Hôm qua 23-12 NTNN nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, văn nghệ sĩ về vụ “Suối Giải Oan bị khai tử” bày tỏ mong muốn sớm trả lại cảnh quan cũ cho khu vực.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (tác giả ca khúc “Trên đỉnh phù vân”):
Xây dựng phải có cái nhìn văn hoá
Việc xây dựng các công trình để phát triển du lịch, nhằm mục đích khai thác giá trị các di sản, di tích không còn là lạ. Nhưng xây dựng mà không có cái nhìn văn hoá, không có kiến thức thì sẽ làm hỏng môi trường, phá vỡ cảnh quan, gây hại đến di tích. Làm hài hoà với thiên nhiên sẽ tạo ra cảnh quan đẹp, nếu không sẽ khiến người ta thấy phản cảm. Cảnh quan thiên nhiên ở khu vực Yên Tử là nơi nuôi giữ bao nhiêu cảm hứng, cảm xúc cho các tác phẩm nghệ thuật và cho cộng đồng. Với những sự việc như “khai tử” Suối Giải Oan mà báo NTNN phản ánh, các cơ quan quản lý địa phương và ở các cấp cần có sự vào cuộc xem xét và xử lý kiên quyết.
Nhà văn Bùi Anh Tấn (tác giả tiểu thuyết “Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng”):
Công trình đó là một sự xúc phạm!
Lâu nay chúng ta đã nghe và biết nhiều về việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng tại các khu vực di tích, di sản, nhưng lại trở thành làm mới, làm hỏng, gây ảnh hưởng lâu dài đến di tích, văn hoá và cả đời sống tinh thần của cộng đồng. Việc xây dựng công trình bề thế trên suối Giải Oan gây tác động xấu, làm mất đi nét đẹp văn hoá vốn có.
Năm ngoái chúng ta vừa tổ chức đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày Đức Phật hoàng nhập Niết bàn, vừa qua chúng ta tiếp tục kỷ niệm 701 năm, đồng thời lại đang chuẩn bị xây dựng tượng Phật hoàng trên Yên Tử. Chúng ta đang kêu gọi giữ gìn văn hoá truyền thống, tôn vinh tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm. Các di sản liên quan đến hành trạng, sự nghiệp của ngài cần được giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng.
Hành động xây lầu bê tông không chỉ làm hỏng cảnh quan thiên nhiên, xâm phạm khu thắng tích mà còn xúc phạm đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, đi ngược lại tất cả những gì mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ, trân trọng.
TS Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo:
Sai về mọi mặt
Công trình xây dựng của Công ty Tùng Lâm, theo tôi là sai về mọi mặt. Đây là khu di tích quôc gia, không thể ai muốn làm gì thì làm! Cần sớm hoàn trả lại không gian thiên nhiên cho khu vực suối Giải Oan. Con suối này đã từâng bị xâm phạm, ảnh hưởng do việc lắp cáp treo trước đây.
Trong việc này, UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL Quảng Ninh, thị xã Uông Bí… cần có cuộc họp để kiểm điểm một cách nghiêm túc. Tôi cũng xin cảnh báo: Không thể hợp thức hoá sự tồn tại của công trình. Đã vi phạm như thế thì không thể đưa ra vấn đề đã trót đầu tư công sức, tiền của… để hợp thức hoá nó. Nếu ai cũng nhiệt tình đầu tư nhưng thiếu hiểu biết thì nghiễm nhiên chúng ta chấp nhận cứ bỏ tiền, cứ đầu tư là công trình được tồn tại, dù sai phạm.
Hoạ sĩ – Kiến trúc sư Lý Trực Dũng:
Cơ quan chức năng ở đâu?
Một nguyên tắc cơ bản của xây dựng trong thiên nhiên là phải nương vào cảnh quan, nâng cao giá trị thiên nhiên nơi đó lên. Công trình ở khu vực Suối Giải Oan rất bề thế, tốn kém. Thật hài hước nếu ở đâu đó cơi nới nửa tầng nhà hay nhô ra cái ban công, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng có mặt lập biên bản và nếu không làm đúng quy định có thể sẽ bị đập bỏ, còn ở đây, công trình sai phạm bề thế mọc lên mà các cơ quan chức năng lại không biết?!
Trong khi chúng ta đang kêu gọi tôn vinh văn hoá nghệ thuậtá, tín ngưỡng, tôn giáo thì có những đơn vị lợi dụng danh nghĩa đó để làm tiền. Để xây dựng sai phạm như thế, Sở VH-TT&DL phải chịu trách nhiệm trước tỉnh, thậm chí cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và giới chuyên gia, khoa học.