Trang chủ Văn học Tùy bút Nhẹ lòng nghe tiếng chuông chùa…

Nhẹ lòng nghe tiếng chuông chùa…

94

Thập niên 1970, Huế là một đô thị nhỏ đầy giáo sư và sinh viên, công chức với “cổng trường vôi tím”. Thời đó, cái gọi là “các giá trị Huế” không bị phô phang ồn ào như bây giờ.

Chắc chắn các giá trị Huế là có thật và rất đặc trưng. Một trong những đặc trưng đó là không khoa trương mà chỉ âm thầm chảy trong huyết mạch của vùng đất lạ lùng này.

Nó đã không là đề tài của các nhà Huế học (chính hiệu và giả hiệu) theo kiểu “chuyện tình các cung phi đời Nguyễn”, hay “vua Minh Mạng có bao nhiêu ái thiếp?”. Nó lại càng không phải là sự lạm dụng đến mức loạn ngôn hai chữ “cung đình”. Đến mức một quán chè chồm hổm ghế nhựa cũng tự tin treo bảng “chè cung đình” to tướng. Hay các bữa cơm vua thừa mứa, kệch cỡm với hoàng bào mũ áo xênh xang.

Khách phương xa, cũng như người Huế chính hiệu, đều cười buồn (và buồn cười) với các “giá trị Huế” kiểu này.

Thế là thở dài, thương tiếc cho một gánh bún bò Huế không thịt tái trần trụi, không lổn nhổn rau sống, không ngọt lừ đường cát cho vừa miệng khách phương Nam. Thế là thấy lòng xa lạ, không thương, không ghét. Tiếc cho thôn Vĩ Dạ nền nã ngày nào bị rạch mặt với cà phê xanh đỏ, nhà hộp ngất nghểu, loa thùng xập xình thâu đêm…

Tìm đâu ra một Huế miễn nhiễm với sự ô trọc của nền công nghiệp du lịch giả hiệu, hợm hĩnh và thô tục kiểu này?

Nó vẫn còn, trên dốc Bến Ngự, trong một ngõ nhỏ rợp bóng tre. Ở đó, dưới bóng chùa rêu phong, khách phương xa đã ngủ một giấc thật say. Đêm không mộng mị, không bị đè nghiến bởi tiếng karaoke xấc xược chát chúa. Thức giấc với tiếng guốc gỗ quét sân chùa, lẫn trong nhiều giọng chim ca và tiếng gà xao xác.

Chỉ dăm bước chân thôi, gã bộ hành đã thấy giọt mưa trên mái tôn nghèo, tí tách giọt từng đốm rêu phong trên hè phố. Chỉ dăm phút thôi, men theo bờ tường cũ kỹ của một ngôi chùa nhỏ, ta đã thong dong ngồi ở một quán cà phê cũ kỹ, chìm trong màn sương sớm dày đặc của dốc Bến Ngự. Thấp thoáng đâu đó một vóc dáng nhỏ nhắn, còng lưng với gánh bồ kết rau thơm.

Bồ kết rau thơm đó, cà phê sáng đó, ta được trả với giá bình thường như mọi người dân nơi đây mà không hề nhăn mặt vì bị quát giá trên trời. Nó rẻ đến mức tội nghiệp! Nhất là khi chạnh lòng nghĩ ngợi, từ gánh bồ kết này bao nhiêu đèn sách đã được nuôi nấng thành người tử tế.

Cà phê quán nghèo của Huế thì đắng xít và dở chưa từng thấy. Nhưng với sương sớm, với làn khói đốt lá ban mai kia nó đã là một phong vị. Phong vị Huế nguyên chất, hiền lành, nghèo nhưng lương thiện và chưa bị làm uế tạp bởi nền du lịch hỗn hào của chúng ta.

Chỉ hai ngày thôi, tôi được sống trong một không gian đầy chất Huế như thế. Không thơ mộng, hữu tình như bưu ảnh. Không hào nhoáng, lòe loẹt như màn múa “cung đình”. Nhưng chỉ với lời chào “Chú chưa vô lại Sài Gòn hè?” của chị hàng xén đầu ngõ, lòng tôi đã được giữ lại nơi đây, dễ dàng và vô điều kiện…

Phải chăng tôi đã chạm đến các giá trị Huế thật sự mà lâu nay vẫn âm thầm tiếc nuối? Phải chăng cụ Phan – ông già bến Ngự, cùng người dân Huế nơi đây, đã lặng lẽ gìn giữ các giá trị này bằng chính cuộc sống nhẫn nại, hiền lương của họ?

Văn hóa Huế, như mọi nền văn hóa thâm hậu và sang trọng khác, thì từ chối mọi khoa trương hay tuyên bố ồn ào. Tôi tin là thế, như một người đã trót hẹn ngày trở lại, chỉ để nghe tiếng chuông chùa kín đáo, điềm đạm và rất Huế kia…