Tháng giêng
Ngày 17 tháng giêng
17.A II 68
Bốn loại an lạc của gia chủ
Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Nghiệp Công Đức, Câu (II) (62) Không Nợ
1. Rồi gia chủ Anathapindika đi đếnThế Tôn, sau khi đến, ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anathapindika đang ngồi một bên:
2. Có bốn loại an lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tuỳ thời gian, tuỳ thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng,lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.
3. Và này gia chủ, thế nào lạc sở hữu?
Ở đây, này các gia chủ, tài sản của người thiện nam tử, thâu hoạch được do nổ lực tinh tấn, tích luỹ được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Vị ấy suy nghĩ: “Ta có tài sản, thâu hoạch được do nổ lực tinh tấn, tích luỹ được do sức mạnh cánh tay… thâu hoạch đúng pháp. “ Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc sở hữu.”
4. Và này, thế nào là lạc tài sản?
Ở đây, này gia chủ, thiện nam tử thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nổ lực tinh tấn, tích luỹ được… thâu hoạch đúng pháp và làm các việc phước đức. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nổ lực tinh tấn, thâu hoạch đúng pháp và ta làm các việc phước đức.” Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc tài sản.
5. Và này gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Ở đây, này gia chủ, vị thiện gia nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. “Ta không mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc không mắc nợ.
6. Và này gia chủ, thế nào là lạc không phạm tội?
Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội”. Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Này gia chủ, đây gọi là lạc không phạm tội.
Ngày 18 tháng giêng
18. DIII 192
Kẻ trí giữ Giới, Luật
Trường Bộ Kinh 31, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Câu 34
Kẻ trí giữ Giới, Luật
Từ tốn và biện tài
Khiêm nhường và nhu thuận
Nhờ vậy được danh xưng.
Dậy sớm không biếng nhác
Bất động giữa hiểm nguy
Người hiền không phạm Giới,
Nhờ vậy được danh xưng.
Nhiếp chúng, tạo nên bạn
Từ ái, tâm bao dung
Dẫn đạo, khuyến hoá đạo
Nhờ vậy được danh xưng.
Bố thí và ái ngữ
Lợi hành bất cứ ai
Đồng sự trong mọi việc
Theo trường hợp xử sự.
Nguyên tác: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika