Lội vào đâu để thanh tịnh?
Theo tìm hiểu của NTNN, hiện Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm đang hoàn thành một số thủ tục về việc xây dựng các công trình ở khu vực suối Giải Oan để xin ý kiến của tỉnh Quảng Ninh và báo cáo với Bộ VH-TT&DL!
Những năm gần đây, Công ty Tùng Lâm đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu thắng tích Yên Tử như nhà ga cáp treo, đường đi lối lại… phục vụ cho việc hành hương, thăm thú của phật tử, du khách. Những thành quả này của công ty là là đáng ghi nhận, nhưng rõ ràng, không thể lấy ưu thế, vai trò là đơn vị xây dựng, phát triển khu vực này, mà tự ý xây dựng hoặc can thiệp thô bạo vào cảnh quan, môi sinh, nhất là với những không gian mang đậm ý nghĩa văn hoá, tâm linh, tín ngưỡng. Chứng kiến thực trạng “bê tông hoá” ở suối Giải Oan, Đại đức Khai Bi – Chánh văn phòng Ban tôn tạo di tích Yên Tử tiếc nuối: “Suối Giải Oan là nơi người dân vẫn lội qua với tâm niệm sẽ giải toả những phiền muộn, lỗi lầm và tâm hồn được thanh thản. Nay phong tục và những hình ảnh đẹp này cơ chừng khó có thể tái hiện…” Về dãy khung bê tông mái ngói đỏ như một dãy kiốt hai bên đường gạch kiên cố từ suối lên chùa, Đại đức khai Bi cảm nhận, trước đi vào chùa có cảm giác thanh thản, nay thì ngột ngạt như đường phố…
Đừng “bê tông hoá” di sản!
Như vậy, công trình lầu và cầu trên suối Giải Oan cùng hồ khoét rộng từ lòng suối trông rất phản cảm hiện nay có thể sẽ đứng trước một số chọn lựa: Hoặc tháo dỡ để phục hồi lại cảnh quan cũ, hoặc giữ lại với một số điều chỉnh, hoặc sẽ để nguyên… Hy vọng các cấp chức năng, đặc biệt là Cục Di sản văn hoá, Bộ VHTT&DL sẽ có hướng chỉ đạo và những xử lý nhằm đảo bảo giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ ý nghĩa thiêng liêng của huyền thoại suối Giải Oan trong quần thể khu thắng tích Yên Tử.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Quảng Thuyết – đại diện Báo điện tử phattuvietnam.net tại Hải Dương, người đã có thời gian dài tu tập tại Yên Tử bức xúc: “Tôi đã về nhìn công trình bề thế đó và xót xa vì nó làm hỏng cảnh quan. Ngày xưa lên chùa phải băng suối để vào, bây giờ nhìn có cảm giác rất khó chịu!” Theo ý kiến của Đại đức, nên dũng cảm đập bỏ công trình lầu và cầu bê tông, lấp lại hồ nước đã khoét rộng và sửa sang bằng cách trồng cây cho màu xanh trở lại, che dần đi những dấu vết đào xới và thi công. Đại đức Thích Quảng Thuyết nhấn mạnh: “Nếu biến nơi đây thành chỗ trình diễn thì thật là không ổn!”.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khu thắng tích Yên Tử, đang xuất hiện nhiều dấu ấn “nhân tạo”. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Nhưng một trong những quan điểm rất đáng lưu ý mà GS. Trần Lâm Biền đưa ra là bảo tồn di sản cần dựa trên nền tảng tinh thần Phật giáo trí thức là hoà nhập với thiên nhiên, vũ trụ. (Theo Nông thôn ngày nay)