Cảm nhận về lợi ích khi thực hiện khóa lễ
Việc làm lễ cầu siêu cho vong linh hiện nay thực chất là để người đang sống gửi gắm những ước nguyện của mình. Khi những giá trị đạo đức (cầu nguyện cho vong linh, dùng kinh giảng giải cho vong linh hiểu được những điều Thiện mà hướng cái tâm theo chính đạo; thông qua lễ cầu siêu thể hiện tấm lòng báo hiếu, báo ân với người quá cố; giáo dục cho con cháu về tưởng nhớ công ơn người đi trước…) bị lu mờ thì trong quan niệm của nhiều người, lễ cầu siêu cũng như một số nghi lễ khác như cầu an, dâng sao giải hạn, bán khoán, cắt tiền duyên… là một biện pháp được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh được cầu xin Đức Phật và thần thánh phù hộ cho các thành viên của gia đình ăn nên làm ra, dồi dào sức khỏe ???
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: có hay không lợi ích thực sự của một khóa lễ cầu siêu đối với người đang sống, chúng tôi nhận thấy rằng, với những gia đình chỉ mới tổ chức khóa lễ trong tháng 3 năm 2009 có lẽ chưa cảm nhận được kết quả của nó như thế nào. Vì vậy, được sự giới thiệu của các nhà sư ở chùa Phúc Khánh, chúng tôi – theo địa chỉ có sẵn đã đến tận nơi sinh sống của một số gia đình từng làm lễ cầu siêu ở chùa trong vòng ba năm trở lại đây, đề nghị họ cung cấp thông tin về những gì diễn ra sau khi kết thúc khóa lễ.
Đại đa số những người được phỏng vấn cho biết, gia đình họ không gặp biểu hiện gì bất thường khi đã làm lễ cầu siêu cho người thân. Chỉ có trường hợp một gia đình ở Hưng Yên nói rằng khi đi gọi hồn người thân (tức là vong linh đã được gửi lên chùa Phúc Khánh), người này cho biết cuộc sống ở dưới đó rất vất vả. Nhưng gia đình này cũng chỉ mời thầy cúng về làm lễ, thắp hương cho vong linh chứ không trình bày câu chuyện với các nhà sư ở chùa Phúc Khánh.
Nói chung, các gia đình đã làm lễ cầu siêu trong vòng 3 năm qua ở chùa Phúc Khánh mà chúng tôi có điều kiện tiếp xúc không thật sự cảm nhận được có hay không lợi ích của khóa lễ.
Họ nhận thấy mọi việc trong đời sống thường ngày của họ vẫn diễn ra bình thường, không có nhiều biến động. Với họ như vậy là có thể yên tâm vì vong linh của gia đình đã được siêu thoát về nơi cực lạc, sẽ phù hộ cho con cháu được gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong làm ăn, sinh sống..
Trong phần này, chúng tôi trình bày về những ý kiến xung quanh việc rước vong lên chùa thông qua các cuộc phỏng vấn được tiến hành đối với nhà chùa cũng như gia đình có vong linh được làm lễ cầu siêu tại chùa Phúc Khánh.
Chúng tôi đã nhận được sự hợp tác tích cực từ phía các nhà sư trong việc cung cấp thông tin, tài liệu. Tuy vậy, trong lần đầu tiên trò chuyện với các gia đình tới chùa làm lễ, họ tỏ ra nghi ngại, thậm chí từ chối trả lời những câu hỏi của chúng tôi.
Kể từ sau đó, chúng tôi rút kinh nghiệm cũng tự coi mình như một thành viên có người thân đưa lên chùa, cùng tham dự khóa lễ với họ thì những người này (có lẽ) cảm thấy yên tâm hơn. Khi khóa lễ kết thúc, họ đồng ý để chúng tôi phỏng vấn.
Một số câu hỏi cơ bản đã được thực hiện trong quá trình phỏng vấn:
– Làm lễ cầu siêu – đưa vong lên chùa diễn ra khi nào?
Quá trình khảo sát điền dã của chúng tôi tại chùa Phúc Khánh trong tháng 3 năm 2009 với 5 khóa lễ cầu siêu được tổ chức chỉ thấy xuất hiện trường hợp lễ cầu siêu dành do các gia đình có người thân mới mất trong vòng 49 ngày. Đây cũng là trường hợp phổ biến, thường gặp nhất trong khóa lễ cầu siêu ở các chùa nói chung.
– Các gia đình đến chùa làm lễ cầu siêu như thế nào?
85% những người được phỏng vấn trả lời rằng việc đưa vong linh người thân của mình lên chùa trong vòng 49 ngày coi đây là việc đương nhiên phải làm. 15% những người được phỏng vấn là do được nghe những ý kiến khuyên nên gửi vong lên chùa nên họ làm theo.
Người ta có thể đến gặp trực tiếp với ban quản lý hoặc sau khi nghe hướng dẫn thì đăng kí làm lễ cầu siêu cho vong linh nhà mình. Số tiền mà mỗi gia đình phải nộp là 500 ngàn đồng đối với lễ cầu siêu và thêm 360 ngàn đồng nếu có nguyện vọng làm lễ Tuần.
– Các gia đình làm lễ cầu siêu ở chùa Phúc Khánh – họ đến từ đâu?
80 – 85% gia đình có vong linh đưa lên chùa sinh sống tại Hà Nội, trong đó hai khu vực lân cận là quận Đống Đa chiếm 25%, quận Thanh Xuân chiếm 30%, các quận huyện khác chiếm 45%. 15 – 20% còn lại là các gia đình ở tỉnh khác.
– Những vong linh như thế nào được đưa lên chùa?
Ở chùa Phúc Khánh cũng như nhiều nơi khác, không phân biệt vong linh như thế nào được (hoặc nên) đưa lên chùa. Bất kì trường hợp nào, nếu bản thân người chết khi còn tại thế có nguyện vọng hoặc người thân bày tỏ mong muốn được gửi vong linh của họ về cửa Phật đều được đón nhận. Nguyên nhân của cái chết không ảnh hưởng tới việc tiến hành lễ cầu siêu. Tất cả các nghi thức, diễn tiến của một buổi lễ vẫn được tổ chức một cách bình thường và giống nhau. Một điểm đáng lưu ý là hiện nay theo hiểu biết của chúng tôi, ngoại trừ chùa Phúc Khánh, tất cả các ngôi chùa khác trên địa bàn thành phố Hà Nội đều chưa xuất hiện hình thức lễ cầu siêu cho thai nhi.
– Những suy nghĩ về việc rước vong lên chùa
+Về phía nhà chùa: đó là thái độ thiếu nghiêm túc, hời hợt, không thành tâm của các nhà sư ở chùa Phúc Khánh với công việc của mình. Họ đăng đàn với một trạng thái mệt mỏi, chán nản, làm qua loa cho xong. Hầu hết người đến chùa làm lễ không biết được điều này.
Với các gia đình, chỉ cần trên đàn lễ có nhà sư là đủ. Còn đối với các nhà sư tại chùa Phúc Khánh, họ cũng thẳng thắn cho biết ý kiến của mình, tập trung chủ yếu vào hai nguyên nhân: sự nhàm chán của một khóa lễ cầu siêu và việc tổ chức các khóa lễ chỉ như làm không công khiến họ cảm thấy không có hứng thú, không cần quan tâm tới lợi ích sau này.
+ Về phía gia đình: rất ít người đến đây làm lễ cầu siêu có hiểu biết về ý nghĩa Phật giáo cũng như các giá trị nhân văn của khóa lễ. Hiện tượng những người đến dự lễ muộn hơn so với thời gian đã được thông báo từ trước, làm việc riêng không liên quan tới buổi lễ xảy ra thường xuyên.
– Cảm nhận về lợi ích khi thực hiện khóa lễ
Việc làm lễ cầu siêu cho vong linh hiện nay thực chất là để người đang sống gửi gắm những ước nguyện của mình. Với họ, sau khi làm lễ cầu siêu, không gặp phải hiện tượng gì bất thường là có thể yên tâm vì vong linh của gia đình đã được siêu thoát về nơi cực lạc, sẽ phù hộ cho con cháu được gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong làm ăn, sinh sống.
KẾT LUẬN
Lễ cầu siêu mà chúng tôi trình bày trong phần nội dung chính của đề tài này là kết quả của đợt khảo sát được tiến hành chủ yếu trong tháng 3 năm 2009 vừa qua tại chùa Phúc Khánh ở số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
So sánh những khoa cúng xuất hiện trong tiến trình của khóa lễ cơ bản được tổ chức tại chùa Phúc Khánh với một số ngôi chùa khác có thể thấy rằng, các nhà sư ở chùa Phúc Khánh đã có một số thay đổi về mặt thứ tự khoa cúng cũng như lược bỏ phần sớ ở một vài khoa. Người đi làm lễ hầu như không nhận biết được điều này. Vì vậy, họ cũng không xác định được sự thay đổi đó có tác động gì tới lợi ích của khóa lễ đối với vong linh của gia đình mình hay không.
Lễ cầu siêu chỉ là một trong ba nghi lễ vừa chứa đựng yếu tố tôn giáo (Phật giáo), vừa là biểu hiện của sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư diễn ra thường xuyên tại chùa Phúc Khánh. Ngoài nghi lễ này, tên tuổi chùa Phúc Khánh còn gắn liền với lễ cầu an đầu năm mới và lễ dâng sao giải hạn hàng tháng thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, do đặc điểm của nghiên cứu trường hợp, đề tài này có sự giới hạn về vấn đề nghiên cứu. Chúng tôi chỉ tập trung trình bày và phân tích một nghi lễ cụ thể là lễ cầu siêu – rước vong lên chùa. Những câu chuyện, ý kiến xoay quanh nghi lễ này được lựa chọn và sử dụng làm tài liệu cho một số nhận xét, đánh giá của chúng tôi về tình hình chuyển biến trong đời sống tâm linh của người dân Hà Nội hiện nay.
Sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng là một hiện tượng đa dạng, phong phú và khá phức tạp của xã hội. Tham gia vào những hoạt động ấy là các tín đồ và những người quan tâm mà không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp hay địa vị xã hội… Cũng cần lưu ý rằng, đề cập tới những biến chuyển trong đời sống tâm linh không chỉ thu hẹp trong nhóm đối tượng là người hành lễ. Cần có những nghiên cứu chi tiết hơn về người điều hành, tổ chức các nghi lễ – tức là các tu sĩ thuộc tôn giáo ấy.
Chùa Phúc Khánh như đã giới thiệu ở phần Vai trò của chùa Phúc Khánh trong đời sống tâm linh của người dân thành phố Hà Nội, đây là ngôi chùa thu hút đông tín đồ, đệ tử, trong đó phải kể đến một lượng khá nhiều các nhà trí thức, các nhà kinh doanh và đáng lưu ý hơn là một số người có chức sắc từ trung ương đến địa phương một số tỉnh (chủ yếu ở miền Bắc nước ta).
Theo ủy nhiệm hợp pháp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hà Nội, chùa Phúc Khánh được giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết trụ trì. Tuy nhiên, do tính chất công việc mà vị thượng tọa này hiện đảm nhiệm, ông thường chỉ đứng ra tổ chức những khóa lễ lớn, có lượng tín đồ tham gia đông đảo như đại lễ cầu an đầu năm, đại lễ cầu siêu cho các vong linh anh hùng liệt sĩ…; hoặc những trường hợp phật tử có nhu cầu tổ chức khóa lễ là người có chức danh, địa vị cao trong xã hội. Đối với những nghi lễ mang tính bình dân diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hầu hết các đệ tử của ông là người trực tiếp điều hành.
Một điểm cần chú ý là đệ tử xuất gia của thượng tọa Thanh Quyết khoảng hơn hai mươi người, hiện tu tập tại nhiều ngôi chùa như ở Hà Nội (chùa Phúc Khánh và chùa Non Nước – Sóc Sơn), Yên Tử (Quảng Ninh), Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn… Họ không cư trú cố định tại một nơi mà có sự thay đổi luân phiên cho nhau, mang tính chất công việc như người bình dân hơn là làm phật sự theo đúng nghĩa. Ngoài hai nhà sư chịu trách nhiệm quản lý chính thức tất cả các hoạt động nghi lễ, ở chùa Phúc Khánh luôn có khoảng 2 – 3 vị sư khác cùng tổ chức khóa lễ cho phật tử. Khóa lễ này họ tham gia, kết thúc khóa lễ đó lại về trông coi chùa của mình, bàn giao công việc lại cho người khác. Chính vì lẽ đó, trong thời gian khảo sát điền dã tại chùa, chúng tôi đã phỏng vấn, thu thập ý kiến của khá nhiều nhà sư (có thể hiện nay họ đã chuyển công tác đến nơi khác). Mỗi người trong số họ giới thiệu cho chúng tôi về khóa lễ và chia sẻ những suy nghĩ của mình về những vấn đề tâm linh hiện nay để từ đó, chúng tôi tổng hợp lại và cùng với việc trao đổi với các gia đình tới chùa làm lễ, có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá bước đầu về những chuyển biến trong đời sống tâm linh của người dân ở Hà Nội hiện nay.
Ở chùa Phúc Khánh, đã từ lâu, mọi hoạt động nghi lễ từ lâu được tổ chức thực hiện dưới hình thức là những dịch vụ tâm linh trở thành nề nếp, thói quen. Có nhà sư kể cho chúng tôi nghe rằng, trong giới tu hành ở Hà Nội hiện nay, người ta coi chùa Phúc Khánh như một công ty về dịch vụ tâm linh, trong đó trụ trì ngôi chùa là giám đốc, những chức danh kế toán, thủ quỹ, quản lý nhân sự… thuộc về các phật tử gắn bó lâu năm và có đóng góp lớn đối với chùa (đến chùa chấp tác, giới thiệu cho các sư những mối quan hệ với doanh nghiệp, quan chức từ trung ương tới địa phương…). Các nhà sư (đệ tử của thượng tọa trụ trì) là những nhân viên đảm nhận công việc tổ chức, tiến hành khóa lễ.
Bình thường ở các chùa, tiền công đức và các khoản quyên góp được dùng để nuôi các sư học hành, tu tập. Ngoài ra, nếu tín đồ có nhu cầu làm lễ thì bên cạnh những chi phí cho việc chuẩn bị khóa lễ, còn có một khoản tiền (tùy tâm) gọi là để cúng dàng chư tăng (một hình thức trả công). Đối với chùa Phúc Khánh, tất cả các khoản tiền mà người ta nộp để nhà chùa làm lễ được ban quản lý thu giữ. Số tiền này được chia làm ba phần:
– Một phần là khoản lương (cố định) cấp cho các sư và những người làm công trong chùa.
– Một phần là chi phí cho các khóa lễ. Khi có khóa lễ, ban quản lý trích ra một số tiền để lo việc chi tiêu, mua sắm chuẩn bị đồ mã, hoa quả, hương và những thứ cần thiết.
– Một phần là tiền để dành dùng khi chùa có đám giỗ hoặc phải tu sửa, mua sắm thay thế vật dụng…
Câu chuyện về chùa Phúc Khánh chúng tôi được nghe trên đây là một thực tế của đời sống tâm linh trong xã hội hiện đại. Để có thể thích ứng với nhu cầu của các tín đồ, nhà chùa đã tự mình đặt ra những cách thức khác nhau, sẵn sang cung ứng những dịch vụ nghi lễ phù hợp. Trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam còn yếu kém trong việc tổ chức các sinh hoạt để giúp tín đồ thấm nhuần lời dạy của Đức Phật, thực hành giáo lý nghiêm túc thì những dịch vụ Phật giáo mang tính dân gian này lại có vai trò quan trọng đối với sự bảo tồn và phát triển của đạo Phật. Dịch vụ Phật giáo góp phần duy trì và làm gia tăng số lượng người theo, đồng thời là nguồn kinh phí để nhà chùa tiếp tục được duy trì, đảm bảo đời sống cho các tu sĩ.
Để xã hội phát triển thì biến đổi xã hội là một tất yếu. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn đến những biến đổi cơ bản trong đời sống nhân dân. Hiện tượng phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc khiến cho ranh giới giữa người giàu và người nghèo ngày một xa nhau hơn. Nhịp sống dồn dập, hối hả của xã hội tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân. Những bất ổn ngày càng đè nặng trên đôi vai họ thúc đẩy người ta tìm đến tôn giáo như là một liệu pháp tâm linh, bù đắp cho những hoang mang, lo sợ về một tương lai mơ hồ. Người già, người trung tuổi cũng như thanh niên tìm đến chùa, gây ảnh hưởng vào đời sống tu sĩ vốn đã không ít chuyện phiền hà (trái với những điều bấy lâu nay người bên ngoài như chúng ta hình dung).
Lễ cầu siêu mà chúng tôi trình bày trong đề tài này không phải là một nghi lễ điển hình cho việc cầu cúng để xin các đấng tối cao phù hộ cho con người nơi trần thế một cuộc sống an lành, giàu sang. Nhưng bản thân cầu siêu – vốn là khóa lễ căn bản của Phật giáo mang nhiều giá trị đạo đức trở thành một loại hình dịch vụ tâm linh thường gặp nhất ở các chùa hiện nay cho thấy, người ta đã coi nó như một sinh hoạt tôn giáo bình thường, ai ai cũng làm mặc dù ít hiểu biết về nó.
Mục đích của gia đình những vong linh được gửi lên chùa là tiến hành khóa lễ cầu siêu nhằm hướng tới một sự vừa ý, an định tinh thần cho linh hồn người chết (siêu thoát tức là được vãng sinh vào cõi Tây Phương cực lạc hoặc đầu thai làm người, không bị đọa vào địa ngục, phải làm ngạ quỷ, súc sinh…). Vong linh ở nơi suối vàng có được thỏa mãn tâm nguyện thì con cháu, họ hàng – những người đang sống mới yên tâm làm ăn. Người ta tin rằng, từ đời này qua đời khác, người quá cố sẽ độ trì cho các thế hệ kế tiếp gặp nhiều niềm vui, may mắn. Nếu vong linh còn điều gì đó chưa được hài lòng thì sẽ còn quay về dương gian, quấy nhiễu, gây nên những tai ách khó lường.
Tổng hợp toàn bộ nội dung mà chúng tôi đã trình bày trong đề tài này, có thể nhận thấy rằng, sinh hoạt trong đời sống tâm linh ở Hà Nội hiện nay đang diễn ra những biến đổi sâu sắc. Chùa Phúc Khánh mà chúng tôi lựa chọn làm địa điểm khảo sát cho đề tài nghiên cứu này chỉ là một trường hợp điển hình cho những biến đổi đó. Ngoài ra, ở nhiều nơi khác, sự chuyển biến vẫn tiếp tục qua từng ngày, từng giờ nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau, người ta ít quan tâm tìm hiểu.