Một vài thế kỷ sau khi Phật nhập Niết bàn, một cuộc tranh luận được đưa ra liên quan đến đời sống tình cảm của Đức Phật. Một nhóm chư Tăng tuyên bố rằng vì Đức Phật không có “ái” hoặc không có ý niệm về ái thủ (sanskrit: agara), Ngài không thể có những tình cảm như từ bi và tình thương. Một cuộc chiến diễn ra mạnh mẽ cho rằng cái thấy như vậy là một cái thấy thiển cận với ngụ ý nói rằng Đức Phật không có cảm giác, và điều này không có một bằng chứng nào cụ thề cả. Thật ra, điều này đã được giải thích, bàn bạc trong các kinh tạng Phật giáo chứng minh rằng Đức Phật có một lòng từ rộng lớn đối với tất cả chúng sanh. Hơn nữa, làm sao mà Đức Phật không có lòng từ bi trong khi những lời dạy của ngài lại đặt nặng về vấn đề rất quan trọng này?
Cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề là làm thế nào để chúng ta hiểu được từ Raga trong tiếng Ấn Độ. Chữ này thường được dịch là “đam mê”, chữ raga này cũng có chung một số vấn đề khi được dịch ra tiếng Anh từ tiếng Pali, một cổ ngữ thời Đức Phật. Nếu “đam mê” được hiểu là những cảm giác có từ những động lực rất mạnh, thì khi dẹp bỏ được đam mê, cũng có nghĩa là sẽ trở thành người bị đè nén tình cảm, không còn có thể yêu thương. Nếu sự đam mê này ám chỉ cho những động cơ đưa đến mong cầu tình dục, quyền lực và tiền bạc, thì một người không còn đam mê sẽ giải thoát ra khỏi tham vọng ràng buộc và đau khổ. Thay vì mà không có tình cảm, một người không còn “ái chấp” như thế sẽ dễ dàng thoát ra khỏi những cảm xúc mà nguyên nhân của nó bắt nguồn từ sự tham chấp.
Như thế thì đời sống tình cảm của một người không có những tham đắm thúc đẩy sẽ như thế nào? Vậy thì đời sống của họ có bị thu hẹp lại hay là được mở rộng ra?
Một trong những lời dạy hữu ích nhất của Đức Phật là nhắm vào lãnh vực của những tình cảm lành mạnh phát sanh ngoài vòng tham muốn, thù hận hay chủ nghĩa cá nhân. Ngài đã nhấn mạnh rằng thiền định có thể mang lại cho chúng ta sự hỷ lạc, hạnh phúc, thoát khỏi mọi chấp trước. Điều đó rất có lợi cho sự phát triển về đời sống tâm linh. Thêm vào đó, Đức Phật còn khuyến tấn những phát triển về niềm vui sướng, sự cảm thông, tính thiểu dục tri túc, sự thanh thản, an bình, sự hăng hái, niềm tin và sự cảm thông đối với mọi người và trên hết và quan trọng nhất là thể hiện lòng yêu thương của chúng ta bằng nhiều hình thức khác nhau. Tất cả những cái này phải được thấu hiểu và thực hành về cả hai lĩnh vực vật chất và tinh thần và khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Chúng cũng là những tình cảm giúp cho chúng ta có một đời sống tích cực và khuyến khích thái độ dấn thân đối với đới sống của mỗi cá nhân và của cộng đồng.
Những tình cảm hữu ích này rất dễ được phát triển khi tâm ta chưa bị vướng bận bởi những tình cảm có mầm móng từ tham ái và sân hận. Những tình cảm này thường hay bóp méo quan niệm của chúng ta về thế giới xung quanh. Tôi tin chắc rằng, hầu hết quý Phật tử hiểu được rằng đời sống của họ được thăng hoa khi họ giảm bớt những tham đắm của chính họ.
Trong tất cả những tình cảm hữu ích này được phát triển theo con đường Phật giáo thì lòng từ bi là quan trọng hơn cả. Nó làm cho đời sống tâm linh của người Phật tử được cắm rể sâu vào các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người và các sinh vật khác. Nó cũng giúp để tạo ra điều kiện nội tâm tốt nhất cho tâm hồn để tiến thằng vào Niết bàn, một mục đích tối hậu của lời Phật dạy.
Trái ngược với quan điểm trong quần chúng về “yêu đương” như là một tiến trình bí hiểm vượt quá sự kiểm soát của chúng ta, Đức Phật nhấn mạnh vào việc phát triển năng lực của từ tâm. Thông qua sự thực tập nội tâm, tình thương có thể trở thành một phần tử thường trực trong đời sống tình cảm của chúng ta. Bằng cách học hỏi để nhận ra được suối nguồn năng lương của lòng từ bi trong chính chúng ta, chúng ta có thể ban rải tình thương thích đang vào những trường hợp cụ thể. Bằng cách thực tập, lòng từ bi sẽ trở thành sức mạnh. Nó nâng đở cả về sự tự tin và tự lực cho chính mình.
Trong tiếng Anh, lâu nay danh từ “love” bị lạm dụng, bị xem thường, thương mại hóa, đa cảm hóa, làm cho nó trở thành vô nghĩa. Chúng ta nên nhận biết rằng từ love này trong tiếng Anh được dùng để chỉ một loạt những tình cảm khác nhau mà những nền văn hóa và ngôn ngữ khác đều sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để biểu đạt nó. Ví dụ như trong những lời dạy của Thiên Chúa giáo thỉnh thoảng dùng những từ gốc Hy Lạp như eros, phillia, và agape để phân biệt giữa tình yêu lãng mạn liên quan đến sắc dục, tình cảm dành cho bạn bè, và một tình thương bao la vị tha ban rải đồng đều cho tất cả mọi người.
Truyền thống Phật giáo khuyến khích mọi người phát triển bốn trạng thái khác nhau của tình thương, được gọi là bốn Phạm trú – Tứ Vô Lượng Tâm (Brahmaviharas): đó là từ (metta), bi (karuna), hỷ (mudita), và cuối cùng một tình cảm mà chúng ta không xếp đồng hạng với tình thương đó là xả (upekkha). Tất cả 4 tâm thái này đều thuộc về tình thương, gồm có cảm giác ấm áp, trìu mến, và có sự cảm thông đối với chính mình và với cả tha nhân.
Phật giáo dạy rằng một loạt những thái độ khác nhau có thể bị nhầm lẫn với tình thương. Một trong những tâm cảm này là sự ham muốn xác thịt. Một cái khác nữa là tình cảm được bám víu vào tham muốn và cần có sự đáp ứng của đối tượng. Đức Phật không bao giờ khuyến khích phát triển những thứ tình cảm này mà thật ra Ngài thường xem nó như một chướng ngại cho đời sống tâm linh. Tuy nhiên, nếu chúng ta chối bỏ những tình cảm này một cách nhanh chóng, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển tình thương yêu khi mà những tình cảm này là sự kết hợp giữa ham muốn và một tâm trong bốn loại tâm hữu ích đó. Một trong những niềm vui của sự thực tập đời sống tâm linh là học cách nào để phân biệt được đâu là tham lam vô ích và nhu cầu không cần thiết và đâu là một lòng nhân ái tiềm tàng, một tâm niệm vô ký, một tình thương vô điều kiện. Cần phải loại trừ đi lòng tham muốn, chứ đừng vứt bỏ tình thương. Loại trừ hủy bỏ cái lòng tham của mình là một việc rất khó làm, cho nên ta cần phải thực tập để phát triển một trong bốn Vô Lượng Tâm này, để cảm nhận được rằng bất cứ lúc nào tình thương cần được ban rải, lòng từ bi mầu nhiệm đó sẽ được tuôn trôi một cách tự nhiên từ trong chính tâm ta.
Đức Phật và các vị đệ tử của Ngài đã chứng quả thường được hay miêu tả là vì động lực của tình thương nhưng không bao giờ bị tình thương ràng buộc. Có lẽ, chúng ta có một sự thôi thúc bẩm sinh đối với thương yêu, nhưng không phải là phải được yêu thương mới có hạnh phúc và tự do. Thực tập về đời sống tâm linh giúp cho chúng ta loại trừ cái đòi hỏi của tình yêu, mà chỉ để tâm từ có thể phát triển và trở thành một động cơ lớn mạnh trong đời sống của chúng ta.
Người dịch: Tâm Hải
Nguồn: The Buddhist Translation Group