Trang chủ Diễn đàn Cuối năm, tản mạn về sự phát triển của các tôn giáo...

Cuối năm, tản mạn về sự phát triển của các tôn giáo tại VN

138

Các tôn giáo tại Việt Nam đang nỗ lực tìm cách tồn tại và phát triển. Một số giáo phái đã được công nhận cho phép sinh hoạt; Riêng Công giáo và đạo Phật, cơ sở vật chất phát triển rõ nét; Trong khi các chùa kiến trúc lai tạp tân cổ thì nhà thờ tôn vinh nét kiến trúc Đông phương, có nơi cứ ngỡ là nhà chùa với mái cong ngói đỏ.

Từ miền Trung du vào đến Tây nguyên Nam bộ, mức độ phát triển của Tin Lành, các chi Hội chánh thức và các Hội không chính thức, sinh hoạt rất năng động, lượng số tín đồ như nấm mọc sau cơn mưa.

Công giáo tuy có chậm hơn Tin Lành, nhưng phẩm chất sâu đậm vững chắc hơn. Trong năm 2009, Công giáo rửa tội trên 10.000 đồng bào sắc tộc Tây nguyên, thì Tin Lành đã có trên 20.000 người theo đạo các vùng sâu vùng xa.

Trong lúc đó, Phật giáo Kontum tổ chức quy y cho 4.000 người sắc tộc, thực tế độ 500 người, mà số đó, đức tin của họ tồn tại tùy thuộc vào sự giúp đỡ vật chất theo thời gian.

Nhà nguyện, nhà thờ có mặt rất đều tại buôn làng thì đến nay, Tây nguyên hầu như chưa có ngôi chùa hay Niệm Phật đường nào có mặt để đồng bào khỏi vượt hàng chục km ra phố dự lễ.

Tổ Đình Vĩnh Nghiêm dự trù tài trợ cho mỗi Niệm Phật đường 500 triệu, nhưng đến nay, BTS Kontum vẫn chưa có người thực hiện công tác đó. Đaknong là vùng vừa thành lập, 10 buôn sóc thì hết 8 buôn thuộc Tin Lành và công giáo chăm sóc tinh thần cho họ. BTS ít người, các tu sĩ chưa đủ kinh nghiệm hoằng hóa. Riêng Đaklak có vài buôn là Phật giáo sinh hoạt tương đối nề nếp đều đặn nhưng sự hiểu biết giáo lý, am tường giá trị tâm linh và tín ngưỡng còn hời hợt.

Ngay cả miền Tây Nam bộ, các vùng người Khmer cũng được các mục sư đến chuyển hóa cải đạo cạnh chùa Miên; Các ông Lục đứng nhìn những con cháu tín đồ của mình ra đi một cách dứt khoát, họ trả lời khi các sư hỏi tại sao bỏ đạo Phật, họ đáp: Chúng tôi nghèo quá, Phật giáo không giúp được gì cho chúng tôi. Mà chúng tôi còn có bổn phận cúng dường nuôi lại các sư năm nầy qua tháng nọ…(đó là tinh thần cúng dường Tam Bảo của xa xưa, ngày nay, Hội Từ Tế  và Phật giáo Viên ở Đài Loan thực hiện phương châm: Tam Bảo cúng dường, trước lo cuộc sống cho tín đồ sau đó mới nói đến việc dạy đạo cho họ)

Phật giáo trên 20 năm vẫn không thể hiện đúng chức năng sáng tạo và chủ  động, thuyết giảng những nơi có sẵn tín đồ mà không  vào những nơi chưa phải là tín đồ có sẵn. Đáng ra Ban Hoằng Pháp phải có chỉ tiêu của mỗi quý để đo lường khả năng và thành quả của chức nghiệp.

Phật giáo tự nhận đồng hành cùng dân tộc qua 2500 năm, nhưng mỗi năm dân tộc đã có vài chục ngàn người bỏ Phật giáo theo tôn giáo bạn. Trách nhiệm nầy do ai??? Phần lớn quý thầy tự an phận và ru ngủ chính mình giữa nhóm Phật tử sủng ái, mà không chịu nhìn cái tổng thể.

Các Ban ngành như Hoằng Pháp, Văn Hóa có tổ chức Hội thảo cũng chỉ nặng phần trình diễn hơn là thâu đạt kinh nghiệm để có kế hoạch hoạt động sâu rộng.

Tăng ni sinh viên Học viện Phật giáo tại Sài Gòn một nhóm độ 30 vị trẻ tự nguyện thành lập Hoằmg Pháp lưu động và linh động, với tinh thần trẻ, năng động của quý thầy, có đi sát với quần chúng, nhưng chưa được kinh qua bài bản và không có ngân khoản thường xuyên để làm việc, phần lớn họ đi vào lớp trẻ hoặc tổ chức các khóa tu mà quần chúng là tín đồ  có sẵn.

Xã hội ngày nay đang cần những lực lượng tu sĩ, cư sĩ giúp cho họ về kiến thức sống, vệ sinh môi trường, nông nghiệp, hạnh phúc hôn nhân, kinh tế gia đình, giáo dục  tuổi trẻ…song hành với việc học đạo tu tập.

Trong năm 2009, nổi bật của Phật giáo là các Đại trai đàn ở Quảng Trị, Côn Đảo, Phú Quốc, Tây Ninh sắp tới và Tây nguyên vào tháng ba sang năm, song hành với việc ủy lạo Thiên tai vừa qua. Phật giáo thường làm theo vụ mùa, tiếp tay khi sự cố đã có mặt. Trong khi đó, Caritas Việt Nam đã ý thức được rằng, cần phải giúp dân ứng phó trước khi thiên tai xẩy đến, và kinh nghiệm đối phó thiên tai. Họ đã tổ chức khóa học tập tại Thủ Đức cho 36 thành viên của 18 giáo xứ tham dự.
                                                          *
Ngày 28/12/09, PGVN đăng cai tổ chức Đại Hội Ni giới quốc tế. Kito giáo V.N cũng đã tổ chức năm Thánh. Ki-tô giáo cũng thể hiện được nhiều việc tích cực mà đáng ra Phật giáo cần phải làm, Tại Phú Thọ, đền Hùng, Ki-tô giáo đã tổ chức sinh hoạt văn hóa tưởng nhớ đến quốc tổ, chứng tỏ Kitô giáo đang đồng hành cùng dân tộc về phương diện văn hóa.

Phật giáo Hòa Hảo chuyên về Từ thiện, thành lập nhiều bếp cơm cung ứng hàng ngàn phần mỗi ngày cho các bệnh viện; tại TP HCM, chi hội từ thiện Bảo Hòa tại Đinh Tiên Hoàng Q.1 và Nhân Hòa tại Hốc Môn đã gắn bó với dân nghèo, bệnh nhân nghèo qua những công tác y tế, ma chay và y dược; làm cầu, đóng giếng, mổ mắt, trợ cấp học bổng… Đây là tôn giáo đi vào thực tế cuộc sống của người dân như Đức Phật Thầy Tây An đã từng thành lập Trại Ruộng giúp đồng bào an cư lạc nghiệp trong thời Pháp đô hộ.

Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam cũng có mặt trên nhiều lĩnh vực quốc tế. Gần đây nhất, ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến Vatican tiếp kiến Giáo Hoàng, thời gian 40 phút gấp đôi với dự trù mà hầu hết ít có đoàn nào được lâu như vậy. Tuy đôi bên còn e dè, nhưng thẳng thắn; Vatican cũng đã chấp nhận những gì Giáo Hội Công giáo từng gây đau thương cho dân tộc và bất an cho đất nước; Đây chỉ là giao tế đối ngoại để làm nền móng cho việc bang giao mà thời gian và tình thế sẽ quyết định, dĩ nhiên mong muốn bang giao vẫn là từ phía Vatican.

Thành phố Sài gòn cũng như những thị tứ lớn, cây thông nhân tạo, ông già tuyết cởi tuần lộc được trình bày trong các cửa hàng. Những đường phố lớn quận nhất giăng nhiều đèn nhện, hơn 10 cổng vòm bằng kim loại trang trí đèn sao để đón tết dương lịch. Tuy cây thông và ông già Noel không còn là của tôn giáo, chúng biến thành nét văn hóa phương Tây, nhưng trong tâm khảm con người, nó xuất hiện vào dịp cuối năm, đúng vào mùa Giáng sinh, việc trang trí nơi công cộng làm cho người dân có cảm tưởng nhà nước đón mừng giáng sinh hơn là tết Tây.

Cũng thế, Hoa Hồng không phải của Phật giáo, nhưng  mỗi độ Vu Lan về, lễ cài hoa biến thành nét văn hóa của PGVN.

Đất nước đang du nhập nhiều nét văn hóa lạ khi hòa nhập, để phong phú thêm văn hóa nước nhà, nhưng nhạc Noel được phát ra rả trong quán cơm chay Thuyền Viên 2 ở chợ Cây Quéo, Bình Thạnh, không phải là làm phong phú thêm văn hóa Phật giáo, mà là một sự lạm dụng thô thiển kịch cỡm của chủ quán thiếu trình độ nghệ thuật.

Cũng thế, dịp Noel là lúc các thương nghiệp kinh doanh phát triển chứ không phải để hưởng ứng niềm vui, một số tư gia không có đạo, cũng làm hang đá, chưng đèn màu thể hiện mode thời đại; và chạy xe tràn đường lúc nửa đêm trong các thành phố lớn, họ cũng không biết đi như thế để làm gì, như ma đuổi!!!

Du nhập văn hóa như nhạc trẻ, các vũ điệu minh họa không nói lên được điều gì để nâng giá trị  nhạc bản, ngược lại làm người xem chóng mặt bởi những động tác mắc phong co giật như thế.

Xem ra, trong sự vận hành nội tại mạnh mẽ của các tôn giáo hiện nay, Phật giáo dường như vẫn còn ngái ngủ.