Trang chủ Diễn đàn Chuyện ở Suối Giải Oan: Hài hước?

Chuyện ở Suối Giải Oan: Hài hước?

76

Mấy hôm nay, trang web Phattuvietnam.net nóng lên vì sự kiện suối Giải Oan, Yên Tử bị xâm hại bằng các công trình xây dựng mới, “phản cảm”, “phá hoại cảnh quan”…

Ý kiến của Họa sĩ – Kiến trúc sư Lý Trực Dũng, do Phattuvietnam.net đăng lại từ báo Nông thôn ngày nay rất đáng chú ý: “Thật hài hước nếu ở đâu đó cơi nới nửa tầng nhà hay nhô ra cái ban công, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng lập biên bản và nếu không làm đúng quy định có thể sẽ bị đập bỏ, còn ở đây, công trình sai phạm bề thế mọc lên mà các cơ quan chức năng lại không biết?!” (người trích dẫn nhấn mạnh từ “hài hước”).

Điều hài hước trước tiên, như Họa sĩ – Kiến trúc sư Lý Trực Dũng nhận xét: “sai phạm bề thế”, thế mà “các cơ quan chức năng lại không biết”.

Cơ quan chức năng có thể không biết thật.

Song điều chắc chắn là Suối Giải Oan không phải nằm ở khu đất hoang. Ở đó phải có đơn vị hay cá nhân trực tiếp quản lý. Chùa chiền cũng không xa nơi đó. Cơ quan chức năng không biết thì thông báo cho họ biết. Nếu cơ quan chức năng cố ý không biết thì báo lên cấp trên hay cấp trên nữa. Công trình như thế chắc chắn không phải xây dựng trong vài ngày, một tuần, hai tuần.

Đàng này, làm như không ai biết cả. Phải chăng là một chuyện hài?

Đùng một cái, bất thình lình mọi người đồng loạt la lên. Hàng loạt bài đăng báo, và loan tải trên mạng. Xem ảnh thì đã là một tòa đình bề thế, hoành tráng, hoàn thiện, đã xây dựng tự bao giờ, cờ phướn phất phới dường như là có phép mầu xảy ra.

Còn trước đó, thì tuyệt nhiên như không có gì. Một vài bức ảnh hay thông tin gửi về Phattuvietnam.net chẳng hạn, thì không lẽ không có tác dụng nhất định.

Rồi hài hước ngay trong sự kiện: Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đổ tiền vào tòa đình đó để làm gì? Những dãy nhà không vách, khung bê tông, mái ngói trên đường từ chùa Giải Oan xuống suối, còn gọi là “kiốt” mà ảnh trong bài Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm: Khai tử Suối Giải Oan, Yên Tử cho thấy có thể dùng làm nơi cho thuê quán xá để kinh doanh, mua bán. Còn tòa đình và chiếc cầu bê tông bề thế vắt qua con suối để làm gì? Sân khấu biểu diễn? Xem ra nó chẳng giống một công trình dùng làm sân khấu chút nào, vì không có không gian dành cho khán giả, dù rằng biểu diễn trên đó thì vẫn được chứ chẳng sao.

Có thể có những chuyện gì đó mà chúng ta không biết rõ, chứ liều lĩnh vi phạm để cố xây một công trình như thế giữa chiếc cầu qua lại, rồi oằn lưng hứng chịu búa rìu dư luận, thì quả thật, chuyện hài!

Rồi hài hước cả trong việc bàn tính xử lý. Đập bỏ một công trình như vậy, vận chuyển gạch vụn, xi măng vụn ra khỏi cảnh quan, vận chuyển đất đá lên, lắp lại chỗ đào xới, trồng lại cây xanh…, chừng ấy công việc để phục hồi nguyên trạng cũng có thể tốn kém đến mức xấp xỉ phí tổn bỏ ra để xây dựng chiếc cầu và tòa đình. Chứ đập nát ra rồi bỏ đó, như những bãi đất đá xây nhà không phép bị cưỡng chế, thì còn kinh khủng hơn.

Còn công trình thì cứ tồn tại trên dòng suối, cũng một cách hài hước. Có thể chủ quan ở đây, nhưng xem đi xem lại kỹ các bức ảnh, có lẽ tòa đình hai tầng mái cong và chiếc cầu nhiều cột gợi dáng cầu Thê Húc, Hồ Gươm (Hà Nội) không hẳn là đã xấu. Chỉ là chỗ đặt nó không phù hợp. Và để xây dựng nó, người ta đã phải biến đổi diện mạo di tích bằng cách đào khoét. Rồi sự tồn tại chính nó lại biến đổi diện mạo của di tích một lần nữa, thành ra nó phải chịu tội.

Cái hài hước còn nằm ở chỗ nó “hao hao cầu Thê Húc ở Hồ Gươm”. Nhưng cầu Thê Húc nhỏ hơn nằm giữa Hồ Gươm rộng lớn, soi bóng mây trời. Còn cầu ở đây có vẻ đồ sộ hơn nhưng bắc qua một vùng nước, hồ không ra hồ, suối không ra suối, ao cũng chẳng phải ao…

Bây giờ, phải chăng, cũng hài hước, khi cứ ngồi quanh chiếc cầu đi bộ đồ sộ và tòa đình 8 mái xuất hiện “bất ngờ” đó để… bình luận?