Trong vài phút tới đây, tôi xin nói tóm lược về những điều cốt yếu của pháp Duyên khởi trong Hoa Nghiêm như là sự biến hoá của tư duy, về sự phát triển của sinh lý – y học và việc làm thế nào để những niềm tin truyền thống khác biệt có sự liên hệ qua lại lẫn nhau. Nhận thức nắm giữ những khả năng sáng tạo cho khoa học và lối tư duy về đạo đức. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến: 1. Sự giao lưu giữa các trung tâm; 2. Vô minh được soi sáng bởi pháp giới duyên khởi.
Theo kinh Hoa Nghiêm, Đức Siddharta Gautama khi vào sâu trong thiền định, Ngài nhận thấy rằng vạn vật, chúng sanh hiện hữu đều do duyên và có mối tương quan, tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau; từ đó, Ngài chứng đắc quả vị Phật Đà, Bậc Giác ngộ hoàn toàn. Kể từ khi có được tri thức ban đầu đó, các nhà tư tưởng Phật học đã khám phá ra những chi tiết vĩ đại của trần thế, về không gian, và các mối tương quan của Pháp. Thiền sư Pháp Tạng (643-712) là một điển hình, ngài nghiên cứu sự đồng nhất và tương quan của các pháp đồng thời để cấu thành nên pháp giới. Ngài lập luận rằng, trong thế giới tương quan và tương thuộc lẫn nhau, khi một pháp được tuỳ tiện xem xét riêng biệt, nó trở thành một pháp chính yếu và các pháp còn lại chỉ có vai trò thứ yếu. Ngược lại, trong thời gian và không gian khác, khi một pháp khác chiếm vị trí chính yếu, nó sẽ đúng với tất cả các pháp còn lại. Sự hoán đổi có thể được xem xét trong bối cảnh của cuộc trao đổi giữa những người bạn. Khi một người nói, người khác tập trung lắng nghe, anh ta trở thành nhân vật trung tâm, thế nhưng, khi có một người bạn khác bước vào cùng tham gia trao đổi với tư cách là người phát biểu hay đối tượng của đề tài, sự chú ý của chúng ta sẽ chuyển hướng. Cuộc trao đổi sẽ không còn tập trung vào một nhân vật hay một đề tài như trước nữa.
Hoán chuyển trung tâm
Giống như cuộc trao đổi giữa những người bạn, quan điểm Phật giáo về thế giới là đa trung tâm, tương quan và phụ thuộc lẫn nhau bao gồm sự đa dạng và hoán chuyển qua lại, cùng với sự đa nghĩa lý. Quan điểm đa trung tâm khẳng định giá trị của những quan điểm khác nhau, thừa nhận những tư tưởng của tất cả các hướng nhận thức khác nhau và nguồn tri thức mới. Giá trị rõ ràng nhất cho những quan điểm khác nhau được thể hiện trong việc nghiên cứu các hiện tượng vật chất. Chúng tôi trích một ví dụ: Hoá học và Vật lý học khi nhìn vào phân tử heli từ những quan điểm và phương pháp riêng, họ quan tâm và nhìn thấy những góc cạnh khác nhau của cùng một hiện tượng. Với nhà hoá học, heli là một phân tử bởi vì nó tồn tại ở dạng khí; mặt khác với nhà vật lý học, nó chẳng phải là một phân tử bởi vì nó không thể hiện hình ảnh của một phân tử (theo Kuhn, Thomas). Quan điểm của nhà hoá học không làm giảm giá trị nhận thức của nhà vật lý học, cả hai cùng xây dựng nên kiến thức của chúng ta về phân tử này. Mặt khác, khoa học nguyên tử quan tâm đến việc khai thác nguồn năng lượng mà nó cung cấp khi những nguyên tử hydro làm ngưng việc sản xuất heli. Nói tóm lại, một nguyên tắc cơ bản chỉ soi sáng một lĩnh vực giới hạn của thực thể vật chất. Trong công cuộc mưu cầu sự hiểu biết toàn diện, các nhà khoa học cần nghiên cứu ở nhiều góc độ để nhận thức thế giới. Nó không giống như chúng ta dốc toàn nguồn tri thức cho một sự kiện hay hiện tượng ở một góc nhìn giản đơn; và như thế tri thức của chúng ta vẫn luôn khiếm khuyết, mơ hồ.
Tôi tin tưởng có một sự thống nhất toàn cầu khi nghiên cứu thế giới vật chất từ nguyên tắc đa phương. Thế nhưng, có những truyền thống tâm linh đã biểu hiện sự đi chệch hướng “chân lý” với một góc nhìn riêng. Những truyền thống như Ki-tô giáo, Islam hay những nhà thần học chấp nhận quan điểm một trung tâm hay một góc nhìn trong việc xác định hình dạng khởi nguyên, chân lý, tính thiết yếu, khuôn mẫu lý tưởng, sự bất biến. Thượng đế hay Đấng tạo hoá… bảo đảm cho mọi ý nghĩa và giá trị mà từ đó mọi hành động và niềm tin được phán định. Họ thừa nhận một cách miễn cưỡng sự hợp lý về những nhận thức của người khác. Trong những nền văn hoá chọn Đấng Giê-su làm biểu tưởng, Ki-tô giáo làm trung tâm, thì những người Phật tử, Do Thái, Islam, người theo Saman giáo hay bất cứ người ngoại đạo nào đều là những kẻ dị giáo. Những xã hội gia trưởng, như chế độ Taliban ở Afghanistan, người đàn ông là trung tâm, còn phụ nữ là bên lề. Ngược lại, ý thức hệ Phật giáo không tạo nên những yêu cầu tuyệt đối. Trong kinh Kalamas, Đức Phật cảnh tỉnh người Kalamas rằng nên tự mình xem xét tính hợp lý trong lời dạy của Phật. Quan điểm về thế giới đa trung tâm và phụ thuộc lẫn nhau cho phép mở ra con đường lựa chọn thênh thang cho tư tưởng và những quan niệm về hiện thực khác.
Sự đa nghĩa/phương
Quan điểm trung tâm đa dạng và chuyển hoán đi ngược lại với quan điểm một trung tâm để hướng đến đa nghĩa về nhận thức luận. Thêm vào đó, sự khác biệt giữa người với người, những góc độ nhận thức chịu sự tác động của thời gian, của thái độ và tâm tính, của môi trường vật chất. Qua nguyên lý bất định mình, Werrner Heisenberg (1901-1976) đã kết luận rằng, tri thức của chúng ta về thế giới là bất định. Chúng ta không thẻ đồng thời nhận thức sự chính xác của vận tốc và vị trí của thực thể nguyên tử. Hơn nữa, theo nguyên tắc bất định, người quan sát thay đổi liên tục tâm tính khi quan sát và định lượng nguyên bản. Khám phá của Heisenberg đã thách thức phương pháp nghiên cứu khoa học, một mô hình được cho là người quan sát và thực thể hiện tượng không thay đổi. Trong một thế giới đổi thay liên tục, không chỉ người quan sát luôn thay đổi, những nhà nghiên cứu khác nhau sẽ quan sát cùng một hiện tượng sẽ có những kết luận khác nhau. Với Phật giáo, từ những cơ sở trong Hoa Nghiêm, Bát Nhã, ngài Di Lặc (270-350), Vô Trước (310-390) và Thế Thân (350-400) cùng những nhà luận sự khác đã từng lập luận rằng, thực thể mà chúng ta nhận thức và hiểu biết đơn thuần chỉ là sự biến đỏi của các phương diện khác nhau trong tiến trình nhân thức.
Sáng tạo đạo đức
Với những sự kiện không bình thường mà chúng ta không thể giải thích với mô hình nhận thức hiện tại, thường là chất xúc tác để đánh giá lại và cách mạng hoá tư tưởng của chúng ta. Trong cuốn sách nổi tiếng của Thomas S.Kuhn, Cấu trúc của những cuộc cách mạng khoa học, giải thích rằng, sự thay đổi trong nhận thức và sự đánh giá những cơ sở tương tự, đã tạo ra những con đường mới của tư duy về hiện tượng vật lý. Tương tự, sự phát triển của các học thuyết khoa học làm soi sáng sự thâm sâu của Đức Phật về pháp Duyên khởi. Việc tạo sinh vô tính con cừu Dolly vào năm 1996 đã khởi lên sự suy đoán về việc những đứa trẻ cũng sẽ được tạo ra bằng cách thức tương tự như thế; và đó là những cá thể có thể có khả năng phát triển sự sống với tư cách là một đời sống riêng rẽ, Những vấn đề như thế thôi thúc người con Phật xác định lại Phật pháp, để thích ứng với những thách thức hiện tại và tương lai, cùng những vấn đề then chốt khác.
Bởi vì thay đổi là bản tính của thực tại, nhưng vấn đề được đặt ra là: làm thế nào để điều chỉnh sự thay đổi và mở rộng tính sáng tạo trong đạo đức của chúng ta. Sự thay đổi nhấn mạnh đến ranh giới của những gì mà chúng ta đã từng xác định là quy phạm… Chẳng hạn, chúng ta không suy nghĩa về những vấn đề lạ lẫm và bất thuờng như khi một đứa trẻ được hình thành thông qua sự thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm. Chúng ta cũng chưa nghĩ về việc một đứa trẻ được hình thành trong cái đĩa cấy vi khuẩn có bị thiếu tính người hay không, ngay cả việc thụ tinh trong ống nghiệm cũng đi ngang qua phương pháp bình thường của việc tái sản xuất con người. Kỹ thuật y khoa đã mở rộng tầm nhận thức về đạo đức của chúng ta. Việc sinh sản Dolly và tính khả thi trong việc sinh sản vô tính ở con người, cũng như việc thu tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm, tạo nên một cơ hội cho việc mở rộng những khái niệm của chúng ta về nhân loại và lý luận về đạo đức.
Có thể hơn bất cứ một sự kiện nào mới đây, vụ 11 tháng 9 nhấn mạnh sự nguy hiểm của các hệ tư tưởng về một trung tâm. Bởi vì, từ thế kỷ thứ VII, Ki-tô giáo và Islam giáo đã xảy ra xung đột xung quanh Địa Trung Hải và những vùng lân cận, trong khi cả hai cũng chia sẻ một nguồn gốc chung và khát vọng song hành. Cả hai truyền thống đều nhấn mạnh đến một quan niệm chỉ có mình là người nhận lời mặc khải sau cùng của Thượng đế và buộc tội lẫn nhau là tà giáo (Lewis 2002, 410-420). Những nhà tư tưởng của thuyết độc thần có thể không sẵn lòng từ bỏ quan niệm trung tâm và thừa nhận những giá trị niềm tin của các truyền thống khác, thế nhưng có quá nhiều truyền thống tâm linh khác nhau thường thể hiện nguyên trạng trong những xã hội hiện đại. Những truyền thống tâm linh ấy có thể đòi hỏi sự hoàn hảo trong khuôn khổ hệ thống của họ, nhưng họ cũng không thể bỏ qua các hệ thống khác. Dường như, nhiệm vụ đầu tiên là giải thích làm thế nào để những ý thức hệ riêng rẽ có mối liên hệ lẫn nhau và thừa nhận những giá trị tương đồng của những truyền thống khác. Nhiệm vụ khác là khảo sát sự truyền bá văn hoá xuất hiện trong những cộng đồng, cũng như làm thế nào để thuyết phục được rằng những hệ thống khép kín sẽ dẫn đến sự hỗn loạn.
Quan điểm của Phật giáo về một thế giới tương quan, trong một khía cạnh nào đó, chúng ta đan quyện vào nhau không thể tách rời với những số phận của thế giới và tất cả loài người. Trong một thế giới tương quan, không một cá nhân, cộng đồng hay quan điểm nào yêu cầu những giá trị chân lý tuyệt đối đúng. Thế giới tương quan tán dương các quan điểm đua tranh, tôn trọng sự chuyển hoán giữa các trung tâm và chấp nhận mọi yếu tố khổ đau. Bằng việc thừa nhận niềm tin của người láng giềng, chúng ta trao niềm tin cho họ bằng nguồn tri thức của Phật giáo về một thế giới tương quan. Bằng việc nhìn xuyên qua và xoay chiếc kính vạn hoa cho những viễn cảnh đa phương, chúng ta có thể chia sẻ suy nghĩ của ý thức độc tôn cực đoan nhất, hay những tín đồ có tâm hồn rộng mở, cũng như những người không thuộc một truyền thống cụ thể nào.
Nhận xét và kết luận
Cảm ơn sự kiên nhẫn của quý vị. Những nhận xét của tôi vô cùng trừu tượng. Tôi không đả động đến những hàm ý thực tế của vấn đề đa trung tâm và đa nghĩa. Hệ vô tính, di truyền học cùng những khám phá mới và sự phát triển công nghệ, và những vấn đề liên quan đã thâm nhập vào ranh giới của trí tuệ và đạo đức của chúng ta, khi chúng ta nỗ lực thích nghi với những khám phá mới và những sự kiện chưa có tiền lệ. Trong lằn ranh giới hạn mơ hồ đó, chúng ta phải mở rộng lối tư duy đa chiều. Những ý niệm có thể thành công trong việc đối phó với những thách thức mới sẽ phát triển hưng thịnh, những ý tưởng không phù hợp phải được loại trừ. Nhiệm vụ cấp bách của người con Phật trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới là tìm kiếm nhận thức mới và hệ thống hoá những ứng dụng mới của Duyên khởi cho những nguồn tri thức khác nhau. Cho dù mục đích này là rất rõ ràng và đáng trân trọng, nhưng việc thực hiện không dễ dàng. Tư duy của chúng ta thường bị mắc kẹt trong những mô hình cổ điển.
Khi đối diện với một tình huống hoàn toàn mới, chúng ta luôn có xu hướng gắn chặt mình vào đối tượng, vào những hào quang của quá khứ. Chúng ta nhìn vào hiện tại thông qua sự phản chiếu từ đằng sau. Chúng ta đang thụt lùi về tương lai (McLuhan, 74-75). Sự hoán đổi trong nhận thức đạo đức và trí tuệ khai mở cho chúng ta tầm nhìn về sự khác biệt và xung khắc của thực tại, làm sung túc và dồi dào những tiềm năng. Trong một thế giới tương quan, chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm những phương pháp sáng tạo để thích nghi với những quan điểm khác nhau, được kết tinh trong lý Duyên khởi Phật giáo, giáo lý giới thiệu con đường nhận thức trong suốt tiến trình tư duy của con người.
Bằng việc thừa nhận niềm tin của người láng giềng, chúng ta trao niềm tin cho họ bằng nguồn tri thức của Phật giáo về một thế giới tương quan. Bằng việc nhìn xuyên qua và xoay chiếc kính vạn hoa cho những viễn cảnh đa phương, chúng ta có thể chia sẻ suy nghĩ của ý thức độc tôn cực đoan nhất, hay những tín đồ có tâm hồn rộng mở, cũng như những người không thuộc một truyền thống cụ thể nào.
Phát biểu của HT.Phra Videsdhammakavi tại diễn đàn Phật đản 2006, Bangkok, Thái Lan – GIA QUỐC dịch