Trang chủ Nghiên cứu Thực trạng nghi lễ Phật giáo hiện nay – Lễ rước vong...

Thực trạng nghi lễ Phật giáo hiện nay – Lễ rước vong lên chùa- Phần 5

920

Những ý kiến xung quang việc rước vong lên chùa

          Trong quá trình tìm hiểu về những vấn đề của một khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa diễn ra ở chùa Phúc Khánh, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp quan sát – tham dự kết hợp với phỏng vấn sâu.
Thời gian khảo sát trực tiếp tại địa điểm này là ba tháng với khoảng hơn mười khóa lễ khác nhau được tổ chức, trong đó có 5 khóa lễ cầu siêu tập thể. Ngoài ra, chúng tôi có may mắn được tiếp xúc, trao đổi với một số nhà sư và đại diện của gia đình đã từng tham gia các nghi lễ do nhà chùa tổ chức. Kết quả thu được cho thấy, giữa người thực hành – nhà sư và người tham dự – thân nhân của người đã mất có nhiều điểm khác biệt và tương đồng trong quan niệm cũng như hành vi ứng xử đối với cùng một nghi thức cụ thể.
Vì đặc điểm của khóa lễ cầu siêu ở chùa Phúc Khánh được tổ chức trong một khoảng thời gian ngắn (hai giờ ba mươi phút kể từ khi chính thức bắt đầu cho tới khi kết thúc) nên khoa cúng này và khoa cúng kia cứ nối tiếp nhau liên tục, không ngừng.
 Những người tham gia khóa lễ một mặt yêu cầu đảm bảo tính thiêng cho các nghi thức; mặt khác, vì các khoa cúng diễn ra khá vội vàng nên thân nhân của người mất vì quá mệt mỏi khi phải chạy theo các hoạt động đòi hỏi phải khẩn trương, nhanh gọn nên họ thường tỏ ra không được thoải mái, cáu gắt, quát tháo, thậm chí từ chối tiếp xúc khi có sự đề nghị được phỏng vấn, trao đổi.
Hiện tượng này chúng tôi gặp phải trong lần đầu tiên đến chùa Phúc Khánh để khảo sát. Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, chúng tôi đã có sự thay đổi trong cách thức làm việc của mình sao cho phù hợp để có thể tìm hiểu về khóa lễ mà vẫn nhận được sự cộng tác của các đối tượng.
Đối với nội dung về quá trình chuẩn bị cho khóa lễ, tiến trình của khóa lễ (các khoa cúng), chúng tôi chủ yếu quan sát trực tiếp, ghi chép lại, có thể tham gia nếu được sự đồng ý của nhà chùa cũng như các gia đình. Thật ra làm được điều này không phải là việc quá khó bởi theo quan niệm của Phật giáo cũng như trong dân gian cửa chùa luôn rộng mở, mọi người đều có thể cùng tụng kinh niệm Phật để lấy phúc cho bản thân, cho gia đình, các đối tượng tham dự khóa lễ sẵn sàng cho phép chúng tôi được cùng ngồi xuống lễ bái với họ. Có một điều cần phải lưu ý là không được trò chuyện gây ảnh hưởng tới những người xung quanh và các hoạt động đang được tổ chức. Chúng tôi đã thực hiện theo yêu cầu của họ và nhận thấy những thái độ nhiệt tình hơn, chia sẻ hơn từ phía các nhà sư và tín đồ tới chùa hành lễ.
Tài liệu về khoa cúng và sớ được nêu trong đề tài này bao gồm hai loại :
– Tất cả những loại được sử dụng trong khóa lễ cầu siêu của chùa Phúc Khánh do các nhà sư ở đây cung cấp
– Một số loại đã bị lược bỏ, các nhà sư ở đây không sử dụng nhưng qua các thư tịch về nghi lễ Phật giáo, chúng tôi đã tìm kiếm, bổ sung cho đề tài hoàn chỉnh hơn.
Những cuộc phỏng vấn chỉ được phép thực hiện ở thời điểm trước và sau khóa lễ. Một số nội dung được chúng tôi đưa ra để lấy ý kiến từ phía nhà chùa và phía gia đình tới chùa làm lễ. Dưới đây, xin trình bày tổng hợp kết quả của những cuộc phỏng vấn này theo một số vấn đề mà chúng tôi đánh giá là cần quan tâm, lưu ý.
 
Làm lễ cầu siêu – đưa vong lên chùa diễn ra khi nào?
 Như đã trình bày từ trước, lễ cầu siêu được tiến hành trong một số trường hợp khác nhau: 1.Dành cho người mới mất trong vòng 49 ngày (7 tuần lễ đầu tiên); 2.Tổ chức vào mùa Vu Lan – Báo Hiếu Báo Ân (trong tháng 7 âm lịch, thường là trung tuần tháng 7); 3. Đại lễ cầu siêu cho vong hồn các liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, hoặc tưởng niệm nạn nhân của những tai nạn đáng tiếc đã không may xảy ra. Ngoài ra, còn có trường hợp một gia đình khi mua mảnh đất để dựng nhà hoặc một doanh nhân khi chuyển địa điểm công ty của mình về địa điểm mới đi xem bói và được thầy bói phán rằng, dưới nền đất ở vị trí đó có hài cốt hoặc vong hồn lang thang… Thông thường, khi gặp những tình huống như vậy người ta có nhiều cách để làm lễ trấn áp, giải tỏa nỗi lo lắng, yên tâm dựng nhà, làm ăn. Đến chùa làm lễ cầu siêu là một biện pháp tâm linh hiện nay đang được sử dụng phổ biến.
          Quá trình khảo sát điền dã của chúng tôi tại chùa Phúc Khánh trong tháng 3 năm 2009 với 5 khóa lễ cầu siêu được tổ chức chỉ thấy xuất hiện trường hợp lễ cầu siêu dành do các gia đình có người thân mới mất trong vòng 49 ngày. Theo ý kiến của đại đức Thích Minh Đức, đại đức Thích Đạo Thực của chùa Phúc Khánh thì đây là trường hợp phổ biến, thường gặp nhất trong khóa lễ cầu siêu ở các chùa nói chung.
 
Các gia đình đến chùa làm lễ cầu siêu như thế nào?
 
          85% những người được phỏng vấn trả lời rằng việc đưa vong linh người thân của mình lên chùa trong vòng 49 ngày là phong tục mà ông cha ta truyền lại. Hơn 70% trong số đó đã từng làm như vậy đối với người thân mất từ những năm trước đây. Tức là bây giờ, khi gia đình có một người chết đi, việc đưa vong lên chùa được coi như một việc đương nhiên cần thiết phải làm. 15% những người được phỏng vấn còn lại có ý kiến khác. Theo họ, trước đây gia đình chưa từng làm lễ đưa vong lên chùa. Nhưng lần này, khi trong nhà có người mất, nhiều người quen khuyên rằng nên gửi vong lên chùa để hương hồn vong linh "được mát mẻ" sẽ phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, sung túc… nên họ nghe theo.
          Tỷ lệ những người đã biết đến chùa Phúc Khánh từ trước đó theo tính toán của chúng tôi trong tháng 3 năm 2009 là 75%. Những người qua quen biết, giới thiệu mới biết thông tin về chùa và tới đây đăng kí làm lễ cầu siêu là 25%.
Tùy thuộc vào việc đã từng làm lễ cầu siêu ở chùa từ trước hay chưa, người đến chùa có thể tới đăng kí trực tiếp với ban quản lý hoặc chỉ đơn giản là sau khi thu xếp hoàn tất những công việc của đám tang, người ta tới chùa để hỏi xem tiếp theo gia đình nên làm gì để có thể đưa vong lên chùa. Người nhà chùa sẽ hướng dẫn sơ lược và giới thiệu họ tới gặp ban quản lý để đăng kí.
Đối với những gia đình chỉ làm lễ cầu siêu thì ngoài việc ghi tên, tuổi, địa chỉ của các thành viên trong gia đình và tên, tuổi, ngày mất, địa chỉ phần mộ của người mất… ban quản lý yêu cầu nộp số tiền 500 ngàn đồng để nhà chùa chuẩn bị cho khóa lễ. Trước đây ở chùa Phúc Khánh phân chia thành hai nhóm đối tượng: nếu người mất là cha mẹ của người đến đăng kí thì nộp 500 ngàn đồng. Còn nếu người mất trẻ tuổi, là con cái của người đến đăng kí thì chỉ nộp 250 ngàn đồng. Theo họ, việc cúng bái với những vong linh chết trẻ đơn giản hơn so với những vong linh chết khi tuổi cao. Tuy nhiên, hiện nay quan niệm này đã bị loại bỏ. Tất cả các trường hợp người mất, dù có quan hệ ở hàng cha mẹ hay con cái đối với người đến đăng kí, đều nộp số tiền 500 ngàn đồng tương đương nhau.
Đối với những gia đình làm cả lễ Tuần và lễ cầu siêu thì ghi vào sổ những thông tin như nhóm đối tượng trên và nộp kèm theo 360 ngàn đồng để sửa soạn lễ cúng Tuần cho 6 tuần trước khi lễ cầu siêu chính thức được tổ chức (tương ứng 60 ngàn đồng/lễ Tuần).
          Tùy theo yêu cầu của các gia đình có thể đăng kí với nhà chùa chuẩn bị cỗ chay, xôi chè… với số lượng không giới hạn. Mỗi mâm cỗ chay có giá 240 ngàn đồng. Xôi chè 20 ngàn đồng gồm một bát và một đĩa. Trong tháng 3 năm 2009, chỉ có 5/49 gia đình làm lễ cầu siêu tại chùa đăng kí làm cỗ chay. Mỗi gia đình đặt 3 mâm. Họ hàng, con cháu của người quá cố sau khi dự lễ thì tới khu vực sân sau của chùa (thường dành riêng cho các bữa cỗ) để thụ lộc và ra về.
Để chuẩn bị cho một khóa lễ cầu siêu tại chùa Phúc Khánh, gia đình người mất sau khi ghi đầy đủ và chính xác thông tin cần thiết theo yêu cầu của ban quản lý thì hầu như không phải mua sắm bất cứ thứ gì khác cho buổi lễ. Nếu thành tâm, khi đến tham dự khóa lễ, họ có thể mang theo một ít hoa quả và quần áo mã, tiền vàng để dâng lên vong linh.
          Trong tháng 3, theo ghi nhận của chúng tôi, 100% các gia đình đều mua thêm một bộ quần áo (nam hoặc nữ), vài cân hoa quả. Khi tới chùa, họ bày những lễ vật đó lên khay, đĩa có sẵn và đặt lên bàn thờ Vong hoặc bàn thờ Tam Bảo.
 
Các gia đình làm lễ cầu siêu ở chùa Phúc Khánh – họ đến từ đâu?
 
          Căn cứ vào cuốn sổ ghi tên, địa chỉ và những thông tin cần thiết về các gia đình đến làm lễ cầu siêu ở chùa Phúc Khánh trong tháng 3 năm 2009 chúng tôi nhận thấy :
– 80 – 85% gia đình có vong linh đưa lên chùa sinh sống tại Hà Nội, trong đó hai khu vực lân cận là quận Đống Đa chiếm 25%, quận Thanh Xuân chiếm 30%, các quận huyện khác chiếm 45%.
– 15 – 20% còn lại là các gia đình ở tỉnh khác.
 
Những vong linh như thế nào được đưa lên chùa?
 
          Trao đổi với chúng tôi, các nhà sư đều cho rằng, trong quan niệm của nhà Phật, chúng sinh bình đẳng, không phân biệt ai hơn ai kém. Vì vậy, bất kì vong linh nào cũng có thể đưa rước lên chùa nếu bản thân người chết khi còn tại thế có nguyện vọng hoặc gia đình của người mất bày tỏ mong muốn được gửi gắm vong hồn thân nhân của họ vào chốn Thiền môn.
Cách thức mà con người ta chết đi rất đa dạng. Có thể chết vì tuổi già, chết vì tai nạn, chết vì bệnh tật, chết vì tự tử… Nguyên nhân của cái chết không ảnh hưởng tới việc tiến hành lễ cầu siêu. Tất cả các nghi thức, diễn tiến của một buổi lễ vẫn được tổ chức một cách bình thường và giống nhau.
Một điểm đáng lưu ý là hiện nay theo hiểu biết của chúng tôi, ngoại trừ chùa Phúc Khánh, tất cả các ngôi chùa khác trên địa bàn thành phố Hà Nội đều chưa xuất hiện hình thức lễ cầu siêu cho thai nhi. Đối tượng thai nhi ở đây được hiểu là:
– Những thai nhi ngay khi vừa mới sinh ra vì một lý do nào đó (thường là bị bệnh từ khi còn nằm trong cơ thể người mẹ hoặc sinh non…) không thể tiếp tục duy trì sự sống;
– Những trường hợp có thai mà không thể giữ lại để chờ tới lúc sinh nở, buộc phải nạo phá ngay từ lúc người phụ nữ biết mình mang thai. 
          Họ quan niệm rằng thai nhi dù chưa cất tiếng khóc chào đời vẫn được coi là một sinh linh, nên đối xử bình đẳng, coi nó như một con người. Nhưng vì thai nhi chưa được sinh ra hoặc vừa mới sinh nhưng đã sớm lìa đời, không có tên tuổi nên làm lễ cầu siêu tập thể, khi tuyên sớ, nếu các vong linh người lớn được xướng đầy đủ họ tên thì các vong linh thuộc dạng này sẽ chỉ được gọi ngắn gọn theo là thai nhi họ Nguyễn, thai nhi họ Trần, thai nhi họ Lê... tùy vào cái họ mà người đến chùa đăng kí làm lễ cầu siêu cho thai nhi đó ghi lại.
 
Những suy nghĩ về việc rước vong lên chùa
 
Quy trình từ việc chuẩn bị cho tới lúc tiến hành một khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa đã được chúng tôi trình bày cụ thể trong chương 2 của đề tài này. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh vào thái độ của những người tham dự buổi lễ cầu siêu, cụ thể là phía nhà chùa và phía gia đình có người mất.
 
 Về phía nhà chùa
 
Cần phải thừa nhận một thực tế là các nhà sư ở chùa Phúc Khánh – những người đứng ra tổ chức khóa lễ đã thể hiện một thái độ thiếu nghiêm túc, hời hợt, không thành tâm với công việc của mình.
Việc hướng dẫn các gia đình đến chùa đăng kí làm lễ cầu siêu, mua sắm những đồ lễ cần thiết để chuẩn bị cho khóa lễ đều do ban quản lý (gồm nhiều phật tử làm việc theo hình thức làm công ăn lương tại chùa) chịu trách nhiệm.
Việc viết sớ (ghi tên, tuổi, địa chỉ của gia đình người mất và tên, tuổi, địa chỉ phần mộ người mất) do các thầy cúng thường xuyên qua lại với chùa thực hiện.
Các nhà sư chỉ xuất hiện khi buổi lễ chính thức bắt đầu. Họ đăng đàn với một trạng thái mệt mỏi, chán nản, làm qua loa cho xong. Đáng lẽ theo quan niệm của Phật giáo, phải chính những nhà sư cử bài văn khấn, tụng kinh, tuyên sớ… thì năng lực tu hành mà họ tích lũy được mới có ý nghĩa đối với vong linh thì ở chùa Phúc Khánh, họ không tham dự đầy đủ tất cả các khoa mà giao một phần công việc cho thầy cúng. Phật giáo cũng quan niệm rằng, trong một buổi lễ, tùy theo hoàn cảnh cũng như tính chất khóa lễ mà số lượng nhà sư tham gia khuyến khích càng nhiều càng tốt vì như vậy, năng lượng tu hành của họ sẽ giúp vong linh được siêu thoát thuận lợi hơn, nhanh hơn. Tại chùa Phúc Khánh, trong thời điểm buổi lễ diễn ra, dù số lượng nhà sư hiện có mặt ở chùa nhiều hơn so với yêu cầu tối thiểu của khóa lễ (5 người) thì họ vẫn tham gia chỉ với một, hai người, gần như là để trên đàn lễ có sự hiện diện của vị sư.
Trao đổi trực tiếp với các nhà sư cũng như các gia đình chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết người đến chùa làm lễ không biết được điều này. Với các gia đình, chỉ cần trên đàn lễ có nhà sư là đủ. Còn đối với các nhà sư tại chùa Phúc Khánh, họ cũng thẳng thắn cho biết ý kiến của mình về vấn đề này. Có thể liệt kê ra đây hai nguyên nhân nổi bật khiến chúng tôi chú ý đến:
– Theo họ, khóa lễ cầu siêu tập thể này diễn ra hàng tuần thật sự nhàm chán. Tất cả các nội dung đều là sự lặp đi lặp lại từ khâu chuẩn bị, mua sắm đồ lễ cho tới việc cử tán các bài văn khấn.
Đi học ở các trường dành cho người tại gia, giao du, quen biết với những phật tử là thanh niên bên ngoài xã hội khiến họ cảm thấy mình cũng bị cuốn theo nhịp sống tất bật, hối hả thường ngày.
Trong khi đó, các khóa lễ vẫn chỉ có từng ấy bước tiến hành, làm mãi thành quen, văn khấn đã thuộc từ rất lâu… cho nên họ chỉ làm cho xong trách nhiệm, không bận tâm tới những ý nghĩa sâu xa của nó.
Một nhà sư nói với chúng tôi, bản thân vị ấy cũng là người bình thường, dù học kinh Phật thấy dạy rằng nếu tu tập tốt thì sẽ có thể cứu độ chúng sinh, giúp ích cho nhiều người nhưng chính mình cũng không dám chắc việc làm của người tu hành sẽ mang lại kết quả như vậy hay không. Thế thì họ cứ làm cho xong phần việc của mình cũng coi như là tạm ổn ???
– Bình thường ở các chùa, tiền công đức và các khoản quyên góp được dùng để nuôi các sư học hành, tu tập. Ngoài ra, nếu tín đồ có nhu cầu làm lễ thì bên cạnh những chi phí cho việc chuẩn bị khóa lễ, còn có một khoản tiền (tùy tâm) gọi là để cúng dàng chư tăng (một hình thức trả công).
 Đối với chùa Phúc Khánh, tất cả các khoản tiền mà người ta nộp để nhà chùa làm lễ được ban quản lý thu giữ. Hàng tháng họ trích từ tổng số tiền này ra một phần gọi là lương của các sư. Hoạt động nghi lễ mà nhà chùa tổ chức, ví dụ như lễ cầu siêu được các nhà sư coi như làm không công.
Vì vậy, họ cũng chỉ hoàn thành cho đủ trách nhiệm, không quan tâm tới lợi ích của khóa lễ sẽ như thế nào, các gia đình tới gửi vong lên chùa có cảm thấy an lòng hay không ???
 
 Về phía gia đình
 
          Nếu thái độ của các nhà sư ở chùa Phúc Khánh khi tổ chức khóa lễ cầu siêu cho các vong linh hoàn toàn mang tính trách nhiệm thì về phía gia đình của người mất, theo điều tra của chúng tôi, tình hình cũng tương tự như vậy.
Chúng ta đều biết nghi lễ cầu siêu của Phật giáo vốn mang đậm những ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, dựa vào những điều chúng tôi tận mắt chứng kiến cũng như khi tiến hành phỏng vấn, tìm hiểu về suy nghĩ của những thành viên trong gia đình có người mất, hầu như các giá trị tốt đẹp, cao cả đã không còn được coi trọng. Rất ít người đến đây làm lễ cầu siêu có hiểu biết về ý nghĩa Phật giáo của khóa lễ này.
          Bà Tâm ở phố Khương Trung (quận Thanh Xuân) làm lễ cầu siêu cho vong linh người chồng quá cố của mình nói: “Nhà này ai mất cũng đưa lên chùa cả thôi. Người ta làm thì chúng tôi cũng làm, coi như khỏi áy náy”.
           Chị Hồng ở phố Thái Hà (quận Đống Đa) làm lễ cầu siêu cho vong linh mẹ chồng thì cho rằng: “Thôi thì đưa cụ lên chùa để cụ bà được ở gần cụ ông” (vì trước đây gia đình đã đưa vong linh bố chồng chị lên gửi tại bàn thờ Vong của chùa Phúc Khánh).
Bác An ở phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) đến tham dự đàn lễ cầu siêu cho vong linh anh trai mình trả lời chúng tôi: “Sau này nếu tôi mất, cũng chỉ mong bọn chúng nó đưa tôi lên chùa thế này, may ra còn có người hương khói. Ở nhà, chả biết tới ngày giỗ chúng nó có nhớ nữa hay không?”.
Theo quan sát của chúng tôi, buổi lễ cầu siêu tại chùa Phúc Khánh vì có nhiều gia đình tham dự nên số lượng người tới chùa khá đông. Nếu chỉ tính trung bình một khóa lễ tổ chức cho khoảng 8 gia đình, mỗi gia đình có hơn 10 người tới chùa thì con số đã lên tới hàng trăm người.
 Không gian tổ chức của khóa lễ chật chội nên thân nhân của các vong linh đứng ngồi phía ngoài sân trước của chùa đông hơn so với bên trong (tiền đường và chính điện).
Vào lúc 9h sáng, mỗi gia đình có một hoặc hai người đại diện tới chịu lễ. Chậm 30 phút so với thời gian bắt đầu tiến hành khóa lễ, các thành viên không chỉ họ hàng mà bao gồm cả những người là con đẻ của vong linh (đáng lẽ phải có mặt từ rất sớm mới kéo nhau đến chùa.. Họ nói chuyện riêng, nhắn tin, nghe điện thoại, cho con ăn bột… tóm lại là làm những việc không liên quan đến nghi lễ. Chỉ tới khi bên trong chính điện có tiếng niệm Nam mô A Di Đà Phật thì họ ê a đọc theo, vái ba cái lấy lệ. Hiện tượng này xảy ra trong suốt 5 khóa lễ mà chúng tôi tận mắt chứng kiến.