩu nghiệp”… nhưng mẹ kế tôi thì không! Thói thường, trong tộc họ hay xảy ra cãi cọ, xích mích, đối nghịch, xung đột lớn giữa các bà nhưng dì thì ở với ai cũng êm thắm, không hề có cãi lẫy, to tiếng. Ngược lại, bà luôn nói lời hòa giải, xoa dịu. Dù không có tài ăn nói nhưng chính sự hiền dịu, chất phác, hiền thiện của bà đã khiến người nghe tin tưởng. Vì vậy mà mọi lời bà khuyên giải thường hiệu nghiệm và các chuyện thị phi có đến tai dì cũng hóa thành phẳng lặng, yên bình.
Mất mẹ, với tôi là một thiệt thòi lớn. Tất nhiên tôi không nguôi tiếc nuối vì không được học những điều hay từ mẹ, có điều là không nhớ gì nhiều về mẹ. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi có hai bà mẹ, dù cả hai mẹ sớm vắng bóng trên đời nhưng đức hạnh và tình thương hai bà đã soi rọi, sưởi ấm đời tôi. Để bây giờ, dù tôi chẳng còn mẹ hay kế mẫu để kêu, nhưng tôi vẫn thấy hình ảnh của mẹ bàng bạc nơi những phụ nữ trên thế gian này với lòng hy sinh, sự tận tụy, ánh mắt từ ái đó… chỉ trái tim người mẹ mới có.
Nhớ mẹ, không phải để hoài niệm, tiếc nuối những hạnh phúc mình từng hưởng. Nhớ mẹ là thực hành những điều mình từng ngưỡng mộ nơi mẹ, hồi sinh và phát huy chúng để làm đẹp thêm cho đời. Chân dung mẹ trong tôi dẫu có mờ mịt nhạt nhòa, song mẹ vẫn còn sống mãi. Vì trong dòng đời, tôi luôn nhìn thấy mẹ hiển hiện thấp thoáng qua ánh mắt, nụ cười của những hiền mẫu trên thế gian này.