Phóng viên (P.V): Bạch thượng toạ, TT có thể sơ qua về diện mạo của Phật giáo Hải Dương năm 2009?
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Tiếp tục phát huy những thành tựu của năm trước, năm 2009, tỉnh hội Phật giáo Hải Dương đã triển khai nhiều công tác Phật sự và đạt được những thành quả tốt đẹp. Qua đây đã tạo được uy tín, niềm tin đối với Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài tỉnh cũng như đông đảo quần chúng nhân dân.
Sự thành tựu các Phật sự của tỉnh hội chính là sự nỗ lực, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao độ của từng thành viên Ban thường Trực, Ban Đại diện Phật giáo cùng Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà đã tích cực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao từ phạm vi xây dựng, củng cố cơ sở tỉnh hội, địa phương cho đến hoạt động chuyên ngành như Ban Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Nghi lễ, Văn hóa, Từ thiện xã hội, Phật giáo quốc tế
Thực hiện Nghị quyết Đại hội và chương trình hoạt động Phật sự 5 năm nhiệm kỳ VI của tỉnh hội Phật giáo Hải Dương, từ đầu năm 2009, TT BTS tỉnh hội đã ra Quyết định chuẩn y nhân sự các tiểu Ban, ngành và bộ phận giúp việc BTS trên cơ sở thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo. Tỉnh hội cũng tạo điều kiện cho các vị Tăng Ni trong tỉnh tham dự các khoá học bồi dưỡng sự nghiệp hành chính đạo, các hoạt động Phật sự của Tỉnh hội luôn được đổi mới cả về nội dung và hình thức, giúp cho việc điều hành tổ chức Phật sự được nhanh gọn và có hiệu quả.
Bằng sự vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh, Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương đã bám sát các mặt công tác từ Trung ương đến địa phương, với những thành quả nổi bật.Trong các mặt hoạt động, tất cả thành viên của tỉnh hội luôn luôn thể hiện tinh thần Tốt đạo – Đẹp đời, gắn với phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
PV: Thượng toạ có thể nói cụ thể hơn về những thành tựu mà Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương đã đạt được qua các mặt hoạt động?
TT. Thích Thanh Vân: Vâng, cụ thể trong năm qua hoạt động của BTS tỉnh hội đã đạt được những thành tựu đáng kể. Về vấn đề này BTS tỉnh hội sẽ cung cấp bản báo cáo tổng kết công tác Phật sự xã hội của tỉnh hội Phật giáo Hải Dương năm 2009. Những thành tựu đạt được cũng do cơ sở Văn phòng của Ban Trị sự Tỉnh hội với các trang thiết bị phục vụ công tác hành chính văn phòng được trang bị tương đối đầy đủ, tiện nghi đã giúp cho các hoạt động của Ban Trị sự được nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu công tác tại địa phương. Các văn bản hành chính của Giáo hội và BTS nhanh chóng được phổ cập đến Tăng Ni Phật tử vùng xa nên các hoạt động Phật sự cũng sớm được hoàn thiện theo yêu cầu.
P.V: Được biết đầu năm 2009, Nhân dịp kỷ niệm 675 năm ngày viên tịch của đệ Tam thánh tổ Huyền Quang, vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm Yên tử. BTS đã tổ chức thành công hội thảo về sự nghiệp thân thế của Ngài?
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Vâng, đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống, sinh hoạt tôn giáo của Tăng Ni Phật tử Hải Dương. Hải Dương chúng tôi tự hào được sở hữu 2 khu thánh tích quan trọng cấp quốc gia (Thanh Mai, Côn Sơn) nơi gắn liền với Tam Tổ Trúc Lâm, cụ thể là 2 vị Tổ Pháp Loa và Huyền Quang. Chúng tôi nghĩ rằng, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của giới tăng ni, phật tử trong tỉnh mà còn là niềm tự hào chung của mọi người dân Hải Dương. Đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh tốt đẹp của quê hương Hải Dương Dương đến với sâu rộng quần chúng nhân dân và đồng bào cả nước.
Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội tổ chức thành công Hội thảo khoa học về thân thế sự nghiệp của Ngài tại chùa Côn Sơn. Có hơn đông đảo đại biểu tham dự, với nhiều bài tham luận có giá trị của Tăng Ni trong tỉnh, có 09 bài tham luận được trình bày tại Hội thảo. Sang năm 2010 chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động kỷ niệm 680 ngày viên tịch của Tổ đệ nhị Pháp Loa tại chùa Thanh Mai để tiếp tục tôn vinh tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm.
P.V: XinThượng tọa cho biết, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hải Dương đã có những hoạt động gì để góp phần xây dựng quê hương Hải Dương và các hoạt động phong trào, các tổ chức xã hội có được Tăng Ni Phật tử Hải Dương nhiệt tình tham gia.
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dường Chư Phật, đồng thời, để phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, trong 6 tháng đầu năm, Tăng Ni Phật tử Hải Dương đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng….
Cụ thể hóa tinh thần và ý nghĩa thiết thực ấy, Ban Trị sự tỉnh hội cùng với Tăng Ni và Phật tử đã tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, cứu trợ đồng bào lũ lụt .v.v…;
Đặc biệt, năm 2009 diễn ra đại hội MTTQVN tỉnh Hải Dương, tỉnh hội đã hiệp thương giới thiệu 2 vị tham gia MBMTTQVN tỉnh Hải Dương khoá 14 ( 2009 – 2014). Các Ban đại diện có các thành viên là uỷ viên MBMTTQ cấp huyện, xã và các phong trào khác như Chữ Thập đỏ, hội Phụ Nữ.
Đầu tháng 12/2009, Nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trong các chức sắc Tôn giáo. Được sự đồng ý của Ban tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh Hải Dương, Vụ pháp chế – thanh tra Ban tôn giáo Chính phủ, Sở nội vụ – Ban tôn giáo tỉnh Hải Dương phối hợp với BTS Phật giáo 2 tỉnh Hưng Yên – Hải Dương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Pháp luật cho Tăng Ni tỉnh hội Phật giáo 2 tỉnh.
P.V: Được biết trong năm qua, Ban trị sự Phật giáo tỉnh phối hợp với Ban đại diện Phật giáo các huyện, thành phố, tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhằm nâng cao chất lượng an sinh xã hội. Xin Thượng tọa cho biết rõ hơn về hoạt động này?
Thượng tọa Thích Thanh Vân: Phật giáo Việt Nam luôn hoà mình cùng với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đạo Phật luôn mong muốn được san sẻ tình thương, mong muốn mọi người đều được an bình trong đời sống vật chất cũng như tâm linh. Phát huy truyền thống tốt đẹp của đạo Phật, những năm qua giới tăng ni, phật tử Hải Dương đã vận dụng sáng tạo giáo lý từ bi của đạo Phật, phục vụ đời sống nhân sinh.
Thể hiện lòng từ bi của người con Phật, tình đồng bào dân tộc, Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh đã nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, mua công trái xây dựng tổ quốc, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đoàn kết, tặng xe lăn, khoan cây giếng, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, xe đạp tình thương, ủng hộ Quỹ Bảo thọ…. Tính đến nay, Tăng Ni Phật tử Hải Dương đã thực hiện được trên 300 triệu đồng. Cụ thể như:
Ban Đại diện Phật giáo huyện Tứ Kỳ 185.000.000đ ( Đại đức Thích Thanh Cường: 165 triệu, Tăng Ni huyện ủng hộ 20 triệu)
Ban Đại diện Phật giáo huyện Gia Lộc 25.000.000đ cùng 30 phần quà nhân dịp 27/7
Ban Đại diện Phật giáo huyện Chí Linh: ( chùa Côn Sơn: 35 triệu, chùa Hộ Quốc: 15 triệu)
Chùa Thanh Mai: 3.000.000đ cùng với 8 phần quà trị giá mỗi phần 300.000đ, chùa Bụt Dẫm: 4.000.000đ
Ban Đại diện Phật giáo TP Hải Dương 50.000.000 ( chùa Đống Cao: 25 triệu)
Ban Đại diện Phật giáo Bình Giang: 15.500.000đ
Ban Đại diện Phật giáo huyên Nam Sách: 5.000.000đ
Ban Đại diện Phật giáo huyên Thanh Hà: 4.500.000đ
Ban Đại diện Phật giáo huyên Kinh Môn: 40.550.000đ
Ban đại diện Phật giáo huyện Ninh Giang: 26.000.000đ
Ngoài ra, còn có các Tăng Ni trong tỉnh cũng tích cực tham gia các phong trào tại địa phương với số tiền từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Đặc biệt trong mùa an cư kết hạ năm nay, hoạt động truyền thông hiến máu nhân đạo, phát tờ rơi, tư vấn sức khỏe, được Ban Từ thiện Ban Trị sự tỉnh hội phối hợp với Ban chức sự Hạ trường tổ đình Đống Cao triển khai có kết quả được Tăng Ni, Phật tử các đạo tràng tích cực hưởng ứng.
P.V: Bạch thượng toạ, những hoạt động này có tác động đến an sinh xã hội không?
Thượng toạ Thích Thanh Vân: Bằng cách tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, các chùa đã thu hút được đông đảo Phật tử tham gia, qua đó góp phần bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan, tà đạo. Bên cạnh đó, Tỉnh hội cũng rất tích cực trong công tác tuyên truyền vận động Phật tử tham gia vào công tác phòng chống tệ nạn xã hội, giúp đỡ những người lầm đường lạc lối quay trở về chính đạo.
Tỉnh hội nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung luôn nêu cao khẩu hiệu sống chính tín, phát huy chính tín, thường xuyên nhắc nhở tăng ni Phật tử phải sống theo pháp luật, nhận rõ đúng sai, vì an lạc hạnh phúc của loài người.
P.V: Bên cạnh những thành tựu đó, tỉnh hội Phật giáo Hải Dương có những gì khó khăn thưa thượng toạ?
Thượng toạ Thích Thanh Vân: Bên cạnh những ưu điểm đã đề cập, trong quá trình hoạt động vẫn còn những mặt hạn chế, khó khăn, tồn đọng và khuyết điểm. Nhiều chương trình hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội được đề ra từ đầu nhiệm kỳ, nhưng kết quả thực hiện đến nay còn hạn chế do cơ sở vật chất và tài chính còn khó khăn.
Đặc biệt là vấn đề xây dựng trụ sở tỉnh hội. Chùa Đông Thuần – Trụ sở BTS tỉnh hội đã và đang tiếp tục được xây dưng với quy mô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử trong toàn tỉnh. Tổng giá trị dự toán của công trình lên đến hàng chục tỷ đồng. Hiện công trình đã đi vào hoàn thiện giai đoạn 1 (tạm đưa vào sử dụng trong dịp an cư kết hạ năm 2009 của Tăng Ni hạ trường cơ sở 1) và tiếp tục giai đoạn 2. Thế nhưng kinh phí xây dựng còn hạn hẹp nên tỉnh hội và Ni trưởng trụ trì đang phải cố gắng từng bước để công trình sớm đi vào sử dụng.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!