Ứng Cúng có nghĩa là người đáng thọ lãnh vật cúng dường của người tại gia. Vì khi một bậc trong sạch như vậy thọ lãnh vật cúng dường, người thí chủ sẽ được nhiều phước báu, được sự an vui và hạnh phúc trong đời này cũng như trong đời sau. Chỉ có bậc đắc quả A-La-Hán mới đáng thọ lãnh vật cúng dường vì các Ngài không còn Tham Sân Si trong nội tâm. A-La-Hán cũng có nghĩa là đã diệt trừ điều ác hay kẻ thù. Kẻ thù đây là phiền não hay Tham Sân Si chồng chất trong lòng của mọi chúng sanh.
Muốn biết rõ ý nghĩa của từ A-La-Hán, chúng ta cần biết sơ qua bốn bậc được đắc đạo quả trong giáo lý của Đức Phật. Những bậc này là Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả, hay Tu-Đà-Hườn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm và A-La-Hán. Họ cũng được gọi là Ariya, nghĩa là thánh nhân. Gọi là thánh nhân vì các Ngài đã thấy rõ giáo lý của Đức Phật và tâm không còn thối chuyển trên con đường giải thoát. Họ đã chứng nghiệm được Tam tướng của vạn vật gọi là Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã, hay Tứ Diệu Đế. Đức Phật gọi bốn bậc đắc đạo quả trên là đệ tử của Ngài.
Bốn bậc thánh được đắc đạo quả do nhờ thực hành Minh Sát Tuệ (Vipassana). Nếu không có Tuệ Minh Sát sẽ không bao giờ đắc được đạo quả. Để đạt được đạo quả của Đức Phật, cần phải có đường lối đi và phương pháp thực hành. Đường lối đi là Bát Chánh Đạo, phương pháp thực hành là Tứ Niệm Xứ.
Tâm đắc quả là tâm gặt hái được pháp cao thượng. Giây phút đầu tiên khi tâm kinh nghiệm được đạo quả gọi là Maggacitta hay Đạo tâm. Chỉ trong một giây phút, người ấy bước vào dòng thánh, và đạo tâm ấy không bao giờ trở lại với người ấy nữa. Kế đó là quả của Huệ tâm liên tục phát sanh đến người đó. Nếu hành giả kinh nghiệm như vậy lần đầu tiên thì gọi là đắc đạo quả Tu-Đà-Hườn.
Nếu muốn tiến nữa trên con đường đạo, người đó phải tiếp tục tu hành. Người đó lại bắt đầu từ Tứ Niệm Xứ và Bát Chánh Đạo. Sau khi thực hành một thời gian, khi có trí tuệ đầy đủ và duyên lành, người ấy sẽ kinh nghiệm đạo tâm lần thứ nhì. Cũng trong một giây phút thôi rồi Đạo tâm diệt mất, tiếp liền là Quả tâm. Đây là bậc Tư-Đà-Hàm.
Khi vị này muốn thực hành đến đạo quả cao hơn thì cũng phải thực hành Tứ Niệm Xứ và Bát Chánh Đạo như trên. Khi duyên lành đầy đủ, vị này đắc đạo quả thứ ba gọi là A-Na-Hàm quả. Cũng vậy, nếu tinh tấn tu hành nữa thì vị này sẽ đắc A-La-Hán quả. Đây là công phu cuối cùng của một bậc thánh nhân. Đến đây các Ngài không còn hành trì công phu gì nữa vì phiền não đã hết sạch trong tâm. Như vậy, chúng ta hiểu đạo quả theo thứ tự và biết được danh từ A-La-Hán mà trong kinh sách thường đề cập.
Khi thấy đạo trong một giây phút, đó gọi là Đạo tâm hay tâm kinh nghiệm Niết-Bàn. Niết-Bàn thật ra không phải là xứ sở, cũng không phải là nơi có thể dùng những phương tiện vật chất mà đến đó được. Hành trình đây là hành trình của tâm. Chúng ta thực hành trong Danh Sắc thì phải kinh nghiệm qua Danh Sắc. Ý nghĩa thật sự của Niết-Bàn rất khó hiểu. Chỉ trừ khi hành giả có duyên lành kinh nghiệm qua, rồi mới biết được vị của Niết-Bàn.
Pháp học có giảng giải để chúng ta biết được bề ngoài của Niết-Bàn. Nhưng cũng như muốn biết rõ hương vị trái xoài, ta phải ăn xoài. Còn nếu ta chỉ nhìn hay nghe người khác tả lại thì chỉ tưởng tượng thôi mà không biết hương vị thật sự của trái xoài. Niết-Bàn cũng vậy. Muốn biết Niết-Bàn ta phải thực hành và khi kinh nghiệm qua, ta mới biết được vị của Niết-Bàn.
Đạo tâm có năng lực diệt trừ phiền não. Bậc Sơ Quả khi qua kinh nghiệm đạo tâm, đắc được 3 pháp. Một là người đó không còn chấp linh hồn hay có cái ta tồn tại mãi mãi, biết rõ trong con người có thân và tâm. Hai là hết hoài nghi trong Tam-Bảo, hiểu rõ Phật, Pháp, Tăng. Ba là không còn giới cấm thủ, và người đó chỉ tin tưởng vào nhân quả, trì giới, bố thí, tham thiền, mà không còn mê tín dị đoan.
Bậc Nhị Quả, ngoài 3 pháp trên, còn giảm bớt tham ái và sân hận. Quả thứ nhì có khả năng làm Tham và Sân yếu đi. Vị này vẫn còn 2 pháp chướng ngại đó (2 kiết sử), chúng chỉ yếu đi thôi. Đến bậc Tam Quả, A-Na-Hàm, người đó diệt hẳn tham dục và sân hận. Người ấy không còn tham ái trong cõi Dục Giới này, nghĩa là không còn dính mắc ở Sắc tốt, Thinh hay, Hương thơm, Vị ngon, Thân xúc nữa. Bậc A-Na-Hàm chỉ còn dính mắc ở cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Chỉ đến đạo tâm thứ tư, người ấy mới diệt phiền não hoàn toàn và chứng ngộ được đạo quả A-La-Hán. Khi đắc quả A-La-Hán, các vị ấy không còn dính mắc ở cõi người cũng như cõi trời Dục giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới, chẳng khác gì như ngọn đèn tắt vậy.
Bậc Sơ quả hay Tu-Đà-Hườn (Nhập Lưu) diệt 3 sợi dây chướng ngại và không đi vào 4 đường ác đạo (a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh). Người ấy chỉ sanh vào cõi người hoặc cõi trời, và luân hồi nhiều nhất là bảy kiếp. Bậc Nhị quả hay Tư-Đà-Hàm (Nhất Lai) chỉ còn trở lại thế gian này một kiếp thôi vì tâm vị này đã giảm tham ái và sân hận. Sau đó vị này sẽ đắc A-Na-Hàm hay A-La-Hán nên sẽ tái sanh lên cõi trên và không còn trở lại cõi người nữa. Bậc A-Na-Hàm (Bất Lai) chỉ sanh về cõi Phạm Thiên cho tới ngày đắc A-La-Hán quả.
Trong bốn đạo quả, ba quả đầu vẫn còn dính mắc, còn đạo quả A-La-Hán hoàn toàn trong sạch. Có câu hỏi: Vậy thì người đời có thể đắc được đạo quả A-La-Hán cao thượng này chăng? Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế cũng như sau khi Ngài nhập diệt, có vô số kể cả những cư sĩ tại gia đắc A-La-Hán. Khi đắc A-La-Hán, vị này phải tìm cách xuất gia cho kịp trong thời gian bảy ngày. Vì quả A-La-Hán là quả vị cao, hình thức phàm bên ngoài không thể nào chứa đựng nổi. Nếu vị ấy xuất gia kịp thời thì sẽ sống cho đến hết tuổi thọ. Bằng không, vị ấy sẽ nhập Niết-Bàn trong vòng bảy ngày. Tìm được y bát để xuất gia hay không là do phước báu của vị ấy trong kiếp trước. Nếu trong kiếp trước vị ấy có bố thí y phục thì kiếp này sẽ tìm được y phục kịp thời, nếu không thì không kịp. Vì vậy, sự đắc đạo quả không phân chia giai cấp tại gia hay xuất gia. Không phải chỉ xuất gia mới đắc đạo quả còn tại gia thì không đắc đạo quả.
Làm sao biết được ai đắc quả A-La-Hán? Ta không thể biết được vì chúng ta không thể biết tâm người đó, mà chỉ đoán qua hành động và giới hạnh của vị ấy. Khi thấy vị này có giới hạnh trong sạch và phẩm hạnh cao thượng, ta đoán có lẽ Ngài là một vị A-La-Hán. Hoặc giả chính vị ấy thốt ra thì ta mới biết, bằng không, ta không thể biết chính xác được.
Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, có nhiều sách trong Tam Tạng Pàli có đề cập: Phật là đấng giác ngộ. Như thế, có bao nhiêu bậc giác ngộ? Tam Tạng Pháp Bảo có chia rõ: một là Samma-Sambuddha, Phật Chánh Đẳng Chánh Giác; hai là Pacceka-Buddha cũng gọi là Bích Chi Phật hay Độc Giác Phật, ba là Araham hay cũng gọi là Thanh Văn Phật (Savakabuddha).
Buddha là bậc Giác Ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma-Sambuddha), tự Ngài giác ngộ, không thầy chỉ dạy. Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác có nhiều đức hạnh Ba-La-Mật, cho nên khi giác ngộ rồi, Ngài không quên đi một chi tiết nào. Ngài có nhiều đức hạnh để tế độ chúng sanh. Ngài biết rõ quá khứ, vị lai, biết rõ chúng sanh nào có thể tế độ hay không tế độ được.
Bậc Độc Giác cũng tự giác ngộ, nhưng không có những oai lực khác như của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Giác ngộ xong, Ngài không nhớ những phương pháp để tế độ cho chúng sanh để giác ngộ như Ngài. Còn bậc A-La-Hán cũng là bậc giác ngộ nhưng do nhờ Đức Chánh Đẳng Chánh Giác tế độ, chỉ dạy. Một vị A-La-Hán cũng có khả năng hướng dẫn người khác đắc đạo quả như Ngài vậy.
Tu hành bao lâu thì được đắc đạo quả? Căn cứ theo kinh kệ trong Tam Tạng Pali, Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thuộc về hạnh trí tuệ như Đức Thích Ca Mâu Ni phải tu 4 A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp mới đắc đạo quả và hướng dẫn chúng ta được như vậy. Trên quả đất này có tất cả 5 vị Chánh Đẳng Chánh Giác, mỗi vị có thời gian giáo lý khác nhau như 80 ngàn năm hay 5 ngàn năm, v.v… Và trong lúc không có giáo lý của Đức Chánh Đẳng Chánh Giác nào thì Đức Phật Độc Giác ra đời. Đức Phật Độc Giác phải tu 2 A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp và đắc đạo quả trong thời kỳ không có giáo lý của Đức Toàn Giác. Ngài tự giác ngộ vì duyên lành của Ngài rất nhiều.
Cũng theo kinh kệ trong Tam Tạng Pàli, có 3 loại A-La-Hán: một là A-La-Hán thường, hai là đại A-La-Hán, ba là đại đệ tử của Đức Phật. Sở dĩ có phân loại như thế là do các Ngài có lời nguyện trong kiếp xưa. Có hằng hà sa số bậc A-La-Hán thường. Các vị này tinh tấn tu hành trong một kiếp, 10 kiếp hay 100 kiếp, v.v… đắc đạo quả A-La-Hán và diệt hết phiền não trong tâm. Đại A-La-Hán thì có 80 vị đã từng tu hành trong 100 ngàn kiếp trái đất. Những vị này, ngoài dứt bỏ hết phiền não, còn có những pháp Ba-La-Mật riêng. Như Ngài Ananda thuộc hết Tam Tạng Pháp Bảo, còn Ngài Ca-Diếp thì giỏi về Luật.
Còn đại đệ tử Phật có 2 vị là Ngài Xá-Lợi-Phất và Ngài Mục-Kiền-Liên. Ngài Xá- Lợi-Phất có trí tuệ và Ngài Mục-Kiền-Liên có thần thông bậc nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật. Một vị đại đệ tử của Đức Phật tu một A-tăng-kỳ 100 ngàn kiếp – một A-tăng-kỳ bằng thời gian hột cải bỏ vào 14 kilômét vuông, mà cứ mỗi 100 năm mới bỏ vào một hột.
Vậy ta thấy quả A-La-Hán là mục đích chúng ta đang nhắm đến. Phương pháp thực hành ta biết được là nhờ Đức Phật để lại. Khi hành trì tròn đủ thì ta cũng có kinh nghiệm qua giáo lý ghi chép trong Tam Tạng hay do các vị thiền sư thuyết giảng. Sư đã hướng dẫn hành thiền các nơi trong 20 khóa đã qua. Riêng tại chùa Kỳ Viên này (Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ), quý vị đã hành thiền được 12 khóa, và đã biết cách thực tập trong các oai nghi. Khi Tham Sân Si sanh lên, quý vị biết là Tham Sân Si. Khi biết như vậy là quý vị đi trên con đường đạo.
Thời giáo lý đến đây xin tạm dứt. Trước khi dứt, Sư xin cầu nguyện Hồng Ân Tam Bảo hộ trì cho quý vị được sự an vui, tinh tấn tu hành, mau đến nơi giải thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thiền sư Khippapanno Kim Triệu sanh tại làng Phương Thạnh, tỉnh Trà Vinh, Việt Nam vào ngày 5 tháng 12, năm 1930. Từ lúc tuổi thơ, Ngài đã được cụ bà thân sinh có nhiều đạo tâm thường dẫn đi chùa và khuyến khích làm quen với nếp sống ở chùa. Nhưng chẳng may Cụ Bà qua đời vào năm Ngài vừa lên chín, rồi vài năm sau, lúc Ngài được mười hai tuổi, Cụ Ông cũng mãn phần.
Ngài Kim Triệu xuất gia Sa-di lúc được 17 tuổi, và từ lúc bấy giờ đã có ý thích tìm hiểu và học tiếng Pàli, nghĩ rằng đó là ngôn ngữ mà chính Đức Phật đã dùng để truyền bá Giáo Pháp. Vào năm 1949, ngày 11 tháng 5, Ngài thọ Cụ Túc Giới, xuất gia Tỳ-khưu tại Cao Quý Tự, Phương Thạnh, Trà Vinh (lúc bấy giờ đổi tên là Vĩnh Bình). Thầy Bổn sư cho Pháp Danh là Khippa-Panno (có nghĩa là Thiện Trí hay Tốc Trí), thường được gọi là Sư Panno, hoặc Sư Kim Triệu.
Năm 1950, Ngài học đạo tại chùa Giác Quang, Bình Đông, Chợ Lớn, và năm 1956 nhập Hạ tại Kỳ Viên Tự, Bàn Cờ, Sàigòn.
Năm 1957, Ngài học Pàli và giáo lý tại Chùa Tam Bảo Tự, do Ngài Đại Đức Giới Nghiêm và Ngài Đại Đức Shanti Bhadra, người Tích Lan hướng dẫn.
Năm 1958, Ngài Đại Đức Giới Nghiêm, lúc bấy giờ là Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, phái Ngài đến chùa Phước Quang, Bình Định, dạy đạo. Cũng như ở các nơi khác, Ngài luôn luôn hợp tác với chư vị thiện tín địa phương thành lập đoàn Nhi Đồng, dạy kinh điển và giáo lý cho trẻ em.
Vào cuối năm 1958, nhân dịp Phật Học Viện Pháp Quang, Gia Định, khai giảng lớp Giáo Lý và Pàli, Ngài trở về tu học, nhận bằng cấp danh dự Sơ Đẳng Pàli và bằng cấp Trung Đẳng Phật Học, và lưu lại đây phụ dạy văn phạm Pàli và kinh kệ.
Từ năm 1962 đến năm 1964, Ngài tu học tại chùa Bửu Quang, xã Tam Bình, quận Thủ Đức. Năm 1964, Ngài được Viện Đại Học Nalanda, Ấn Độ, cấp học bổng đi tu học với nhiều giáo sư Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện. Đến năm 1970, Ngài đỗ bằng Pàli Acharya (giáo sư dạy môn Pali), bằng B.A. Phật Học, và bằng M.A. Pàli. Sau đó, Ngài theo học lớp Cổ Sử Ấn Độ tại Đại Học Maghadh.
Năm 1974, Ngài sang Thái Lan hành đạo 6 tháng. Năm 1975, một người Phật tử Mỹ tên Larry Gregory cung thỉnh Ngài sang Nepal, gần thành phố Kathmandu, dạy 7 khóa thiền trong thời gian 7 tháng. Năm 1979, Ngài trở lại đây lần thứ hai để mở một khóa hành đạo 10 ngày.
Từ năm 1975 đến năm 1979, trong hai nhiệm kỳ với nhiệm vụ phụ tá Tổng Thư Ký Trung Tâm Thiền Định Quốc Tế tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài phụ giúp việc xây cất Trung Tâm. Vào năm 1978, Ngài theo học đạo và hành thiền tại Bồ Đề Đạo Tràng và Pondichery với Ngài Tuang Pulu Kaba Aye Sàyadaw, một vị cao tăng người Miến Điện. Trong hai năm 1978-1979, Ngài nhập hạ tại Asoka Mission Vihara, New Delhi và trong thời gian này, tiếp tay với hội Phật Tử Việt Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn, cứu trợ đồng hương tại Ấn Độ.
Vào tháng 7 năm 1980, Ngài sang Ngưỡng Quang (Miến Điện) thực hành pháp Tứ Niệm Xứ trong sáu tháng dưới sự hướng dẫn của Ngài Đại Đức Mahasi Sàyadaw, và gặt hái nhiều thành quả khả quan.
Từ năm 1976, theo sự khuyến khích của Ngài Đại Đức Ghosananda, Ngài Kim Triệu theo học với nhiều vị Thiền Sư nổi tiếng tại Ấn Độ như Ngài Shree Acharya Anagarika Munindra, Ngài Goenkar, Ngài Rastrapal, Ngài Tuang Pulu Kaba Aye Sàyadaw, và sau cùng sang Miến Điện được duyên lành thọ huấn với Ngài Mahasi Sàyadaw.
Theo lời mời của Cụ Bà Lê Thành Nghiệm, Hội Trưởng Hội Phật Tử Việt Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn, Ngài Kim Triệu sang Mỹ vào năm 1981 và lưu ngụ tại Chùa Kỳ Viên, Hoa Thịnh Đốn. Tại nơi đây, từ năm 1982 đến nay, ngoài những buổi lễ hàng tuần và những buổi thiền tập theo nghi thức thường lệ, mỗi mùa — Xuân, Hạ, Thu, Đông — Ngài Thiền Sư Kim Triệu mở một khóa thiền 10 ngày.
Các chùa ở tiểu bang khác, tùy duyên, cũng thỉnh Ngài đến hướng dẫn những khóa thiền như: Chùa Pháp Vân, Pomona, CA; chùa Lake Wood (người Cam Bốt), Long Beach, CA; Tu Viện Kim Sơn, CA; chùa Veluvana, AL; chùa Taung Pulu Kaba Aye (người Miến Điện), CA; Chùa Phật Ân, MN; Như Lai Thiền Viện, San Jose, CA; v.v… Các nhóm Phật tử đó đây thỉnh thoảng cũng cung thỉnh Ngài đến dạy thiền.
Trong những năm 1990-1992, chùa Phật Bảo tại Savigny-Sur-Orge, Pháp, Thích Ca Thiền Viện tại Saint Agnan, Pháp, các nhóm Phật tử tại Paris và các vùng phụ cận, cung thỉnh Ngài Kim Triệu sang Pháp mở những khóa thiền.
Năm 1994, nhân dịp cung nghinh Tam Tạng Kinh về Pháp Bảo Tự, Mỹ Tho, Việt Nam, theo lời thỉnh cầu của vị Viện Chủ Phước Sơn Thiền Viện, tỉnh Đồng Nai, Ngài hướng dẫn một khóa thiền tại đây.
Nhận thấy thành quả tốt đẹp của những khóa thiền do Ngài Khippapanno Kim Triệu hướng dẫn và nhu cầu cần được đáp ứng của đồng bào Phật Tử địa phương, vào năm 1986, quý vị Phật tử vùng California cung thỉnh Ngài đứng ra sáng lập một đạo tràng để tu tập, và ngày 15 tháng 7 năm 1988, ngôi Thích Ca Thiền Viện, Riverside, bắt đầu hoạt động. Từ đó, tại đây hằng năm, mỗi mùa đều có một khóa thiền.
Vừa hoạt động vừa mở mang cơ sở, công trình xây cất Thích Ca Thiền Viện phần lớn đã hoàn tất viên mãn và Lễ Lạc Thành được cử hành vào ngày 23 tháng 3, năm 1997.
Theo: Buddha Sasana