Trang chủ Đời sống Kinh doanh Buffet chay

Kinh doanh Buffet chay

142

Chiêu dụ khách!


 


Hai đứa con chị Hà nằng nặc đòi mẹ dẫn đến gặp đầu bếp nhà hàng Đồng Khánh, quận 5, TPHCM để “học nghề” vì bị “mê hoặc” bởi hương vị quyến rũ của món súp kem rau quả và món bạch vân La Hán. Đây không phải là hình ảnh lạ ở tiệc buffet chay Đồng Khánh. Nhiều gia đình sau khi dùng bữa đã tìm đến đầu bếp để “thọ giáo” một vài món khoái khẩu của mình. Cứ thế, đầu bếp và khách hàng quây quần bên nhau thân thiện, cởi mở như người một nhà. “Không chỉ có thức ăn ngon, chúng tôi còn muốn chia sẻ công thức nấu chay với thực khách và giúp họ thực tập ngay tại chỗ”, bếp trưởng Chung Minh Nghĩa cho biết. Bên cạnh đó, nhà hàng còn có thêm hình thức xổ số trúng thưởng bánh trung thu hàng đêm và nếu khách mua 10 vé thì được tặng một. Đây là năm thứ ba nhà hàng Đồng Khánh tổ chức buffet 70 món chay Trung Hoa vào các buổi tối 14, 15, 30 và mùng một vào tháng Bảy Âm lịch này và tháng nhuận tới.


 


Năm nay, nhà hàng Thiên Hồng (ngã tư Trần Hưng Đạo và Tản Đà, quận 5) cũng quyết định mở buffet chay suốt cả hai tháng Âm lịch này. Không gian ẩm thực ở đây được trang trí giống như khung cảnh một làng quê Việt Nam với mái tranh, giàn mướp, bụi chuối, vườn tre… Để đảm bảo nguồn khách ổn định trong thời gian dài như thế, nhà hàng đưa ra mức giá khá cạnh tranh: 60.000 đồng/người lớn và 40.000 đồng/trẻ em cho thực đơn Hoa-Việt 55 món. Khách đặt tiệc 20 bàn được tặng một bàn.


 


Cùng nằm trong khu vực quận 5, nhà hàng Á Đông tửu lầu đã tận dụng lợi thế không gian rộng có sức chứa trên 2.100 khách để tổ chức “Chợ Lớn những món chay”. Hiểu tâm lý của người Hoa nên ban tổ chức ở đây vừa áp dụng chương trình khuyến mãi mua 10 vé tặng một, tặng thư pháp chữ Hoa vừa phục vụ hát Hồ Quảng hoặc nhạc hòa tấu Phật giáo vào các ngày cuối tuần. Ngoài ra, nhà hàng cũng chủ động giảm độ béo và tạo mùi trong các món ăn Trung Hoa để phục vụ cho cả thực khách người Việt.


 


Tuy nhiên, thâm niên nhất trong nghề kinh doanh buffet chay ở TPHCM là nhà hàng Vân Cảnh, quận 1, với bề dày bảy năm. Mùa chay tháng Bảy Âm lịch năm nay, ban giám đốc đã chi ra hơn 300 triệu đồng để mời một công ty quảng cáo đến thiết kế toàn bộ không gian của nhà hàng và may đồng phục “mùa chay” cho nhân viên ba tháng trước đó. Thêm vào đó, nhà hàng còn hợp tác với các siêu thị Bình An, Co-op Mart và Citimart tặng vé buffet chay cho khách mua hàng ở siêu thị có hóa đơn từ vài trăm ngàn đồng trở lên; thực hiện chương trình hướng dẫn nấu chay trên đài truyền hình; giao vé tận nhà tại các quận nội thành; tặng vé cho các chùa để quảng bá thương hiệu… Ngoài ra, nhà hàng vẫn giữ truyền thống như mọi năm là tặng thư pháp chữ Việt cho khách, tổ chức cho thực khách giao lưu với văn nghệ sĩ ăn chay trường và bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.


 


Hiệu quả kinh doanh


 


Khi đề cập đến hiệu quả kinh doanh buffet chay so với buffet mặn, ban giám đốc các nhà hàng nêu trên đều nói rằng họ không quá đặt nặng yếu tố lợi nhuận, vì chi phí để đầu tư cho món chay tăng từ 20-30%. Mục tiêu của họ là tạo dựng thương hiệu buffet chay, tạo thói quen định kỳ ăn chay dinh dưỡng vào mùa Vu Lan báo hiếu. Các nhà hàng phân tích, với mức giá từ 60.000-80.000 đồng/người lớn và 35.000-40.000 đồng/trẻ em, cho thực đơn từ 55-100 món ăn là thực khách chấp nhận được. Ông Trần Quang Minh, Giám đốc nhà hàng Vân Cảnh, cho biết lượng khách ăn buffet chay tăng dần từ 30 -35%/năm. Năm 2000, Vân Cảnh đón 3.000 lượt khách; năm 2005, 13.200 khách và dự kiến 15.000 khách cho năm nay.


 


Theo thống kê sơ bộ của các nhà hàng sau nửa tháng mở buffet chay, lượng khách nơi ít nhất là khoảng 100 người/ngày, nơi cao nhất khoảng 300 người/ngày, riêng dịp cuối tuần thì số lượng tăng lên gấp đôi. Với lượng khách như thế, các nhà hàng cho biết họ có thể “sống được”, tuy mức lãi không cao so với kinh doanh món mặn. Nếu cần, các nhà hàng này có thể dùng nguồn thu từ buffet mặn để “gánh” cho buffet chay nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.