Những tu sĩ của thế hệ mới lo sợ rằng Phật giáo đang bị lu mờ dần do thế hệ trẻ hiện nay được nuôi dưỡng và lớn lên trong một xã hội tiêu dùng đang quay lưng với những lời cầu nguyện và tìm sự khuây khoả trong những tiện nghi vật chất hơn là những phương pháp trị liệu tinh thần.
Phật giáo vẫn là tôn giáo chính ở Nhật cùng với đạo Shinto, nhưng hàng trăm ngôi chùa đã đóng cửa và các tu sĩ nói rằng để được nghe thấy, họ phải gắng sức thì tiếng nói của họ mới át được sự ồn ào của cuộc sống hiện đại.
Một tay cầm chuỗi tràng hạt và một tay cầm micro, vị tu sĩ mặc áo ca sa và đeo kiếng được gọi là “Ông Hạnh Phúc” trong một một buổi chiều gần đây nhấn nhẹ vào một chiếc radio cát-xét và – dưới ánh mắt điềm tĩnh của một tượng Phật- một bài hát thể loại rap được phát ra. Khúc hát đại loại có thể dịch như sau : “ Đây là một câu chuyện xảy ra vào thời xa xưa/ Ngài bước vào trong giấc mơ của tôi/ Ngài là thần tượng truyện tranh của tôi/ Yeah yeah/ Bạn đang nói về ai vậy, người anh em?/ Tôi đang nói về Đức Phật, anh bạn ạ.”
Vị tu sĩ nói rằng bài ca sáng tác theo âm nhạc hiện đại của Nhật, được lấy cảm hứng từ kinh điển Sanskrit nói về lòng tư bi và sự đau khổ. Bài hát mới nhất là về các vị tổ đứng đầu ngôi chùa 400 tuổi Kyouyoji.
Vị tu sĩ có tên thật là Kansho Tagai nói, “ Đã xảy ra nhiều tranh cãi khi tôi mới làm việc này, nhưng tôi nghĩ vai trò của một tu sĩ là hoằng dương giáo pháp qua các phương tiện khác nhau. Phật giáo đã trải qua hơn 2.500 năm lịch sử, tôi nghĩ rằng chúng ta nên chọn những phương tiện hoằng pháp để làm cho Phật giáo thích hợp với mọi lứa tuổi.”
Tagai, người mô tả ngôi chùa của mình trên internet như là một ”bệnh viện tim”, nói, “Thực chất mà nói, Phật giáo có thể đáp ứng với nhu cầu của mọi người, nhưng tu sĩ cần phải đến gần hơn với đại chúng.”
Một nơi khác tại Tokyo, Ryohoji – ngôi chùa nằm ở vùng ngoại ô- đang thu hút hàng trăm người đến tham dự lễ hội mùa thu bằng cách vẽ những bức tranh theo truyện tranh manga và tổ chức các trò chơi bắt nguồn từ nếp sống sinh hoạt của người Nhật thông qua cách ăn mặc quần áo giống các nhân vật trong truyện tranh hay video game nổi tiếng.
Các cô gái diện những bộ đồng phục có diềm xếp nếp và đội những chiếc tai mèo phủ lông tơ chào đón khách đến tham quan ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ 16. Đây là thời trang mới nhất mô phỏng theo truyện hoạt hình và loại trang phục này cũng được thường được nhìn thấy tại các tiệm cà phê manga internet tại Tokyo.
Theo: AFP
Người dịch: Quảng Hiền