Nếu bạn có dịp về thăm Bạc Liêu hay Cà Mau, để đi từ chùa này đến chùa kia, thời gian quả là dài. Nếu bạn về Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh, những gì bạn thấy là còn nhiều ngôi chùa cổ nhưng không có người tu, mà là nơi để “đồng cốt múa may, bà thầy nhảy nhót”.
Trong khi đó nếu ai tới chốn đô thành như ở Sài Gòn thì ở trên đường sẽ bắt gặp rất nhiều tăng sĩ. Người thì đi xe máy, người thì đi bộ, người thì lái ô tô… nhiều lắm. Nếu chúng ta ít đi ra khỏi thành thị thì ai cũng có cảm giác rằng Phật giáo đang vô cùng hưng thịnh bởi số người xuất gia ngày càng nhiều, và các đạo tràng đều đông nghịt người tham dự. Bản thân tôi cũng có cảm giác ấy cho đến trước khi đi xa một chuyến.
Quê gốc tôi ở Thanh Hóa, đã 6 năm nay rồi tôi mới có thời gian quay lại. Năm nay việc gia đình của tôi cũng nhiều nên thời gian ở lại quê lâu hơn hẳn mọi năm. Thấy tôi ăn chay, gần như cả dòng họ ai cũng bất bình. Mỗi lần tới bữa ăn thì là một lần tôi được trở thành trung tâm của cuộc tranh luận.
Nhưng khi nghe tôi giải thích những điều thắc mắc thì mọi người đều thấy hợp lý. Những điều này chẳng thấy ai giảng giải cho họ nghe suốt mấy chục năm nay, kể từ khi họ được sinh ra trên cõi đời này.
Nói chuyện với tôi, bọn trẻ tỏ ra đặc biệt thích thú, cứ luấn quấn suốt buổi. Tôi hỏi quanh đây có chùa nào không thì câu trả lời là không. Hỏi nhà mình đến rằm hay mùng một có ai đi lễ chùa hay không, thì cũng nói là không.
Thứ nhất là họ cũng chẳng có nhu cầu đi, thứ hai là chùa chiền xa quá, thứ ba là chung quanh cũng chẳng có ai đi cả. Nhìn rộng ra mới thấy là nguyên cả một tỉnh Thanh Hóa, và rộng hơn nữa là những tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ này Phật giáo thưa thớt quá. Có những nơi tuyệt nhiên không có chùa chiền gì cả.
Lúc đó tôi thầm ước nếu ai đó có một phép màu nào đó mang được một số chùa ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu hay Đồng Nai về rải rác đặt khắp vùng này thì hay biết mấy.
Những chuyện như thế này những cư sĩ như chúng tôi đều biết thì chắc là các bậc xuất gia biết rất nhiều. Trong khi chùa ở thành phố thì người tu rất đông, mà sao chùa ở nông thôn thì nhiều nơi hoàn toàn vắng bóng tăng ni? Câu hỏi lớn này chắc đã vang lên suốt mấy chục năm rồi.
Thực tế là như thế, vậy nguyên nhân nằm ở đâu?
Không thể phủ nhận một điều là thành thị là chốn tập trung đông dân cư, mật độ cao hơn hẳn những nơi khác, cho nên cũng cần một số lượng nhiều hơn chùa chiền và tăng ni để hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử tu tập.
Nhưng hình như sự tăng về số lượng này không tương xứng với sự tăng về chất lượng. Chúng ta thử làm một phép so sánh sẽ thấy. Chẳng hạn trong một quận, số lượng nhà thờ ít hơn số lượng chùa. Một nhà thờ trong ngày chủ nhật phải mở rất nhiều buổi lễ thì mới đón tiếp được hết tín đồ.
Ngược lại một ngôi chùa thì chỉ đông nhất vào thời điểm ngày rằm hoặc mùng một. Số lượng người đến một ngôi chùa trong một ngày chủ nhật nếu đông lắm cũng chỉ bằng số lượng người tham dự một buổi lễ trong ngày của một nhà thờ thôi. Như vậy có nghĩa là tính về mặt “công suất sử dụng” thì một ngôi chùa còn dư khá nhiều, tuy nhiên thay vì tiếp tục nâng “công suất sử dụng” lên thì những chùa khác lại tiếp tục mọc lên. Điều này nếu dùng con mắt quy hoạch mà nhìn thì quả là không ổn.
Hơn nữa, sự phát triển tự phát về số lượng các ngôi chùa trong một khu vực dân cư sẽ đem lại những bất lợi sau đây:
– Chi phí xây dựng rất lớn.
– Các chùa phải cạnh tranh nhau để thu hút Phật tử.
Đối với vấn đề thứ nhất, quả là một sự lãng phí rất lớn tiền cúng dường của Phật tử. Nếu số tiền đó được điều tiết để phục vụ công tác hoằng pháp, mở rộng địa bàn hoạt động của Phật giáo sang những vùng lực lượng còn mỏng và điều kiện vật chất còn thiếu thốn thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn bởi nhận được sự giáo hóa của Phật pháp. Người Phật tử cũng nhờ vậy mà gây tạo được nhiều công đức hơn khi tiền cúng dường của mình được sử dụng hiệu quả hơn.
Đối với vấn đề thứ 2, đây quả là một nghịch lý quá đau lòng. Một ngôi chùa được mở ra là để giáo pháp của Đức Phật đến với chúng sinh nhiều hơn, không gian tu tập cho cả người xuất gia và tại gia nhiều hơn, chứ không phải là một nơi để thu hút được nhiều hơn sự cúng dường của Phật tử.
Vậy nhưng nếu mỗi chùa sau khi được lập nên không ráo riết trong công tác hoằng pháp để đưa thêm nhiều người vào đạo cho xứng đáng với quy mô của mình, mà lại tiếp tục sống trong sự thụ động, chờ đợi những người Phật tử hảo tâm sẵn có đến sinh hoạt thì nghịch lý ấy sẽ ngày càng trầm trọng.
Vì nếu thiếu sự chủ động hoằng pháp và giáo hóa, số lượng Phật tử sẽ tăng lên rất chậm, thậm chí có thể giảm đi khi bị các tôn giáo khác giành giật. Và số lượng Phật tử còn lại trở thành “nguồn tài nguyên” ngày càng ít ỏi khi số lượng chùa vẫn tiếp tục tăng lên. Sự cạnh tranh âm thầm nếu gia tăng thì khuôn mặt của Phật pháp sẽ bị làm xấu đi nhiều.
Đấy là chưa kể nếu các tôn giáo khác có mưu đồ chia rẽ đạo Phật nắm được điểm yếu này, khi họ ngấm ngầm kích động sự chia rẽ này nữa thì hậu quả thật là đáng xót xa.
Cổ nhân đã nói rằng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đứng trước vấn đề này thì rõ ràng lỗi nằm ở trong chính nội bộ Phật giáo. Tại sao chùa ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, và vùng đồng bào dân tộc thì ít, mà ở thành phố thì quá nhiều đến vậy?
Bởi chính là nhiều tăng ni sau khi trưởng thành đã nghĩ tới bản thân mình hơn là nghĩ tới chúng sinh, và muốn ở lại thành phố bởi cuộc sống ở đây dễ dàng hơn, điều kiện cúng dường cao hơn. Trong khi đó, vùng nông thôn xa xôi kia có bao nhiêu là khó khăn: nào là dân trí thấp, nào là điều kiện vật chất nghèo nàn, thu nhập eo hẹp, giao thông đi lại khó khăn v.v.. khiến cho cuộc sống của người xuất gia sẽ vất vả hơn nhiều.
Nhưng nếu sợ gian khổ như vậy thì đạo và đời đâu có khác gì nhau, trong khi lẽ sống của người đời là vì vật chất, còn lẽ sống của người tu sĩ là buông bỏ xả cả, vì cứu độ chúng sinh thậm chí phải bỏ thân mạng cũng chẳng từ nan.
Nếu thành thị là nơi có đầy đủ điều kiện để người tăng ni học tập và nâng cao trình độ thì nông thôn sẽ chính là nơi để họ trau dồi đạo hạnh, dấn thân theo hạnh Bồ tát để làm lợi ích cho cuộc đời.
Nếu người tu còn chuộng thuận cảnh thuận duyên thì chắc chắn không thể nào thăng tiến được, mà ngược lại sẽ dễ bị rơi vào con đường chướng ngại, bị cuộc đời lôi kéo trở lại. Vả lại chốn thị thành là nơi con người quay cuồng trong lòng tham, điều kiện xã hội tuy thuận lợi về vật chất nhưng lại là nơi ồn ào, sôi sục, không dễ tịnh tâm.
Rồi những hình ảnh quảng cáo, truyền hình với đầy ngôn ngữ của dục vọng hàng ngày đập vào tai mắt mọi người, kích động lòng tham sân si đến cao tột, nếu không phải là những bậc tu hành có đạo hạnh sâu dày thì khó ai có thể trụ lại nổi. Tôi thầm băn khoăn là trong bối cảnh ấy, những tăng ni trẻ sẽ phải chống chọi lại sao đây?
Một biểu hiện khác của sự ngại gian khổ này chính là tâm lý hưởng thụ. Hình như có một số người tìm đến cửa chùa để tìm sự an nhàn cho cuộc đời thì phải. Tôi đã có dịp ghé thăm nhiều ngôi chùa thì thấy tăng ni sống thảnh thơi quá.
Thời gian rảnh của họ rất nhiều, và thay vì dùng thời gian đó để tu tập, để làm Phật sự, thì tiêu phí thời gian đó vào các cuộc điện thoại, nhắn tin, tán gẫu, thư họa… Ngày xưa Phật không cho đệ tử phải vất vả lao động kiếm sống vì muốn họ dành toàn bộ thời gian vào thiền định và trau giồi giới hạnh. Có như thế họ mới trở thành phước điền thật sự của nhân thiên. Đệ tử Phật ngày xưa chỉ có 3 việc chính: Thiền định, giáo hóa chúng sinh, và khất thực. Thời gian còn lại là để nghỉ ngơi dưỡng sức.
So với ngày xưa, người xuất gia đã sung sướng hơn nhiều, bởi họ không phải vất vả đi khất thực nữa, mà chỉ cần ở tại chùa cũng có người tới cúng dường. Như vậy lẽ ra thời gian dành cho công phu tu tập phải nhiều hơn, số lượng người đắc đạo phải nhiều hơn, số lượng chúng sinh được giáo hóa phải nhiều hơn chứ?
Người đời bình thường lãng phí thời gian đã là điều đáng trách, nếu người tu sĩ lãng phí thời gian thì sự đáng trách còn gấp ngàn lần. Bởi khi lãng phí thời gian như vậy, trong lòng họ là đang sống cho bản thân mình, hay sống cho chúng sinh, trong khi từng miếng cơm manh áo đều là của đàn na tín thí?
Tôi không muốn nói đến sự nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và lấy lại thăng bằng, mà muốn nói tới những thời gian thay vì có thể dùng vào làm lợi ích cho bao người thì họ lại lãng phí. Nếu lúc đó họ nghĩ tới những chúng sinh đang còn chưa biết nhân quả tội phước ngoài thế gian, và tìm đến với họ với sự chủ động tùy duyên giáo hóa thì có lẽ xã hội đã trở nên tốt đẹp hơn thế này rất nhiều.
Nếu họ cảm thấy chưa tự tin vào đạo hạnh và trình độ của bản thân để đi tới giáo hóa con người thì nên dành thời gian ấy để nỗ lực tu tập thêm. Nếu ai đó xuất gia theo Phật với động lực ban đầu là lòng vị tha, muốn hy sinh cống hiến cho Phật pháp, nhưng sau một thời gian thì cái ý chí đó bị mòn đi và tư tưởng an hưởng cho bản thân mình lớn dần lên, vậy thì lỗi đó nằm ở đâu? Điều này con xin được dành câu trả lời cho các bậc Hòa thượng Tôn túc.
Một trong những nguyên nhân nữa sinh ra tâm lý ngại khó ngại gian khổ của nhiều người xuất gia ngày nay, đó là bị nhiễm tâm lý bi quan yếm thế, chán bỏ thế gian. Chủ đề này lâu nay đã tốn quá nhiều giấy mực rồi, chắc người viết không cần phải tranh luận liệu tâm lý bi quan yếm thế ấy có phải là bản chất của Phật giáo hay không.
Nhưng nguyên nhân sinh ra tâm lý bi quan yếm thế là từ đâu ra, có lẽ cũng là điều cần phải tìm hiểu rõ đến tận gốc rễ, bởi thực trạng này quá phổ biến trong Phật giáo, kể cả người xuất gia và tại gia.
Theo như hiểu biết nông cạn của tôi, chính cái tư tưởng cái gì cũng quy kết cho “hữu duyên” và “mạt pháp” là thủ phạm. Trong bài viết trước, tôi đã trình bày rõ sự sai lầm trong việc vận dụng triết lý “hữu duyên” và “mạt pháp” đã đem lại một đạo Phật yếu ớt như thế nào. Con chân thành mong những bậc xuất gia chân chính sớm cảnh tỉnh những tăng sĩ và Phật tử đang bị những sai lầm này gây chướng ngại tâm.
Một biểu hiện khác của tâm lý ngại khó, ngại gian khổ là sự dễ chùn bước trong truyền bá giáo lý nếu quần chúng chưa chịu tiếp thu. Quả là giáo lý đạo Phật không dễ truyền bá, nhất là trong thời đại ngày nay khi con người tôn sùng vật chất tối đa. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được.
Nếu không làm được thì làm sao có những đạo tràng đông nghịt quần chúng Phật tử đến tu tập như ở chùa Hoằng Pháp, chùa Phật Quang, đạo tràng Pháp Hoa, hệ thống Thiền viện Trúc Lâm khắp trong Nam ngoài Bắc v.v..
Theo tôi nhận thấy, sự truyền bá được ít hay nhiều hiện nay mới chỉ phụ thuộc vào từng chùa, chứ chưa trở thành một hiệu ứng chung của đạo Phật. Chùa nào mà vị trụ trì khéo léo thuyết pháp, tổ chức đạo tràng, hướng dẫn tu tập, tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội thì chùa đó truyền bá được giáo lý đến cho nhiều người, và số lượng Phật tử quy tụ về đông đảo. Còn chùa nào vị trụ trì không làm được điều đó thì dễ rơi vào cảnh “đìu hiu gió lạnh”, người đến chùa chủ yếu để vãn cảnh thanh tịnh mà thôi.
Viết đến đây tôi chợt băn khoăn tại sao các chùa đang thành công hiện nay không cùng chung sức lại với nhau xây dựng nên một công nghệ hoằng pháp để tất cả các chùa khác, các tăng sĩ khác đều có thể học được, và áp dụng được.
Nếu có một đường lối chung, một kỹ năng chung, một công nghệ chung thì chùa nào cũng có thể tự đẩy mạnh sự nghiệp hoằng pháp. Ngay như tôi nhận thấy như hàng cư sĩ chúng tôi, tuy đức hạnh còn khiếm khuyết rất nhiều, cuộc sống còn phải chật vật lo toan nhiều mà cũng tranh thủ vận động được nhiều người về với Phật pháp, thì tại sao những bậc xuất gia đạo hạnh dành cả cuộc đời phụng sự Như lai lại phải chịu cảnh chùa mình đìu hiu vắng vẻ, cộng đồng dân cư xung quanh chùa mình ít người biết đạo?
Đến đây chúng ta có thể nhận thấy tương đối rõ thực trạng đáng báo động của tâm lý ngại khó ngại gian khổ đang đe dọa đến sự phát triển của Phật pháp như thế nào. Con mạo muội thay mặt cho tầng lớp cư sĩ ngưỡng mong các bậc Hòa thượng Tôn túc hãy có những hành động thiết thực để thay đổi hiện trạng này.
Chúng con chỉ có thể nêu ra được những điều tai nghe mắt thấy và góp phần nhìn nhận một cách khách quan nguyên nhân của vấn đề thôi, còn thay đổi hiện trạng này đó là cả một sự dày công và nỗ lực không mệt mỏi của những bậc xuất gia chân chính mà chúng con luôn ngưỡng mộ.
(Còn nữa)
Lời thưa của tác giả Kính thưa các bậc Hòa thượng, Tôn túc và quý Phật tử, Trước hết người viết vô cùng tri ân các độc giả khắp nơi đã có những hồi âm tích cực về chùm bài “Những trăn trở của một người cư sĩ về sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo”, để từ đó người viết có thêm được những hiểu biết quý báu, và sự động viên để tiếp tục đóng góp ý kiến của mình. Tôi cũng vô cùng xin lỗi vì sự im lặng trong suốt thời gian 1 năm qua. Để đáp lại tấm lòng yêu mến của những độc giả có tâm huyết với sự nghiệp phát triển Phật giáo của Việt Nam trong thời đại mới, cũng như để tạ lỗi với quý độc giả, tôi xin được tiếp tục nêu lên những trăn trở của mình. Thời gian qua, tôi có dịp hòa nhập sâu hơn vào đời sống tu tập, được đến nhiều chùa trong đất nước, cả thành thị và những vùng sâu vùng xa. Những điều trực tiếp tai nghe mắt thấy cũng nhiều, khiến lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì thấy còn rất nhiều người tu chân chính, cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp hoằng pháp độ sinh. Vui vì thấy ở đâu đạo tâm của con người Việt Nam cũng sâu đậm, giống như những mảnh đất tốt đang chờ ngày được gieo mầm giác ngộ. Vui vì diện mạo Phật giáo có nhiều khởi sắc, băng đĩa bài giảng rất nhiều, đạo tràng tu tập mọc lên khắp nơi… Nhưng nỗi buồn thì cũng không ít. Quá nhiều lời phàn nàn về đạo hạnh của một số người tu sĩ thời nay. Có những nơi tôi qua chùa chiền vắng vẻ, quần chúng ít viếng thăm, trở thành những chốn tuy nằm giữa phố thị tấp nập mà vẫn như nơi heo hút. Có những nơi vùng xa chùa chiền quá thưa thớt, chẳng ai biết đạo, ở đó người ta còn gọi tu sĩ bằng “thằng nọ thằng kia”. Có những nơi thì chùa chiền chi chít nhưng lại mải miết tranh giành tín đồ lẫn nhau. Rồi chuyện người ta coi đạo Phật là đạo của người già, là đạo của người chết. Ở đâu có tu sĩ áo vàng xuất hiện thì ở đó có đám ma v.v… Bản thân tôi, trở về Hà Nội, bạn bè nhìn thấy tôi là một Phật tử thì họ ngạc nhiên lắm, bởi lâu nay người ta quen coi chỉ có những người thất tình thất chí thất bại và ít học thì mới tìm đến cửa chùa để nương náu, sống lay lất cho qua hết một đời trong bi quan và nhàm chán. Vậy thì không buồn sao được. Những điều đó càng nung nấu trong tôi quyết tâm viết phần tiếp theo này. Cư sĩ Nghiêm Minh Kiên |