Nhiều quý vị đang băn khoăn trước hiện trạng PG, và mong muốn chùa Hoằng Pháp mở rộng đạo tràng ra các địa phương. Có người lại hụt hẫng khi nghe tin chùa Hoằng Pháp năm sau sẽ hạn chế số người tham dự khoá tu. Tôi xin có thiển ý như sau.
Chùa Hoằng Pháp cũng chỉ là một đơn vị độc lập, có diện tích và nhân sự giới hạn. Thế nhưng năm vừa rồi đã có khoảng 6000 người tham dự khoá tu, đông nhất là thanh thiếu niên, nên trở thành quá tải.
Tôi có mấy người cháu từ tỉnh xa về dự, cho biết không đủ chỗ đi vệ sinh, tắm rửa, phải chờ rất lâu. Và vì không đủ thầy cô quản lý nên trật tự không được ổn định cho lắm, nhiều em đã cãi nhau, mất cắp đồ dùng, tiền bạc. Không trách chùa được! Vì không lẽ Phật tử ở xa lỡ tới nơi mà chùa không cho họ vào, họ phải quay về hay sao? Chùa đành chấp nhận trong thế bị động như thế. Và người tham dự khoá tu không phải ai cũng là Phật tử đúng nghĩa.
Nhiều em thiếu niên ở nhà quậy phá, cha mẹ bèn nghĩ đem nó vô chùa cho “đỡ bệnh”, hy vọng Phật phù hộ nó được ngoan. Nhưng làm sao mà Phật phù hộ chỉ trong vài ngày nhanh như vậy? Thành ra, các em chưa quen nề nếp, ngồi vài buổi đã khó chịu, dĩ nhiên tiếp tục phá phách. Các vị giáo thọ làm sao quản lý cho xuể số lượng đông cỡ đó! Rút kinh nghiệm, năm sau chùa Hoằng Pháp đòi hỏi người nào muốn tham dự phải đăng ký trước, cứ đủ số là chùa “khoá sổ”, để bảo đảm cơ sở vật chất và chất lượng tu học.
Thế thì, còn lại cả triệu con người trong cả nước này muốn tu học như vậy, không lẽ thất vọng? Tại sao chúng ta không nhân rộng mô hình của chùa Hoằng Pháp ra khắp nơi? Mỗi tỉnh đều có thể chọn một chùa có cơ sở tốt nhất, và chư tăng hội tụ về đó lập đề án tổ chức, quản lý, thực hiện. Phật tử cũng không cần đi xa, tốn kém thời gian, tiền xe, sức khoẻ.
Tôi đi nhiều tỉnh, thấy rõ rằng mỗi tỉnh đều có những tự viện rất lớn, có thể chứa 300-500-1000 người, nhưng chưa biết cách khai thác công năng. Và cũng có rất nhiều tăng ni trẻ đầy năng lực, muốn về quê phục vụ, nhưng chưa có mô hình nào cho quý vị ấy hoạt động. Chỉ cần Tỉnh Hội thực hiện mô hình này, mỗi tháng tu 7 ngày, Phật tử các huyện, thị sẽ luân phiên đăng ký. Có tu, có học, tự nhiên sẽ có người cúng dường phẩm vật để bảo đảm đạo tràng sinh hoạt, niềm tin ấy là chắc chắn.
Thậm chí, mỗi huyện cũng có thể mở đạo tràng, không khó lắm. Huyện nào cũng có chùa lớn, chứa 200-500 người, đủ cho dân các xã hội tụ. Cứ 2 tháng tổ chức tu 7 ngày là vừa sức quản lý.
Nhiều chùa hiện nay đang cố gắng mở các khoá tu Bát Quan Trai, hoặc các lớp giáo lý cho thanh thiếu niên, đó cũng là một hình thức tu học đều đặn hằng tuần, hằng tháng, không cứ gì phải đợi đến khoá tu ở chùa Hoằng Pháp.
Vấn đề là chúng ta không biết cách quảng bá cho chùa nhỏ, khiến người ta nhìn vào chỉ thấy chùa Hoằng Pháp “hoành tráng” mà thôi. Nói thật mất lòng, nhiều vị lãnh đạo ở Tỉnh Hội quanh năm chưa hề đi xuống xã coi chùa nhỏ hoạt động ra sao, để từ đó khen tặng hay hỗ trợ vật chất, cứ để chùa nhỏ âm thầm bươn chải cùng công tác hoằng pháp.
Nào lo mời giảng sư, nào lo chỗ ngồi học, ngồi tụng kinh, nào lo cơm gạo phục vụ, nào lo điện nước v.v… Ví thử nửa năm một lần, ban lãnh đạo Tỉnh Hội trống cờ rình rang xuống tận xã, tận chùa, bà con Phật tử sẽ nhộn nhịp vui mừng biết mấy! Họ sẽ xem đó là lễ hội, được tận mắt trông thấy các đại lão Hoà thượng, Thượng toạ, được xúc động khi đạo tràng của mình có sự quan tâm, chăm sóc. Rồi chụp ảnh, quay phim, giới thiệu trên báo… đều là những yếu tố quảng bá không thua gì chùa Hoằng Pháp.
Như vậy ai còn muốn đi xa chi nữa, cứ tu cứ học tại địa phương là được rồi! Chúng ta sẽ có hàng trăm, hàng ngàn vệ tinh theo kiểu ấy, dĩ nhiên là rộng lớn hơn một diện tích giới hạn của một chùa Hoằng Pháp.
Thật sự, các địa phương hiện nay rất thụ động trong công tác hoằng pháp, không tổ chức được những mô hình thiết thực. Cho nên Phật tử mới phải “vọng ngoại”, khăn gói vượt cả trăm cây số, thậm chí tận miền Bắc xa xôi, vào TPHCM tu học.
Hy vọng Tỉnh Hội các nơi thử nghiệm mô hình này. Và các tờ báo PG, các trang web PG cũng góp phần quảng bá để thông tin rộng rãi đến Phật tử.