“Côn Sơn, Yên tử, Quỳnh Lâm,
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành”.
Từ xưa, Côn Sơn đã là một trong ba chốn của Phật giáo Trúc Lâm – Một dòng Thiền đặc sắc của dân tộc: dòng Thiền nhập thế.
Phật giáo du nhập vào nước ta có nhiều dòng: Có dòng hoà nhập với tín ngưỡng dân gian cổ truyền( các chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, pháp Điện, Diên Hựu), có dòng thiên về Mật Tông(với những nhà sư giỏi pháp thuật và chữa bệnh…), có dòng tu ở chùa, có dòng tu tại gia… Năm 1299, vua Trần Nhân Tông rời kinh đô lên Yên Tử tu hành. Xuất phát từ việc: “Xem khắp kinh luận, các nghi văn, chép lấy phép lợi mình, lợi người…”, Đồng thời tiếp thu Phật giáo Đại Thừa của Ấn Độ và Thiền Tông Trung Quốc, thấm nhuần tư tưởng của ông nội (Trần Thái Tông): “Đạo Phật không chia Nam Bắc đều có thể tu cầu. Tính người có hiền ngu đều cùng được giác ngộ. Vì vậy, đại giáo của Đức Phật là phương tiện để mở lòng mê muội, là con đường soi rõ lẽ tử sinh. Còn trách nhiệm nặng nề của tiên thánh là đặt mực thước cho tương lai, nêu khuôn phép cho hậu thế”(1). Đồng thời Ngài cũng tiếp thu tư tưởng của quốc sư Phù Vân: “Phàm người làm vua, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy lòng thiên hạ làm lòng của mình” (thiền tông chỉ nam). Dân và thiên hạ là động lực thúc đẩy tư tưởng Thiền học của vua Trần Nhân Tông. Trên cơ sở đó, Hoàng đế Trần Nhân Tông đã lập ra thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Đến đời đệ nhị tổ Pháp Loa, Phật Trúc Lâm phát triển rực rỡ chưa từng thấy. Chùa chiền, am tháp… mọc lên dày đặc vùng Đông Bắc. Có những ngôi chùa nổi tiếng: Hoa Yên (Yên Tử), Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm…
Phật Trúc Lâm chủ trương sống với đời, hoà nhập vào đời, sống theo quy luật của tự nhiên: “Ăn cỏ hay ăn thịt là các loài khác nhau của sinh vật, điều đó cũng tự như mùa xuân đến thì cây cỏ mọc lên, sao lại coi là tội hay phúc trong việc ăn cỏ hay ăn thịt được. Giữ điều răn( trì giới, si la) và nhẫn nhục là hai điều trong lục độ Đại Thừa; chỉ đem đến tội chứ không đem lại phúc”. Trong bài: Trừu nguyện ngâm, Tuệ Trung thượng sĩ cũng nói:
“Đời có lúc thịnh thì có suy,
Hoa có lúc tươi đẹp thì có lúc khô héo.
Nước có hưng thì có vong,
Thời có khi thái thì có bĩ,
Ngày có buổi chiều thì có ban mai,
Năm có kết thúc thì có bắt đầu….”
Thiền tông Việt Nam cổ vũ tranh đấu, kêu gọi chúng sinh không sợ “Những người cầm đao cầm kiếm trừ kẻ hung ác tàn bạo mới chính là người tu Đại Thừa”. Vua Nhân Tông đề cao tư tưởng sống trong cõi tục mà ngộ đạo:
“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức,
Sơn lâm chẳng cốc( giác ngộ) hoạ kia thật cả uổng công”.
“ Thiền Trúc Lâm lấy sự giác ngộ trong lòng làm gốc, mong muốn mang Phật đến mọi nhà mọi người đồng thời gắn Phật với cuộc sống thực tại, với vận mệnh của dân tộc”.(2) Và lúc ấy, dù là vua quan,…quốc sư hay cư sĩ đều có thể thành Phật.
Sau khi Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông – đệ nhất tổ thị tịch, Pháp Loa – đệ nhị tổ kế thế. Năm 1330, đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch, đệ tam tổ – Huyền Quang nối tiếp dòng Thiền. Trong cuộc đời tu hành, Ngài Huyền Quang đã vân du khắp nơi, trụ trì chùa Hoa Yên, 6 năm trụ trì tại chùa Thanh Mai…Và đến cuối đời, Ngài về trụ trì tại chùa Côn Sơn. Bia Côn Sơn niên đại Thiệu Phong thứ 17(1356) ngày 1 tháng 1 ghi: “Xã Chi Ngãi, huyện Phượng Nhãn có cổ tích danh lam là chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc, vốn là nơi sư Tự pháp đệ tam tổ triều Trần Huyền Quang Ma Ha đại tôn giả trú trì.”(3).
Chùa Côn Sơn, tên chữ là Thiên Tư Phúc, chùa dựa núi Kỳ Lân tạo nên khung cảnh hài hoà cổ kính; Bia Thịnh Đức 4 (1656) ca ngợi: “…Thấy đất linh đẹp đẽ biết núi chùa Thiên Tư Phúc…vẻ hiển hiện bức tranh Phượng Nhãn, phơi phới vùng Chi Ngãi…”(4). Bia Bảo Thái 2 ghi: “…Chùa Côn Sơn vốn là danh lam nơi đất Bắc, tiêu biểu của trời Nam…”(5).Với vị trí và cảnh quan như thế, chùa côn Sơn đã thực sự là một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, xứng đáng với tầm vóc quốc gia, văn minh Đại Việt thuở trước.
Về sự ra đời của Ngài Huyền Quang cũng được người đời sau khoác cho một lý lịch khác thường. Cũng giống như sự ra đời của sư Pháp Loa đậm mầu huyền thoại. Trong “Ngọc phả” chùa Côn Sơn có chép về Huyền Quang tôn giả như sau: Ngài quê ở xã Vạn Tự, huyện Gia Bình, lộ Bắc Giang. Dòng dõi quan lại thời Lý.Cha là Lý Quang Dụ làm quan chuyển vận.. có công dẹp loạn Chiêm Thành nhưng không nhận chức quan chỉ vui thú điền viên, tháng ngày rong chơi, thích đọc kỳ thư, dị truyện. Mẹ Ngài họ Lê, là người đức độ…đã 30 tuổi mà chưa có con, nên bà thường đến chùa Ngọc Hoàng để cầu đảo…Một hôm, Lê Thị vào núi Chu Sơn hái thuốc, đến chùa Ma Cô Tiên, bấy giờ là mùa hè, trời nóng, bà ra sau chùa tìm bóng cây nằm nghỉ. Gió Đông nam nhẹ thổi,… bỗng trời mờ ảo, thấy một con khỉ già to lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình khoác áo hoàng bào, bưng mặt trời đỏ đặt vào lòng Lê Thị. Bà kinh hãi tỉnh giấc, thì thấy trong người khác lạ. Bà đã mang thai.
Ngài Huyền Quang sinh vào ngày mùng 1 tháng giêng năm Giáp Dần( 1254), Khi sinh, thấy ánh sáng lạ kỳ, hương thơm ngào ngạt. Ngài nằm trong bào thai 12 tháng, mà bụng mẹ không chuyển động. Ngờ là có bệnh, bà uống thuốc phá thai nhưng không ra, nên lúc sinh đặt tên là “Kiên Cương Nam”. Lớn lên tướng mạo khác người, cha mẹ rất yêu quý, học một biết mười, có tài của bậc “ Á thánh Nhan Tử”(6), Cha mẹ đặt tên cho là Đạo Tái. Trong “Kiến văn tiểu lục” Lê Quý Đôn viết: “…Lúc lên 9 tuổi đã biết làm thơ văn, học tập về nghề nghiệp thi cử, …có tập thơ Ngọc tiên và các tập khác lưu truyền ở đời”(7).
Năm Bảo Phù thứ 2(1274), đời vua Trần Thánh Tông, Đạo Tái đỗ Trạng nguyên. Lúc trẻ, ngài đã đính ước nhưng chưa cưới xin. Khi đỗ trạng, ngài được nhà vua ban mệnh gả Liễu Nữ công chúa là cháu của vua, nhưng ngài không nhận. Về sự kiện này còn có một dị bản khác: Gia đình nhà Đạo Tái rất nghèo, lúc chưa đỗ, trong làng không ai gả con gái cho Ngài. Đến khi đỗ trạng, mọi người tranh nhau gọi gả con gái . Vì thế mới có thơ rằng:
“Lúc nghèo thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên.”
Khi làm quan, Ngài được làm việc ở viện Hàn Lâm, phụng mệnh đi tiếp sứ Bắc, hai bên văn thư qua lại, ngài viện dẫn kinh nghĩa, ứng đối lưu loát, ngôn từ hơn hẳn thượng quốc và các nước xung quanh.
Năm Hưng Long thứ 12(1305), Đạo Tái theo nhà vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huỵện Phượng Nhãn, nghe Quốc sư Pháp Loa thuyết pháp, Ngài liền giác ngộ tiền duyên, rồi xúc động than rằng: “Làm quan là lên được Bồng Đảo, đắc đạo là đến được Phổ Đà(8). Đó là cảnh tiên nơi trần thế, cõi Phật chốn Tây Thiên vậy, phú quý vinh hoa cũng như chiếc lá đỏ mùa thu, đám mây trắng mùa hạ, có gì đáng để luyến tiếc đâu”(9). Vì vậy, ngài nhiều lần dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. ý nguyện của Ngài được nhà vua phê chuẩn. Ngài thụ giáo Quốc sư Pháp Loa và được đặt pháp hiệu là Huyền Quang( ánh sáng kỳ diệu).
Sau khi xuất gia tu hành, ngài được đi cùng với hai vị tổ đi du ngoạn khắp các danh lam trong nước. Ngài còn được nhà vua ban cho toà giảng pháp bằng trầm hương để giảng kinh cho học trò, lại ban sắc chỉ truyền cho thiền sư biên soạn Chư phẩm kinh và khảo văn…Những sách Ngài Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm một chữ, bớt đi một chữ.
Đối với quê hương, gia đình, Ngài hết lòng hiếu nghĩa. Ở quê hương, ngài xây chùa Đại bi (lấy nghĩa đại từ đại bi của Quan thế Âm Bồ Tát) để phổ độ chúng sinh. Khi khánh thành, người về dự đến hàng vạn người, hội mở suốt 7 ngày 7 đêm. Người công đức tiền, vàng, bạc nhiều vô kể. Ngài lấy tiền dư thừa làm công đức cho các tăng ni ở đạo tràng và những người nghèo khổ, đồng thời mở tiệc nhỏ thiết đãi họ hàng, làng xóm, rồi phát tiền, chia lụa cho mọi người.
Năm Quý Sửu (1313), nhà sư đã 60 tuổi, ngài vẫn tu ở chùa Vân Yên. Tuy mới tu được 9 năm, nhưng đạo hạnh nhà sư rất cao siêu. Một hôm, nhà vua bảo với thị thần rằng: “Người ta sống trong trời đất, nhờ vào âm vào dương, thích ăn ngon mặc đẹp, vì có lòng ham muốn ấy mà phải tu đạo. …Còn Huyền Quang lão tăng sao sinh ra đã sắc sắc không không, như nước không gợn sóng, gương không phủ bụi trần. Như vậy là gạt bỏ ham muốn hay là không có ham muốn?”(10).Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi nói rằng: “Hoạ hổ hoạ hình nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”( vẽ hổ vẽ hình, khó vẽ xương; biết người, biết mặt,khó biết được lòng).Nhà vua nghe vậy, bí mật chọn một cung nữ xinh đẹp, thông minh tên là Điểm Bích “Yểu điệu như Triệu Phi Yến, khôn khéo ngang với Điêu Thuyền” đến chùa Vân Yên để thử Huyền Quang.
Sau một thời gian lên Yên Tử, Điểm Bích vào kinh tâu với nhà vua: Một đêm, thiếp đứng ngoài tăng phòng, thì nghe Quốc sư đọc bài kệ nôm rằng:
“ Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.
Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ,
Mâu Thích Ca nào thú hữu tình.”
Sau đó, Quốc sư giữ thiếp lại một đêm rồi ban cho thiếp một dật vàng (24 lạng). Nghe xong sự tình, nhà vua rất buồn và nói: “Nếu việc này mà có thực, thì ta là người chăng lưới bẫy chim, nếu không có thực, thì Quốc sư cũng khó tránh khỏi qua ruộng dưa mà sửa giầy”.
Khi nhà vua mở hội Vô già ở phía Tây đô thành, sai sứ mời Quốc sư về làm án pháp. Trong đàn, bốn xung quanh đều phô trương lụa vàng, các ban phẩm vật, lục cúng, hương đăng bầy biện đầy đủ. Quốc sư biết là mình đã bị cung nữ thử, bèn ngửa mặt lên trời thở than, rồi lên đàn 3 lần, xuống đàn 3 lần,tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm cành dương liễu, thầm niệm rồi vẩy nước tẩy rửa trong ngoài, trên dưới đàn hội. Bỗng ở phương Tốn có một đám mây đen ùn ùn kéo đến, rồi gió cuốn bụi bay mù mịt, một lúc gió yên, phẩm vật trên ban đều bay đi hết, chỉ còn lại đèn nhang, lục cúng. Các Đạo tràng và du khách đông đến hơn vạn người đều thất kinh. Nhà vua thấy Quốc sư hành pháp thông thấu trời đất, bèn tạ lỗi với Quốc sư. Sau sự kiện này, nhà vua càng thêm tôn kính và gọi Quốc sư là Tự Pháp.
Năm 1330, lúc này ngài Huyền Quang đã 77 tuổi, nên Ngài giao lại sơn môn Yên Tử cho quốc sư An Tâm và về tu tại chùa Côn Sơn. Ở Côn Sơn, nhà sư lập ra cửu phẩm liên hoa, giảng các phẩm kinh để truyền cho bậc hậu học, có công lớn trong việc phát triển thiền phái Trúc Lâm, biến Côn Sơn thành tăng viện Kỳ Lân – một trong ba chốn tổ của Phật giáo Trúc Lâm.
Ngày 23 tháng giêng năm 1334, Quốc sư viên tịch tại chùa Côn Sơn, vua Trần Minh Tông ban cho 10 lạng vàng, sai các tăng ni xây tháp ở sau chùa, đặt tên là Đăng Minh bảo tháp. Năm 1979, Bảo Tàng tỉnh Hải Hưng( nay là Hải Dương) đã phát hiện một tháp mộ bằng đất nung có 3 tầng ngay dưới chân tháp đá.Ngôi tháp đẹp: hoa văn phong phú, hoa dây lá đề cách điệu, hoa sen nhẵn, hoa sen có 4 lá cách điệu, rồng chầu trong hình lá. Đầu thế kỷ 18, sư Hải Ấn sùng hưng xây dựng Đăng Minh bảo tháp bằng đá thay cho ngôi tháp bằng đất nung đã bị đổ. Tháp dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 15(1719), trong tháp có tượng Huyền Quang bằng đá ngồi kiết già. Văn bia Côn Sơn còn ghi lại sự kiện này: “Một sớm khởi công, thần dân xúm lại, thay gạch ngói cổ bằng đá quí đẹp hơn…”.Ngoài ra, nhà vua lại cấp cho 150 mẫu 5 sào ruộng ở các xứ làm tự điền để quanh năm thờ phụng và đặt tên thuỵ là: Trần triều Trúc Lâm thiền sư đệ tam tổ, sắc phong Tam giáo trạng nguyên tự tổ Huyền Quang Tôn Giả tôn thần.
Đã 675 năm trôi qua, ngày sư tổ Huyền Quang viên tịch, chùa Côn Sơn đã bao thay đổi: Cửu phẩm liên hoa, một số công trình kiến trúc khác do Ngài xây dựng không còn; nhưng Giếng Ngọc do ngài Huyền Quang (được thần báo mộng) cho khơi sâu thành giếng đến nay nước vẫn tràn đầy. Phật tử thập phương đến chùa Côn Sơn đều mong muốn dùng nước giếng thiêng để tẩy sạch bụi trần, gột đi những ưu tư phiền muộn.
Ngoài tư cách là một vị quan, một nhà sư, Huyền Quang còn là một nhà thơ nổi tiếng. Trong “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhận xét: “Sư Huyền Quang, người thời nhà Trần, học rộng, thơ hay, trong “Việt âm thi tập”có chép một bài thất ngôn tuyệt cú của thiền sư, thì tựa hồ không phải khẩu khiếu nhà chùa, …trong “Trích diễm thi tập”(do Hoàng Đức Lương biên soạn) có chép một bài ngũ ngôn tuyệt cú và 21 bài thất ngôn tuyệt cú, thì thơ văn tinh tế, rất có khí tượng cao siêu”(11). Xin đơn cử vài bài thơ để minh hoạ cho nhận xét của nhà bác học Lê Quý Đôn:
Bài: “Ngọ thuỵ”(ngủ trưa)
“Mưa tạnh núi khe tĩnh,
Rừng phong ngủ đàng hoàng.
Ngoảnh trông đời vẩn bụi,
Mở mắt luống mơ màng.”(12)
Bài “Thạch thất” (Nhà đá), nhà sư nói lên một tâm trạng tĩnh tại với cuộc sống thiếu thốn, đơn độc lạnh lùng, khác hẳn với tinh thần đạo Trúc Lâm:
“Nửa gian nhà đá mây bao bọc,
Một tấm áo bông buổi lạnh lùng.
Sư ngủ giường thiền kinh để án,
Mặt trời ba trượng củi lò không.”(13)
Bài : “Đề tường chùa Bảo Khánh”, với một tâm trạmg khác
“Cỏ dại mây mù tứ nảy ra,
Lầu Nam quán Bắc bóng chiều tà.
Xuân không chủ tiếc thơ không giỏi,
Buồn rứt gió Đông mấy khóm hoa.”(14)
Bài: Mai Hoa
“ Muốn hỏi trời xanh vỡ lý ra,
Trong non băng tuyết nở tung hoa.
Hái về không phải nhìn âu yếm,
Muốn mượn màu xuân đỡ bệnh già.”(15)
Đối với các loài hoa, Ngài Huyền Quang đề cao hoa cúc:
“Hoa ở giữa sân chủ ở lầu,
Thắp hương ngồi ngắm hết âu sầu.
chủ nhân cùng vật không tranh cạnh,
So sánh trăm hoa cúc đứng đầu.”(16)
Bài “Chơi thuyền”, tác giả đưa đến cho ta một cảm giác phóng khoáng:
“Cưỡi thuyền lướt gió sóng mênh mông,
Non nước trời thu một sắc trong,
Tiếng sáo thuyền câu ngoài bến sậy,
Trăng rơi đáy nước, móc đầy sông.”
Ngày 23 tháng giêng năm 1334, Đệ tam thánh tổ Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn. Ngày mất của sư tổ đã trở thành ngày hội Mùa Xuân Côn Sơn!
Chú thích:
1,2. Lịch sử Việt Nam -Tập1-NXBGD -1997- trang: 263, 264
3,4,5.Văn bia chùa Côn Sơn.
6. Nhan Tử- Nhan Uyên, học trò Khổng Tử – Đời sau coi là bậc thánh hiền.
7. Kiến Văn tiểu lục- Lê Quý Đôn – trang: 393.
8. Bồng Đảo – Nơi tiên ở, Phổ Đà – tên một ngọn núi- Nơi đây có ngôi chùa lớn các tăng đồ thường đến làm lễ.
9. Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn – Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc – NXBCTQG. Trang: 123.
10. Di sản Hán Nôm…Trang 125.
11.12. Kiến văn tiểu lục – sđd. Trang: 393
13,14.Kiến văn tiểu lục – sđd. Trang: 394
15. Kiến Văn tiểu lục – sđd. Trang: 395.
16 Kiến văn tiểu lục – sđd – Trang: 400.