Do bài viết Thực trạng thiểu số hóa của Phật giáo Việt Nam được đông đảo bạn đọc quan tâm, thảo luận, nên đặt nó thành vấn đề thảo luận, nghiên cứu dài hạn, thiết tưởng, là điều cần thiết. Chúng ta cùng nhau đi lại từ đầu vấn đề.
Trong số các nước theo đạo Phật ở châu Á, Việt Nam là một trong hai quốc gia diễn biến thiểu số hóa Phật giáo nặng nề nhất.
Phật giáo Việt Nam đã chịu sự tác động mạnh mẽ của đạo Thiên Chúa La Mã. Hiện nay, số tín đồ Thiên Chúa La Mã chiếm 10% dân số. Với tỷ lệ này, Việt Nam là quốc gia đứng hàng thứ hai châu Á về số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo so với số dân, chỉ sau Philippin.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét khía cạnh cải đạo do đạo Thiên Chúa La Mã tiến hành (ở Philippin cơ bản không có diễn biến cải đạo từ một tôn giáo hiện diện trước đó), thì Phật giáo Việt Nam dẫn đầu về tổn thất cải đạo. Phật giáo tại Việt Nam đã từ vị trí quốc giáo, đã trở thành một tôn giáo có chỉ số tín đồ ngày càng giảm.
Quốc gia thứ hai mà diễn biến thiểu số hóa Phật giáo đã đến mức gây những tác hại hết sức nặng nề là Hàn Quốc. Ở đây, đạo Tin Lành đã trở thành tôn giáo đa số, thay đổi hẳn diện mạo tôn giáo Hàn Quốc. Điều đáng chú ý là Tin Lành Hàn Quốc đã trở thành tiền đồn tổ chức những hoạt động cải đạo xung kích ở châu Á, đặc biệt nhắm vào đạo Phật, mà một trong những trọng điểm hàng đầu là Việt Nam.
Như vậy, sau 400 năm chịu sự cải đạo mạnh mẽ của Thiên Chúa giáo La Mã, từ thế kỷ XX, đặc biệt là thời gian gần đây, Phật giáo Việt Nam lại gánh thêm một tầng áp lực cải đạo nữa từ các giáo phái Tin Lành, đầu tiên đến từ phương Tây, giờ thêm cả từ một nước châu Á, trước đây vốn là quốc gia Phật giáo.
Chúng ta phải nhận thức rõ điều này. Cụm từ “truyền đạo”, thực chất, là cải đạo. Nói “truyền đạo” để dễ nghe hơn mà thôi, chứ “đạo” không phải truyền vào chỗ không có tôn giáo. Cải từ đạo nào, là từ Phật giáo đó thôi! (1).
Những người chỉ đạo hoạt động cải đạo nhắm vào Phật giáo Việt Nam đã gọi thành quả của họ bằng cụm từ “mùa lúa vàng” (2)
Họ đã gặt những vụ gặt trên những mảnh đất xà xẻo từng ngày, từng giờ liên tục mấy trăm năm nay, từ tôn giáo bản địa.
Chúng ta có bao giờ nghĩ đến những điều này: Tại sao những việc như thế lại xảy ra trên mảnh đất Việt Nam, đối với Phật giáo Việt Nam, mà không diễn ra ở một nơi nào khác, với Phật giáo ở một quốc gia khác?
Tại sao không phải tín đồ Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Lào hay Phật giáo Trung Quốc…, mà là tín đồ Phật giáo Việt Nam, đã dẫn đầu về tỷ lệ người cải đạo? Để rồi thế hệ con cháu của những người cải đạo đó đã liên tục không ngưng nghỉ mở rộng hoạt động cải đạo, để đạt đến kết quả được gọi là “mùa lúa vàng” như hiện nay.
Phật giáo Việt Nam rồi sẽ như thế nào trong 20 – 50 năm nữa, trước những chiến dịch cải đạo ồ ạt, bùng phát như hiện nay, vốn được nghiên cứu, chuẩn bị, tổ chức bài bản từ đầu não ở nước ngoài, với những kỹ thuật tinh vi, sâu hiểm, nguồn tài chính hỗ trợ dồi dào, và một số người tự nguyện lăn xả vào hoạt động cải đạo một cách cuồng tín?
Có thể rút ra từ quá khứ những bài học gì, những kinh nghiệm gì, từ thực tế hiện tại của chính chúng ta, đồng thời từ những Phật giáo ở những quốc gia mà Phật giáo đề kháng có hiệu quả với hoạt động cải đạo, bảo vệ được niềm tin tín đồ, giữ vững đạo pháp không để rơi vào dòng xoáy thiểu số hóa, và có thể ứng dụng ra sao cho Phật giáo Việt Nam?
Thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam, vấn đề có lẽ đã được cảm nhận từ lâu. Nhưng hình như Tăng Ni Phật tử muốn bỏ qua nó, muốn “quên” đi nó. Nhưng diễn biến thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam diễn ra khẩn trương, khắc nghiệt, ngày càng bỏ lộ ảnh hưởng. Có muốn “quên” cũng không được.
Vì vậy, đặt câu hỏi để lý giải tại sao Phật giáo Việt Nam đi vào quá trình diễn biến thiểu số hóa là vấn đề hết sức cấp bách.
Trong đạo Phật chúng ta có một lời khuyên rất hay: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”.
Đặt câu hỏi tại sao ở đây chính là sợ nhân, tìm hiểu nguyên nhân.
Chắc chắn là phải có nhiều bài viết, ý kiến tiếp theo, chúng tôi và từ đông đảo bạn đọc. Bài viết này xin giới hạn trong phạm vi một bài đề dẫn, nêu vấn đề trên diễn đàn chung của chúng ta.
Như một số ý kiến đề xuất rất xác đáng trên diễn đàn, bài viết nêu lên suy nghĩ, tâm tư của bạn đọc về vấn đề này có thể kính trình lên chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, song song với việc gởi về trang web Phattuvietnam.net.
MT
Ghi chú:
(1) Hiện nay, ngay cả từ truyền đạo, truyền giáo cũng bị tránh, thay vào đó là cụm từ dài dòng hơn “loan báo tin mừng”. Cơ quan phụ trách truyền giáo được thay bằng tên gọi như trên. Phải chăng, điều này nhắm vào đối tượng các tôn giáo bị cải đạo, để các tôn giáo bị cải đạo quyên đi cảm giác và ý thức về việc bị cải đạo? Như thế việc cải đạo sẽ thuận lợi hơn (nhẹ nhàng, êm thắm). Không ý thức về tình trạng này nguy hiểm, các tôn giáo là mục tiêu cải đạo sẽ bị dẫn theo ý muốn của những tôn giáo tiến hành hoạt động cải đạo.
(2) Linh mục JMT. Nguyễn Thế Thoại, trong sách Tôn giáo học và các tôn giáo lớn ở Việt Nam (trang 464) có dẫn một bản thống kê về tỷ lệ tăng ni Phật tử ở một số quốc gia châu Á trong một công trình nghiên cứu về Phật giáo phục vụ cho Công đồng Vatican II (nửa đầu thập niên 1960), với ghi nhận số lượng Phật tử tại miền Nam Việt Nam là 2 triệu trên 27 triệu dân, tức chưa tới 10% dân số. Khi dẫn số liệu này, tác giả nói rõ Công đồng nhìn thấy “Mầm Tin Mừng” trong các tôn giáo. Thống kê này cho thấy số tỷ lệ Phật tử tại Việt Nam là thấp nhất (Nhật Bản 40 triệu Phật tử/90 triệu dân, Thái Lan 19 triệu Phật tử/21 triệu dân, Miến Điện 17 triệu Phật tử/20 triệu dân…).
Con số không chính xác này có nhiều ẩn ý: Phật giáo Việt Nam là khâu yếu nhất trong mắt xích Phật giáo, và chỉ số đã thông tin nếu chưa chính xác, thì cũng phản ánh so sánh hiện trạng lúc đó của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo châu Á, và tình trạng như thế là mục tiêu hướng đến.
Sách của Linh mục Nguyễn Thế Thoại là sách in lụa, không có thông tin xuất bản.