Trang chủ Nghiên cứu Thực trạng nghi lễ Phật giáo hiện nay – phần 3

Thực trạng nghi lễ Phật giáo hiện nay – phần 3

413

Tiến trình của một lễ rước vong lên chùa tại Chùa Phúc Khánh

          Nhìn chung, ở Hà Nội hiện này, mỗi gia đình khi có người thân mất đi, ngoài việc lo tổ chức đám tang, con cháu, họ hàng còn phải lên kế hoạch cho những nghi thức liên quan đến việc gửi gắm vong linh của mình vào nương nhờ cửa Phật.
 
Nhiều gia đình có sự chuẩn bị từ trước, ngay từ lúc người bệnh đang lúc hấp hối đã thỉnh chư tăng về bên giường bệnh, tiến hành nghi thức trợ niệm để người thân của mình được thanh thản ra đi. Trong đám tang tổ chức tại nhà tang lễ, ở phần khâm liệm và nhập quan, gia đình cũng có thể thỉnh chư tăng tới tham dự, tiến hành trì Chú Đại Bi và niệm Phật để cầu Đức Phật gia hộ cho vong linh. Ba ngày kể từ thời điểm người thân mất đi, gia đình làm Lễ Phục hồn, sửa soạn lễ vật dâng cúng, thắp hương cho vong linh.
 
Sau khi mọi công việc của một đám tang hoàn tất, gia đình chuẩn bị cho đưa vong lên chùa. Dựa trên quan niệm về Thân Trung Ấm, cứ 7 ngày một lần, cảnh tượng lúc mất được tái hiện mà người ta làm lễ Tuần. Liên tục như vậy trong 7 tuần, kết thúc ngày thứ 49
 
Gia đình có người mất sẽ đến chùa đăng kí với ban hộ tự (giúp việc chùa), ghi tên vong linh cùng các thành viên trong gia đình vào một cuốn sổ riêng để bắt đầu tiến hành những việc cần chuẩn bị cho khóa lễ cầu siêu. Ở chùa Phúc Khánh, gia đình có người mất có hai lựa chọn:
 
– Chỉ đăng kí làm lễ cầu siêu – đưa vong lên chùa vào ngày thứ 49.
– Đăng kí làm lễ Tuần và lễ cầu siêu vào ngày thứ 49.
 
Với trường hợp thứ nhất là chỉ đăng kí làm lễ cầu siêu – rước vong lên chùa, mỗi gia đình đóng một khoản tiền 500 ngàn đồng. Ngày chủ nhật của tuần thứ 7 (hoặc tuần thứ 8), tùy theo ngày mất của vong linh, con cháu, họ hàng của người quá cố đến chùa dự khóa lễ cầu siêu chung.
 
Với trường hợp thứ hai là đăng kí làm lễ Tuần và lễ cầu siêu, mỗi gia đình ngoài nộp khoản tiền 500 ngàn đồng cho lễ cầu siêu, còn thêm 360 ngàn đồng để nhà chùa sửa soạn lễ cúng Tuần cho vong linh. Lễ cúng Tuần này chỉ bao gồm việc thắp hương và hoa quả, không có các nghi thức khác. Người thân của vong linh không nhất thiết phải tới chùa tham dự.
 
Đến ngày chủ nhật của tuần thứ 7 hoặc tuần thứ 8 kể từ ngày vong linh mất đi, gia đình tới chùa để dự khóa lễ cầu siêu, tiến hành những nghi thức rước vong lên chùa. Tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình, có thể đăng kí từ trước với nhà chùa để chuẩn bị mâm cơm chay để dâng cúng cho vong linh. Giá mỗi mâm cơm chay là 240 ngàn đồng. Xôi chè (gồm một bát, một đĩa) là 20 ngàn đồng. Ngoài ra, phía gia đình có thể mua thêm hoa quả, đồ mã để thắp hương cho vong linh, nhà chùa không quy định cụ thể.
 
Thời gian tiến hành
          Khóa lễ cầu siêu – rước vong tại chùa Phúc Khánh được tổ chức vào lúc 9h – 11h30 sáng chủ nhật hàng tuần.
 
– Thành phần tham dự khóa lễ cầu siêu
Thành phần tham dự trong 5 buổi lễ cầu siêu được tiến hành tại chùa Phúc Khánh mà người viết đã khảo sát cụ thể như sau:
– Ngày 01.03.2009: 2 nhà sư, 3 thầy cúng, 8 gia đình làm lễ 49 ngày và 5 gia đình làm lễ Tuần.
– Ngày 08.03.2009: 2 nhà sư, 3 thầy cúng, 12 gia đình làm lễ 49 ngày và 4 gia đình làm lễ Tuần.
– Ngày 15.03.2009: 3 nhà sư, 2 thầy cúng, 10 gia đình làm lễ 49 ngày và 5 gia đình làm lễ Tuần.
– Ngày 22.03.2009: 2 nhà sư, 2 thầy cúng, 9 gia đình làm lễ 49 ngày và 6 gia đình làm lễ Tuần.
– Ngày 29.03.2009: 2 nhà sư, 2 thầy cúng, 10 gia đình làm lễ 49 ngày và 7 gia đình làm lễ Tuần.
 
Thành viên tham gia khóa lễ thường đến muộn hơn so với giờ bắt đầu tiến hành buổi lễ. Điều này không làm ảnh hưởng tới những hoạt động phục vụ cho lễ cầu siêu đã và đang diễn ra tại chùa.
 
Những nội dung cần chuẩn bị trước khi tiến hành một khóa lễ cầu siêu
          Khóa lễ cầu siêu ở chùa Phúc Khánh chính thức tổ chức từ 9h – 11h30 mỗi buổi sáng chủ nhật hàng tuần. Tuy vậy, từ trước đó, những công việc cần chuẩn bị cho khóa lễ đã được phía nhà chùa và gia đình thỏa thuận với nhau để có thể cùng phối hợp tiến hành.
 
Về phía nhà chùa
Ở chùa Phúc Khánh cũng như nhiều ngôi chùa khác, hầu hết sự chuẩn bị cho khóa lễ này do các phật tử (chủ yếu là các cụ già, gọi là người chấp tác) đảm nhiệm.
 
Buổi chiều thứ bảy trước khi diễn ra khóa lễ, họ đến cửa hàng, mua sắm quần áo, sớ Tiếp linh, sớ Trạng mã và sớ Biểu âm cho vong linh theo số lượng mà các gia đình đăng kí. Buổi lễ ngày 01.03.2009 là 8 bộ quần áo (nam và nữ), 8 lá sớ Tiếp linh, 8 lá sớ Trạng mã, 8 lá sớ Biểu âm cho 8 gia đình làm lễ 49 ngày. Buổi lễ ngày 29.03.2009 là 10 bộ quần áo (nam và nữ), 10 lá sớ Tiếp linh, 10 lá sớ Trạng mã, 10 lá sớ Biểu âm cho 10 gia đình làm lễ 49 ngày.
 
Ngoài ra, họ còn mua hoa, quả, bánh kẹo và nguyên liệu cần thiết để làm cỗ mặn và cỗ chay cho 1 mâm quả dâng cúng Phật, 1 mâm cơm chay, 1 mâm cơm mặn.
 
Sáng sớm ngày chủ nhật, các Phật tử này thức dậy, nấu một nồi cháo hoa, chia ra từng bát nhỏ (số lượng tương ứng), bày sẵn lên mâm. Họ cũng nấu xôi nén vào khuôn thành từng chiếc oản. Xôi chè đã được nấu sẵn từ tối hôm trước, chỉ việc sắp lên mâm, cũng với số lượng tương ứng mà các gia đình đã đăng kí.
 
Một nhóm Phật tử chịu trách nhiệm nấu 2 mâm cỗ: 1 mâm cỗ chay và 1 mâm cỗ mặn. Mỗi mâm thường có khoảng 3 món thức ăn, 1 tô cơm, 1 bát canh, 2 món rau.
 
Một nhóm phật tử khác chịu trách nhiệm chuẩn bị nước tắm vong sẽ lấy ra từ kho những chiếc khay nhựa nhỏ (số lượng tương ứng với số vong linh 49 ngày). Trên mỗi khay đặt 3 bát nước: nước hương (nước rắc tàn hương), nước hoa (nước rải cánh hoa), nước gừng (gừng thái sợi hoặc gừng giã nhỏ).
 
Hoa cắm sẵn vào những chiếc lọ đặt tại các bàn thờ trong chùa.
 
Quả mua từ chiều hôm trước được bày lên mâm, tiền vàng tất cả đặt tại bàn thờ Tam Bảo.
 
Trước bàn thờ Vong bày sẵn một mâm cơm chay và một mâm cơm mặn. Bài vị của các vong linh 49 ngày (có ghi rõ tên, tuổi, ngày tháng năm mất, địa chỉ của gia đình vong linh) do một phật tử già mang cắm vào những chiếc lọ trên bàn thờ Vong. Bánh kẹo được bày trong một chiếc mâm đặt ở bàn thờ Vong. 
 
Về phía gia đình
          Hầu như các gia đình sau khi đã nộp tiền để nhà chùa tổ chức lễ cầu siêu cho thân nhân của mình không cần chuẩn bị thêm lễ vật gì khác. Tùy theo sự thành tâm của mỗi cá nhân hoặc gia đình, trong ngày làm lễ cầu siêu họ có thể mua thêm hoa, quả, hương và một ít đồ mã để hóa cho vong linh.
 
Tuy nhiên nhà chùa cũng lưu ý họ không nên mang tới quá nhiều vàng mã vì ở chùa Phúc Khánh không khuyến khích điều này.
 
Vào buổi sáng chủ nhật theo lịch nhà chùa hẹn từ trước, người thân của vong linh được yêu cầu đến trước 9h để sẵn sàng cho việc tham dự khóa lễ. Thành viên trong gia đình nên có mặt đầy đủ. Đối với những trường hợp làm lễ 49 ngày cho vong linh, tùy mối quan hệ với người đã mất mà người thân đeo khăn tang trắng hoặc vàng.
 
Một số lưu ý
 
Trong quá trình khảo sát điền dã 5 khóa lễ cầu siêu tổ chức tại chùa Phúc Khánh cũng như tìm hiểu về những lễ cầu siêu ở một số ngôi chùa khác, người viết nhận thấy nội dung khóa lễ ở chùa Phúc Khánh có một số điểm khác biệt, ví dụ như:
 
Thông thường ở những ngôi chùa khác, khóa lễ cầu siêu cho trường hợp gia đình có người thân mới mất trong vòng 49 ngày chỉ sẽ được tổ chức đúng vào ngày thứ 49, riêng từng gia đình.Tuy nhiên, ở chùa Phúc Khánh, khóa lễ này chỉ diễn ra vào ngày chủ nhật hàng tuần. Vì vậy, vào mỗi chủ nhật, tại chùa, những gia đình có người thân mất trong vòng trên dưới 49 ngày đã đến đăng kí gửi vong lên chùa được tập trung lại, tổ chức một khóa lễ cầu siêu tập thể.
 
          Do ở chùa Phúc Khánh chỉ tổ chức cúng Tuần và cầu siêu cùng vào ngày chủ nhật nên trong một khóa lễ như vậy, các gia đình tham dự có thể có người thân mất vào dịp 49 ngày, có thể có người thân mới mất khoảng một vài tuần. Điểm khác nhau dễ nhận thấy nhất trong thành phần tham gia khóa lễ là những gia đình có người thân mất được khoảng 49 ngày sẽ mang theo một ít đồ mã và hoa quả để thắp hương cho vong linh. Họ đeo khăn tang màu trắng (hoặc vàng, phụ thuộc vào quan hệ với vong linh). Những gia đình chỉ dự lễ Tuần thường không mang theo đồ lễ và không đeo khăn tang.
 
Tương ứng, phía nhà chùa cũng chỉ chuẩn bị bài vị, sớ và những lễ vật cần thiết cho vong linh đã mất khoảng 7 – 8 tuần. Khi tiến hành khóa lễ cũng chỉ đọc tên vong linh đó và các thành viên trong gia đình của vong linh. Những gia đình làm lễ Tuần tự mình khấn vọng cho vong hồn người quá cố.       
 
– Quang cảnh của một buổi lễ cầu siêu
 
          Do tính chất của khóa lễ cầu siêu, các hoạt động chủ yếu chỉ diễn ra tại hai khu vực là phía trước bàn thờ Tam Bảo và phía trước bàn thờ Vong.
 
–  Tại bàn thờ Tam Bảo (ở giữa chính điện)
 
          – Phía trên của bàn thờ Tam Bảo, chính giữa là tượng Thích Ca Sơ Sinh. Hai bên là hai hàng giá nến lớn từ cao xuống thấp, gồm 12 ngọn nến. Bên cạnh hàng nến bên phải là một mâm 20 xôi oản. Bên cạnh hàng nến bên trái là một mâm đặt nải chuối lớn. Dưới chân những giá đỡ mâm có một đĩa bánh và một đĩa cam. Trên bàn thờ còn có 4 lọ hoa hồng, chia đều sang hai bên.
Tại chiếc bàn kê liền kề với bàn thờ Tam Bảo, đặt 1 lọ hoa cúc vàng cắm xen lẫn với hoa hồng. Những loại hoa này được tự ý lựa chọn, không có quy định cụ thể. Hai bên lọ hoa là 3 đĩa quýt do nhà chùa chuẩn bị. Các gia đình nếu muốn thắp hương thêm thì có thể bày hoa quả lên vị trí đó để dâng cúng vong linh nhà mình.
 
Tại bàn thờ Vong (ở gian ngoài cùng phía bên trái của tiền đường)
          Phía trên bàn thờ Vong bày ảnh của các vong linh. Bài vị ghi tên, tuổi, ngày mất của vong linh 49 ngày và địa chỉ gia đình cắm trong những chiếc lọ bày xung quanh bàn thờ. Chính giữa bàn thờ là một đĩa đặt nải chuối, quýt. Chiếc bàn phía trước bàn thờ Vong để chuông, mõ, hương kèm theo một đĩa quả. Phía dưới là hai mâm cơm chay và cơm mặn đặt trên hai chiếc ghế.
 
Trên nền đất phía dưới bàn thờ Vong có trải chiếu, bên trên bày một mâm quần áo cho vong linh, một mâm cháo, một mâm bánh kẹo.
Nội dung của khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa
Tiến trình của một khóa lễ cầu siêu cơ bản (theo Khoa cúng thông dụng – tài liệu lưu hành nội bộ, Phật Lịch 2546) bao gồm:
+ Tiếp linh (tuyên sớ Tiếp linh)
+ Cúng Phật (tuyên sớ Phật âm)
+ Triệu linh
+ Tắm vong và hóa mã (tuyên sớ Trạng mã)
+ Quy y vong
+ Tụng kinh A Di Đà
+ Tuyên sớ Biểu âm
+ Cúng chúc thực (tuyên sớ Cấp vong), Cúng thí thực
Tại chùa Phúc Khánh, vì nhiều lý do (người viết sẽ trình bày giả thuyết của mình ở phần phân tích trong phần sau của đề tài này), có sự thay đổi vị trí của một số khoa cúng, cũng như lược bớt vài phần tuyên sớ, cụ thể là:
+ Tiếp linh (tuyên sớ Tiếp linh)
+ Triệu linh
+ Tắm vong và hóa mã (không tuyên đọc sớ Trạng mã mà chỉ hóa kèm trong đồ mã chuẩn bị chung cho các gia đình)
+ Cúng Phật (không sử dụng sớ Phật âm)
+ Quy y vong
+ Tụng kinh A Di Đà
+ Tuyên sớ Biểu âm
+ Cúng chúc thực (không sử dụng sớ Cấp vong), không Cúng thí thực
 
Phần trình bày về nội dung của một khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa dưới đây tập trung vào những hoạt động diễn ra tại chùa Phúc Khánh, có so sánh đối chứng với những khóa lễ tương ứng ở những nơi khác. (còn tiếp)